Tin xấu với đồng nhân dân tệ

Bắc Kinh đã ấn định tỷ giá tham chiếu cho đồng nhân dân tệ ở mức yếu nhất trong 2 năm. Động thái này sẽ khiến đà suy yếu của đồng tiền này nghiêm trọng hơn nữa.

Theo Bloomberg, lần đầu tiên trong vòng 2 năm, Trung Quốc để tỷ giá tham chiếu cho đồng nhân dân tệ cao hơn ngưỡng 6,9 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Cụ thể, ngày 6/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ấn định tỷ giá 6,9096 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức cao nhất trong vòng 2 năm. Như vậy, đồng tiền Trung Quốc đang rẻ nhất so với đồng bạc xanh kể từ năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ giá tham chiếu vẫn thấp hơn dự báo của giới quan sát trong 10 ngày liên tiếp.

 Lần đầu tiên trong vòng 2 năm, Trung Quốc để tỷ giá tham chiếu cho đồng nhân dân tệ cao hơn ngưỡng 6,9 nhân dân tệ đổi 1 USD. Ảnh: Reuters.

Lần đầu tiên trong vòng 2 năm, Trung Quốc để tỷ giá tham chiếu cho đồng nhân dân tệ cao hơn ngưỡng 6,9 nhân dân tệ đổi 1 USD. Ảnh: Reuters.

Sức ép từ các đợt nâng lãi suất của Mỹ

Động thái của PBoC sẽ dẫn tới sự suy yếu hơn nữa của đồng nhân dân tệ. "Việc ấn định tỷ giá trên mức 6,9 nhân dân tệ đổi 1 USD cho thấy PBoC không phòng vệ trước bất cứ ngưỡng tỷ giá nào. Tuy nhiên, theo tỷ giá tham chiếu của PBoC, đồng nhân dân tệ vẫn mạnh hơn dự kiến", bà Peiqian Liu - chuyên gia kinh tế tại NatWest Markets - bình luận.

Ngưỡng 6,9 nhân dân tệ đổi 1 USD có ý nghĩa quan trọng, bởi đây được coi là rào cản cuối cùng trước khi đồng tiền Trung Quốc vượt qua mốc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Bắc Kinh đã quyết liệt bảo vệ ngưỡng tỷ giá này.

Tháng 8/2019, khi PBoC ấn định tỷ giá USD/nhân dân tệ cao hơn 6,9, đồng nhân dân tệ được giao dịch ở nước ngoài đã lao dốc 1,8% trong vỏn vẹn một ngày.

Đồng nhân dân tệ vẫn chịu sức ép lớn khi PBoC đi ngược với xu hướng của các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, và được dự báo sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 9.

Theo giới quan sát, điều này có thể thúc đẩy dòng tiền chảy khỏi Trung Quốc. Xu hướng đó đi ngược với những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ổn định tiền tệ.

Tính đến tháng 8, đồng nhân dân tệ đã suy yếu trong 6 tháng liên tiếp. Kể từ đầu năm, đồng tiền Trung Quốc sụt giảm 8% so với đồng bạc xanh.

Theo dự báo của các ngân hàng đầu tư, bao gồm Societe Generale, Nomura Holdings và Bank of America, đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá và vượt mốc tâm lý quan trọng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD trong năm nay.

Còn theo cuộc khảo sát MLIV Pulse của Bloomberg, hơn 60% người được hỏi cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ vượt ngưỡng 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Nền kinh tế chao đảo

Sự sụt giảm của đồng tiền cũng sẽ ảnh hưởng đến đồng yen của Nhật Bản, đồng won của Hàn Quốc, đồng baht của Thái Lan và đồng ringgit của Malaysia, vốn đã chịu sức ép từ các đợt nâng lãi suất của Mỹ.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đang chao đảo vì các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản. Vào quý II, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với một năm trước đó.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) cho thấy hoạt động của các nhà máy đang suy giảm, tăng trưởng tín dụng giảm tốc đáng kể, doanh số bán lẻ lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Chỉ số quản lý thu mua trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc - do Caixin công bố - đã giảm từ 55,5 điểm trong tháng 7 xuống 55 điểm vào tháng 8.

Hôm 4/9, Trung Quốc gia hạn lệnh phong tỏa đối với một số quận tại Thành Đô - một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc. Kể từ ngày 1/9, hơn 21 triệu cư dân ở Thành Đô được yêu cầu "ở nhà theo quy định".

Thành Đô hiện chiếm 1,7% GDP của Trung Quốc và là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ và hãng sản xuất xe lớn như Toyota Motor và Volkswagen Group China.

Ngoài Thành Đô, một số thành phố lớn khác như Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Đại Liên và nhiều khu vực ở Thâm Quyến cũng đang siết chặt các hạn chế để chống dịch.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tin-xau-voi-dong-nhan-dan-te-post1352624.html