Tin vui với kinh tế Mỹ

Thước đo yêu thích của Fed chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Điều này có thể cho phép ngân hàng trung ương nhẹ tay hơn trong việc tăng lãi suất.

 Nếu tính cả giá năng lượng và thực phẩm, trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Nếu tính cả giá năng lượng và thực phẩm, trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 1/12, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - trong tháng 10 đã tăng 0,2% so với một tháng trước đó và 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của giới quan sát.

Trong tháng 9, PCE tăng lần lượt 0,5% và 5,2%.

Nếu tính cả giá năng lượng và thực phẩm, PCE tăng 0,3% so với tháng 9 và 6% so với cùng kỳ năm 2021. Tháng trước, mức tăng hàng năm của chỉ số này là 6,3%.

Lạm phát đang hạ nhiệt

Theo báo cáo, thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng 0,7% so với tháng trước, cao hơn nhiều ước tính 0,4% của Dow Jones. Chi tiêu tăng 0,8% như dự kiến.

Trong tháng 11, chỉ số sản xuất của Viện Quản lý cung ứng (ISM) ở mức 49%, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với tháng 10 và đánh dấu mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi.

Chỉ số sản xuất của Mỹ lao dốc chủ yếu do lượng đơn hàng đặt trước và nhập khẩu sụt giảm. Trong khi đó, chỉ số giá giảm 3,6 điểm xuống 43%; chỉ số việc làm mất 1,6 điểm còn 48,4%.

Các dữ liệu được công bố vào ngày 1/5 là một "báo cáo vàng". Bởi nó cho thấy lạm phát cơ bản tiếp tục hạ nhiệt

Ông Chris Zaccarelli - Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance

"Các dữ liệu được công bố vào ngày 1/5 là một 'báo cáo vàng'. Bởi nó cho thấy lạm phát cơ bản tiếp tục hạ nhiệt", ông Chris Zaccarelli - Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance - bình luận.

"Các thị trường sẽ bật tăng nếu lạm phát tiếp tục giảm. Bởi giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không cần đẩy lãi suất lên cao, hoặc giữ lãi suất ở mức cao như những dự báo trước đó", ông giải thích.

Fed dùng nhiều thước đo để đánh giá tình hình lạm phát. Nhưng PCE là thước đo yêu thích của cơ quan này. Bởi chỉ số tính toán những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, chẳng hạn chuyển sang các mặt hàng rẻ tiền hơn.

PCE khác với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vốn chỉ là thước đo thô về sự thay đổi trong giá cả. Các nhà hoạch định cũng coi lạm phát cơ bản là thước đo đáng tin cậy hơn. Bởi giá lương thực và năng lượng có xu hướng dao động nhiều hơn những mặt hàng khác.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, CPI tháng 10 của Mỹ tăng là 0,4% so với tháng trước và 7,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo 0,6% và 7,9% từ Dow Jones.

Vẫn còn một chặng đường dài

Trong bài phát biểu hôm 30/11, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - cho rằng xét về ngắn hạn, các dữ liệu có thể đánh lừa. Vị chủ tịch khẳng định cần nhiều dữ liệu hơn nữa.

"Cần nhiều bằng chứng hơn nữa để khẳng định rằng lạm phát đang thực sự hạ nhiệt. Xét trên bất cứ tiêu chuẩn nào, lạm phát vẫn còn quá cao", ông nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Viện Brookings.

Trong bài phát biểu, ông Powell cũng xác nhận ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng chính sách tiền tệ vẫn sẽ thắt chặt cho đến khi cuộc chiến chống lạm phát có những bước tiến đáng kể.

"Đã có những bước tiến đầy hứa hẹn, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước để bình ổn giá cả", ông Powell khẳng định.

Theo dữ liệu của CME Group, thị trường định giá khoảng 65% khả năng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12, sau 4 lần nâng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.

Kể từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tin-vui-voi-kinh-te-my-post1381166.html