Tin vui: không cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo đến khi có chính sách lương mới

Đây có lẽ là thông tin vui nhất đối với hơn 1 triệu nhà giáo đang công tác trên mọi miền đất nước trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Sáng ngày 15/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp mặt với 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020.

Điều đáng chú ý là trong buổi gặp mặt này thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin: “Mới đây, Bộ giáo dục và Đào tạo đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý và giao cho Chính phủ triển khai thực hiện”.

Đây có lẽ là thông tin vui nhất đối với hơn 1 triệu nhà giáo đang công tác trên mọi miền đất nước trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Giáo viên sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi có chính sách lương mới (Ảnh minh họa: TTXVN)

Giáo viên sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi có chính sách lương mới (Ảnh minh họa: TTXVN)

Niềm vui của đội ngũ nhà giáo trên cả nước

Theo Luật Giáo dục năm 2019 phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ không còn kể từ ngày 1/7/2020 và thực tế là trong tháng 7 vừa qua đã có một số địa phương tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo khiến cho nhiều giáo viên ở các địa phương lo lắng.

Bởi, phụ cấp thâm niên nhà giáo đối với những giáo viên mới vào nghề thì không nhiều nhưng đối với những thầy cô có thâm niên trong ngành lâu năm thì đó là một khoản thu nhập đáng kể hàng tháng.

Số tiền ấy góp phần trang trải cuộc sống gia đình trong lúc kinh tế đang tương đối khó khăn là điều rất cần thiết.

Nhất là khi Chính phủ đã đề nghị và đã được Quốc hội đồng ý hoãn tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng vào ngày 1/7/2020 nên nếu cắt thâm niên nữa thì thu nhập của số đông nhà giáo sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Dù ai cũng biết Luật Giáo dục năm 2019 đã có hiệu lực nhưng vì yếu tố khách quan là lương cơ sở không tăng theo lộ trình, bảng lương trả theo vị trí việc làm vào năm 2021cũng chưa có thể thực hiện nên đội ngũ nhà giáo trên cả nước rất mong được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi có bảng lương mới.

Chưa có hướng dẫn, cớ sao lại cắt phụ cấp thâm niên giáo viên?

Vậy nên, trong mấy tháng qua nhiều nhà giáo vẫn thấp thỏm lo âu vì phụ cấp thâm niên của mình liệu có được duy trì cho đến khi có chính sách lương mới hay sẽ bị cắt theo Luật Giáo dục năm 2019?

Chính vì vậy, thông tin “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý và giao cho Chính phủ triển khai thực hiện” việc duy trì phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đến khi có chế độ lương mới có lẽ là món quà lớn nhất cho đội ngũ nhà giáo trước thềm ngày 20/11 năm nay.

Duy trì phụ cấp thâm niên giáo viên đến khi có chế độ bảng lương mới là rất cần thiết

Thực ra, khi đã xác định theo đuổi nghề giáo viên thì không nhiều người nghĩ đến chuyện giàu có, vì từ trước đến nay đã có mấy nhà giáo giàu có từ những đồng lương đi dạy học đâu?

Những thầy cô có điều kiện “sống được” đa số là những người có vợ, hoặc chồng làm ở một lĩnh vực khác hay phải làm thêm bằng các nghề khác nữa.

Hoặc phải là những thầy cô có thể dạy thêm ở nhà nhưng số thầy cô có thể dạy thêm cho học trò không nhiều, chỉ tập trung ở những khu vực đô thị, còn ở quê thì nhiều khi kéo học sinh vào trường dạy phụ đạo miễn phí các em còn không đến.

Vì thế, sự giàu có của người thầy thường được tính bằng sự trưởng thành của học trò và sự tích lũy tri thức qua hàng năm mà thôi (cho dù đây cũng chỉ suy nghĩ tự an ủi của người thầy).

Chính vì thế, nhà giáo cũng cần sự ổn định các khoản thu nhập để có thể sống được với đồng lương chân chính của mình mà tập trung tất cả thời gian cho chuyên môn giảng dạy.

Nếu cắt thâm niên nhà giáo lúc này, chúng tôi chẳng biết sẽ xoay sở thế nào?

Thế nhưng, từ đầu năm 2020 cho đến nay, tình hình kinh tế đất nước có những khó khăn nhất định do dịch bệnh, thiên tai xảy ra liên tiếp và đội ngũ nhà giáo cũng không nằm ngoài những tác động này.

Đa số nhà giáo chỉ sống bằng đồng lương đi dạy, không có thu nhập ngoài lương mà hàng tháng thường xuyên phải ủng hộ, đóng góp các loại quỹ do địa phương, nhà trường phát động.

Vậy nên, số lương ít ỏi của mình cũng thường phải san sẻ với những công việc thiện nguyện.

Cũng vì vậy mà đội ngũ nhà giáo mong muốn trong khi lương cơ sở chưa tăng thì Chính phủ tiếp tục duy trì việc chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo cho vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống.

Bây giờ, thông tin phụ cấp thâm niên của nhà giáo được duy trì đến khi có chế độ lương mới đã được người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ trong buổi Chủ tịch Quốc hội gặp mặt nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Đây có thể được xem là thông tin vui nhất, món quà ý nghĩa nhất trong những ngày mà cả nước đang hướng về ngày 20/11.

Lê Văn Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tin-vui-khong-cat-phu-cap-tham-nien-nha-giao-den-khi-co-chinh-sach-luong-moi-post213652.gd