Tin vào truyện ngắn

Ấn tượng đọc Tuyển tập tác phẩm văn học in trên Nhân Dân cuối tuần - 30 năm truyện ngắn.

30 năm, ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần đã trải qua một chặng đường khá dài. Vấn đề văn chương được quan tâm, trong đó mảng truyện ngắn xuất hiện liên tục trên các số báo. Có một nhận xét, theo chúng tôi có thể gây tranh luận: “Văn xuôi là mặt tiền của văn học đổi mới, truyện ngắn là mặt tiền của mặt tiền”(!?). Giới phê bình đã, đang và sẽ nói về sự “lên ngôi”, “được mùa” của truyện ngắn trong sáng tác văn học đương đại. Truyện ngắn hiện diện mọi nơi, mọi lúc, nhiều nhất trên báo chí. Những cuộc thi truyện ngắn được mở ra liên tục và thu nhiều kết quả khả quan. Ai đó nói chí lý về “thời của tiểu thuyết”, theo chúng tôi, cũng có thể nói về “thời của truyện ngắn” như một phương diện chính yếu của văn học đương đại.

Nhận diện 30 truyện ngắn in trên Nhân Dân cuối tuần

Tuyển tập tác phẩm văn học in trên Nhân Dân cuối tuần, tuyển chọn chỉ 30 tác phẩm. Ít chăng? Không ít, nếu nhìn nhận theo quy luật sáng tạo nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tác giả nào “đứng chân” được trong tuyển tập này? Họ thuộc thế hệ nào? Quan trọng hơn cả họ mang tới tiếng nói nghệ thuật mới mẻ nào? Thông điệp nào được gửi tới bạn đọc qua tác phẩm? Đó là mối quan tâm hàng đầu của công chúng nghệ thuật khi nâng niu một ấn phẩm văn học mới vào dịp đầu Xuân trên một tờ báo lớn nhất của cả nước.

Quan sát thực tiễn văn học đương đại chúng ta sẽ thấy một đặc điểm: Người viết văn xuôi/truyện ngắn cần phải trải nghiệm, “sống đã rồi hãy viết” như là một phương châm sáng tác khác với thói quen “viết đã rồi hãy sống” của một số cây bút trẻ non tay nào đó cứ thế vội vã bước ào vào trường văn trận bút. Dường như đang có cuộc thi đua giữa già và trẻ trong đời sống xã hội nói chung, sáng tác văn học nói riêng. Tuy nhiên “già” và “trẻ” nói ở đây chỉ là tương đối về tuổi tác, quan trọng hơn là nhiệt huyết, là con mắt xanh nhìn đời, nhìn người. Có vẻ như trong lĩnh vực văn học người có tuổi thì bền bỉ, người ít tuổi thì chín sớm (!?). Người già hay “ôn nghèo kể khổ”, hay hồi cố, sống nặng với dĩ vãng (nhưng là một “dĩ vãng phía trước”). Người trẻ thì “chăm bẵm” mình như một cá thể lúc nào cũng cựa quậy, bứt phá.

Sức mạnh của tình thương là chủ đề nổi bật trong truyện ngắn của những cây bút già dặn và lịch lãm như Nguyễn Dậu, Ngô Văn Phú, Ma Văn Kháng, Dương Duy Ngữ, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Đỗ Kim Cuông, Đỗ Thị Hiền Hòa, Phạm Thành Hưng, Phan Đình Minh, Võ Thị Xuân Hà, Huỳnh Thạch Thảo,...Một văn tài thế giới đã xác tín “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Nhưng trong thời đại kỹ trị thì câu đó có thể đổi thành “Tình thương cứu rỗi thế giới”. Nguyễn Dậu trong truyện Góc bể chân trời đã kể một câu chuyện cảm động về tình người (qua nhân vật “Tôi”): “Tôi nương náu tấm thân côi cút ở xóm nghèo bến sông đền Ghềnh”. Nếu không có sự cưu mang đùm bọc của đồng bào thì sẽ không có câu chuyện sau này được kể lại. Câu chuyện về nghĩa cử, tương thân tương ái của những con người bình thường, thậm chí vô danh được kể lại bằng sự run bật của cảm xúc. Đề cao tình nghĩa như một sức mạnh tinh thần, một phẩm hạnh là điểm sáng trong những truyện ngắn của các cây bút lớn tuổi.

Nhưng tình thương đôi khi không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa người với người, nó có thể vượt rào, chạm tới những sinh vật nhỏ bé, bạn của con người như Ma Văn Kháng viết uyển chuyển, tinh tế trong truyện Mèo con nghịch ngợm. Đó là câu chuyện về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với muôn loài động vật (một con mèo có tên Kết) đều có số phận như con người: “Kết đã xuất hiện, đã biến vào vô tăm tích như để chứng minh cho cái bí nhiệm thực đã sự hiện hữu ở cuộc đời này. Kết, một số phận không thể lý giải được, một tính cách đầy khuyết tật. Nhưng phải chăng, cũng giống như nhiều sinh thể, nó cũng để lại được vài thao tác được thế gian này thừa nhận là có ý nghĩa?”. Đó là một cách triết luận về nhân sinh thông qua thế giới loài vật. Phạm Thành Hưng trong truyện Chuyện cũ về nuôi chó cảnh đã kể một câu chuyện bề ngoài có vẻ hài hước kiểu Azit Nê-xin (nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng bên trong là sự thổn thức với nhân tình thế thái. Tiếng cười nhẹ nhàng nhưng thâm thúy bật lên khi đọc đến câu cuối. Truyện đề cao tình nghĩa thầy trò “ngày xưa”, khác hẳn cái chiều hướng phai nhạt hôm nay nếu mỗi người chúng ta không biết giữ gìn thuần phong mỹ tục “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên”.

Thể hiện cái “tôi” về phía bản ngã thường thấy trong truyện của các cây bút trẻ như Nguyễn Phương Liên, Phong Điệp, Hoàng Hải Lâm, Đinh Phương, Lý A Kiều, Nguyệt Chu, Hoàng Công Danh, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyễn Thị Kim Hòa,... Hướng nội là cách tiếp cận hiện thực đời sống của các cây bút trẻ, họ nghiêng về khai thác, thể hiện chính bản thân mìnhvới tâm thế “vị kỷ trung tâm”. Cách viết này phản ánh xu hướng vận động của văn học hiện nay đi từ miêu tả “tập thể” đến “cá thể” và đích cuối là khám phá “bản ngã”, “nhân cách”. Nhưng nên chăng cần tránh tình trạng “giỏi thêu thùa cho bản thân, kém vá may cho người khác”. Trong truyện Mưa trong thành phố, Đinh Phương xây dựng nhân vật Z (theo phương thức ký hiệu hóa) tìm cách thoát ra khỏi giấc mơ: “Ra khỏi giấc mơ, Z đứng dậy mở rèm cho ánh sáng ùa vào (...). Sự bình yên nơi góc sâu nhất tâm hồn giống với liều thuốc an thần cực mạnh”. Từ trường hợp này có thể rút ra một thực tế nghịch lý - các cây bút có tuổi lại luôn bấu chặt vào đời sống vốn không bao giờ chán nản, nhìn đời bằng “con mắt xanh”, trong khi các cây bút trẻ lại hay suy tư, dằn vặt trong sự tìm kiếm ý ghĩa của sự sống. Họ dường như già trước tuổi, có phải do áp lực đời sống hiện nay, hay do quan niệm văn học là ý thức về cái khác (?!).

Tin vào truyện ngắn

Có những câu chuyện trong đời sống đẹp đến mức tất cả phải thốt lên: “Tin ở hoa hồng”. Chúng tôi muốn từ điểm tựa này, từ tuyển tập truyện ngắn chọn lọc trong suốt 30 năm qua, kể từ khi ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần ra số đầu, nói về một hy vọng tin vào truyện ngắn. Tại sao không (?!). Truyện ngắn là một thể loại văn học linh hoạt, đắc dụng, đại chúng trong thời đại của báo chí (ở ta hiện có gần 900 ấn phẩm báo chí). Mỗi tờ báo/tạp chí là một “sân chơi” cho người yêu thích viết và thưởng thức truyện ngắn (nó phù hợp với quỹ thời gian nhàn rỗi ngày càng eo hẹp, phù hợp với cơ chế đọc trong thời đại văn hóa nghe - nhìn). Mỗi tác giả văn xuôi thường lấy truyện ngắn làm bệ phóng, từ đó tích lũy kinh nghiệm nghệ thuật để viết tác phẩm dài hơi hơn (truyện vừa và tiểu thuyết). Truyện ngắn chưa bao giờ là “bài tập văn chương” hay chỉ là “súng lục dao găm”, chuyên đánh gần như ai đó nghĩ thiển cận. Truyện ngắn là nghệ thuật cao cường. Văn học thế giới và Việt Nam đã cung cấp bằng chứng về những tác giả thành danh chỉ nhờ viết truyện ngắn như Mô-pát-xăng (Pháp), Sê-khôp (Nga), Lỗ Tấn (Trung Quốc), O. Hen-ry (Mỹ), Nam Cao, Nguyễn Công Hoan (Việt Nam),...Những tác giả trẻ viết văn xuôi gần đây đã bắt đầu văn nghiệp bằng truyện ngắn (Phong Điệp, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hoàng Công Danh, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyệt Chu,...). Bằng chứng sinh động gần đây nhất là Nguyễn Ngọc Tư đã bước ra quỹ đạo thế giới bằng tập truyện Cánh đồng bất tận (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2006 và Giải thưởng Liberaturpreis do Litprmom - Hiệp hội Quảng bá văn học Châu Á, Châu Phi, Mỹ Latin - tại Đức bình chọn, năm 2018). Trước đó nhiều năm Lê Minh Khuê đã mang truyện ngắn của mình “đổ bộ” đến nhiều nước (Mỹ, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc,...).

Nói tin vào truyện ngắn là có cơ sở lý thuyết và thực tiễn văn học. Hơn hết, truyện ngắn là thể loại văn học phù hợp với khiếu thẩm mỹ của cả người sáng tác, cả người thưởng thức Việt khi cái đẹp được miêu tả có tính chất “phải khoảng” (từ dùng của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu). Đó là cái đẹp trong quy mô vừa phải, xinh xắn, uyển chuyển, duyên dáng mà người Việt Nam từ lâu ưa thích. Bạn đọc sẽ tiếp tục được thưởng thức những truyện ngắn như thế, trên ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần.

Bùi Việt Thắng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tin-vao-truyen-ngan-67179