Tin tưởng và kỳ vọng

Báo chí được xem là cơ quan quyền lực thứ 4, là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và đã phát huy được vai trò của mình trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác đấu tranh chống tiêu cực. Bạn đọc tin tưởng và kỳ vọng gì vào báo chí?

Ông Dương Văn Huế. Ảnh: HT

Phó Trưởng Ban Tiếp Công dân Trung ương Dương Văn Huế:
Cầu nối giữa người dân với cơ quan công quyền

Thời gian qua, báo chí Việt Nam nói chung và Báo Thanh tra nói riêng đã góp một phần không nhỏ cùng Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và nhân dân cả nước trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN). Thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền về tất cả các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC và PCTN.

Qua những nội dung tuyên truyền này, đã góp phần giúp nhân dân hiểu rõ các quan điểm, chủ trương, pháp luật về tiếp dân, giải quyết KN,TC, sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi công dân nói riêng trong tiếp dân, giải quyết KN,TC và PCTN.

Bên cạnh việc đăng tải đầy đủ, rõ ràng các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, báo chí còn thể hiện sinh động những quan điểm, đường lối đó qua các tác phẩm báo chí, ở tất cả các loại hình báo chí.

Báo chí cũng đã tích cực phê phán hiện tượng tham nhũng, góp phần chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng tham nhũng và những hậu quả xã hội của hiện tượng tham nhũng; truyền đi thông tin do nhân dân cung cấp về những hiện tượng, sự việc có biểu hiện tham nhũng cũng như thông tin kịp thời, chính xác những vụ, việc tham nhũng đang được điều tra, xử lý… tích cực góp phần tạo dư luận xã hội để đấu tranh PCTN.

Thực tế cho thấy, không ít vụ việc tham ô, tham nhũng mà báo chí đưa ra công luận trong những năm qua là bắt nguồn từ sự phát hiện, tố giác của quần chúng. Nhiều vụ việc lớn báo chí đã phanh phui được, đem lại niềm tin, sự mong đợi của nhân dân. Cũng không ít vụ việc KN,TC kéo dài, qua kênh thông tin của báo chí, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trủ trì nhiều hội nghị, qua đó đã chỉ ra những bất cập trong cơ chế chính sách, pháp luật cũng như những thiếu sót, hạn chế của cơ quan chức năng trong việc giải quyết. Đồng thời, có những chỉ đạo cụ thể, các cơ quan chức năng vào cuộc và không ít vụ việc đã được làm rõ, người vi phạm đã bị xử lý, người dân thêm tin vào chính quyền hơn.

Cũng có thể nói, qua thông tin báo chí thấy rằng, vấn đề tiếp dân và giải quyết KN,TC ở thời điểm này đang là vấn đề nóng, nên ngay sau khi nhậm chức, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái đã chọn Ban Tiếp Công dân Trung ương là đơn vị đầu tiên để làm việc và nắm tình hình. Sau khi trực tiếp làm việc với các đơn vị, cục, vụ thuộc Thanh tra Chính phủ về việc phối hợp giữa các đơn vị trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư KN,TC, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái tiếp tục làm việc với Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương và có chỉ đạo cụ thể.

Nhờ được sự quan tâm sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, các cơ quan báo chí vào cuộc tích cực tuyên truyền về đường lối chính sách, pháp luật cũng như chỉ ra những thiếu sót, hạn chế, góp phần không nhỏ trong việc tiếp dân, giải quyết KN,TC thời gian qua, đem lòng tin đến người dân và các cấp chính quyền.

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin mượn câu “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để gửi tới các nhà báo. Lời chúc ấy cũng chính là sự kỳ vọng của công chúng, bạn đọc về những nhà báo sẽ tiếp tục “xung trận” để đem lại những tác phẩm báo chí - món ăn tinh thần lành mạnh, có chất lượng cho bạn đọc.

Mong rằng trong thời gian tới, báo chí Việt Nam nói chung và Báo Thanh tra nói riêng tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, tiếp tục tăng cường, trú trọng thông tin việc tiếp dân, giải quyết KN,TC và PCTN, góp phần làm ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự của địa phương, giúp người dân đặt niềm tin vào các cơ quan công quyền.

Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Hưng Yên Đỗ Văn Phóng:
Đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực

Ông Đỗ Văn Phóng. Ảnh: HT

Là độc giả nhiều tờ báo, tôi nhận thấy những năm gần đây báo chí nói chung và Báo Thanh tra nói riêng đã phát huy và khẳng định được vai trò và sức mạnh của mình trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đặc biệt là công tác giải quyết KN, TC và đấu tranh PCTN. Báo chí thực sự là diễn đàn của nhân dân, góp phần định hướng dư luận, nâng cao nhận thức về cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí và tiêu cực cho đông đảo quần chúng nhân dân, giữ gìn uy tín, nâng cao vai trò, vị thế của Đảng và Nhà nước trên mặt trận PCTN, lãng phí và tiêu cực.

Thời gian qua, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, PCTN. Thực tế cũng cho thấy, nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí phát hiện, giám sát. Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác giải quyết KN,TC và đấu tranh PCTN thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của báo chí. Qua đây cũng cho thấy đội ngũ những người làm báo ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò to lớn của báo chí trong cuộc đấu tranh PCTN và góp phần cổ vũ, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong cuộc đấu tranh này.

Thông qua báo chí, độc giả nói chung và cán bộ, công chức được trang bị thêm nhiều kiến thức cơ bản trong đấu tranh PCTN. Báo chí với các thể loại phong phú, đa dạng của mình đã có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, phản ánh sinh động thực tiễn, những vấn đề đặt ra từ cuộc sống người dân và cả những trở lực đang ngăn cản sự phát triển của đất nước...

Nhiều tác phẩm báo chí có những phân tích, lý giải sâu sắc các khía cạnh tham nhũng và cuộc đấu tranh PCTN. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác đấu tranh PCTN cùng những nguyên nhân của nó, để từ đó giúp các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Đối với Báo Thanh tra, thông qua các trang tin thời sự, chuyên đề, chuyên mục với nhiều hình thức phong phú đa dạng, đã luôn bám sát các sự kiện, phản ánh kịp thời các hiện tượng cũng như lột tả bản chất những mâu thuẫn xảy ra trong quá trình đổi mới, đi lên của đất nước và địa phương. Tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc xử lý, giải quyết đơn, thư KN,TC của công dân có nội dung liên quan đến công tác PCTN, lãng phí và tiêu cực.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin chúc những người làm báo nói chung và tập thể cán bộ, phóng viên Báo Thanh tra nói riêng luôn vững tay chèo để có những tác phẩm báo chí - món ăn tinh thần chất lượng và hiệu quả tới độc giả. Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, báo chí còn gặp không ít khó khăn, nhất là trong cuộc chiến PCTN, nhưng tôi tin rằng với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, những người làm báo chân chính luôn giữ bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm nghề nghiệp, nền tảng văn hóa, xứng đáng là những “chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Ông Vũ Duy Khương, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, Thái Bình:
Đem lại niềm tin và sự công bằng cho người dân

Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ có quy định về vai trò và trách nhiệm của báo chí trong công tác PCTN. Theo đó, trách nhiệm của báo chí là tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia PCTN; thông qua hoạt động nghề nghiệp tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN; tuyên truyền về công tác PCTN của các cơ quan, tổ chức. Đặc biệt là phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, động viên nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng và biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực của tập thể, cá nhân trong công tác PCTN; bảo vệ người TC hành vi tham nhũng. Lên án, đấu tranh với người có hành vi tham nhũng.

Trên thực tế, báo chí đã luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí phát hiện, giám sát. Nhiều vụ án điển hình được báo chí bám sát để đưa tin kịp thời... Công đầu phải nói đến là do báo chí phát hiện và cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Trong công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC, báo chí cũng đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật KN,TC đến với cán bộ, nhân dân, giúp cho đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật.

Báo chí cũng góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật KN,TC và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật KN,TC...

Nhiều người dân như chúng tôi khi đi khiếu kiện không được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết hoặc chỉ đạo các cấp, ban, ngành liên quan có trách nhiệm giải quyết dứt điểm. Nhiều nơi, người dân mang nỗi bức xúc của mình đến người có trách nhiệm lại không được tiếp đón. Chờ đợi mỏi mòn rồi lại "ôm" ấm ức ấy chạy vòng quanh cố tìm cách “kêu”. Khi đó, chúng tôi lại gõ cửa các cơ quan báo chí nhờ trợ giúp có tiếng nói, trong đó Báo Thanh tra đã luôn rộng cửa tiếp đón người dân và có những hướng dẫn cụ thể để chúng tôi tìm lại quyền lợi chính đáng của mình.

Báo Thanh tra thời gian qua đã có nhiều chuyên trang, chuyên mục đề cập đến nội dung KN của công dân cũng như kết quả giải quyết KN,TC của các cơ quan chức năng. Nhiều vụ việc KN của công dân chỉ đến khi báo chí vào cuộc, các cơ quan chức năng mới xem xét, giải quyết, đem lại niềm tin, sự công bằng cho người dân.

Nghề báo là một nghề vinh quang nhưng cũng không ít nhọc nhằn. Và những nhà báo chân chính sẽ làm cho nghề báo trở thành một nghề vô cùng cao quý và đáng trân trọng. Mong rằng các anh chị sẽ mãi giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề.

Nhiều người dân đã tin tưởng gửi gắm niềm tin tới các cơ quan báo chí. Ảnh: HT

Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Cù Thị Hậu:
Tôi đánh giá rất cao đóng góp của báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực

Hiện nay, số lượng bài viết về đề tài này khá nhiều, chứng tỏ đây là một vấn đề nóng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến xã hội.

Bản thân tôi đánh giá rất cao những đóng góp to lớn của báo chí, trong đó có Báo Thanh tra trong công cuộc đấu tranh PCTN. Bằng trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của mình, các nhà báo đã đi sâu, đi sát, có mặt trên mọi tuyến đầu nguy hiểm để đưa tin một cách chân thực, khách quan, sắc bén nhằm thông tin kịp thời tới nhân dân cả nước về các vụ án tham ô, cửa quyền, lãng phí… Đồng thời còn đưa những quyết sách, đường lối, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vấn nạn này giúp nhân dân thêm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.

Không những thế, qua những phân tích sâu sắc, phản biện tích cực của các nhà báo về các điểm nóng, những bức xúc trong nhân dân còn giúp các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng để giải quyết những vụ án lớn.

Theo tôi, dù thời chiến hay thời bình, mỗi nhà báo đều có tiếng nói quan trọng, đều có một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả trong việc nêu lên tiếng nói của lương tri, của đạo đức, luôn thấm nhuần tư tưởng vì nhân dân phục vụ và vì một xã hội tiến bộ văn minh hơn.

Tôi hi vọng, tin tưởng các nhà báo luôn giữ được tinh thần nhiệt huyết, giữ được ngòi bút công tâm, khách quan của mình để luôn là “đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng” góp phần đưa cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhanh chóng giành thắng lợi.

Nhà báo Nguyễn Đình Thanh, nguyên Trưởng Ban Biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam:
Nhà báo phải không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức

Tôi nghĩ rằng hơn lúc nào hết nền báo chí của chúng ta đã có tác dụng phát hiện và chống tham nhũng rõ rệt. Điều đó càng ngày càng được nhân dân, Đảng và Chính phủ thừa nhận và hoan nghênh. Có nhận xét rằng, những vụ việc về tiêu cực, tham nhũng, về lợi ích nhóm… hầu như phát hiện và nêu lên đều do các phương tiện thông tin đại chúng, rồi sau đó các cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc và làm cho rõ ra.

Qua thực tiễn, hiện nay, nhiều vụ việc, nhiều con người, nhiều tổ chức đã bị phơi bày ra ánh sáng, nhân dân mừng, tôi nghĩ rằng, Đảng cũng rất mừng. Những sự việc đó đã góp phần phanh phui tiêu cực, chặn đứng những nhân tố làm nghèo đất nước. Có người, có tập đoàn tham nhũng đến hàng nghìn tỷ đồng thì còn đâu tiền làm cho vùng sâu, vùng xa, vùng núi theo kịp thành phố.

Tôi nghĩ, làm được điều đó là do báo chí có đội ngũ hùng hậu, có mạng lưới rộng khắp, kể cả thường trú ở nước ngoài. Đội ngũ báo chí ngày nay đã ngày càng chuyên nghiệp hóa, tri thức, suy nghĩ và cách lý giải vấn đề ngày càng được nâng cao để biết đâu đúng, đâu sai, thậm chí yêu cầu các cơ quan Nhà nước điều tra, xét xử, vạch trần sai phạm.

Có điều tôi suy nghĩ, muốn đạt được kỳ vọng của nhân dân và Đảng thì nhà báo, nhất là Báo Thanh tra phải không ngừng học hỏi, để nâng cao kiến thức về chuyên môn, về tôn chỉ mục đích của báo mình, để khi nhìn vào hiện tượng biết được đâu là đúng đâu là sai.

Từ ngày Bác Hồ sáng lập Báo Thanh niên, Người luôn theo dõi báo chí và tham gia viết bài trên báo liên tục. Bác luôn dặn dò người làm báo có trái tim nóng, có cái đầu lạnh và tấm lòng trong sáng thì mới làm tốt. Nếu chỉ có trái tim nóng, đầu nóng, lòng lại không trong sáng thì mắc sai lầm, vội vàng quy chụp, mắc vào cạm bẫy, vật chất, làm mờ mắt, ngòi bút của mình bị bẻ cong, làm theo sự sai khiến không tốt đẹp. Điều đó là đáng tiếc và xảy ra không ít. Một số nhà báo đã phải ra đứng trước vành móng ngựa, một số phải vào trại bóc lịch, làm cho nhân dân mất lòng tin, ảnh hưởng xấu tới tờ báo mà mình phục vụ.

Nói về Báo Thanh tra, tôi thấy trong giai đoạn này đã có những bài viết sắc bén. Nhân dân và Đảng đã trông cậy vào những kết luận của các cơ quan như Ủy ban Kiểm tra của Đảng, của Thanh tra Chính phủ và các đoàn thanh tra chuyên ngành, thì phóng viên Báo Thanh tra là người có thể nói rất sát sườn với công tác này, được hòa mình trong ngành Thanh tra nên có nhiều điều kiện để phân biệt đúng sai, để nêu lên những điều cần làm, cần tránh.

Tôi nghĩ rằng, Báo Thanh tra có thể góp phần tích cực hiệu quả, nếu phóng viên Báo Thanh tra có cái nhìn thấu đáo, óc tinh tường thì những tin, bài sẽ đóng góp rất tốt cho công tác PCTN lúc này.

Cũng phải nói trong lúc này, những bài viết chống tham nhũng, tiêu cực tương đối thuận lợi là vì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chúng ta đều thấy giặc “nội xâm” đang tàn phá đất nước một cách tàn bạo, cho nên chưa bao giờ những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại nhiều như thế, nhiều vụ việc nặng đến thế. Có lẽ, chưa bao giờ có Ủy viên Bộ Chính trị phải ra trước vành móng ngựa, chưa bao giờ Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh đang đương chức, kể cả đã nghỉ hưu cũng bị đưa ra xét xử. Có thể cả những vị con ông cháu cha, chức vụ cao cũng bị bãi chức và khai trừ ra khỏi Đảng, điều đó chứng tỏ “lò” chống tham nhũng đã nóng lên rồi, củi tươi cũng cháy là thế.

Phải nói rằng, làm công việc chống tiêu cực phải hết sức thận trọng để sự việc đưa ra là chính xác, không làm oan cho người bị tố cáo và phải bảo vệ cho người trung thực, chống tiêu cực. Tấm lòng những anh em làm tuyên truyền vấn đề này phải hết sức trong sáng, không được nghe theo một sự chèo lái nào có tính chất bị mua chuộc và phải kiên định lập trường của người chống tiêu cực, không bị dọa nạt, không bị lôi kéo bởi vật chất tầm thường.

Tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn tiếp tục theo dõi, lắng nghe các thế hệ nhà báo hiện nay đang làm theo chỉ đạo của Đảng, làm theo mong ước của nhân dân để đẩy lùi nạn tham nhũng, để đất nước ta không nghèo. Bởi một đất nước có rừng, có biển, có núi, sông, đồng bằng phì nhiêu lại có cả cao nguyên trù phú, có mỏ than và có cả mỏ dầu, có con người lao động chăm chỉ, sáng tạo mà chưa giầu kể ra cũng suy nghĩ nhiều lắm!

Vẫn biết xây là quan trọng cực kỳ, nhưng xây mà không chống thì mối mọt nó đục khoét và có cả những loại động vật cao cấp ranh mãnh hơn cả mối mọt đào khoét thì sụp đổ lúc nào không biết.

Dù đã nghỉ hưu nhưng theo dõi tình hình hiện nay, tôi tin tưởng rằng với đà này, các phương tiện báo chí nói chung và Báo Thanh tra nói riêng cùng các cơ quan đoàn thể sẽ góp phần rất hiệu quả cho công tác chống tham nhũng, chống tiêu cực. Chúc những người đồng nghiệp trẻ luôn “bút sắc, lòng trong” để vững vàng trong sự nghiệp.

Phương Hiếu - Thu Thủy - Bích Nguyệt

(Thực hiện)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/tin-tuc-chong-tham-nhung/trong-nuoc/tin-tuong-va-ky-vong_t114c1080n135259