Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (9/6): Cảnh sát Mỹ bị tố 'gài bẫy' người biểu tình

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (9/6): Cảnh sát Mỹ bị tố 'gài bẫy' để bắt giữ người biểu tình; New Zealand tuyên bố 'sạch bóng' COVID-19; Cựu nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos bị điều tra tham nhũng.

Tin tức thế giới hôm nay 9/6

Cảnh sát Mỹ bị tố "gài bẫy" để bắt giữ người biểu tình

Theo tờ Guardian, kể từ khi người đàn ông da màu George Floyd thiệt mạng dưới tay cảnh sát ở Minneapolis hôm 25/5, làn sóng biểu tình phản đối đã diễn ra ở 140 thành phố trên khắp 50 bang của Mỹ.

Trong nỗ lực kiềm chế bạo lực và cướp phá, một số thành phố lớn ở Mỹ phải áp đặt lệnh giới nghiêm. Hơn 10.000 người đã bị bắt giữ trong đợt bất ổn này. Cảnh sát Mỹ ở nhiều nơi bị cáo buộc "gài bẫy" để bắt giữ người biểu tình.

Jarah Gibson bị bắt khi tuần hành ôn hòa ở Atlanta, bang Georgia hôm 1/6. Cô kể lại rằng cảnh sát xuất hiện từ đầu, tháp tùng toàn bộ cuộc tuần hành. Khi sắp tới giờ giới nghiêm, cảnh sát bắt đầu quây người biểu tình lại. Gibson bi bắt khi dùng điện thoại quay cảnh bắt giữ 1 người khác.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Philadelphia hôm 30/5 (Ảnh: AP)

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Philadelphia hôm 30/5 (Ảnh: AP)

"Cảnh sát khiến mọi thứ bắt đầu và giờ đây thì họ hình sự hóa chúng tôi. Bây giờ tôi đã được chụp ảnh, lấy dấu vân tay và dấu mắt. Tôi là tội phạm vì một vụ bắt giữ bất hợp pháp. Tôi chỉ muốn được lắng nghe và được cảnh sát tôn trọng như một con người", cô Gibson chia sẻ.

Giống như Gibson, một người biểu tình ở Los Angeles, bang California cho biết cô bị bắt khi đang trở về căn hộ của mình trước giờ giới nghiêm. Tại thời điểm đó, cảnh sát đã quây người biểu tình lại và chặn các lối thoát.

Một người biểu tình khác ở Dallas, Texas thì cho hay: "Cảnh sát gài bẫy để bắt giữ chúng tôi. Họ đóng cửa các tuyến phố buộc chúng tôi phải đi lên cầu Margaret Hunt Hill. Khi chúng tôi đang ở trên cầu, cảnh sát chặn 2 đầu".

New Zealand tuyên bố "sạch bóng" COVID-19

Giới chức y tế New Zealand ngày 8/6 thông báo nước này không còn ca nhiễm COVID-19 nào, sau khi bệnh nhân cuối cùng đã khỏi bệnh và hết thời gian cách ly - hãng thông tấn AFP đưa tin.

Đây là ngày thứ 17 liên tiếp New Zealand không ghi nhận ca mắc mới và cũng là ngày đầu tiên kể từ 28/2, đảo quốc Nam Thái Bình Dương với 5 triệu dân này không còn ca nhiễm COVID-19 nào.

Theo nhận định của giới chuyên gia, thành công của New Zealand có được nhờ vị trí địa lý biệt lập cùng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt mà Thủ tướng Jacinda Ardern áp dụng ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát.

New Zealand đã có nhiều nỗ lực để phòng, chống COVID-19 (Ảnh: Reuters)

New Zealand áp dụng phong tỏa toàn quốc từ 25/3, đóng cửa biên giới và từ chối nhập cảnh đối với người không mang quốc tịch nước này hay thường trú nhân. Mặt khác, gần như toàn bộ xã hội bị phong tỏa với những hạn chế đặc biệt quyết liệt đối với hoạt động kinh doanh.

Quan điểm của New Zealand là phong tỏa quyết liệt để "dập dịch" thay vì "làm phẳng đường cong" dịch bệnh. Do vậy, số ca mắc nhanh chóng giảm kể từ ngày 4/4 và tới ngày 28/4 New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố "chiến thắng" COVID-19.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế thuộc Bộ Y tế New Zealand Ashley Bloomfield lưu ý cần tiếp tục cảnh giác trước dịch bệnh. Tính đến lúc này, New Zealand đã ghi nhận 1.154 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 22 người tử vong.

Cựu nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos bị điều tra tham nhũng

Tổng Công tố Tây Ban Nha ngày 8/6 thông báo công tố viên Tòa án tối cao Tây Ban Nha đã mở cuộc điều tra cựu nhà vua Juan Carlos của nước này như một phần của cuộc điều tra về một hợp đồng tàu hỏa cao tốc tại Ả Rập Saudi, TTXVN cho hay.

Công tố viên Tòa án tối cao sẽ điều tra xem cựu nhà vua có dính líu không đến vụ việc khi ông được hưởng quyền miễn trừ cho đến tháng 6/2014 khi ông thoái vị nhường ngôi cho con trai Felipe. Hoàng gia Tây Ban Nha chưa có bình luận gì về thông báo trên.

Đây là cuộc điều tra bắt nguồn từ một cuộc điều tra khác do công tố viên chống tham nhũng của Tây Ban Nha đứng đầu về giai đoạn 2 của dự án đường sắt cao tốc nối các thành phố Medina và Mecca tại Ả Rập Saudi được dành cho một nhóm các công ty Tây Ban Nha năm 2011.

Cựu nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos (Ảnh: Reuters)

Trước đó, cơ quan công tố Thụy Sĩ cũng mở cuộc điều tra nhằm làm rõ nghi ngờ cho rằng cựu nhà vua Juan Carlos đã nhận nhiều triệu euro từ một quỹ tài chính bí mật có dính líu với hoàng gia Ả Rập Saudi.

Cụ thể, cựu quốc vương Juan Carlos được cho đã nhận 100 triệu USD vào năm 2008 từ Ả Rập Saudi.

Cựu nhà vua Juan Carlos rất nổi tiếng tại Tây Ban Nha vì vai trò của ông trong việc chuyển đổi của nước này sang chế độ dân chủ vào cuối thập niên 1970. Năm 2014, ông buộc phải thoái vị sau khi mất đi sự ủng hộ của công chúng bởi các vụ bê bối.

Trọng Huyền

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tin-tuc-the-gioi-moi-nhat-hom-nay-96-canh-sat-my-bi-to-gai-bay-nguoi-bieu-tinh-110078.html