Tin tức thế giới hôm nay 10/9: Mỹ hủy thị thực 1.000 sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc

Mỹ hủy thị thực 1.000 sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc; Tổng thống Nga không tổ chức cuộc đối thoại thường niên trong năm 2020... là những tin quốc tế nổi bật ngày 10/9.

Mỹ hủy thị thực 1.000 sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc

Mỹ hủy thị thực nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc vì lo ngại về bảo mật và ngừng nhập "hàng Trung Quốc sản xuất bởi lao động cưỡng bức".

Quyền bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf phát biểu tại thủ đô Washington, Mỹ, ngày 9/9. Ảnh: AP.

Quyền bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf phát biểu tại thủ đô Washington, Mỹ, ngày 9/9. Ảnh: AP.

"Chúng tôi đang dừng cấp thị thực cho một số nghiên cứu sinh và sinh viên Trung Quốc có quan hệ với quân đội Trung Quốc để ngăn họ đánh cắp, chiếm đoạt các nghiên cứu nhạy cảm", quyền bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf hôm 9/9 cho biết tại Washington, thêm rằng Mỹ cũng sẽ "cấm hàng hóa được sản xuất bởi các lao động cưỡng bức vào thị trường chúng ta, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phẩm giá vốn có của mỗi con người".

Ông Wolf cho rằng, các động thái này là cần thiết nhằm ngăn Bắc Kinh đánh cắp các nghiên cứu Covid-19 và các bí mật thương mại. Một đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận hơn 1.000 thị thực cấp cho các nghiên cứu sinh và học giả Trung Quốc đã bị thu hồi.

Tuyên bố trên được ông Wolf đưa ra sau khi nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ bị cáo buộc che giấu quan hệ với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), bị bắt và bị truy tố.

Trước ông Wolf, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, Giám đốc FBI Christopher Wray và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đều có phát biểu, đề cập Bắc Kinh là mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ.

Tổng thống Putin hủy cuộc đối thoại thường niên với người dân trong năm 2020

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/9 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với người dân trong năm nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với người dân trong năm 2020.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov cho biết không cần thiết phải tổ chức sự kiện trên trong năm nay.

Người phát ngôn Peskov không nêu rõ quyết định này có liên quan đến đại dịch Covid-19hay không, nhưng Tổng thống Putin đã tổ chức hầu hết các cuộc họp trực tuyến kể từ tháng 3 vừa qua.

Người đứng đầu Điện Kremlin thường dành hàng giờ để trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dân thông qua các cuộc điện thoại và tin nhắn trước sự chứng kiến của các quan chức và báo giới.

Truyền thống này bắt đầu từ năm 2001, và cuộc đối thoại gần đây nhất là vào tháng 6/2019.

Trong 4 giờ 8 phút đối thoại với người dân hồi năm ngoái, Tổng thống Putin đã trả lời 81 câu hỏi liên quan đến hàng chục vấn đề với nội dung chủ đạo xoay quanh những vấn đề trong nước và trọng tâm là tình hình phát triển kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình 2021

Hãng tin Foxnews ngày 9/9 đưa tin vài tuần sau khi giúp Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đạt được thỏa thuận hòa bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đề cử cho Giải Bobel Hòa bình năm 2021.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được đề cử cho Giải Bobel Hòa bình năm 2021.

Ông Christian Tybring-Gjedde, Trưởng phái đoàn Na Uy tại Hội đồng Nghị viện NATO, đã đưa ra đề cử trên, theo đó đánh giá cao Tổng thống Trump vì những nỗ lực trong việc giải quyết các cuộc xung đột kéo dài trên toàn thế giới.

Trả lời phỏng vấn độc quyền của hãng Foxnews, ông Tybring-Gjedde nhấn mạnh: "Vì công lao của ông ấy, tôi nghĩ ông ấy đã nỗ lực kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia nhiều hơn so với hầu hết các ứng cử viên khác được đề cử Giải Nobel Hòa bình".

Trong thư đề cử của mình gửi tới Ủy ban Nobel, ông Tybring-Gjedde cho rằng chính quyền Trump đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ giữa Israel và UAE.

Năm 2018, hai nghị sỹ Na Uy cũng đề cử ông Trump cho Giải Nobel Hòa bình 2019 vì những nỗ lực của ông nhằm chấm dứt căng thẳng và nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Anh siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 9/9 đã thông báo các biện pháp hạn chế tụ tập xã hội mới tại vùng England, khẳng định cần phải nhanh chóng hành động rõ ràng để hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Anh đã ghi nhận 2.659 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 9/9.

Phát biểu tại cuộc họp báo được phát sóng truyền hình, Thủ tướng Johnson cho biết từ nay các nhóm từ 6 người trở lên sẽ bị cấm tụ tập. Theo Thủ tướng Anh, những biện pháp này không phải là một đợt phong tỏa quốc gia mới, thay vào đó là để tránh phải áp dụng phong tỏa toàn quốc lần thứ hai. Ông nhấn mạnh cảnh sát và các cơ quan chức năng khác sẽ thực hiện quy định này tích cực hơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Johnson cũng thông báo một kế hoạch tham vọng, mà bản thân ông cũng cho rằng không đảm bảo sẽ thành công. Đó là xét nghiệm quy mô lớn cho kết quả nhanh có thể được áp dụng để những người được xác nhận không mang virus có nhiều tự do hơn.

Số ca nhiễm Covid-19 mới tại Anh đã bắt đầu tăng vọt trở lại những ngày gần đây, buộc Thủ tướng Johnson phải tiến hành họp báo tại văn phòng ở phố Downing, giống như khi ông và các thành viên nội các tiến hành họp báo hàng ngày trong giai đoạn dịch diễn biến tồi tệ nhất.

Anh đã ghi nhận 2.659 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 9/9, tăng so với con số 2.460 một ngày trước đó và cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 1.000 người/ngày của tháng 8, chủ yếu do tỉ lệ lây nhiễm cao ở nhóm người trẻ tuổi.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tin-tuc-the-gioi-hom-nay-109-my-huy-thi-thuc-1000-sinh-vien-nha-nghien-cuu-trung-quoc-vi-co-lien-quan-den-quan-doi-395750.html