Tin tức thế giới 21/2: Trung Quốc tuyên bố thời điểm thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19

Trung Quốc tuyên bố thời điểm thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19; Chuyên gia Trung Quốc: Người khỏi bệnh vẫn có thể lây truyền Covid-19; Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ triển khai tên lửa sát Syria… là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 21/2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Trung Quốc tuyên bố thời điểm thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Từ Nam Bình ngày 21/2 tuyên bố, vaccine mới nhất dùng để chống lại chủng mới của virus corona (Covid-19) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp sẽ được thử nghiệm lâm sàng vào khoảng cuối tháng 4.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, việc điều trị sử dụng huyết tương từ các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh cho thấy dấu hiệu tích cực cho những trường hợp bị bệnh nặng. Bên cạnh đó, giới chức nước này khuyến cáo, các công ty đã quay trở lại hoạt động cần đảm bảo không khí thông thoáng và duy trì khoảng cách an toàn giữa các nhân viên.

Hàng trăm người nhiễm virus corona trong các nhà tù ở Trung Quốc

Hãng tin CGTN cho biết, Trung Quốc ngày 20/2 đã ghi nhận 200 tù nhân, 7 nhân viên tại nhà tù Rencheng ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông nhiễm Covid-19. Những tù nhân này được cho là bị lây nhiễm từ một viên quản ngục được cho là đã bắt đầu ho và có một số triệu chứng khác từ đầu tháng 2. Ngay sau vụ việc này, Xie Weijun, bí thư đảng ủy của sở tư pháp Sơn Đông và 7 quan chức nhà tù đã bị cách chức vì sai sót trong quản lý dịch.

Tại tỉnh Chiết Giang, 34 tù nhân tại nhà tù Shilifeng cũng dương tính với Covid-19 và hai quan chức quản lý nhà tù cũng đã bị cách chức. Sau Sơn Đông và Chiết Giang, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc cũng ghi nhận 271 tù nhân nhiễm virus corona chủng mới. Trong số các ca nhiễm này gồm có 230 tù nhân tại nhà tù nữ giới Vũ Hán và 41 ca ở nhà tù Hanjin thuộc huyện Shayang.

Chuyên gia Trung Quốc: Người khỏi bệnh vẫn có thể lây truyền Covid-19

Ông Zhao Jianping, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp và đang đứng đầu một nhóm chuyên gia hỗ trợ công tác chống Covid-19 ở Hồ Bắc, nói với tạp chí Southern People Weekly rằng, Trung Quốc đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhân bình phục vẫn có dấu hiệu của virus corona thông qua các xét nghiệm. Các trường hợp tương tự cũng xảy ra tại Canada.

“Điều này thật nguy hiểm”, ông Zhao nói. Ông Zhao đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay là một “cuộc chiến giằng co”, cho biết virus lây nhiễm “rất rất nhanh” và không nên lơ là bởi con số lây nhiễm có thể tăng trở lại. Ngày 20/2, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 118 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm mới tăng 889 ca, nâng số ca tử vong lên 2.236 ca và số ca nhiễm là 75.465. Tính trên thế giới, đến nay đã có 2.247 người tử vong và hơn 76.000 người nhiễm bệnh.

Tướng Haftar ra điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ để có lệnh ngừng bắn

Hãng thông tấn RIA đưa tin, Tướng Khalifa Haftar, chỉ huy lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã đưa ra điều kiện để có lệnh ngừng bắn với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận. "Lệnh ngừng bắn sẽ là kết quả của việc một vài điều kiện được hoàn thành... các lính đánh thuê Syria và Thổ Nhĩ Kỳ rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ ngừng cung cấp vũ khí cho Tripoli và sự loại bỏ các nhóm khủng bố tại Tripoli", Tướng Haftar nói.

Hôm 18/2, GNA đã ngừng các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm chấm dứt xung đột về Tripoli sau khi LNA tấn công cảng của Thủ đô, khiến 3 người thiệt mạng và suýt đánh trúng một tàu chở khí đốt dễ nổ". Đến sáng nay (21/2), Liên hợp quốc thông báo, các bên tham chiến tại Libya đã đồng ý nối lại đàm phán ở Geneva (Thụy Sỹ).

Các nước Mekong kêu gọi đập Xayaburi chia sẻ thông tin

Đại diện các nước hạ lưu Mekong kêu gọi công ty vận hành đập thủy điện Xayaburi ở Lào chia sẻ dữ liệu hoạt động để có quy hoạch chung tốt hơn. Ủy hội sông Mekong (MRC) hôm qua 20/2 cho biết các nước thành viên MRC đã đưa ra đề nghị này với Công ty thủy điện Xayaburi, đơn vị vận hành thủy điện Xayaburi, sau chuyến thăm đập vào đầu tháng 2/2020.

Đập thủy điện Xayaburi ở phía bắc Lào là công trình thủy điện đầu tiên trên dòng chính sông Mekong ở hạ nguồn với công suất 1.260 MW. Phía Xayaburi cho biết đập "không trữ nước nên không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mekong". Tuy nhiên, Patchara Jaturakomol, nhà nghiên cứu của Đại học Kasetsart, Thái Lan, nghi ngờ đập "có trữ nước" khi công ty vận hành không chia sẻ dữ liệu về dòng chảy với các nước.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-the-gioi-212-trung-quoc-tuyen-bo-thoi-diem-thu-nghiem-lam-sang-vaccine-ngua-covid-19-564797.html