Tin tức Tây Nguyên: Khoai tây, hành tây Đà Lạt rủ nhau giảm giá

Chính quyền địa phương xác định địa bàn không có cây đa sộp nào nhưng chủ tịch xã vẫn ký xác nhận vào một hồ sơ khai thác.

Chính quyền địa phương xác định địa bàn không có cây đa sộp nào nhưng chủ tịch xã vẫn ký xác nhận vào một hồ sơ khai thác.

Đắk Lắk: Kiểm tra trách nhiệm phó chủ tịch xã ‘ký bừa’ vào hồ sơ cây khủng

Chiều 7/4, một lãnh đạo Huyện ủy Krông Năng (Đắk Lắk), cho biết đã chỉ đạo UBND huyện vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin liên quan đến việc Phó chủ tịch xã Ea Hồ ký xác nhận vào hồ sơ xin khai thác, vận chuyển cây đa sộp cổ thụ trên địa bàn. “Chúng tôi đã giao cho UBND huyện kiểm tra quy trình ký hồ sơ, sau khi có kết quả thì sẽ xử lý theo quy định”, vị này cho biết thêm.

Còn bà Phan Thị Diệu Trang, Chánh văn phòng UBND huyện Krông Năng, cho biết đơn vị đã yêu cầu UBND xã Ea Hồ báo cáo cụ thể vụ việc nhưng đến nay chưa nhận được. “Qua kiểm tra từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn xã Ea Hồ không khai thác cây đa cổ thụ nào”, bà Trang nói.

3 “quái thú” đang bị Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế tạm giữ

3 “quái thú” đang bị Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế tạm giữ

Trước đó, ông Kiều Văn Chương (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đến làm việc và xuất trình 3 bộ hồ sơ liên quan đến nguồn gốc của 3 “quái thú” đang bị Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế tạm giữ.

Trong đó, hồ sơ nguồn gốc lâm sản gồm đơn vận chuyển, bản đăng ký khai thác, đơn đề nghị xác nhận cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ (đều ghi ngày 23/3) có chữ ký của bà H’Phi La Niê, Phó chủ tịch UBND xã Ea Hồ.

Trong các đơn và bản đăng ký nêu trên chỉ có chữ ký của bà H’Yô Na Buôn Yă và chữ ký, đóng dấu của bà H’Phi La Niê, không có chữ ký của cán bộ kiểm lâm địa bàn hoặc người khác có liên quan.

Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk xác minh và kết luận, bà H’Yô Na Buôn Yă không ký vào bất cứ đơn xin khai thác hoặc vận chuyển cây nào. Bà này cũng khằng định trên vườn rẫy của gia đình không có bất kỳ cây đa sộp nào.

Giải thích về vấn đề này, bà H’Phi La Niê thừa nhận chữ ký và con dấu trong hồ sơ khai thác cây đa sộp là của mình. Do bà sơ suất, không kiểm tra chứ không cố tình ký và sẽ chịu trách nhiệm.

Ngày 7/4 Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế đã cử cán bộ vào Đắk Lắk xác minh lại thông tin bộ hồ sơ khai thác cây đa sộp tại xã Ea Hồ.

Đến lượt khoai tây, hành tây Đà Lạt rủ nhau giảm giá còn 4.000 đ/kg

Sau lượt giá nông sản ở các tỉnh khác giảm giá, đến lượt các loại nông sản như khoai tây, hành tây ở thủ phủ rau củ Đà Lạt cũng ‘rủ’ nhau giảm giá, nhiều nơi giá giảm chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg thu mua tại vườn.

Hiện nay, thủ phủ khoai tây, hành tây là Đà Lạt đang bước vào chính vụ thu hoạch. So với năm trước, niên vụ này hai loại nông sản trên có năng suất cao hơn hẳn. Tuy nhiên, nhà vườn phải nếm “trái đắng” do thời gian gần đây nông sản liên tục rớt giá.

Khoai tây, hành tây ở thủ phủ rau củ Đà Lạt cũng ‘rủ’ nhau giảm giá

Vài năm trước, đã có không ít lần khoai tây Trung Quốc tràn vào Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng để gắn nhãn mác khoai Đà Lạt. Điều này đã làm cho giá khoai tây chính hiệu của Lâm Đồng bị ảnh hưởng rất lớn về giá và uy tín chất lượng.

Cũng chính vì nguyên nhân này mà các nhà vườn ở Đà Lạt đang rất khó khăn do giá giảm mạnh. Hiện tại, giá khoai tây tại vườn chỉ được các thương lái mua với giá 7.000 – 8.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với niên vụ trước từ 13.000 – 14.000 đồng/kg. Còn giá hành tây loại mua tại vườn ở Đà Lạt chỉ còn 3.000đ/kg, cũng chỉ bằng một nửa giá cùng kỳ năm ngoái. Đã vậy, thương lái còn lựa chọn những vườn có hành đẹp mới thu mua.

Ông Lại Thế Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, cách đây gần 1 tháng, các tiểu thương đã ngừng nhập khoai tây, hành tây Trung Quốc, bởi Lâm Đồng đã bước vào chính vụ hai loại nông sản này. Thông thường việc nhập khoai tây, hành tây từ Trung Quốc về bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 2 năm sau, khi Đà Lạt đã hết mùa. Ước tính, riêng hành tây chính vụ được trồng tại TP Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Lạc Dương và Đức Trọng năm nay đạt khoảng 30.000 tấn. Khoai tây cũng được trồng chủ yếu tại các địa phương trên với sản lượng tương đương.

Gia Lai: Mô hình trồng cây đương quy tại Kbang nhiều triển vọng

Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Kbang, Gia Lai phù hợp trồng và phát triển cây đương quy. Anh Phạm Văn Hậu (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) đã mạnh dạn trồng thử 100.000 cây đương quy Nhật Bản, đến nay cây thích nghi, sinh trưởng tốt và bắt đầu tạo củ, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới đầy triển vọng.

Theo anh Hậu, Kbang có khí hậu nhiệt đới ẩm, mùa khô ngắn và nắng không gay gắt rất thích hợp trồng các cây dược liệu, trong đó có cây đương quy. Cây đương quy ưa trồng ở những nơi ẩm mát, đất tơi xốp, dễ thoát nước. Và có thể trồng dưới tán cây ca phê, điều, mắc ca, bơ, sầu riêng, nhãn, vải… Ở vùng Kbang chưa ai trồng và thu hoạch loại cây này, nên chỉ tính mức thấp là 30 tấn/ha và bán giá rẻ nhất 20.000 đồng/kg. “Với giá và đầu tấn thấp như vậy cho thu 600 triệu đồng. Trừ tất cả các loại chi phí, giống, phân, công, lợi nhuận nhận được 300 triệu đồng/ha.” – anh Hậu nhẩm tính.

Mô hình trồng cây đương quy tại Kbang nhiều triển vọng

Ông Nguyễn Mạnh Tuyển - Chủ tịch UBND xã Sơ Pai, huyện Kbang cho biết: Đến thời điểm hiện tại cây đương quy trồng trên địa bàn xã, hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, nên cây sinh trưởng và phát triển khá tốt. Thời gian tới, anh Hậu mang củ đương quy trồng trên đất Kbang đi kiểm tra dược chất. Nếu đạt các mức như mong muốn, giá bán sẽ cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng hơn. Đây là mô hình chuyển đổi giống cây trồng mới đầy triển vọng, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Đắk Nông chấp thuận triển khai dự án điện mặt trời trên 1.100 tỷ đồng

Theo Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh đã ký quyết định chấp thuận chủ trương dự án xây dựng Nhà máy điện mặt trời Trúc Sơn (xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời Trúc Sơn do liên doanh ba nhà đầu tư gồm: Công ty UNIVERGY K.K, Công ty EUROPE CLEAN ENERGIES JAPAN K.K (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần tập đoàn truyền thông Thanh Niên (Tp. Hồ Chí Minh) tiến hành.

Kon Tum: Nông dân khốn đốn vì trồng bắp không hạt

Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vụ đông xuân vừa qua, vợ chồng anh Vũ Văn Huynh và chị Nguyễn Thị Bích ở tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) đã chuyển đổi ruộng lúa sang trồng bắp. Sau hơn 3 tháng xuống giống bắp lai 989, vợ chồng người nông dân này không ngờ mình lại rơi vào cảnh khốn khó, vì bắp cho trái rất to nhưng không có hạt hoặc rất ít hạt.

Chia sẻ với nỗi buồn của vợ chồng chị Bích, chị Hồ Thị Thanh Loan (tổ 7, thị trấn Đăk Hà) cho biết: việc chọn giống cây trồng của nhà nông bây giờ chỉ biết trông chờ vào may rủi. Đa số giống cây trồng do các cửa hàng cung ứng giống trên địa bàn huyện cung cấp, đều có bao bì và nhãn mác hẳn hoi nhưng không hiểu sao sau khi mua về gieo trồng thì có năm được, năm không. Như gia đình tôi chuyển đổi 4 mùa vụ trồng lúa sang trồng bắp (giống bắp lai 989 và VN 10), nhưng chỉ có 1 vụ là có thu hoạch (đó là lần nhờ người quen mua hạt giống ở Đà Lạt về), 1 vụ đang gieo trồng chưa đến kỳ thu hoạch, còn lại đều gặp phải tình trạng bắp không có hạt, hoặc có hạt nhưng rất ít, chỉ thu về được 5 tạ/3 sào (trung bình thu về khoảng 1,3 tấn/3 sào) – chị Loan kể.

Nông dân khốn đốn vì trồng bắp không hạt

Câu chuyện bắp không hạt lâu nay đã có nhiều nhà nông gặp phải. Theo các nhà nghiên cứu nông nghiệp, bắp không hạt có nhiều nguyên nhân, có thể do chất lượng nguồn giống không đảm bảo hoặc do thời tiết, chất đất, kỹ thuật trồng trọt…/.

Quốc Hùng (tổng hợp)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/tin-tuc-tay-nguyen-khoai-tay-hanh-tay-da-lat-ru-nhau-giam-gia-post18427.html