Tin tức kinh tế ngày 6/10: Hàng hóa qua cảng biển tăng 14%
Hàng hóa qua cảng biển tăng 14%; Ngân sách Nhà nước thặng dư 192.000 tỷ đồng; GDP 9 tháng tăng mạnh… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 6/10.
Giá vàng kết thúc tuần đi ngang
Giá vàng trong tuần (30/9-6/10) giảm trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá vàng tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Thời điểm cuối tuần, giá vàng tăng trở lại ở đầu phiên và giảm ở cuối phiên, đồng thời kim loại quý này ghi nhận tuần giá đi ngang.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 6/10, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 5/10.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 5/10.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 5/10.
GDP 9 tháng tăng mạnh
Tổng cục Thống kê, cho biết cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng mạnh trong 2 tháng đầu quý 3/2024 cùng những giải pháp khắc phục hậu bão lũ và ổn định sản xuất kinh doanh sớm, kinh tế quý 3/2024 và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực.
Theo đó, GDP quý 3/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng cao trong quý 3/2024, GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2023 (4,4%).
Ngân sách Nhà nước thặng dư 192.000 tỷ đồng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9, ngân sách Nhà nước thặng dư 192.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng thu đạt 1,448 triệu tỷ đồng, tổng chi đạt 1,256 triệu tỷ đồng.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 1,203 triệu tỷ đồng, bằng 83,3% dự toán năm và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ dầu thô ước đạt 44.400 tỷ đồng, bằng 96,6% dự toán năm và giảm 2,9% so với cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 200.200 tỷ đồng, bằng 98,1% dự toán năm và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng hóa qua cảng biển tăng 14%
Theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trên cả nước trong 9 tháng qua ước đạt hơn 640 triệu tấn - tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng hàng hóa qua cảng biển liên tục tăng trưởng, cho thấy nền kinh tế đã dần hồi phục. Hàng xuất khẩu ước đạt hơn 150 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ. Hàng nhập khẩu ước đạt gần 200 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ.
Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông quan cao nhất đều ở các cảng biển lớn như TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng và Quảng Ninh.
9 tháng, hơn 61 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng, với tổng số lao động đăng ký đạt hơn 735,0 nghìn lao động. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp và vốn đăng ký đều tăng 3,4%, nhưng số lao động lại giảm 3,4%. Vốn đăng ký bình quân cho mỗi doanh nghiệp mới trong 9 tháng là 9,5 tỷ đồng, không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong giai đoạn này là 2.310,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, có hơn 61,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tương ứng với mức tăng 25,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 183,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Việt Nam hút nhiều dự án bán dẫn, năng lượng đầu tư mới
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong các lĩnh vực, ngành nghề được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn với hơn 298,7tỷ USD (chiếm 60,7% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 71,5 tỷ USD (chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 41,7 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư).
Đáng chú ý, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng.