Tin tức kinh tế ngày 4/7: Chậm cắt giảm điều kiện kinh doanh; Big C cam kết mở lại đơn hàng với 50 nhà cung cấp dệt may

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất, gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Big C đã cam kết mở lại đơn hàng với 50/200 nhà cung cấp dệt may của Việt Nam sau khi dừng nhập hàng cách đây 1 ngày. Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam sẽ phối hợp và trao đổi với phía Mỹ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sau thông tin Mỹ áp thuế hơn 400% đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam… Đó là những thông tin kinh tế đáng quan tâm ngày hôm nay 4/7.

Thủ tướng: "Các Bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất"

Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến tháng 6, ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nền kinh tế đã đi qua 6 tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh tình hình thế giới trì trệ, có nhiều bất trắc, biến động nhanh.

Nhưng một số vấn đề nội tại nền kinh tế vẫn nổi lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng, ổn định vĩ mô đó là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ chưa có bước tiến thực chất, nhiều điều kiện kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất

Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất

Thủ tướng nói: "Tình trạng nói hay, làm dở, chuyển lòng vòng, rồi cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi... vẫn còn. Các cấp ngành chấn chỉnh ngay".

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận xét việc giảm điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành chưa biến chuyển đáng kể trong quý II. Nghị quyết 02 về cắt giảm điều kiện kinh doanh đưa ra yêu cầu trước ngày 30/6, các bộ, ngành phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, song thực tế, chưa đạt yêu cầu.

Big C mở lại đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp dệt may

Sau buổi làm việc với các cơ quan quản lý nhiều bên hôm nay 4/7, Central Group (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Big C) đã cam kết mở cửa nhận trở lại hàng hóa của 50/200 doanh nghiệp dệt may đã ký hợp đồng phân phối hàng vào chuỗi siêu thị này song mới bị tạm dừng nhận hàng cách đây 1 ngày.

Hàng dệt may trong Big C

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 4-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết những thông tin nêu trên. Theo đó, tại cuộc gặp của đại diện Bộ Công Thương, Central Group, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tham dự, Big C thông báo sẽ mở lại đơn hàng cho 50 nhà cung cấp dệt may lớn nhất vào chuỗi siêu thị này.

Lần lượt trong 2 tuần tới, Big C sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp còn lại và mở dần đơn hàng cho 100 nhà cung cấp tiếp theo. Số nhà cung cấp còn lại thì sẽ buộc phải làm việc kỹ hơn do các doanh nghiệp này chưa đáp ứng được cam kết theo hợp đồng đã ký.

Việt Nam phản ứng việc Mỹ áp thuế hơn 400% lên một số sản phẩm thép

Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam sẽ phối hợp và trao đổi với phía Mỹ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sau thông tin Mỹ áp thuế hơn 400% đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam.

Liên quan đến thông tin Mỹ áp thuế hơn 400% đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Qua trao đổi với Bộ Công Thương, chúng tôi được biết Bộ Công Thương đã cảnh báo, khuyến nghị đối với các doanh nghiệp trong nước về việc các cơ quan điều tra của các nước nhập khẩu, trong đó có Mỹ, có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đề ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác".

Việt Nam phản ứng việc Mỹ áp thuế tới hơn 400% đối với một số loại thép Việt Nam

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 4/7, bà Hằng cũng nhấn mạnh các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Mỹ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, phù hợp với quy định pháp luật và các hiệp định của WTO, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.

Kinh tế Việt Nam đang diễn biến tích cực, nhưng phải lường trước các rủi ro

Dù kinh tế Việt Nam vẫn trong xu thế tích cực, với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, song những cảnh báo về việc phải lường trước các rủi ro tác động bất lợi tới nền kinh tế cũng đã bắt đầu được đưa ra.

Tăng trưởng của cả khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ và nông - lâm nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp đều giảm tốc so với năm ngoái.

Ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB), trong một công bố mới đây, cũng đã nhấn mạnh việc đà tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại từ đầu năm và nguyên nhân là do những tác động của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Từ dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng tới sản lượng nông nghiệp, đến sức cầu yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Đây là thực tế, bởi nếu nhìn vào các số liệu thống kê kinh tế 6 tháng đầu năm nay, sẽ không quá khó để nhận ra rằng, tăng trưởng của cả khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ và nông - lâm nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp đều giảm tốc so với năm ngoái. Ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,3%, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái, mức tăng là 3,07%. Hơn thế, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 7,3% thay vì 19,4% của 6 tháng đầu năm 2017 và 16,4% cùng kỳ 2018.

Nửa đầu năm 2019, tín dụng tăng trưởng 7,33%

Tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế theo số liệu mới cập nhật ước đạt 7,33% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 6,14%).

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao do có sự đóng góp từ nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu.

Về lãi suất, lãnh đạo NHNN khẳng định: NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ; các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm; 9-11% đối với trung và dài hạn. Đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 4-5%/năm.

Vốn tín dụng cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-47-cham-cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-big-c-cam-ket-mo-lai-don-hang-voi-50-nha-cung-cap-det-may-541932.html