Tin tức giáo dục 24h: Tốn 1.000 tỉ đồng mỗi năm để mua sách giáo khoa... rồi bán đồng nát

Liệu có lợi ích nhóm hay không trong tranh cãi về sách 'Công nghệ giáo dục'; Tốn 1.000 tỉ đồng mỗi năm mua sách... rồi bán đồng nát; Sẽ không giao địa phương tự chấm thi THPT 2019... là những tin tức giáo dục nổi bật trong 24h qua.

Liệu có lợi ích nhóm hay không trong tranh cãi về sách "Công nghệ giáo dục"?

GS Hồ Ngọc Đại cho rằng có lợi ích nhóm đằng sau chuyện sách "Công nghệ giáo dục" bị “đánh hội đồng”, ông giải thích, từ năm 2019, nhằm xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa, nhiều bộ sách của các đơn vị khác nhau, sau khi được Hội đồng Thẩm định quốc gia thông qua cũng sẽ trở thành sách giáo khoa để đưa vào nhà trường giảng dạy.

Trong khi đó, sách “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” của ông hiện đang có 800.000 học sinh trong cả nước sử dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của những nhóm làm sách khác.

Còn PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, nếu thật sự có lợi ích nhóm trong việc làm sách giáo khoa và những tranh cãi về "Công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại, học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi, vì không được học bộ sách giáo khoa tốt nhất. Xem chi tiết tại đây.

Tốn 1.000 tỉ đồng mỗi năm mua sách... rồi bán đồng nát

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỉ đồng để mua SGK. Tuy nhiên, nhiều sách sang năm không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng để... bán đồng nát.

Nguyên nhân gây nên tình trạng lãng phí trên được chỉ ra là do những quyển sách được thiết kế có phần bài tập đi kèm học sinh phải điền vào phần bài giải. Xem chi tiết tại đây.

Sẽ không giao địa phương tự chấm thi THPT 2019

Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, để khắc phục những tồn tại của kỳ thi THPT 2018, trong kỳ thi THPT 2019 sẽ có những nội dung nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi.

Trong đó, sẽ tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi. Đặc biệt, công tác chấm thi có sự điều chỉnh. Giáo viên chấm thi, giảng viên đại học địa phương sẽ không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, để đảm bảo khách quan. Xem chi tiết tại đây.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm

Theo nội dung thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành, nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc.

Các cơ sở không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo...

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thủ trưởng cơ sở giáo dục vi phạm quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Xem chi tiết tại đây.

T.Thế

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc-24h-ton-1000-ti-dong-moi-nam-de-mua-sach-giao-khoa-roi-ban-dong-nat-630742.ldo