Tin tức giáo dục 24h: Bộ GDĐT nói gì về quy định xử phạt hành chính trong giáo dục

Bộ GDĐT lên tiếng về quy định giáo viên đánh học sinh bị phạt 30 triệu đồng; lần đầu tiên học sinh Việt Nam giành 8 Huy chương Vàng Olympic Toán và Khoa học quốc tế... là những tin tức giáo dục nổi bật trong 24h qua.

Bộ GDĐT lên tiếng về quy định giáo viên đánh học sinh bị phạt 30 triệu đồng

Theo Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các quy định trong Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GDĐT đang lấy ý kiến đều hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo; đồng thời đảm bảo các cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau.

Cũng theo đại diện Thanh tra Giáo dục, xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục sẽ không có chuyện “phạt nguội” như giao thông. Khi xử phạt sẽ xem xét đâu là động cơ, hành vi, mục đích chứ không phải cứ đánh vào tay học sinh là phạt 30 triệu đồng.

Trước khi nghị định được ban hành, Bộ GDĐT sẽ có tập huấn kỹ cho người có thẩm quyền xử phạt như thanh tra giáo dục, UBND các cấp, tránh việc xử phạt không đúng người, không đúng hành vi.

Xem chi tiết tại đây.

Lần đầu tiên học sinh Việt Nam giành 8 Huy chương Vàng Olympic Toán và Khoa học quốc tế

Tham dự kỳ thi IMSO 2018, đoàn Việt Nam có 23 thí sinh tham dự, trong đó có 20 thí sinh đến từ Hà Nội, 3 thí sinh khác đến từ TPHCM và Hải Phòng. Kết quả sau gần một tuần, học sinh các nước tranh tài, đội tuyển Việt Nam giành được 8 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng.

Được biết, giành được 8 huy chương Vàng trong một kỳ thi là thành tích cao nhất của đoàn học sinh Việt Nam kể từ khi tham gia IMSO đến nay.

Xem chi tiết tại đây.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Phạt tiền chỉ là biện pháp “cắt ngọn”!

Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, cần có những mức độ quy định cụ thể thế nào là xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học thì mới có thể áp dụng phạt tiền. Có thể quy định nếu giáo viên và người học vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, kiểm điểm, nếu tái phạm, hay mức độ nghiêm trọng thì mới xử phạt.

Ông cũng cho rằng, giáo dục là lĩnh vực đặc thù, nên phải lấy giáo dục làm gốc. Còn việc đánh vào túi tiền của giáo viên, học sinh hay phụ huynh, có thể ngăn chặn tiêu cực, nhưng chỉ là cách làm “ngắt ngọn”.

Xem chi tiết tại đây.

Trường đại học ở Sài Gòn đề ra mức điểm liệt trong điểm thi cuối kỳ của học phần

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM vừa có quyết định tăng mức điểm liệt môn học lên 3 điểm. Theo đó, điểm thi cuối kỳ của học phần đạt dưới 3 và nhỏ hơn điểm tổng kết tính từ các điểm đánh giá bộ phận (kể cả điểm thi cuối kỳ) thì lấy điểm thi cuối kỳ làm điểm tổng kết học phần. Quyết định này có hiệu lực từ học kỳ 2 của năm học này. Trước đây, trường không áp dụng mức điểm liệt. Theo nhà trường, đây là biện pháp buộc sinh viên cố gắng hơn trong suốt quá trình học tập.

Thế Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc-24h-bo-gddt-noi-gi-ve-quy-dinh-xu-phat-hanh-chinh-trong-giao-duc-634340.ldo