Tin tức giáo dục 24h: Ai phải chịu trách nhiệm khi thực phẩm bẩn tuồn vào trường học?

Để thực phẩm bẩn tuồn vào trường học, ai chịu trách nhiệm; Trẻ đến trường tăng, biên chế giáo viên lại giảm; Đại học Fulbright khai giảng Chương trình Thạc sĩ Chính sách công khóa 2020...là những tin tức giáo dục nổi bật trong 24h qua.

Để thực phẩm bẩn tuồn vào trường học, ai chịu trách nhiệm?

Hình ảnh do phụ huynh ở Bà Rịa - Vũng Tàu chụp lại, để 'tố' nhà trường cho trẻ ăn cơm nấu bằng gạo mốc, đầu cá.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho rằng, trong trường hợp này thì hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm cao nhất. Để thực phẩm bẩn tràn vào bếp ăn trường học, đó thực sự là một tội ác, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của học sinh.

Còn theo Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), Ban đại diện cha mẹ học sinh cần thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Cần phải thường xuyên kiểm tra bếp ăn trường học, chất lượng bữa ăn bán trú… để bảo vệ sức khỏe của học sinh, thay vì quan tâm quá nhiều đến lợi ích của nhà trường.

Xem chi tiết tại đây.

Đại học Fulbright khai giảng Chương trình Thạc sĩ Chính sách công khóa 2020

Đây là lần đầu tiên Chương trình Thạc sĩ Chính sách công có hai chuyên ngành, trong đó chuyên ngành Phân tích chính sách học toàn thời gian trong 15 tháng, ngôn ngữ giảng dạy nhiều môn trực tiếp bằng tiếng Anh không qua phiên dịch.

Còn chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý học bán thời gian, kéo dài 18 tháng, cứ hai tháng tập trung 9 ngày, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt.

Xem chi tiết tại đây.

Những kết quả đạt được của giáo dục mầm non sau 5 năm đổi mới

Lĩnh vực giáo dục mầm non của nước ta đạt được nhiều kết quả nổi bật sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29 - NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong vòng 5 năm thực hiện, đã có 15.394 trường mầm non (tăng 1660 trường) được đầu tư phát triển và chuẩn hóa, tổng số giáo viên tăng 98.184 người, số trẻ được đến trường tăng 1.144.620 em so với năm 2013...

Xem chi tiết tại đây.

Tiếng Anh là môn học bắt buộc trong đào tạo cao đẳng

Bộ Lao động Thương binh Xã hội đề xuất đưa Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc trong đào tạo cao đẳng.

Sau khi học xong môn học này, người học phải đạt được trình độ năng lực ngoại ngữ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Thời gian thực hiện là 120 giờ trong đó lý thuyết 57 giờ; thực hành, thảo luận, bài tập 57 giờ và kiểm tra 6 giờ. Thông tư sẽ được lấy ý kiến đến ngày 2.12.2018.

Xem chi tiết tại đây.

Thế Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc-24h-ai-phai-chiu-trach-nhiem-khi-thuc-pham-ban-tuon-vao-truong-hoc-636191.ldo