Tin tức ASEAN buổi sáng 30/12: Indonesia đệ trình báo cáo về ranh giới thềm lục địa mở rộng, Philippines thúc đẩy hiện đại hóa vũ khí

Indonesia đệ trình báo cáo mới về ranh giới thềm lục địa mở rộng, Philippines thúc đẩy hiện đại hóa vũ khí... là những tin chính trong bản tin ASEAN buổi sáng 30/12.

Tin tức ASEAN buổi sáng 30/12.

Tin tức ASEAN buổi sáng 30/12.

Philippines thúc đẩy hiện đại hóa vũ khí để bảo vệ vùng biển

Ngày 29/12, trên trang chủ Cơ quan thông tin chính phủ Philippines, Tư lệnh, Phó Đô đốc Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo phát biểu về kết quả hiện đại hóa Hải quân nước này trong năm 2020 và bày tỏ sẽ tiếp tục hiện đại hóa vũ khí để bảo vệ các vùng biển.

Tư lệnh Giovanni Bacordo khẳng định: "Bất chấp đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Chương trình Hiện đại hóa của Quân đội Philippines (AFP) năm 2020, Hải quân Philippines vẫn giữ vững tinh thần phát triển năng lực. Hải quân đã chứng kiến sự xuất hiện của tàu khu trục hiện đại BRP Jose Rizal đầu tiên vào tháng 5".

Theo Tư lệnh Giovanni Bacordo, vào tháng 8, Lực lượng tác chiến đặc nhiệm Hải quân - Navsocom cũng đã chứng kiến chuyển giao 7/10 tàu cao tốc được mua sắm theo chương trình hiện đại hóa quân đội, nhằm tăng cường năng lực tác chiến đặc biệt.

Người đứng đầu Hải quân Philippines cũng ca ngợi việc tiếp quản hệ thống giám sát ScanEagle từ quân đội Mỹ nhằm hỗ trợ Hải quân nước này mở rộng phạm vi an ninh nội bộ, phòng thủ lãnh thổ và nhiệm vụ thực thi pháp luật hàng hải.

(PIA)

Thái Lan tạo điều kiện cho lao động nhập cư bất hợp pháp đăng ký làm việc

Ngày 29/12, nội các Thái Lan đã thông qua việc thực hiện đăng ký đối với lao động nhập cư bất hợp pháp từ Campuchia, Lào và Myanmar nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết, việc đăng ký trực tuyến, được ấn định trong khoảng thời gian từ ngày 25/1-13/2/2021, sẽ cho phép lao động nhập cư từ 3 nước nói trên ở lại làm việc tại Thái Lan trong 2 năm, hoặc cho đến ngày 16/2/2023.

Theo bà Traisuree, nhiều lao động nhập cư đã bị phát hiện nhiễm bệnh trong đợt bùng phát Covid-19 mới. Khi chính phủ cố gắng xét nghiệm thêm nhiều người trong số họ ở các khu vực có nguy cơ, rất nhiều chủ sử dụng lao động di cư bất hợp pháp đã chuyển họ đến các khu vực khác và bỏ rơi họ ở đó.

Một số lao động nhập cư bất hợp pháp cũng tự nguyện rời khỏi các khu vực đó vì sợ bị truy tố. Điều này khiến việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Liên quan vòng đăng ký mới, lao động nhập cư bất hợp pháp không có chủ sử dụng phải tìm được một người thuê trong vòng 90 ngày. Sau khi đăng ký trực tuyến, các quan chức y tế sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm Covid-19. Chi phí xét nghiệm và bảo hiểm y tế 2 năm bắt buộc, tổng cộng 7.200 Baht, sẽ do người lao động hoặc người sử dụng lao động chi trả.

Ngày 29/12, các chuyên gia ước tính có khoảng 2,3-2,5 triệu lao động nhập cư hợp pháp ở Thái Lan, trong khi có tới hơn 1 triệu người được cho là đang sống và làm việc bất hợp pháp tại nước này.

(Bangkok Post)

Indonesia đệ trình báo cáo mới về ranh giới thềm lục địa mở rộng

Ngày 28/12, Đại sứ Indonesia tại Liên hợp quốc (LHQ) Dian Triansyah Djani đã đệ trình báo cáo lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ (CLCS), trong đó nêu rõ yêu sách của Indonesia đối với một khu vực có diện tích 211.397 km² nằm cách bờ biển của đảo Sumatra 200 hải lý.

Bộ Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư cho biết, nếu báo cáo đệ trình này được chấp nhận, Indonesia sẽ có thêm thềm lục địa với diện tích lớn gấp đôi đảo Java.

Đây là báo cáo đệ trình lần hai của Indonesia tại Ấn Độ Dương. Bản đệ trình đầu tiên liên quan đến phần thềm lục địa mở rộng gần tỉnh Aceh ở phía Tây Bắc đảo Sumatra. Báo cáo này được Indonesia đệ trình lên CLCS vào năm 2008 và được LHQ công nhận vào năm 2011.

Năm 2019, Indonesia cũng từng đệ trình các yêu sách đối với vùng biển ngoài 200 hải lý ở phía Bắc tỉnh Papua, giáp với 3 quốc gia Nam Thái Bình Dương là Palau, Micronesia và Papua New Guinea.

(Jakarta Post)

Cập nhật tình hình Covid-19

Trong ngày 29/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 10.800 ca mắc Covid-19, trong khi số ca tử vong tăng 292 trường hợp; nâng tổng số ca mắc tại khu vực lên 1.496.834 ca, trong đó có 33.765 ca tử vong và 1.291.335 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia có các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia.

Với 7.903 ca nhiễm mới và 251 ca tử vong mới, Indonesia đang chứng kiến dịch lây lan căng thẳng và chưa có dấu hiệu chững lại, tiếp tục là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong.

Ngày 29/12, Malaysia ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 lên tới 1.925 trường hợp trong khi số ca nhiễm mới tại Philippines giảm xuống 3 con số, còn 886.

Philippines cấm nhập cảnh từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nguồn: Reuters)

Cùng ngày, Thái Lan tiếp tục xử lý ổ dịch lớn nhất từ trước tới nay tại khu chợ hải sản ở tỉnh Sakhon, gần Bangkok, và ghi nhận 155 ca nhiễm mới.

Trong khi đó, chính phủ Campuchia đã ra chỉ thị cho phép các cơ sở giáo dục tư nhân đón học sinh trở lại lớp kể từ ngày 29/12, trong khi các trường công lập được mở cửa lại từ ngày 11/1/2021.

Trước đó, các trường học ở Campuchia đã phải đóng cửa và chuyển sang dạy trực tuyến sau vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại nước này, còn gọi là “sự cố cộng đồng ngày 28/11”.

Tuy nhiên, ngày 29/12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sự cố này đã được kiểm soát vì không phát hiện thêm ca mắc mới.

Ngày 29/12, hãng hàng không quốc gia Lào Lao Airlines thông báo hãng đã đình chỉ tất cả chuyến bay thương mại đến và đi từ nước ngoài đến cuối tháng 1/2021 để hạn chế dịch Covid-19 lây lan.

Philippines cũng sẽ cấm nhập cảnh đối với những hành khách đến từ Nhật Bản cùng 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Theo thông báo ngày 29/12 của Bộ Giao thông vận tải Philippines, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 30/12 đến ngày 15/1/2021, áp dụng với cả hành khách nước ngoài và công dân Philippines về nước.

(TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-3012-indonesia-de-trinh-bao-cao-ve-ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-philippines-thuc-day-hien-dai-hoa-vu-khi-132736.html