Tin tức ASEAN buổi sáng 3/11: Việt Nam dẫn dắt ASEAN vượt thách thức, start-up Ấn Độ 'tấn công' Đông Nam Á

Việt Nam dẫn dắt ASEAN vượt qua những thách thức năm 2020, làn sóng start-up Ấn Độ ở Đông Nam Á... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN hôm nay.

Việt Nam dẫn dắt ASEAN vượt qua những thách thức năm 2020

Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong bối cảnh khu vực và toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp. Sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa các nước lớn và đại dịch Covid-19 đang hoành hành, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới, trong đó có các nước thành viên ASEAN.

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, linh hoạt và trách nhiệm, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò điều phối ASEAN, đáp ứng kỳ vọng của các nước thành viên.

Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã cùng các nước thành viên đẩy mạnh các hoạt động hợp tác theo đúng ý nghĩa của chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng Cộng đồng và vai trò của ASEAN trong thế giới luôn thay đổi. Sự bùng phát đột ngột và những hậu quả chưa từng có của đại dịch Covid-19 cho thấy chủ đề và phương châm này rất phù hợp với tình hình mà khu vực đang trải qua.

Chủ tịch ASEAN 2020 đã công bố nhiều sáng kiến và văn kiện quan trọng như: Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN trước dịch bệnh Covid-19, thành lập Quỹ ứng phó ASEAN, hình thành kế hoạch phục hồi tổng thể hậu đại dịch,... được các nước nhất trí và trở thành sáng kiến chung của Hiệp hội.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, Việt Nam đã rất linh hoạt trong việc tổ chức các Hội nghị cấp cao theo hình thức trực tuyến không chỉ trong nội khối, mà còn với các nước đối tác đối thoại như Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia...

Ngoài những tác động ngắn hạn đến kinh tế - xã hội toàn cầu, đại dịch Covid-19 còn tác động đến an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (bao gồm Đông Nam Á), quan trọng nhất là sự cạnh tranh trong khu vực ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi có tác động mạnh mẽ đến môi trường địa chính trị trong dài hạn.

Đối mặt với sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa các nước lớn trong khu vực, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cương quyết đưa các vấn đề nóng bỏng trong lĩnh vực an ninh và chính trị ra thảo luận tại các diễn đàn của ASEAN, tận dụng cơ hội để không chỉ thể hiện quan điểm của ASEAN, mà còn linh hoạt trong việc cố gắng duy trì mối quan hệ cân bằng với các nước lớn để không bị mắc kẹt trong tình huống phải chọn bên.

Thông qua đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thể hiện sự đoàn kết, đồng thuận trên các vấn đề cơ bản và cốt lõi; thể hiện vai trò trung tâm của việc giữ gìn độc lập và trung lập của ASEAN.

(Korea IT Times)

Làn sóng start-up Ấn Độ ở Đông Nam Á

Ấn Độ được biết đến như một nước xuất khẩu tài năng công nghệ trên toàn cầu từ những năm 1980, và giờ đây, chúng ta thấy nước này không chỉ xuất khẩu nhân sự mà còn xuất khẩu các công ty khởi nghiệp sang Đông Nam Á thông qua mở rộng hữu cơ, đầu tư chiến lược, mua bán và sáp nhập hoặc hợp tác liên doanh.

Đông Nam Á và Ấn Độ có khoảng 500 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, chủ yếu là thế hệ trẻ thạo công nghệ. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á như Indonesia có chung động lực đặc biệt với Ấn Độ. Ví dụ, cả hai thị trường đều bị chi phối bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp một phần đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội và đang đẩy mạnh số hóa hơn bao giờ hết.

Hành vi tiêu dùng của người dân trong khu vực cũng khá tương tự, giúp Ấn Độ dễ dàng "tấn công" vào thị trường này hơn. Một trong những xu hướng đó là sự phát triển của các mô hình thương mại điện tử, thương mại xã hội.

Ngoài ra, Ấn Độ và Đông Nam Á đều đang là ưu tiên của những "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ và Trung Quốc. Đây là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy một số công ty khởi nghiệp Ấn Độ tiến vào Đông Nam Á.

Tuy nhiên, thay vì đầu tư trực tiếp vào các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn ở Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc sẽ dồn tiền cho các start-up Ấn Độ để đẩy mạnh vào thị trường đầy tiềm năng này, giảm thiểu rủi ro và tăng tốc thị phần.

(Tech in Asia)

Triển lãm là hoạt động nghệ thuật nhằm tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết trong khối ASEAN.

Triển lãm là hoạt động nghệ thuật nhằm tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết trong khối ASEAN.

Triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 3

Từ ngày 6-25/11, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) - Hà Nội sẽ diễn Triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 3 - Việt Nam 2020.

Triển lãm là hoạt động nghệ thuật nhằm tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết trong khối, dịp để họa sĩ Việt Nam và các nước ASEAN giao lưu, trao đổi, giới thiệu những thành tựu mới trong sáng tác nghệ thuật đồ họa ở khu vực, đồng thời là cơ hội để công chúng Việt Nam và bạn bè quốc tế thưởng ngoạn những tác phẩm đồ họa của các họa sĩ đương đại.

Triển lãm giới thiệu 117 tác phẩm của 84 tác giả từ 10 quốc gia thành viên ASEAN, phong phú về nội dung/đề tài (cuộc sống, con người, phong cảnh thiên nhiên, đất nước, những vấn đề của cuộc sống đương đại...), đa dạng về hình thức, kỹ thuật thể hiện (ứng dụng nhiều phương pháp của nghệ thuật tranh in như: khắc kim loại, khắc gỗ, in độc bản, in lưới…).

(VGP)

Tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 2/11, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 6.969 ca mắc Covid-19 và 112 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 952.241 ca, trong đó có 22.971 người tử vong.

Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 2/11 là Indonesia với 2.618 ca, nâng tổng số ca mắc lên 415.402 ca. Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày này cao nhất ASEAN với 101 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 14.044. Trong thời gian qua, Indonesia liên tục là nước có ca mắc và tử vong cao nhất khu vực.

Theo CNN, xu hướng giảm đều số ca mắc Covid-19 mới trong vài tuần qua có thể cho thấy Indonesia đã qua đỉnh dịch mặc dù giới chức y tế chưa xác nhận điều này.

Đứng thứ hai về ca mắc Covid-19 trong ngày 2/11 là Philippines với 2.298 ca, nâng tổng số ca mắc lên 385.400. Nước này cũng ghi nhận 32 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 7.269. Philippines là vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai ASEAN.

Ngày 2/11, Myanmar ghi nhận số ca mắc trong ngày cao thứ 3 ASEAN với 1.202 ca mắc và 24 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 54.607, trong đó có 1.282 ca tử vong.

Tại Malaysia, ngày 2/11, ghi nhận 834 ca mắc mới (cao thứ tư ASEAN) và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 33.339 ca, trong đó 251 người không qua khỏi.

Trong khi đó, Campuchia, SingaporeThái Lan đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 không đáng kể trong ngày 2/11. Singapore và Campuchia mỗi nước chỉ có 1 ca mắc.

(TTXVN)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-311-viet-nam-dan-dat-asean-vuot-thach-thuc-start-up-an-do-tan-cong-dong-nam-a-127969.html