Tin tức ASEAN buổi sáng 26/6

Cập nhật tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại ASEAN, vấn đề Biển Đông là mối quan tâm hàng đầu của ASEAN... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Indonesia vẫn là quốc gia ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Cập nhật tình hình Covid-19

Tính đến rạng sáng ngày 26/6, ASEAN có thêm 2.070 ca nhiễm Covid-19 so với ngày hôm trước, ghi nhận tổng cộng 138.709 ca nhiễm. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tăng lên 4.046 người, tăng 50 trường hợp. Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh, đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp bình thường.

Bộ Y tế Indonesia ngày 25/6 ghi nhận thêm 1.178 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 50.187 người. Tổng số ca tử vong cũng tăng lên 2.620 người sau khi có thêm 47 người tử vong.

Số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng lên khi Chính phủ Indonesia cho phép các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong bối cảnh áp lực kinh tế gia tăng. Các cơ quan, văn phòng, nhà hàng và trung tâm mua sắm được mở cửa trở lại nhưng chỉ 50% nhân viên được làm việc. Giao thông công cộng cũng được nối lại hoạt động.

Trong khi đó, tổng số ca mắc Covid-19 đã tăng lên 33.069 người sau khi Bộ Y tế Philippines ngày 25/6 ghi nhận thêm 778 người nhiễm mới. Nước này cũng có thêm 255 người khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 8.910 người. Số ca tử vong do Covid-19 ở Philippines cũng tăng lên 1.212 người sau khi có thêm 8 người không qua khỏi.

Singapore ghi nhận thêm 113 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 42.736. Đã nhiều tuần qua, Singapore không có bất cứ ca tử vong mới nào vì Covid-19. Đảo quốc sư tử cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới từ từ thuyên giảm.

Ngày 25/6, Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận thêm 4 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca mắc lên 8.600 ca. Số ca tử vong do Covid-19 tại Malaysia hiện duy trì ở mức 121 ca.

Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.158 ca mắc Covid-19 và 58 ca tử vong.

Thái Lan đang có nhiều nỗ lực nhằm nghiên cứu, phát triển một loại vaccine phòng chống Covid-19. Các nhà khoa học nước này tuần qua đã tiêm liều vaccine thứ hai thử nghiệm phòng chống bệnh Covid-19 cho khỉ và chờ đợi phản ứng tích cực để có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở người vào tháng 10 tới.

Hết ngày 25/6, Lào đã không còn bệnh nhân Covid-19 sau khi cả 19 trường hợp đều hồi phục và xuất viện. Trong 24 giờ qua, các quốc gia ASEAN khác như Việt Nam, Brunei, Campuchia, Myanmar đều không xuất hiện ca nhiễm mới trong ngày 25/6. (TGVN/TTXVN)

Biển Đông là mối quan tâm hàng đầu của ASEAN

Ngày 26/6, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước thành viên. Đối với Hội nghị cấp cao lần này, các chuyên gia dự đoán vấn đề trọng điểm để ASEAN cùng thảo luận chính là tranh chấp trên Biển Đông.

Theo các nhà phân tích Đông Nam Á, Việt Nam sẽ thể hiện rõ vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 qua việc thúc đẩy lập trường cứng rắn của cộng đồng chung nhằm phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông. Với quyết tâm của mình, Việt Nam định hướng xây dựng thành công một bộ quy tắc ứng xử chung về Biển Đông cho các nước ASEAN.

Các nước ASEAN đồng ý rằng hành động của Trung Quốc là vi phạm quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Năm ngoái, các quốc gia thành viên đã đạt tới một cột mốc đáng chú ý về sự đồng thuận khi xây dựng được một bản thảo chung cho bộ quy tắc ứng xử. (AP)

UNODC trao thiết bị y tế cho Ủy ban Kiểm soát ma túy Thái Lan. (Nguôn: UNODC)

UNODC hỗ trợ các nước khu vực sông Mekong bảo vệ biên giới khỏi Covid-19

Nhằm tiếp tục giúp đỡ lực lượng thực thi pháp luật ở khu vực biên giới Đông Nam Á, văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) đã chuyển giao thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và tài liệu nhận thức về Covid-19 cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Biến động do đại dịch gây ra đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các hoạt động tại biên giới đất liền trên khắp khu vực sông Mê Kông. Lao động nhập cư bị thất nghiệp sau khi lệnh phong tỏa có hiệu lực trên toàn khu vực và viễn cảnh đóng cửa biên giới đã dẫn đến một cuộc di cư ồ ạt của người dân trở về nước.

Trong suốt quá trình gia tăng hoạt động xuyên biên giới, các sĩ quan tuần tra đã không có sự chuẩn bị để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bệnh tật và buôn bán bất hợp pháp, đồng thời bảo vệ chính họ và người di cư khỏi virus.

Khi nhu cầu hỗ trợ trở nên rõ ràng, UNODC đã tập trung lại Mạng lưới Văn phòng Liên lạc Biên giới để nhanh chóng cung cấp các thiết bị và thông tin quan trọng cho các sĩ quan tuần tra biên giới. Việc cung cấp PPE giúp đảm bảo an toàn cho các sĩ quan trong khi làm nhiệm vụ và giảm khả năng bùng phát một đợt dịch Covid-19 thứ hai tại đây. (UNODC)

Các công ty khởi nghiệp sống sót trong mùa Covid-19 ra sao?

Những năm gần đây, số lượng công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á tăng nhanh với sự hỗ trợ từ chính phủ và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây nên đã khiến nhiều công ty khởi nghiệp trong khu vực phải “gồng mình” để sinh tồn khi doanh thu và tài trợ giảm mạnh.

Với dân số trẻ và hiểu biết công nghệ, Đông Nam Á đang nổi lên như "Thung lũng Silicon" của châu Á, hứa hẹn tiềm năng trở thành "bến đỗ" mới cho các công ty khởi nghiệp và đầu tư.

Các công ty khởi nghiệp trong khu vực, điển hình là các doanh nghiệp liên quan đến du lịch và khách sạn, hiểu rõ mối đe dọa do Covid-19 gây ra, bao gồm sự thiếu hụt doanh thu và khó khăn trong vấn đề khai thác các nguồn tài trợ.

Giữa tình hình ảm đạm này, để có thể duy trì hoạt động, các công ty phải cắt giảm kế hoạch tiếp thị, thu hẹp nhân sự và tìm cách thực hiện các chiến lược tăng trưởng đa dạng. Tuy nhiên, bất chấp sự bi quan xung quanh Covid-19, một số nhà tài chính ở Đông Nam Á vẫn đang tìm cách đầu tư vào các công ty khởi nghiệp bị đại dịch tấn công.

Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, rất nhiều đơn vị đã biến đại dịch thành động lực cho sự đổi mới. Nhiều nước đã sử dụng công nghệ và các công ty khởi nghiệp để ngăn chặn “bóng ma” Covid-19. Đây cũng là thời điểm mà các chính phủ Đông Nam Á cung cấp gói kích thích tài chính cho các công ty khởi nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đối với bản thân các công ty, đã đến lúc duy trì sự lạc quan và đưa ra các chiến lược phục hồi cho giai đoạn hậu Covid-19. (ASEAN Today)

Nhóm PV

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-266-118238.html