Tin tức ASEAN buổi sáng 26/5

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, các nước CLMV bị tác động mạnh bởi Covid-19, đoàn kết là chìa khóa giúp ASEAN vượt qua đại dịch... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Tính đến hết ngày 25/5, ASEAN có thêm 1.282 ca mắc Covid-19. (Nguồn: AP)

Covid-19 tại ASEAN: Malaysia tăng cao trở lại, Indonesia sớm áp dụng “bình thường mới”

Tính đến hết ngày 25/5, ASEAN có thêm 1.282 ca mắc Covid-19 so với 1 ngày trước. Số ca nhiễm Covid-19 ở Malaysia tăng mạnh trở lại, trong khi Indonesia áp dụng kịch bản "bình thường mới" và Thái Lan chuẩn bị cho giai đoạn 3 nới lỏng.

Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.466 người dân khu vực Đông Nam Á, tăng 25 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Khu vực cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 33.439 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Indonesia đã vượt qua Singapore trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mới cao nhất khu vực. Tình hình lây nhiễm có xu hướng giảm bớt ở Singapore trong khi số ca mắc mới tăng mạnh trở lại ở Malaysia.

Trong nhóm 6 quốc gia đã kiểm soát được dịch, ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới Covid-19 là hành khách từ Pháp về, được cách ly ngay từ khi nhập cảnh, nâng tổng số mắc bệnh lên 326 trường hợp. Các nước còn lại gồm Myanmar, Brunei, Campuchia và Lào không ghi nhận ca nhiễm virus mới hay tử vong nào trong ngày.

Ngày 25/5, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Malaysia tăng gần gấp 3 lần so với hôm trước, là mức cao nhất trong 3 tuần qua. Theo Bộ Y tế Malaysia, nước này đã ghi nhận 172 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây cũng là lần đầu tiên sau 21 ngày, số ca mắc Covid-19 ở Malaysia trở lại mức 3 con số.

Ngày 25/5, Singapore ghi nhận 344 ca mắc Covid-19 (thấp hơn Indonesia với 479 ca) nâng tổng số ca lên 31.960. Trong số bệnh nhân mới có 4 người Singapore và thường trú nhân, còn lại là công nhân nhập cư sống trong các ký túc xá tập thể.

Tại Indonesia, Bộ Cải cách Hành chính cho biết chính phủ nước này có thể sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội và chuẩn bị thực hiện kế hoạch hành động tiếp theo trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch Covid-19, theo đó sẽ áp dụng kịch bản “bình thường mới” để ứng phó.

Thái Lan ngày 25/5 ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 và một trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 57 người. Hiện tại Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.042 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 96% đã bình phục (2.928 ca) và chỉ còn 57 trường hợp đang được điều trị tại bệnh viện.

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines ngày 25/5 thông báo nước này ghi nhận 5 ca tử vong và 284 ca mắc COVID-19 trong ngày, mức tăng cao nhất trong 2 tuần trở lại đây. Hiện tại Philippines có tổng cộng 14.319 ca bệnh, và tổng số ca hồi phục là 3.323.

(TTXVN/TGVN)

Đoàn kết khu vực - Chìa khóa để ASEAN ứng phó hiệu quả với Covid-19

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đặt ra mối đe dọa đáng kể cho Đông Nam Á và ASEAN. Điều này chủ yếu là do sự gần gũi về địa lý của khu vực với Trung Quốc và dòng chảy thương mại giữa hai bên. Cách tối ưu để ASEAN đối phó với đại dịch là đoàn kết.

ASEAN đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tương đối ít hơn khi so sánh với các nước phương Tây. Vào cuối những năm 1990, các nền kinh tế Đông Nam Á có thể nhận được những khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nỗ lực phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, trong kịch bản hiện tại, thị trường quốc tế có thể chưa sẵn sàng hỗ trợ đủ cho tăng trưởng và nền kinh tế của ASEAN. Vì vậy, các nền kinh tế ASEAN buộc phải xích lại gần nhau để đối phó với khủng hoảng.

Tất cả quốc gia thành viên phải tiến hành xét nghiệm rộng rãi hơn và cần làm rõ về số lượng các ca nhiễm tại nước mình. Điều cần làm là phát triển các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở những nước ASEAN kém phát triển như Campuchia, Lào và Myanmar, vì các hệ thống này không đủ hiệu quả và không được trang bị đầy đủ để tự mình chống lại virus Corona chủng mới, đặc biệt là nếu dịch bệnh lan rộng.

Một bước tiến lớn của khu vực là việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 đặc biệt vào ngày 14/4, bao gồm 10 thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước đã đưa ra một số bước đi để chống lại đại dịch, bao gồm việc thành lập Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, cùng các cách thức và chiến lược để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này.

ASEAN nên phát triển các mô hình hiệu quả về chi phí như sản xuất các bộ xét nghiệm rẻ hơn để làm phẳng đường cong dịch tễ. Nếu Covid-19 không được xử lý một cách có trách nhiệm và tập thể, đại dịch này có nguy cơ phá vỡ sự tồn tại cũng như những thành tựu của khối.

(Bangkok Post)

Kinh tế các nước CLMV bị tác động mạnh bởi Covid-19 do phụ thuộc nhiều vào du lịch và xuất khẩu. (Nguồn: Thailand Business News)

Covid-19 tác động mạnh tới kinh tế các nước CLMV

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhóm các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ.

Rất có thể, các nền kinh tế CLMV có mức tăng trưởng 3,4% trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế của nhiều nước phụ thuộc vào xuất khẩu và du lịch. Tuy nhiên, nhìn chung, các nền kinh tế CLMV sẽ có xu hướng phục hồi nhanh chóng trong vòng 1-2 năm tới với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,4% vào năm 2021 và 6,5% vào năm 2022.

Kinh tế Campuchia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 vì nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào du lịch và xuất khẩu, ngành du lịch của Campuchia giảm khoảng 60% trong năm nay. Về xuất khẩu, Campuchia vẫn phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường EU và Mỹ, tuy vậy, cả hai thị trường này đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Do đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Campuchia dự kiến sẽ giảm 10%.

Xuất khẩu của Myanmar cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xuất khẩu chính của Myanmar là khí đốt tự nhiên và điều đó đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc giảm giá nhiên liệu liên tục trên thị trường toàn cầu.

(Thailand Business News)

ADB phê duyệt khoản vay 20 triệu USD giúp Lào ứng phó khẩn cấp Covid-19

Ngày 25/5, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản vay 20 triệu USD để hỗ trợ Lào ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19.

Khoản vay này là một khoản tài trợ bổ sung cho Dự án An ninh Y tế Tiểu vùng Mekong (GMS), sẽ hỗ trợ Bộ Y tế Lào mua sắm thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị thí nghiệm, bộ dụng cụ xét nghiệm, thiết bị y tế và xe cứu thương…

Khoản tài chính này cũng sẽ giúp Chính phủ Lào đào tạo nhân viên y tế tuyến đầu về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và chăm sóc lâm sàng cho bệnh nhân Covid-19.

Lào đã quản lý dịch Covid-19 tương đối tốt nhờ khả năng giám sát và ứng phó với bệnh truyền nhiễm được cải thiện trong thập kỷ qua. Lào vẫn cần duy trì và tăng cường hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe để có thể đáp ứng với bất kỳ tình huống nào trước Covid-19.

(Tân Hoa xã)

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-265-116296.html