Tin tức ASEAN buổi sáng 2/4

Số người mắc Covid-19 tăng nhanh, Mỹ công bố gói viện trợ cho ASEAN chống Covid-19, 2 thành phố chịu thiệt hại lớn nhất trong ASEAN vì Covid-19... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN buổi sáng ngày 2/4.

Vắng vẻ là điều dễ nhận thấy ở hầu hết các thành phố trong ASEAN giai đoạn dịch Covid-19. (Nguồn: The Business Times)

ASEAN: 980 ca nhiễm mới, 32 người chết vì Covid trong 24 giờ

Tính đến hết ngày 1/4 đã có tổng cộng 7.836 ca mắc Covid-19 trong ASEAN, tăng 740 trường hợp trong vòng 24 giờ, tương đương 10,52%.

Indonesia đã ghi nhận 14 trường hợp tử vong và 114 ca nhiễm mới trong ngày 1/4, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 136 và tổng số ca nhiễm lên 1.311. 10 trường hợp tử vong và 538 trường hợp nhiễm mới ở Philippines, đưa con số tử vong vì Covid-19 ở nước này tăng lên 88 trường hợp và tổng số ca nhiễm là 1.947.

Malaysia có 140 trường hợp nhiễm Covid mới và thêm 6 trường hợp tử vong, đưa tổng số người chết vì Covid-19 lên 43 người và số ca nhiễm lên 2.186 người, trong đó có 94 trường hợp trong tình trạng nghiêm trọng. Thái Lan ghi nhận thêm một trường hợp tử vong vì Covid-19 và 127 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số người tử vong lên 10 trường hợp và tổng số ca nhiễm lên 1.299 trường hợp, 23 trường hợp trong số đó ở tình trạng nguy hiểm.

Tại Singapore có thêm 47 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 683, trong đó 22 trường hợp nghiêm trọng. Ở Việt Nam có 8 trường hợp nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 218. Số người nhiễm Covid-19 ở Campuchia và Brunei đã tăng lên lần lượt là 86 và 83 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Myanmar đã thông báo có 1 trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19 và 1 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 14 trường hợp. Lào thông báo có thêm 1 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm lên 9 người.

Kể từ khi trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận tại ASEAN ngày 12/1, con số người nhiễm Covid-19 ở khu vực đã tăng lên đáng kể. Đã có tổng cộng 282 trường hợp tử vong vì Covid-19 tại ASEAN, chiếm khoảng 17,02%.

(AEC News Today)

Mỹ công bố gói viện trợ khẩn cấp hơn 18 triệu USD cho ASEAN

Để đối phó dịch Covid-19, Mỹ đã chi 18,3 triệu USD hỗ trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó Việt Nam nhận 3 triệu USD.

"Là quốc gia đi đầu trong việc ứng phó y tế và nhân đạo toàn cầu trong cuộc chiến Covid-19, Mỹ đã hành động nhanh chóng để hỗ trợ các đối tác ASEAN của chúng tôi trong việc chống lại Covid-19. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, Chính phủ Mỹ đã cung cấp khoảng 18,3 triệu USD hỗ trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam công bố ngày 1/4 cho biết.

Mỹ hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới, vượt qua Italy, Tây Ban Nha, và Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đã công bố gói ngân sách giải cứu 2.000 tỷ USD để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump kêu gọi thực hiện cách ly xã hội tới hết tháng 4.

Song song đó, Mỹ tiếp tục các chương trình viện trợ cho nước ngoài. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, tính tới ngày 26/3, Mỹ đã cung cấp khoản đầu tư ban đầu gần 274 triệu USD cho hỗ trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp để giúp các quốc gia có nhu cầu, ngoài nguồn vốn tài trợ nước này đã cung cấp cho các tổ chức đa phương như WHO và UNICEF.

Trong khu vực Đông Nam Á, Mỹ thông qua khoản hỗ trợ 18,3 triệu USD cho một số nước như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan… Số tiền được dùng cho việc chuẩn bị các phòng thí nghiệm để xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, tiến hành truyền thông nguy cơ…

Các khoản hỗ trợ khẩn cấp này bổ sung vào khoản hỗ trợ y tế công cộng gần 3,5 tỷ USD mà Mỹ đã cung cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN trong 20 năm qua. Ngoài hỗ trợ tài chính, phía Mỹ cũng đang làm việc cùng ASEAN, thúc đẩy phối hợp và hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và các thách thức y tế công cộng.

Ngày 1/4, hai bên đã tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành giữa các quan chức cao cấp ASEAN - Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch Nhóm công tác của Hội đồng Điều phối ASEAN, đồng chủ trì Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell.

(Tuổi trẻ Online)

Nhiều người lao động Campuchia bị mắc kẹt ở biên giới do lệnh đóng cửa biên giới của Thái Lan. (Nguồn: Bangkok Post)

Thái Lan nới lỏng quy định cho lao động nhập cư hợp pháp

Bộ Lao động Thái Lan cho biết nước này sẽ cho phép công nhân Campuchia, Lào và Myanmar bị mắc kẹt do đóng cửa biên giới có thể tiếp tục làm việc vượt quá thời hạn giấy phép lao động.

Bộ trưởng Lao động M.R. Chatu Mongol Sonakul ngày 1/4 cho biết, quyết định này sẽ mang lại lợi ích cho 108.586 lao động nhập cư. Trong số đó bao gồm 44.222 công nhân từ các nước láng giềng sang Thái Lan làm việc theo các biên bản ghi nhớ song phương và 64.364 công nhân làm việc tại các khu vực biên giới.

Các công nhân nhập cư được phép tiếp tục công việc của họ cho đến khi biên giới mở cửa trở lại.

Ngày 22/3, Thái Lan đã tạm đóng cửa biên giới với Campuchia và chỉ cho hàng hóa thông quan khi có đủ điều kiện tiêu chuẩn, nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Ngày 24/3, Thái Lan tạm đóng các cửa khẩu biên giới tại các tỉnh cực Nam giáp Myanmar và Malaysia.

(Bangkok Post)

2 thành phố ASEAN trong top các thành phố thiệt hại nhất vì Covid-19

Kuala Lumpur (Malaysia) và Manila (Philippines) là hai trong số các thành phố châu Á chịu thiệt hại lớn nhất do tác động của việc các quốc gia trong khu vực tạm thời đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo đặc biệt của công ty Barclays (Anh) ngày 1/4, do sự bùng phát của dịch Covid-19, Kuala Lumpur và Manila có nguy cơ giảm mạnh tốc độ tăng trưởng tính theo phần trăm GDP.

Kuala Lumpur và Manila nằm trong những thành phố có thiệt hại kinh tế cao nhất, cùng với New Delhi và Mumbai của Ấn Độ, với thiệt hại ước tính từ 1 tỷ USD đến 1,7 tỷ USD mỗi tuần.

Báo cáo của công ty Barclays đã nghiên cứu tác động của việc ngừng hoạt động tại các siêu đô thị và cụm kinh tế ở châu Á bên ngoài Trung Quốc và Nhật Bản, bao gồm các thành phố ASEAN. Báo cáo cho thấy: "các nền kinh tế nhỏ, mở như Malaysia, Thái Lan và Philippines có hoạt động kinh tế tập trung quanh một số thành phố lớn".

Các thành phố Mumbai, New Delhi, Manila và Kuala Lumpur đã bị đóng cửa hoàn toàn. Các thành phố Bangkok, Sydney, Melbourne và Jakarta bị đóng cửa một phần.

Nếu các thành phố bị đóng cửa một phần chuyển sang đóng cửa toàn phần thì tác động kinh tế cũng sẽ rất lớn. Đối với các thành phố như Bangkok, Singapore và Jakarta, việc đóng cửa toàn bộ có thể tăng mức thiệt hại lên 2 tỷ USD mỗi tuần.

(the Business Times)

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-24-112784.html