Tin tức ASEAN buổi sáng 12/10: Bộ Tứ ảnh hưởng thế nào đến ASEAN? ASEAN tụt hậu về AI

Họp nhóm Bộ Tứ ảnh hưởng thế nào đến ASEAN? ASEAN tụt hậu về AI so với thế giới... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày 12/10.

Họp nhóm Bộ Tứ ảnh hưởng thế nào tới ASEAN?

Cuộc họp ngoại trưởng Bộ Tứ (Quad – gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) ngày 6/10 vừa qua mang một tính biểu tượng nhất định. Giữa đại dịch, khi việc di chuyển bị giới hạn và nhiều cuộc họp đa phương bị hoãn lại hoặc chuyển sang các nền tảng ảo, nhưng các ngoại trưởng thuộc nhóm Bộ tứ vẫn cố gắng gặp nhau tại Tokyo để bàn về các vấn đề quốc tế.

Cuộc họp ngoại trưởng Bộ Tứ (Quad) diễn ra ngày 6/10 tại Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: ĐSQ Mỹ tại Ấn Độ)

Cuộc họp ngoại trưởng Bộ Tứ (Quad) diễn ra ngày 6/10 tại Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: ĐSQ Mỹ tại Ấn Độ)

Được nhiều người coi là một nhóm được dàn xếp để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, cuộc họp của Bộ Tứ diễn ra khi lo ngại của các thành viên liên quan đến các hành vi hung hăng của Bắc Kinh và những câu hỏi về hành động của nước này trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Không có gì đáng ngạc nhiên, Trung Quốc đã bày tỏ sự không đồng tình với việc hình thành các “nhóm độc quyền” như vậy và kêu gọi “các quốc gia liên quan” không làm gián đoạn hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Thường thì, các cuộc họp liên quan đến 4 quốc gia (không phải Bộ Tứ) này thường diễn ra bên lề các diễn đàn của ASEAN. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới này đang bắt đầu thay đổi từ việc đại dịch khiến các cuộc họp ASEAN không thể diễn ra trực tiếp.

Nhìn chung, cuộc họp cấp bộ trưởng thứ hai của Bộ Tứ có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện cam kết của bốn quốc gia trong việc tăng cường hợp tác dựa trên lợi ích chung. Trong tương lai, sự phát triển của Bộ Tứ sẽ mang lại những thay đổi trong cấu trúc khu vực và có khả năng là vai trò của các cơ chế lấy ASEAN làm trung tâm.

(The Diplomat)

RCEP lên lịch ký kết trực tuyến

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, dự kiến sẽ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN dự kiến diễn ra ngày 14/11 tới.

Theo Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan, bà Auramon Supthaweethum, việc ký kết sẽ được thực hiện trực tuyến với sự tham gia của bộ trưởng kinh tế các nước. Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất cách tiếp cận độc đáo này. Theo quy trình phê chuẩn nghị viện, nếu một nửa số quốc gia thành viên RCEP (ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 4 quốc gia ngoài ASEAN) phê chuẩn thì hiệp định sẽ được thực thi ngay lập tức.

RCEP là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand nhằm mục đích thiết lập các quy tắc chung về thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ. Hiện Ấn Độ đã rút do có những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thuế nông nghiệp.

(Bangkok Post)

Robot phục vụ phòng tại một khách sạn ở Singapore - quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về ứng dụng AI. Khách sạn là lĩnh vực then chốt của công nghệ này (Nguồn: Reuters)

ASEAN đối mặt tụt hậu về AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể chuyển nền kinh tế ASEAN sang một nấc thang cao hơn. Nhưng để đạt được điều này, các quốc gia ASEAN cần phải đầu tư mạnh mẽ cho AI. Ước tính, khoảng cách áp dụng công nghệ AI của khối ASEAN kém Mỹ và Trung Quốc từ 2-3 năm.

Nếu các thành viên của ASEAN bắt kịp tốc độ áp dụng AI, họ có thể thêm gần 1 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội của khu vực vào năm 2030, theo một báo cáo của công ty tư vấn Kearney (Mỹ) và Ban phát triển kinh tế EDBI (Singapore) công bố hôm 8/10.

Nhưng còn một chặng đường dài phía trước.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 83% khu vực ASEAN vẫn trong giai đoạn đầu áp dụng AI, tức là họ vẫn chưa quan tâm thực sự đến việc đầu tư vào công nghệ, chưa có chiến lược phát triển AI dài hơi hoặc chưa thử nghiệm các sáng kiến trên thực địa.

Ông Basil Lui, đối tác quản lý các khoản đầu tư tại EDBI cho biết, trong khi đầu tư vào AI của Mỹ đạt 155 USD/đầu người, con số tương đương của ASEAN là khoảng 2 USD từ năm 2015 đến 2019. Ở Trung Quốc, con số của năm 2019 là 21 USD.

Theo báo cáo, Singapore nổi bật trong số các quốc gia cùng khu vực, với 68 USD đầu tư vào AI trên đầu người vào năm ngoái. Nhưng Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines đều dưới 1 USD. Trong số các nền kinh tế lớn của khu vực, hai quốc gia cuối cùng bị tụt lại phía sau rất xa, với Việt Nam chỉ ở mức 3 cent (0,03 USD) và Philippines ở mức dưới 1 cent (dưới 0,01 USD).

(Nikkei)

Cập nhật tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á

Tính đến rạng sáng ngày 12/10, các nước ASEAN ghi nhận thêm 7.574 ca nhiễm mới, nâng tổng ca mắc Covid-19 lên 777.600 ca, trong đó tổng số người tử vong là 19.044 ca.

Ngày 11/10, Indonesia ghi nhận 4.497 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 333.449, trong đó có 11.844 người tử vong và 255.027 người bình phục. Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới.

Thủ đô Jakarta sẽ dần nới lỏng các hạn chế phòng dịch trong 2 tuần tới, bắt đầu từ hôm nay, 12/10, trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm và số ca điều trị tích cực tại đây đang giảm xuống kể từ khi tái áp đặt lệnh phong tỏa từng phần vào ngày 14/9.

Jakarta đã bị phong tỏa trở lại sau khi số ca lây nhiễm tăng 47% và số ca điều trị tích cực tăng 63,63% từ 29/8 đến 11/9. Những tuần sau đó tình hình được cải thiện, tỉ lệ lây nhiễm còn 22,39%, số ca điều trị tích cực giảm còn 3,81% kể từ 25/9 đến 9/10.

Ngày 11/10, Philippines báo cáo có thêm 17.057 bệnh nhân Covid-19 đã bình phục, trong khi tổng số ca bệnh tăng lên 339.341 người, bao gồm 6.321 ca tử vong.

Tối 10/10, Bộ Y tế Philippines đã thông báo bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine Covid-19 tại nước này. Tổng thống Rodrigo Duterte thường nhấn mạnh việc đảm bảo có được một loại vaccine là giải pháp duy nhất để cải thiện tình hình dịch bệnh ở Philippines.

Ngày 10/10, Myanmar ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục tại nước này, với 2.158 ca. Ngày 11/10, Myanmar ghi nhận tổng cộng 27.974 ca nhiễm và 646 ca tử vong.

Chính phủ Malaysia đã triển khai hơn 1.100 binh lính đến bang Sabah trên đảo Borneo để tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Hiện Sabah là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại Malaysia. Trong những ngày qua, mỗi ngày bang này đều ghi nhận hàng trăm ca mắc mới. Tính đến chiều 10/10, Malaysia có tổng cộng 15.657 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 157 người đã tử vong, 10.913 trường hợp khỏi bệnh. Cả nước hiện còn 4.161 bệnh nhân đang phải điều trị.

(TGVN/TTXVN)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-1210-bo-tu-anh-huong-the-nao-den-asean-asean-tut-hau-ve-ai-126012.html