Tin tức ASEAN buổi sáng 1/7: Số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục ở Indonesia, dư luận quốc tế về Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, tiêu thụ thép ASEAN giảm vì Covid-19, dư luận quốc tế về tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Indonesia có số ca tử vong vì Covid-19 kỷ lục trong ngày. (Nguồn: THX)

Số ca tử vong/ngày ở Indonesia cao kỷ lục

Trong 24 giờ qua các nước ASEAN ghi nhận 2.619 ca mắc bệnh Covid-19 và 82 ca tử vong. Toàn khối vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong do Covid-19.

Ngày 30/6, giới chức y tế Indonesia cho biết, nước này ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 71 người ca, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 2.876 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 1.293 trường hợp, đưa tổng số ca bệnh tại Indonesia lên 56.385 người.

Cùng ngày, Cảnh sát quốc gia Indonesia đã triển khai 77.897 nhân viên trên toàn quốc để bảo vệ quá trình chuyển sang giai đoạn bình thường mới của Chính phủ, trong đó mọi công dân đều phải tuân thủ các quy định y tế về phòng bệnh Covid-19 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống Covid-19 ngày 30/6 ra thông cáo báo chí cho biết, tính đến 17h chiều 29/6, Lào đã có 79 ngày liên tiếp không phát hiện các ca nhiễm mới. Từ tháng 1 đến ngày 29/6, Lào chỉ ghi nhận 19 ca bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tất cả đều được chữa khỏi và xuất viện.

Theo thông cáo có hiệu lực từ ngày 1-31/7 trên, Lào sẽ tiếp tục ngừng cấp thị thực du lịch, thăm viếng đối với những cá nhân đi từ hoặc quá cảnh các quốc gia có dịch bệnh, ngoại trừ nhân viên ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên viên và lao động cho các dự án quan trọng tại Lào.

Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) cho biết, lệnh cấm các chuyến bay quốc tế sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1/7, nhưng chỉ một số công dân nhất định được phép nhập cảnh.

Máy bay và công dân vào Thái Lan phải tuân thủ các điều kiện, quy định của Luật Di trú, Luật về bệnh truyền nhiễm, Luật Hàng không và Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp. Một số trường hợp đặc biệt sẽ được phép nhập cảnh Thái Lan như doanh nhân, du lịch chữa bệnh, có vợ hoặc chồng là người Thái, có giấy phép lao động, sở hữu nhà tại Thái Lan… Tất cả những người nước ngoài tới Thái Lan sẽ phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc.

Một trong hai bệnh nhân người Campuchia từ Malaysia về nước hôm 26/6 đã dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2. Đáng lưu ý cả hai người này đã được điều trị và chữa khỏi Covid-19 tại Malaysia trước khi về nước.

Bộ Y tế Malaysia đang tìm cách khoanh vùng nơi ở của bệnh nhân thứ hai sau khi trở về Campuchia. Đây là học sinh đang theo học tại một trường tôn giáo ở Malaysia.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh để phòng chống dịch Covid-19 sau khi nước này phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong vòng hai ngày sau khi về đến Campuchia. (TTXVN/TGVN)

Dư luận quốc tế về Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 coi trọng vấn đề Biển Đông

Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 coi Biển Đông là vấn đề hệ trọng liên quan đến an toàn, an ninh khu vực.

Ngay sau khi Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 được công bố, bản Tuyên bố đã gây được sự chú ý của các hãng truyền thông lớn trong khu vực và trên thế giới, cũng như các quan chức, học giả ASEAN và quốc tế.

Hãng tin Reuters chạy dòng tít “Trong dịch bệnh, các quốc gia Đông Nam Á cảnh báo về những diễn biến “đáng báo động” ở Biển Đông” và dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đánh giá: “Ngay cả khi các nước trong khu vực nỗ lực để kiềm chế Covid-19, nhiều diễn biến đáng báo động vẫn đang diễn ra ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế không làm leo thang căng thẳng và thực thi trách nhiệm của mình theo đúng luật pháp quốc tế”.

Trong bài viết có dòng tít “Lãnh đạo các nước ASEAN cảnh báo về căng thẳng ở Biển Đông”, hãng tin Bloomberg dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha kêu gọi các nước ASEAN cần hợp tác nhằm “tăng cường đoàn kết khu vực, tránh bị ép phải chọn phe cũng như trở thành bàn đạp cho các cường quốc gây áp lực với các quốc gia nội khối”.

Trong khi đó, tờ Express của Anh dẫn nội dung Twitter của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Mỹ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm thảo luận thêm về chủ đề này”.

Đoạn chia sẻ trên Twitter của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: VOV.VN)

Đáng chú ý, Ngoại trưởng Mỹ cũng dẫn lại Tuyên bố "Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 ngày 26/6.

Tờ New York Times của Mỹ dẫn lời Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia trong bài viết có dòng tít: “ASEAN nêu quan điểm về yêu sách chủ quyền lịch sử trên biển của Trung Quốc”, đánh giá, vấn đề Biển Đông được nêu trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 “là một phản ứng mạnh mẽ trước những yêu sách của Trung Quốc”, bản tuyên bố này cho thấy “sự thay đổi đáng kể về quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông”.

Như vậy, có thể thấy, cũng giống như nhiều Hội nghị Cấp cao ASEAN trước đó, vấn đề Biển Đông một lần nữa lại thu hút sự quan tâm lớn của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. (VOV/TGVN)

Tiêu thụ thép ở thị trường ASEAN-6 giảm vì Covid-19

Theo thống kê, tiêu thụ thép của các nước ASEAN-6 năm 2019 là 81 triệu tấn, tăng 1.2% trong một năm. Tuy nhiên, tiêu thụ thép trong ASEAN trong năm 2020 đang giảm.

Các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội được áp dụng từ tháng 4 đã ảnh hưởng lớn tới ngành xây dựng tại các nước thành viên ASEAN, thị trường tiêu thụ lớn nhất của thép Việt Nam với thị phần là 60%.

Hoạt động xây dựng tại Malaysia, Philippines và Singapore đều đã tạm dừng, trong đó Philippines hướng tới việc ngừng xây dựng trong thời gian dài. Tại Thái Lan, một số dự án xây dựng tại riêng Bangkok, Thái Lan cũng bị trì hoãn.

Tại Myanmar, một số chính quyền khu vực cho phép tiếp tục xây dựng. Riêng Indonesia và Việt Nam không yêu cầu dừng các dự án xây dựng nhưng doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp giãn cách an toàn. Nhu cầu thép của ASEAN sẽ giảm trong ít nhất 2 tháng nữa. (Mysteel Global)

Người dân Campuchia, Lào hạnh phúc khi Thái Lan mở lại trạm kiểm soát biên giới

Thái Lan đã mở lại 37 các trạm kiểm soát ở biên giới với Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia để nối lại vận chuyển và giao dịch hàng hóa xuyên biên giới từ ngày 1/7.

Đây là một phần trong việc nới lỏng giai đoạn 5 của các biện pháp chống dịch Covid-19 của Thái Lan. Các trạm kiểm soát biên giới Thái Lan được mở lại bao gồm 14 điểm kết nối với Lào, 8 điểm kết nối với Myanmar, 7 điểm với Campuchia và 8 điểm với Malaysia.

Người dân Lào và Campuchia sẽ rất vui mừng khi họ có thể tiếp tục kinh doanh và giao dịch với Thái Lan khi dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát. (The Stars)

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-17-so-ca-tu-vong-vi-covid-19-cao-ky-luc-o-indonesia-du-luan-quoc-te-ve-tuyen-bo-chu-tich-asean-2020-118573.html