Tin Tin và dàn sao nhí có giúp 'Maika' phiên bản Việt khác biệt?

Qua bàn tay của đạo diễn Hàm Trần, câu chuyện trong 'Maika – cô bé đến từ hành tinh khác' trở nên gần gũi và dễ cảm, phù hợp với đối tượng khán giả thiếu nhi.

Thể loại: Khoa học viễn tưởng, thiếu nhi

Đạo diễn: Hàm Trần

Diễn viên: Trường Phú, Chu Diệp Anh, Tin Tin

Đánh giá: 7/10

(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Nhân vật chính trong phim là Hùng (Trường Phú), cậu bé tám tuổi hiện sống cùng cha trong một chung cư cũ ở Đà Nẵng. Một năm sau cái chết của mẹ, dường như nỗi buồn trong cậu vẫn chưa nguôi ngoai. Mối quan hệ cha con thì dần trở nên xa cách.

Hàng ngày, Hùng làm bạn với chiếc máy bay điều khiển từ xa là món quà mẹ để lại. Vào đêm mưa sao băng, cậu mong mỏi được cha dẫn đi cắm trại nhưng kế hoạch bất thành. Đổi lại, Hùng vô tình gặp được Maika (Chu Diệp Anh) - sinh vật ngoài hành tinh đến Trái Đất tìm bạn bị mất tích.

Làm mới cốt truyện cũ

Trước khi phát hành trong nước, dự án từng gây chú ý hồi đầu năm khi được chiếu tại liên hoan phim Sundance ở hạng mục phim thiếu nhi. Khi đó, một số nhà phê bình quốc tế ưu ái gọi tác phẩm là “E-T của Việt Nam”, ám chỉ cuốn phim kinh điển E.T. the Extra-Terrestrial (1982) của đạo diễn Steven Spielberg.

 Nội dung phim kể về mối quan hệ giữa một cậu bé và sinh vật ngoài hành tinh.

Nội dung phim kể về mối quan hệ giữa một cậu bé và sinh vật ngoài hành tinh.

Thực tế, Maika được đạo diễn kiêm biên kịch Hàm Trần lấy cảm hứng từ loạt phim truyền hình cùng tên của Tiệp Khắc năm 1978, từng gắn liền tuổi thơ nhiều thế hệ khán giả Việt.

Điều đó cho thấy cốt truyện về cơ bản không mới. Mô-típ vốn quen thuộc qua nhiều câu chuyện khác nhau, như chú mèo máy Doraemon vượt thời gian đi tìm Nobita, hay rô bốt EVE trở về Trái Đất và gặp WALL-E.

Song, Hàm Trần vẫn biết cách mang đến hơi thở hiện đại, gần gũi cho phim. Trong nửa tiếng đầu, đạo diễn cài cắm nhiều yếu tố bất ngờ và hài hước để kể lại hành trình Hùng chạm mặt Maika. Ngay cả khi nắm rõ cốt truyện, người xem vẫn có thể bật cười vì một câu thoại hay một tình tiết do nhà làm phim sáng tạo.

Đạo diễn thành công trong việc xây dựng tính cách nhân vật và sắp đặt bối cảnh, tạo nên một thế giới giả tưởng đáng tin. Dù còn bé, Hùng có những suy nghĩ rất người lớn bằng cách đòi nhịn ăn để tiết kiệm tiền cho cha. Khi gặp Maika, cậu lại rất vô tư xem cô bé là bạn, đưa áo mưa mặc tạm cho đỡ quê. Những ký ức về mẹ thường xuyên ẩn hiện cho thấy nam chính còn là người sống tình cảm và luôn khao khát yêu thương.

Tuyến nhân vật phụ được đầu tư giúp thế giới trẻ thơ của Hùng hiện lên sống động. Ở đó, có vài kẻ xấu là dân giang hồ nhưng thường có hành động ngớ ngẩn, gợi nhớ bộ đôi tội phạm trong Home Alone (1990). Cầm đầu cả nhóm là một ông lão (Tiểu Bảo Quốc) bị nghiện văn hóa Nhật Bản, đến mức thách thức đàn em tự sát như samurai.

Thi thoảng, Hùng còn gặp được một người bạn khác là Cu Béo (Tin Tin) – cậu ấm đến từ một gia đình giàu có. Cha cậu thường xuyên vắng nhà nên gửi con cho một gia sư (Phúc Zelo) trông nom. Khi không có ai bầu bạn, Cu Béo tìm cách chọc phá anh trai cùng nhóm bạn chỉ biết chơi bời lêu lổng.

Sau khi mẹ mất, nhân vật chính sống một mình cùng cha.

Trong nửa tiếng đầu, người xem dễ dàng bị hút vào câu chuyện của Hùng và Maika. Sự duy mỹ của Hàm Trần được thể hiện rõ qua những thước phim đẹp, bố cục chuẩn, màu sắc tươi tắn. Đạo diễn chứng tỏ tay nghề lâu năm khi dẫn dắt câu chuyện bằng một nhịp phim nhanh nhưng không vội. Anh cắt cảnh hợp lý, luồn lái cảm xúc khán giả đi từ buồn bã đến hài hước và ngược lại.

Xuyên suốt tác phẩm, nhà làm phim cũng lồng ghép những yếu tố Việt Nam như truyền thuyết bánh trung thu hay tấm gương Nguyễn Tuân – người Việt đầu tiên du hành vũ trụ.

Diễn viên nhí tỏa sáng

Diễn xuất của dàn diễn viên giúp câu chuyện lôi cuốn hơn. Với lối diễn tự nhiên, Trường Phú thực sự là ngôi sao trong phim. Diễn viên thuyết phục được khán giả, cho thấy Hùng không phải là một cậu bé có suy nghĩ đơn giản mà luôn dành nhiều tình cảm cho mọi người xung quanh, từ bà mẹ quá cố đến cô bạn Maika mới quen.

Chu Diệp Anh cũng thành công trong việc tái hiện một Maika đáng yêu và gần gũi. Giọng nói Hà Nội là điểm khiến cô bé tạo được thiện cảm.

Dù không có nhiều đất diễn bằng hai bạn, Tin Tin trong vai Cu Béo vẫn nổi bật, luôn tỏa sáng mỗi lần xuất hiện trước khung hình. Cậu gây ấn tượng bởi nét mặt hài hước và giọng nói tiếu lâm. Cả ba phối hợp ăn ý và không bị trật nhịp khi đóng cùng các diễn viên khác, mang lại tiếng cười nhẹ nhàng, tự nhiên.

Màn trình diễn của Trường Phú, Chu Diệp Anh và Tin Tin trong phim cho thấy điện ảnh Việt không thiếu những tài năng nhí. Nếu được khai thác tốt, tất cả đều có khả năng trở thành ngôi sao sáng trong tương lai. Thậm chí, bộ ba diễn viên nhí còn lấn át các đồng nghiệp lớn tuổi như HuyMe hay Ngọc Tưởng trong nhiều phân đoạn.

Diễn xuất tự nhiên của các diễn viên nhí giúp phim gần gũi.

Kỹ xảo yếu

Điểm trừ lớn của phim là phần kỹ xảo vi tính. Một số phân đoạn chưa được chăm chút so với tổng thể. Tác giả Alex Billington của trang First Showing đánh giá hiệu ứng VFX “tầm thường”, “thô” và là vấn đề của phim. Trên IMDb, có khán giả chấm phim 3/10 sao và cho rằng hiệu ứng được làm khá “xấu” và “lỗi thời”.

Ngoài ra, kịch bản phim bị đuối ở nửa sau. Đến hồi cuối, phim dần trở nên hỗn loạn và sa đà vào việc gây cười. Mối quan hệ giữa Hùng và cha – ông Thanh (Ngọc Tưởng) – bị đẩy lên cao trào để tạo kịch tính. Song, cách giải quyết vấn đề vẫn còn hơi vội và mang tính sắp đặt, ít bất ngờ nên chưa thực sự tạo cảm xúc bùng nổ. Hình mẫu nhân vật phản diện do HuyMe đóng còn cũ, chưa được xây dựng chắc chắn và thuyết phục.

Nhiều chi tiết cài cắm ở đầu cũng bị bỏ qua ở khi phim kết thúc, chẳng hạn như nguồn gốc của bạn Maika, số phận những người hàng xóm hay gia đình Cu Béo, gồm cha và anh trai. Giá như đạo diễn lật lại một chút về khu chung cư, phát triển để sự xuất hiện của Maika có ý nghĩa với nhiều người xung quanh hơn là chỉ Hùng. Khi đó, câu chuyện có thể sẽ tạo được nhiều cảm xúc hơn.

Kỹ xảo trong phim bị chê.

Thực tế, Hàm Trần vốn không phải là người lạ tại Sundance. Phim điện ảnh đầu tay của anh - Vượt sóng (2006) – từng được chiếu tại liên hoan phim độc lập này. Kể từ đó, đạo diễn không hề giới hạn bản thân, liên tục làm mới qua nhiều thể loại, từ hài – lãng mạn (Âm mưu giày gót nhọn), kinh dị (Đoạt hồn), đến trộm cướp (Siêu trộm).

Với Maika, nhà làm phim thành công khi chinh phục thể loại khoa học viễn tưởng kết hợp phim thiếu nhi. Khán giả lớn tuổi khi xem phim không khó để tìm ra những điểm sạn, chưa hài lòng ở vài tình tiết. Song, các bạn nhỏ ở lứa tuổi như Hùng có thể hồn nhiên thưởng thức phim và dễ dàng bỏ qua loạt điểm trừ.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tin-tin-va-dan-sao-nhi-co-giup-maika-phien-ban-viet-khac-biet-post1321297.html