Tin thế giới ngày 31/7: Nghi vấn Trung Quốc 'hack' vaccine Covid-19 của Mỹ, Iran sẽ không đàm phán với Mỹ, EU trừng phạt 3 quốc gia vì tấn công mạng

Căng thẳng Mỹ-Trung, quan hệ Mỹ-Iran, bán đảo Triều Tiên, vấn đề Hong Kong, đại dịch Covid-19 là những sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Mỹ-Trung Quốc

Tin tặc Trung Quốc tấn công nghiên cứu vaccine Covid-19 của Mỹ

Ngày 31/7, Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức an ninh Mỹ theo dõi các hoạt động tấn công mạng của Trung Quốc cho biết, các tin tặc có liên quan tới Chính phủ Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tới công ty công nghệ sinh học Moderna hồi đầu năm nay nhằm đánh cắp các dữ liệu giá trị. Moderna là đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 hàng đầu tại Mỹ.

Moderna, hãng dược có trụ sở tại Massachusetts, hồi tháng 1 đã công bố một “ứng viên” vaccive Covid-19 tiềm năng. Moderna xác nhận với Reuters rằng, công ty đã liên hệ với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và cũng được thông báo về “các hoạt động do thám thông tin” khả nghi do nhóm tin tặc được đề cập trong cáo trạng của Bộ Tư pháp tuần trước gây ra.

Quan chức Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về cáo buộc tin tặc Trung Quốc tấn công mạng. FBI và Bộ Y tế Mỹ cũng từ chối tiết lộ danh tính của các công ty mà tin tặc Trung Quốc nhắm tới.

Theo Reuters, khi được yêu cầu bình luận về cáo buộc của quan chức Mỹ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã đề cập tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng: “Trung Quốc từ lâu đã trở thành nạn nhân chính của các vụ đánh cắp và tấn công mạng”, các quan chức nước này “kiên quyết phản đối và chống lại” các hoạt động như vậy. (Reuters)

Mỹ tài trợ Australia xây kho nhiên liệu quân sự

Mỹ sẽ chi trả để lập kho nhiên liệu quân sự “khổng lồ” ở Australia trong bối cảnh cả hai nước đều đang có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.

Ngày 30/7, một phát ngôn viên của Thủ hiến Lãnh thổ Bắc Australia Michael Gunner xác nhận việc Australia sẽ xây dựng một kho nhiên liệu quân sự do Mỹ trả chi phí tại thành phố Darwin.

“Tôi được phép nói rằng, công trình này khổng lồ và chính phủ Mỹ sẽ chi tiền để xây dựng nó”, người phát ngôn của ông Gunner nói.

Theo quan chức này, việc xây kho nhiên liệu nằm trong thỏa thuận giữa Australia và Mỹ nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng sau cuộc gặp cấp cao giữa 2 nước tại Mỹ hồi đầu tuần này. (Reuters)

Mỹ-Iran

Đại giáo chủ Iran bác khả năng đàm phán với Mỹ

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước ngày 31/7, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã bác khả năng đàm phán với Mỹ về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran.

Ông Khamenei chỉ trích Mỹ áp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm phá hoại nền kinh tế, hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực và kiềm chế các năng lực hạt nhân, tên lửa của nước này. Đại Giáo chủ Iran cũng khẳng định, quốc gia này có thể chống lại những sức ép từ Mỹ bằng cách dựa vào các năng lực quốc gia và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. (Reuters)

Châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Trung Quốc, Nga và Triều Tiên vì tấn công mạng

Ngày 30/7, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt lên một bộ phận của cơ quan tình báo Nga, các công ty từ Triều Tiên và Trung Quốc với cáo buộc tấn công mạng trên toàn cầu.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, các lệnh trừng phạt của EU gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các cá nhân và tổ chức. Ngoài ra, EU cũng cấm giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp với các đối tượng nằm trong danh sách trừng phạt.

6 cá nhân và 3 tổ chức bị EU trừng phạt lần này gồm cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU). EU cáo buộc 4 người Nga, được xác định danh tính là thành viên của GRU, tìm cách tấn công mạng wifi của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) có trụ sở tại Hà Lan. OPCW cũng là tổ chức điều tra nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Hà Lan đã phá âm mưu tấn công này vào năm 2018.

Hai công dân Trung Quốc cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU vì có liên quan tới Cloud Hopper - chiến dịch bị EU cáo buộc tấn công các công ty ở 6 lục địa, bao gồm châu Âu, thông qua các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và tiếp cận các dữ liệu nhạy cảm về thương mại, dẫn tới những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Một công ty Triều Tiên bị EU trừng phạt lần này là Chosun Expo. EU cáo buộc công ty này hỗ trợ các cuộc tấn công mạng gồm WannaCry, vụ tấn công nhằm vào hãng phim Sony Pictures và các vụ đánh cắp qua mạng nhằm vào các ngân hàng. (Reuters/SCMP)

Nga-Kazakhstan ký thỏa thuận xây dựng tổ hợp tên lửa Soyuz-5

Tập đoàn Roscosmos của Nga thông báo nước này và Kazakhstan ngày 30/7 đã hoàn tất một thỏa thuận xây dựng tổ hợp Baiterek để phóng các tên lửa đẩy Soyuz-5 tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Tây Nam Kazakhstan.

Phát biểu họp báo trực tuyến, đại diện Roscosmos tại Kazakhstan Anatoly Krasnikov cho hay thỏa thuận trên đã được ký giữa Tập đoàn Rocket và Vũ trụ Energia (công ty con của Roscosmos) với công ty liên doanh Nga-Kazakhstan Baiterek.

Theo kế hoạch, vụ phóng Soyuz-5 đầu tiên sẽ diễn ra trong năm 2023. (Tân Hoa xã)

Bán đảo Triều Tiên

Hàn Quốc cam kết hỗ trợ thúc đẩy trao đổi và hợp tác liên Triều

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp ngày 31/7 với các nhà lãnh đạo thuộc Hội đồng phi chính phủ Hàn Quốc về hợp tác với Triều Tiên (KNCCK), bao gồm 55 tổ chức phi chính phủ.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ hỗ trợ cả về mặt chính sách và tài chính đối với hoạt động của các tổ chức dân sự, trong đó có KNCCK, nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác với Triều Tiên. Ông cũng tái khẳng định sẵn sàng nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo với Triều Tiên, cho rằng biện pháp này sẽ góp phần xây dựng sự tin cậy lẫn nhau - nền tảng trong việc thúc đẩy mối quan hệ liên Triều vốn đang rơi vào bế tắc. (Yonhap)

Afghanistan-Pakistan

Pakistan nã pháo ở biên giới, 15 người thiệt mạng

Bộ Quốc phòng Afghanistan ngày 31/7 thông báo một vụ nã pháo qua biên giới do Pakistan thực hiện đã làm ít nhất 15 dân thường thiệt mạng.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Afghanistan nêu rõ: "Nếu quân đội Pakistan tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ của Afghanistan, họ sẽ đối diện với đòn đáp trả từ quân đội Afghanistan".

Thông tin về vụ pháo kích trên được đưa ra sau khi xảy ra đụng độ giữa các lực lượng an ninh của Pakistan và Afghanistan ở khu vực biên giới Chaman-Spin Boldak - nơi người dân hai bên đang chờ được đi qua nước còn lại để dự lễ Eid al-Adha.

Một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) công bố trong tuần này cho thấy hơn 6.000 phiến quân Pakistan đang ẩn náu ở Afghanistan, hầu hết thuộc nhóm Tehreek-e-Taliban bị Pakistan đặt ngoài vòng pháp luật vốn nhận nhiệm vụ tiến hành tấn công các mục tiêu quân sự và dân sự ở Pakistan.

Trong một diễn biến khác, các lực lượng an ninh Afghanistan và Taliban đã bắt đầu thực hiện lệnh ngừng bắn 3 ngày, kể từ ngày 31/7. Đây là khoảng thời gian yên bình hiếm hoi mà nhiều người hy vọng sẽ dẫn đến đàm phán hòa bình và cuối cùng chấm dứt xung đột kéo dài gần 2 thập kỷ qua ở quốc gia Nam Á này.

Đây là lệnh ngừng bắn chính thức thứ 3 trong gần 19 năm giao tranh ở Afghanistan. Ngừng bắn sẽ kéo dài trong dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. (AP/Reuters)

Vấn đề Hong Kong

Trung Quốc tuyên bố không công nhận hộ chiếu Anh cấp cho người Hong Kong

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming tuyên bố Bắc Kinh sẽ không thừa nhận hộ chiếu BNO là giấy tờ đi lại hợp pháp. Động thái này làm dấy lên quan ngại rằng, gần 3 triệu người Hong Kong có đủ điều kiện nhận hộ chiếu BNO có thể sẽ gặp trở ngại nếu họ muốn tới Anh định cư.

Đại sứ Liu cáo buộc động thái của Anh đã phá vỡ tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984, trong đó London cam kết sẽ không cung cấp quyền định cư vĩnh viễn cho công dân Hong Kong sở hữu hộ chiếu BNO.

Về phần mình, Anh cáo buộc động thái của Bắc Kinh phá vỡ tuyên bố chung Trung-Anh. Các nước Phương Tây cũng bày tỏ lo ngại về viễn cảnh quyền tự trị ở Hong Kong có thể bị xói mòn sau luật an ninh mới. (Guardian)

Đại dịch Covid-19

Trung Quốc ghi nhận số ca Covid-19 cao nhất kể từ tháng 3

Trung Quốc ngày 30/7 có thêm 127 ca Covid-19 mới, tăng so với con số 105 ghi nhận một ngày trước đó. Tính từ ngày 5/3 tới nay, con số 127 đánh dấu mức tăng kỷ lục số ca Covid-19 trong 24 giờ tại Trung Quốc.

Theo ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đây là ngày thứ 3 liên tiếp nước này có trên 100 ca sau khi làn sóng Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tổng cộng, Trung Quốc hiện ghi nhận 84.292 ca Covid-19 và số người tử vong vì dịch là 4.634. (Reuters)

Anh siết phong tỏa một phần đất nước

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo, bắt đầu từ đêm 30/7, người dân ở Greater Manchester, một số khu vực ở West Yorkshire, East Lancashire và Leicester sẽ không được phép tụ tập với người của các hộ gia đình khác trong nhà, trong các quán rượu, nhà hàng, nhà thờ hay các địa điểm giải trí. Họ được phép đi làm bình thường, được tới nhà hàng, nhà thờ nhưng chỉ với thành viên của gia đình mình.

Những người vi phạm sẽ bị phạt 100 Bảng Anh (179 USD). Trong một thông cáo gửi tới các hãng truyền thông lúc nửa đêm, chưa đầy một tiếng trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, chính phủ Anh cho biết, cảnh sát được phép thực thi các quy định mới này. (Reuters)

Hong Kong hoãn bầu cử

Trưởng đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) Carrie Lam dự kiến sẽ tuyên bố hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp vào ngày 6/9 tới vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trước đó cho biết, sự bùng phát dịch Covid-19 ở Hong Kong là yếu tố ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.

Hong Kong trong hơn 1 tuần qua liên tục ghi nhận trên 100 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, nâng tổng số ca bệnh tại thành phố này lên trên 3.000.

Dù mức tăng này khá thấp so với nhiều khu vực khác trên toàn cầu, xu hướng tăng ca nhiễm liên tục ở Hong Kong gây nhiều lo ngại, đặc biệt sau khi thành phố này trải qua nhiều tháng không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. (Tân Hoa xã)

Thế Linh

Thế Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-317-nghi-van-trung-quoc-hack-vaccine-covid-19-cua-my-iran-se-khong-dam-phan-voi-my-eu-trung-phat-3-quoc-gia-vi-tan-cong-mang-120616.html