Tin thế giới ngày 20/7: 'Cơn đau đầu' mới của Anh, Mỹ nói về kẻ xâm phạm bình yên của thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đưa vũ khí cực mạnh tới Libya

Căng thẳng Anh-Trung Quốc, Nga-Mỹ, quan hệ Mỹ-Ấn Độ, tình hình Trung Đông và Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) là các sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Anh-Trung Quốc

Trung Quốc cảnh báo đáp trả nếu Anh hủy thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong

Nhật báo Times đưa tin, Anh sẽ hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong kể từ ngày 20/7 để đáp trả luật an ninh quốc gia được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua hồi tháng trước đối với đặc khu này, đồng thời cho biết, Ngoại trưởng Dominic Raab sẽ công bố quyết định trên trước Hạ viện Anh trong cùng ngày.

Phản ứng trước thông tin này, trong cuộc họp báo thường kỳ vừa diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, Bắc Kinh sẽ có hành động đáp trả kiên quyết đối với Anh về hành động can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Anh tránh thực hiện thêm những bước sai lầm. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Mỹ-Ấn Độ

Tàu sân bay lớn nhất của Mỹ có thể tập trận hải quân chung với Ấn Độ

Ngày 19/7, kênh tin tức Zee News của Ấn Độ đưa tin, tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ, tàu chiến lớn nhất thế giới, có khả năng sẽ tiến hành tập trận hải quân chung với Ấn Độ ở khu vực ngoài khơi quần đảo Andaman và Nicobar.

Các hoạt động tập trận tiềm tàng giữa Ấn Độ và Mỹ có thể diễn ra trên các tuyến đường tương tự cuộc tập trận hải quân Passex giữa quốc gia Nam Á này và Nhật Bản hồi tháng 6 năm nay.

USS Nimitz, cùng với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, từng là một phần trong cuộc tập trận của Mỹ ở Biển Đông. Sau đó, USS Nimitz đã đi qua Eo biển Malacca để tới Ấn Độ Dương.

Bạn có thể quan tâm:

Ấn Độ-Trung QuốcLính dù Ấn Độ 'đáp' xuống gần khu vực tranh chấp với Trung Quốc

Sputnik đưa tin,một đoạn video mới được công bố đã ghi lại cảnh binh sĩ Ấn Độ lần lượt nhảy khỏi máy bay vận tải Lockheed C-130 Hercules hôm 17/7 xuống khu vực nằm gần hồ Pangong Tso thuộc vùng Stakna, quận Leh của bang Ladakh.

Buổi diễn tập của lính dù Ấn Độ diễn ra đúng ngày Bộ trưởng Quốc phòng nước này Rajnath Singh thực hiện chuyến thăm 2 ngày tới bang Ladakh, trong bối cảnh các tướng quân đội Ấn Độ-Trung Quốc vẫn đang đàm phán về hoạt động rút quân ở thung lũng Depsang và hồ Pangong nằm dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC), nơi vốn được xem là đường biên hai nước.

Căng thẳng biên giới giữa hai nước láng giềng Ấn Độ-Trung Quốc bùng phát ở phía Đông bang Ladakh và một số khu vực nằm dọc LAC dài 4.057 km kể từ tuần cuối của tháng 4, đỉnh điểm là vụ đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan giữa binh sĩ hai nước khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ tử vong vào ngày 15/6.

Bạn có thể quan tâm:

Nga-Mỹ

Nói 'kẻ xâm phạm sự bình yên của thế giới', Mỹ đòi NATO 'làm nhiều hơn nữa'

Trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper ra tuyên bố kêu gọi các đối tác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường khả năng chiến đấu của liên minh để kiềm chế Nga.

Trong tuyên bố, ông Esper nhấn mạnh: "Điều này liên quan đến tất cả mọi thứ, bắt đầu từ việc đảm bảo để các đồng minh và đối tác dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Chúng ta đã đạt nhiều tiến bộ về vấn đề này trong vài năm qua, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Esper đã gọi Nga là "kẻ xâm phạm sự bình yên của thế giới" do việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và tham gia hoạt động chiến sự ở Syria và Libya. Ông cho rằng "chúng ta phải kiềm chế Nga. Chúng ta cần củng cố NATO và tăng cường sức mạnh cho các đối tác của chúng ta". (Sputnik)

Bạn có thể quan tâm:

Trung Đông

Iran tử hình đối tượng liên quan tới vụ sát hại Thiếu tướng Soleimani

Ngày 20/7, hãng thông tấn chính thức IRIB của Iran cho biết, nước này đã thi hành án tử hình đối với Mahmoud Mousavi-Majd, công dân Iran bị kết tội cung cấp thông tin cho Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Mossad (cơ quan tình báo Israel) dẫn tới việc Thiếu tướng Qassem Soleiman bị sát hại.

Trang mạng Mizan Online của cơ quan tư pháp thông báo: "Án tử hình đối với Mahmoud Mousavi Majd đã được thi hành sáng 20/7 liên quan đến cáo buộc làm gián điệp, qua đó khép lại vụ án về tội phản bội đất nước của bị cáo này".

Tháng trước, Mousavi-Majd đã bị kết án liên quan đến vụ một máy bay không người lái của Mỹ tiến hành không kích sát hại Thiếu tướng Soleimani bên ngoài sân bay ở thủ đô Baghdad của Iraq ngày 3/1.

Thiếu tướng Soleimani là người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Chính quyền Mỹ cho rằng Thiếu tướng Soleimani là người lên kế hoạch cho các cuộc tấn công của lực lượng dân quân Iran nhằm vào các lực lượng Mỹ trong khu vực.

Bạn có thể quan tâm:

Syria: Đánh bom xe gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, gần 100 người thương vong

Truyền thông Trung Đông đưa tin, ngày 19/7 đã xảy ra một vụ đánh bom xe ở làng Siccu, vùng Azaz, Tây Bắc Syria, giáp ranh với tỉnh miền Nam Killis của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 5 người thiệt mạng và 85 người bị thương.

Những người bị thương đã được đưa tới một bệnh viện ở Thổ Nhĩ Kỳ, một số người đang trong tình trạng nguy kịch.

Azaz hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng phiến quân được Ankara hậu thuẫn kể từ cuộc tấn công quân sự đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria hồi năm 2016.

Vụ việc trên xảy ra giữa lúc Syria đang tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội trên phạm vi toàn quốc. Trước đó, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin, 2 vụ nổ đã xảy ra tại thủ đô Damascus vào ngày 18/7 khiến 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương. (Anadolu)

Bạn có thể quan tâm:

Thổ Nhĩ Kỳ điều vũ khí cực mạnh tới Libya, 3.800 chiến binh tràn sang tham chiến

Báo Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đã điều loại pháo phản lực cực mạnh từng được dùng để chống Quân đội Syria tới Libya để hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) trong trận chiến tấn công 2 thành phố chiến lược Sirte và Al-Jafra ở Libya được cho là sắp bắt đầu.

Tờ báo trên tiết lộ, hệ thống pháo phản lực T-122 Sakarya (ÇNRA) có tầm bắn tới khoảng 40km đã được Thổ Nhĩ Kỳ không vận tới và bố trí trận địa ở gần thành phố Sirte. Tổ hợp này được Ankara đánh giá là hoạt động rất hiệu quả trong các chiến dịch mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành ở Syria.

Trong khi đó, hãng tin AP dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa từ 3.500 tới 3.800 lính đánh thuê Syria tới Libya chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay để hỗ trợ GNA.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, chỉ trong tháng 4, đã có 300 chiến binh người Syria được Thổ Nhĩ Kỳ đưa tới Libya. Bên cạnh đó còn có một số lính chính quy không xác định được số lượng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tham chiến ở quốc gia Bắc Phi này.

Bạn có thể quan tâm:

Hội nghị Thượng đỉnh EU

'Chín người mười ý', EU loay hoay tìm cách vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19

Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bất đồng về một quỹ phục hồi quy mô lớn để vực dậy nền kinh tế khu vực khỏi đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II. Những khác biệt lớn vẫn tồn tại đã khiến Hội nghị Thượng đỉnh EU khai mạc từ ngày 17/7 và kéo dài hơn dự kiến.

Tuy nhiên, sau khi Hội nghị được thông báo tạm dừng phiên họp toàn thể trong ngày 20/7 cho tới 21h cùng ngày để tổ chức các cuộc họp nhóm nhỏ, Thủ tướng Áo Sebestian Kurz và Thủ tướng Hà Lan Rutte nhận định các cuộc đàm phán đã đạt được tiến triển.

Trao đổi với báo giới, Thủ tướng Kurz nêu rõ: "Các cuộc đàm phán khó khăn vừa mới kết thúc và chúng tôi có thể rất hài lòng với kết quả ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục (thảo luận) vào buổi chiều".

Trong khi đó, Thủ tướng Rutte cho biết: "Vào một vài thời điểm tối qua, mọi việc không được khả quan, song tôi cảm thấy về tổng thể chúng tôi đang đạt được tiến triển".

Lưu ý Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hiện đang xúc tiến về một đề xuất mới, Thủ tướng Rutte cảnh báo mọi thứ "vẫn có thể thất bại, song dường như có một chút hy vọng hơn so thời điểm tối qua khi tôi nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc".

Đề xuất đầu tiên về gói phục hồi trị giá 750 tỷ Euro (856 tỷ USD) với mục tiêu khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng Covid-19, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi đã vấp phải sự phản đối của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.

Trước tình hình này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã đưa ra đề xuất giữ nguyên khoản ngân sách phục hồi ở mức 750 tỷ Euro, song hạ ngân sách của khoản hỗ trợ từ 500 tỷ Euro xuống 400 tỷ Euro, trong khi nâng mức cho vay từ 250 tỷ Euro lên 350 tỷ Euro.

Tuy nhiên, kế hoạch này tiếp tục bị Hà Lan và một số nước khác phản đối. Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, nhóm "Frugals", gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ Euro, thậm chí là có điều kiện.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong sáng 20/7 lại đưa ra một đề xuất mới, được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận".

Theo đó, ông Michel đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ USD đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm "Frugals". Đề xuất mới này sau đó đã nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Áo và Hà Lan song vẫn cần nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-207-con-dau-dau-moi-cua-anh-my-noi-ve-ke-xam-pham-binh-yen-cua-the-gioi-tho-nhi-ky-dua-vu-khi-cuc-manh-toi-libya-119772.html