Tin thế giới 9/4: Kremlin thẳng thừng 'Nga có quyền!' đáp trả 'ì xèo' với Ukraine; Mỹ định nắn gân Nga, tung đòn tổng lực với Trung Quốc?

Căng thẳng Nga-Ukraine, quan hệ Nga-Mỹ, Nga-Ấn Độ, Mỹ-Trung Quốc, Hoàng thân Philip-Phu quân của Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời, tình hình Biển Đông, quan hệ Philippines-Trung Quốc, tình hình Myanmar, đàm phán hạt nhân Iran ở Vienna... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine:

Kremlin: Nga có quyền!

Ngày 9/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga có quyền triển khai các lực lượng quân sự trong lãnh thổ của mình theo cách nước này muốn, đồng thời cho rằng, tình hình ở miền Đông Ukraine là "không hề ổn định, gây rủi ro cho các hoạt động tác chiến toàn diện".

Trước đó một ngày, Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động tăng cường quân đội của Nga trên biên giới với Ukraine và tình trạng giao tranh giữa lực lượng ly khai được Moscow hậu thuẫn với quân đội Ukraine.

Liên quan việc Ukraine đang xúc tiến nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, tư cách thành viên của Ukraine trong NATO có thể dẫn đến sự leo thang ở quy mô lớn tại các nước cộng hòa ly khai ở Đông Nam Ukraine và gây ra tác động không thể đảo ngược đối với nhà nước Ukraine. (Reuters, Sputnik)

Lãnh đạo Nga-Đức điện đàm về tình hình Đông Ukraine

Ngày 8/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm để thảo luận về tình hình ở miền Đông Ukraine, trong đó, Thủ tướng Merkel đã kêu gọi giảm sự hiện diện quân sự ở miền Đông Ukraine.

Điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã cùng "bày tỏ quan ngại" về sự gia tăng căng thẳng tại miền Đông Ukraine.

Hai bên cũng đã thảo luận về vụ nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny bị bỏ tù, cuộc xung đột ở Syria và cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya. (Reuters, AFP)

Nga chặn âm mưu tấn công khủng bố tại Crimea

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) vừa thông báo đã chặn đứng âm mưu tấn công khủng bố tại Crimea và bắt giữ 2 công dân Nga sinh năm 1992 và 1999. Những đối tượng này đều ủng hộ tổ chức khủng bố quốc tế Hay'at Tahrir al-Sham, vốn bị cấm ở Nga.

Danh tính các đối tượng chưa được công bố, song những người này đang bị khởi tố hình sự về các tội chế tạo bom, tuyên truyền và hỗ trợ khủng bố. (TASS)

Nga-Mỹ:

Tổng thống Nga mong muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với Mỹ

Ngày 8/4, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Tổng thống Nga Vladimir Putin mong muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với Mỹ, ít nhất là trong lĩnh vực có lợi cho Moscow, bất chấp “chính sách hiếu chiến” của Washington.

Người phát ngôn Điện Kremlin còn khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai. Tuy vậy, chúng tôi đương nhiên sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ, đe dọa chúng tôi, áp đặt các điều kiện và xâm phạm các lợi ích của chúng tôi”. (TASS)

Mỹ tính điều tàu chiến đến 'nắn gân' Nga ở Biển Đen?

Ngày 8/4, CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ đang xem xét điều tàu chiến đến Biển Đen nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine.

Theo quan chức này, mặc dù hải quân Mỹ thường xuyên hoạt động tại Biển Đen nhưng việc triển khai các tàu chiến ở thời điểm này sẽ gửi thông điệp rõ ràng đến Nga rằng, Washington đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã được Mỹ thông báo từ nửa tháng trước của Mỹ về việc sẽ điều hai tàu chiến đi qua các eo biển do Ankara kiểm soát đến triển khai tại Biển Đen cho tới ngày 4/5.

Nguồn tin trên cho biết, mặc dù không coi hoạt động triển khai quân đội của Nga là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công, nhưng “Mỹ sẽ sẵn sàng phản ứng nếu nhận thấy tình hình thay đổi”. (CNN)

Nga-Ấn: Ấn Độ tái khẳng định quan hệ chiến lược với Nga

Ngày 8/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi khẳng định, mối quan hệ giữa New Delhi và Moscow mang tính chiến lược, được kiểm chứng qua thời gian và không bị ảnh hưởng bởi quan hệ với các nước khác.

Ông Bagchi đã đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp báo tuần khi trả lời các câu hỏi về chuyến công du của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Pakistan sau khi thăm Ấn Độ và đề xuất của Moscow cung cấp trang thiết bị quân sự cho Islamabad.

Người phát ngôn Bagchi nhấn mạnh, chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov tới Ấn Độ đã mang lại cơ hội tốt để đánh giá và làm mới mối quan hệ đối tác đặc biệt và đặc quyền giữa hai nước. (ANI)

Hoàng thân Philip, phu quân Nữ hoàng Anh Elizabeth II, qua đời

Điện Buckingham thông báo, Hoàng tế Philip, Công tước xứ Edinburg, chồng Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã qua đời ngày 9/4, hưởng thọ 99 tuổi.

Tuyên bố của Điện Buckingham nêu rõ: “Hoàng tế đã ra đi thanh thản vào sáng nay tại Lâu đài Windsor”, đồng thời cho biết sẽ đưa ra các thông báo tiếp theo vào thời điểm thích hợp. Theo Điện Buckingham, Hoàng gia Anh cùng với mọi người trên khắp thế giới bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Hoàng tế Philip. (Reuters)

Mỹ-Trung Quốc: Mỹ tung đòn, Trung Quốc chuẩn bị đáp trả

Ngày 8/4, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đã bổ sung 7 thực thể siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế của Washington do hỗ trợ quân đội Trung Quốc.

Phản ứng lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, Mỹ đang "lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia" nhằm nỗ lực "đảm bảo độc quyền" trên thị trường công nghệ cao quốc tế bằng mọi giá để "duy trì quyền bá chủ của Mỹ trên thế giới".

Theo ông Triệu, nước này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc. (Reuters, Sputnik)

Thượng viện Mỹ công bố luật 'đối phó tổng lực' Trung Quốc

Ngày 8/4, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ công bố phần chính của đạo luật lưỡng đảng có tên "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua sự phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản và các đồng minh khác.

Đạo luật được xây dựng nhằm bảo đảm Mỹ "có vị thế cạnh tranh với Trung Quốc trên tất cả các khía cạnh quyền lực quốc gia và quốc tế trong nhiều thập kỷ tới".

Ủy ban sẽ tổ chức một cuộc họp vào 14/9 để đưa ra bỏ phiếu về dự luật này. (Kyodo)

Biển Đông: Philippines điều tra thông tin tàu Trung Quốc truy đuổi tàu chở phóng viên

Ngày 8/4, một nhóm phóng viên của kênh truyền hình ABS-CBN của Philippine cho hay, khi di chuyển tới Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị một tàu hải cảnh Trung Quốc yêu cầu nhận dạng. Tàu của Philippines đã đổi hướng và bị 2 tàu Trung Quốc này đuổi theo.

Theo ABS-CBN, tàu Trung Quốc thực hiện cuộc truy đuổi là tàu tấn công nhanh Houbei Type 22, có khả năng mang theo tên lửa.

Ngày 9/4, người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines (AFP), Thiếu tướng Edgard Arevalo nói: "AFP bày tỏ quan ngại về hành động bị cho là do Hải quân của Quân giải phóng nhân nhân Trung Quốc (PLA) và một tàu hải cảnh Trung Quốc gây ra. Thông qua Bộ chỉ huy phía Tây của AFP, chúng tôi đang tiến hành điều tra và xác minh những gì đã diễn ra".

Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận. (AFP)

Vấn đề Iran:

Khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran: Nối lại đàm phán về JCPOA tại Vienna

Ngày 9/4, các bên tham gia Ủy ban hỗn hợp về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã nối lại đàm phán tại Vienna, với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và các biện pháp bổ sung về vấn đề hạt nhân là trọng tâm trong chương trình nghị sự.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Vienna, ông Vương Quân, người tham gia các cuộc đàm phán, cho biết, các bên đã nhất trí nhóm họp vào tuần tới để thực hiện các công tác chuyên sâu hơn nhằm đưa Tehran và Washington quay trở lại tuân thủ JCPOA.

Phát biểu với báo giới sau một cuộc họp của các bên tham gia JCPOA, ông Vương Quân cho biết, các cuộc đàm phán đang diễn ra đúng hướng và các bên đã thu hẹp bất đồng. Liên minh châu Âu (EU) cũng xác nhận thông tin trên. (THX, Reuters, Kyodo)

Iran thả tàu chở dầu của Hàn Quốc

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, tàu chở dầu MT Hankuk Chemi của Hàn Quốc cùng thuyền trưởng và 12 thủy thủ đoàn, bị Iran bắt giữ hồi tháng 1 vừa qua với cáo buộc làm ô nhiễm môi trường biển vùng Vịnh, đã được thả trong ngày 9/4.

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc cho biết, người đứng đầu chính phủ nước này, ông Chung Sye-kyun, sẽ thăm Iran tuần tới để bàn về quan hệ song phương và các vấn đề khác.

Việc con tàu được thả làm dấy lên phỏng đoán về khả năng Seoul và Tehran đã đạt được tiến triển trong việc giải quyết vấn đề khoản tiền 7 tỷ USD của Iran bị đóng băng tại các tài khoản ngân hàng Hàn Quốc theo lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt. (Reuters, Yonhap)

Vấn đề Triều Tiên: Mỹ tiếp tục đánh giá lại chính sách đối với Triều Tiên

Ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Washington đang thực hiện mọi bước đi cần thiết để đánh giá lại một cách kỹ lưỡng chính sách của nước này đối với Triều Tiên.

Theo ông Price, tiến trình đánh giá lại đang bước vào những giai đoạn cuối cùng, song sự cân nhắc cẩn trọng như vậy đòi hỏi phải có thời gian.

Ngoài ra, người phát ngôn trên cũng khẳng định các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là một thách thức nghiêm trọng không chỉ đối với Mỹ, mà còn đối với các đồng minh của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như những đối tác khác. (Yonhap)

Bê bối ghế Sofa: Thổ Nhĩ Kỳ triệu Đại sứ Italy vì phát biểu của Thủ tướng Draghi

Ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ Italy tại Ankara Massimo Gaiani để phản đối việc Thủ tướng Italy Mario Draghi trước đó cùng ngày cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan làm mất mặt Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đồng thời mô tả ông Erdogan là "kẻ độc tài".

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Faruk Kaymakci đã nói với Đại sứ Massimo Gaiani rằng, Thổ Nhĩ Kỳ lên án những phát biểu của Thủ tướng Draghi về Tổng thống Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn Italy rút lại những phát biểu vốn trái ngược với mối quan hệ liên minh và hữu nghị giữa hai nước. (Bloomberg)

Tình hình Myanmar: Chính quyền quân sự tự tin chính phủ sớm trở lại bình thường

Ngày 9/4, Hội đồng Điều hành nhà nước ở Myanmar bày tỏ tin tưởng rằng, các hoạt động của chính phủ sẽ sớm trở lại bình thường, trong bối cảnh các cuộc biểu tình và đình công của người dân đang giảm bớt.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Naypyitaw được phát sóng trên truyền hình, người phát ngôn quân đội Zaw Min Tun cho biết, Hội đồng Điều hành nhà nước Myanmar đang nỗ lực để đạt được hòa bình và an ninh trên toàn đất nước. Theo ông Min Tun, hoạt động thương mại quốc tế vẫn tiếp diễn như bình thường.

Bên cạnh đó, người phát ngôn quân đội Myanmar nêu rõ, làn sóng biểu tình đang giảm bớt là nhờ sự hợp tác của những người dân mong muốn hòa bình, đồng thời kêu gọi người dân hợp tác với các lực lượng an ninh để được nhận sự giúp đỡ. (Reuters)

Israel tuyên bố không hợp tác với ICC trong cuộc điều tra về tội ác chiến tranh

Ngày 8/4, Israel tuyên bố, nước này đã chính thức quyết định không hợp tác với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) trong cuộc điều tra về tội ác chiến tranh ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trước thời hạn chót mà ICC đưa ra để cả Israel và Palestine xác nhận có thực hiện cuộc điều tra hay không 1 ngày.

Theo tuyên bố, Israel đã gửi thư cho ICC, trong đó bác bỏ cáo buộc cho rằng Israel phạm tội ác chiến tranh, đồng thời nhắc lại quan điểm rõ ràng của Israel rằng ICC không có thẩm quyền mở cuộc điều tra nhằm vào Nhà nước Do Thái này. (Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-94-kremlin-thang-thung-nga-co-quyen-dap-tra-i-xeo-voi-ukraine-my-dinh-nan-gan-nga-tung-don-tong-luc-voi-trung-quoc-141821.html