Tin thế giới 9/12: Quan hệ Nga-Mỹ chưa cải thiện, Trung Quốc-Saudi Arabia ra tuyên bố chung

Bolivia nói về vai trò của Liên hợp quốc trước tình hình ở Ukraine, Nga chỉ trích Mỹ 'bóp nghẹt' xuất khẩu…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Nga cho rằng việc trao đổi tù nhân với Mỹ không phải là dấu hiệu cải thiện quan hệ - Ảnh: Công dân Mỹ Brittney Griner đã được trả tự do để đổi lấy công dân Nga, Viktor Bout ngày 9/12. (Nguồn AFP Getty Images)

Nga cho rằng việc trao đổi tù nhân với Mỹ không phải là dấu hiệu cải thiện quan hệ - Ảnh: Công dân Mỹ Brittney Griner đã được trả tự do để đổi lấy công dân Nga, Viktor Bout ngày 9/12. (Nguồn AFP Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Kiev theo dõi sát sao các động thái của Hải quân Nga: Ngày 8/12, viết trên Telegram, Hải quân Ukraine cho biết hiện có 13 tàu Nga đang thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đen, trong đó có một tàu mang tên lửa với sức chứa 4 quả tên lửa. Chín tàu chiến còn lại đang thực hiện nhiệm vụ ở Biển Địa Trung Hải, trong đó 5 tàu mang tên lửa với sức chứa tới 76 tên lửa hành trình Kalibr. Hai tàu chiến khác đang làm nhiệm vụ tại biển Azov. Ukraine cũng thông báo hoạt động cụ thể của Hải quân Nga ở vùng lân cận nước này 24 giờ qua.

Trước đó, Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov cho hay những thống kê cho thấy Nga thực hiện thêm một vài cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa nữa vào Ukraine, trước khi kho dự trữ của Moscow cạn kiệt hoàn toàn. (TTXVN)

* Hàn Quốc sẽ viện trợ 100 tấn nhu yếu phẩm cho Ukraine: Ngày 9/12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này đang lên kế hoạch cung cấp 100 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Các mặt hàng viện trợ bao gồm máy phát điện, vaccine cho trẻ em, thiết bị y tế và thuốc cấp cứu - sẽ được gửi theo 2 đợt vào các ngày 11 và 25/12. Theo bộ trên, kế hoạch vận chuyển máy phát điện nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Ukraine về sưởi ấm và cung cấp điện trong mùa Đông. Trước đó, Hàn Quốc cho biết đến cuối năm 2022, nước này sẽ viện trợ nhân đạo cho Ukraine với tổng giá trị 100 triệu USD. (Yonhap)

* Bolivia: Liên hợp quốc “kém hiệu quả’ trước xung đột Nga-Ukraine: Phát biểu ngày 9/12, Ngoại trưởng Bolivia Rogelio Mayta cho hay: “Chúng tôi đã thông báo điều này trên các diễn đàn khác. Tuy nhiên, chúng tôi buồn khi thấy rằng một diễn đàn như Liên hợp quốc (LHQ) khá mờ nhạt... Diễn đàn này đã trở nên kém hiệu quả”. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: “Khi xảy ra khủng hoảng ở Đông Âu, LHQ không có khả năng trở thành diễn đàn đối thoại và thảo luận. Người ta cố biến nó thành diễn đàn tán thành những nghị quyết không có nhiều tác dụng, nơi đưa ra các tuyên bố thay vì giúp giải quyết vấn đề thực chất”.

Theo ông, các quốc gia nên suy nghĩ đến thiết lập những thể chế mới hoặc thay đổi, cải cách các thể chế cũ. Trước đó, hồi tháng 10 tại LHQ, Bolivia đã đề xuất thành lập một ủy ban làm trung gian hòa giải để giải quyết tình hình ở Ukraine. (Sputnik)

Nga-Mỹ

* Nga không coi trao đổi tù nhân là dấu hiện cải thiện quan hệ với Mỹ: Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 9/12 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng thỏa thuận trao đổi tù nhân vừa qua không được xem là bước đi hướng tới mục tiêu cải thiện quan hệ song phương giữa Moscow và Washington.

Trả lời tờ Izvestia (Nga), ông Peskov nêu rõ: “Những cuộc đàm phán chỉ liên quan đến vấn đề trao đổi tù nhân. Sẽ là sai lầm khi kết luận rằng đây là bước đi nhằm khắc phục tình trạng khủng hoảng chúng ta đang phải đối mặt trong quan hệ song phương. Không, quan hệ song phương vẫn ở trong tình trạng tồi tệ”.

Trước đó, Moscow đã trả tự do cho cầu thủ bóng rổ Mỹ Brittney Griner để đổi lấy công dân Nga Viktor Bout từng bị phía Washington bắt giữ. (Reuters/Sputnik)

* Nga nhận thức rõ trách nhiệm của cường quốc hạt nhân hàng đầu: Phát biểu ngày 9/12, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã bác bỏ chỉ trích của Washington với tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin về vấn đề vũ khí hạt nhân. Ông nêu rõ: “Nga thực thi nghiêm túc trách nhiệm đặc biệt với tư cách là cường quốc hạt nhân hàng đầu trong mục tiêu duy trì an ninh và ổn định toàn cầu, cũng như ngăn chặn xung đột vũ trang, đặc biệt là xung đột hạt nhân… Tôi cho rằng Mỹ đang lợi dụng cảnh báo của Nga làm cái cớ để chỉ trích, mà không chú ý tới ý nghĩa thực sự trong lập luận của chúng tôi”. Theo ông, thay vì gây leo thang tình hình cáo buộc vô căn cứ, Mỹ cần xem xét liệu định hướng quan hệ với Nga có phù hợp với nghĩa vụ quốc tế hay không.

Trước đó, hôm 7/12, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ không đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh dù các loại vũ khí của Moscow “tiên tiến và hiện đại hơn” so với các nước khác, song chúng chủ yếu phục vụ mục đích răn đe. Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chỉ trích những tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga là “vô trách nhiệm” và “nguy hiểm”. (Sputnik)

* Moscow: Mỹ tìm cách bóp nghẹt nguồn thu từ xuất khẩu của Nga: Ngày 9/12, phát biểu tại Câu lạc bộ thảo luận Valdai, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Mỹ đang tìm cách cắt giảm doanh thu xuất khẩu của Nga và đẩy Moscow vào tình trạng vỡ nợ. Ông cũng nhận định Mỹ sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, bất kể tình hình ra sao, bởi vì có sự đồng thuận ở Washington về vấn đề này. Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng Washington sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Moscow và trục xuất hàng loạt thêm các nhân viên ngoại giao Nga. (Reuters/Sputnik)

Mỹ-Trung

* Trung Quốc: Mỹ không có quyền tùy tiện trừng phạt các nước khác: Trước thông tin Washington sẽ trừng phạt Moscow và Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định: “Về cơ bản, Trung Quốc phản đối hành động can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác với lý do nhân quyền. Mỹ không có quyền áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các nước khác”.

Trước đó, Wall Street Journal (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ công bố trừng phạt với Nga và Trung Quốc trong ngày 9/12. Theo những nguồn tin này, các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào 170 cá nhân Bắc Kinh bị Washington cáo buộc đánh bắt cá trái phép ở Thái Bình Dương, trong bối cảnh xuất hiện quan ngại rằng cường quốc châu Á đang đánh bắt cá quá mức, đồng thời sử dụng đội tàu đánh cá để mở rộng ảnh hưởng trên biển.

Nhiều biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu, ban hành năm 2016. Đạo luật này cho phép chính phủ Mỹ trừng phạt các quan chức chính phủ nước ngoài trên toàn thế giới, những người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, thông qua các biện pháp đóng băng tài sản và cấm họ nhập cảnh.

Về việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng, trong đó có khoản hỗ trợ quân sự 10 tỷ USD dành cho Đài Loan (Trung Quốc), bà Mao Ninh khẳng định Bắc Kinh “kiên quyết phản đối Mỹ lợi dụng Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) để thông qua những nội dung tiêu cực liên quan đến Trung Quốc”. (AFP/Sputnik)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên tái tham gia cơ chế hợp tác kinh tế khu vực: Tuyên bố trong cuộc họp của Sáng kiến Đồ Môn mở rộng (GTI) ngày 8/12, đại diện Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết Seoul đang kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại cơ chế này. GTI là cơ chế hợp tác kinh tế Đông Bắc Á, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Mông Cổ, hướng tới phát triển kinh tế cho các khu vực gần sông Đồ Môn, nằm giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã rút khỏi cơ chế này vào năm 2009 nhằm phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào mình.

Cũng trong cuộc họp, Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề quốc tế Kim Seong Wook nhấn mạnh: “Hàn Quốc đang lên kế hoạch đóng một vai trò tích cực bằng cách tiếp cận toàn diện các vấn đề mới nổi ở trong và ngoài khu vực, trong đó có biến đổi khí hậu và an ninh lương thực”. Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch trở thành nước chủ trì GTI nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu từ tháng 7/2023. (Yonhap)

* Hiệp hội tài xế xe tải Hàn Quốc chấm dứt đình công: Ngày 9/12, Hiệp hội tài xế xe tải Hàn Quốc cho biết đã quyết định chấm dứt đình công trên toàn quốc, vốn làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều ngày gần đây. Trước đó cùng ngày, hiệp hội trên đã mở cuộc bỏ phiếu chấm dứt đình công tại 16 địa điểm trên cả nước, một ngày sau khi Chính phủ Hàn Quốc ban hành lệnh hành pháp yêu cầu các tài xế xe tải đang đình công thuộc các ngành hóa dầu và thép quay trở lại làm việc. (Reuters/Yonhap)

* Nhật Bản, Anh, Italy chính thức tiết lộ dự án máy bay chiến đấu chung: Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, BAE Systems PLC (Anh), Mitsubishi Heavy (Nhật Bản) và Leonardo (Italy) sẽ tham gia liên doanh mang tên Chương trình Không chiến toàn cầu (GCAP) để thiết kế máy bay chiến đấu phản lực thế hệ mới. Máy bay này sẽ được xây dựng trên nền tảng Chương trình máy bay chiến đấu Tempest do London dẫn dắt và Chương trình máy bay chiến đấu F-X của Tokyo, với tính năng kỹ thuật số tiên tiến. Dự kiến, máy bay chiến đấu này sẽ xuất xưởng vào năm 2035.

Tuyên bố chung ngày 9/12 của lãnh đạo ba nước cũng khẳng định “cam kết duy trì các quy tắc dựa trên luật lệ, tự do và rộng mở, vốn quan trọng hơn bao giờ hết tại thời điểm khi những nguyên tắc này bị tranh cãi, và các mối đe dọa cũng như hành động gây hấn leo thang”. (Reuters)

Châu Âu

* Phần Lan cân nhắc xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ: Thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cho biết quốc gia này đang xem xét cho phép xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Kaikkonen, cả Phần Lan và Thụy Điển đều không có lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Phần Lan đã đóng băng việc cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí mới cho Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019 sau khi Ankara triển khai chiến dịch quân sự trên bộ vào khu vực người Kurd ở Bắc Syria.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusis Akar cho biết, nước này vẫn lo ngại hoạt động của các nhóm cực đoan người Kurd tại Phần Lan. Đồng thời, Ankara mong muốn Helsinki thực hiện “các bước cụ thể” trước khi chấp thuận cho Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Iran “kiềm chế tối đa” trước làn sóng biểu tình: Tuyên bố ngày 8/12 trên Twitter, Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: “Trong đối phó với tình trạng bạo loạn, Iran đã thể hiện sự kiềm chế tối đa và, không giống nhiều nước phương Tây... Iran đã sử dụng các phương thức chống bạo loạn đúng tiêu chuẩn và thỏa đáng. Chính sách này cũng được áp dụng trong quy trình xét xử: kiềm chế và thích đáng”.

Bộ này nhấn mạnh “hành vi tấn công, phá hoại có vũ trang là không thể chấp nhận được”, kể cả với phương Tây. Đồng thời, Tehran cũng cáo buộc chính phủ các nước này đạo đức giả, khẳng định “an ninh công cộng là lằn ranh đỏ” không thể xâm phạm. (AFP)

* Trung Quốc, Saudi Arabia đề cao sự ổn định của thị trường dầu mỏ: Theo tuyên bố chung ngày 9/12 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Saudi Arabia nêu rõ: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoan nghênh vai trò của Vương quốc (Saudi Arabia) với tư cách là nước ủng hộ sự cân bằng và ổn định trên thị trường dầu mỏ thế giới và nhà xuất khẩu dầu thô lớn đáng tin cậy sang Trung Quốc”. Cùng ngày, đài Al-Ekhbariya (Saudi Arabia) đưa tin ông Tập Cận Bình đã mời Quốc vương Salman bin Abdulaziz thăm Trung Quốc. (Reuters)

* Trung Quốc ủng hộ Tunisia và Sudan: Ngày 9/12, gặp Tổng thống Tunisia Kais Saied tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh kiên quyết ủng hộ Tunisia theo đuổi lộ trình phát triển phù hợp, đồng thời phản đối sự can thiệp của bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của Tunisia.

Đồng thời, ông khẳng định Trung Quốc ủng hộ tất cả các bên ở Sudan tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển giao chính trị ổn định thông qua đối thoại và tham vấn, phản đối sự can thiệp của thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của Sudan và sẽ tiếp tục lên tiếng vì “ những người bạn Sudan” trên trường quốc tế. (Tân Hoa xã)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-912-quan-he-nga-my-chua-cai-thien-trung-quoc-saudi-arabia-ra-tuyen-bo-chung-209254.html