Tin thế giới 29/9: Armenia-Azerbaijian 'hừng hực'; Belarus, Triều Tiên chưa 'nguội'

Xung đột Armenia-Azerbaijan, tình hình Belarus, bán đảo Triều Tiên, điện đàm Nga-Nhật, Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ là một vài điểm nhấn trong dòng thời sự thế giới ngày 29/9.

Tin thế giới 29/9: Armenia – Azerbaijian ‘hừng hực’; Belarus, Hàn - Triều chưa ‘nguội’

Tin thế giới 29/9: Armenia – Azerbaijian ‘hừng hực’; Belarus, Hàn - Triều chưa ‘nguội’

Xung đột Armenia-Azerbaijan Có thêm người Armenia thương vong; Mỹ, Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng về xung đột

Bộ Ngoại giao Armenia thông báo, ngày 29/9, một dân thường đã bị sát hại ở thị trấn Vardenis của nước này trong một cuộc tấn công bằng pháo binh và máy bay không người lái của Azerbaijan. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên trên lãnh thổ Armenia kể từ khi giao tranh bùng phát ở vùng lãnh thổ li khai Nagorny-Karabakh.

Cùng ngày, Armenia và Azerbaijan đã cáo buộc lẫn nhau khai hỏa vào lãnh thổ của mỗi bên, vượt xa nơi xung đột trong khu vực ly khai của Azerbaijan được Yerevan hậu thuẫn, trong bối cảnh cuộc giao tranh tồi tệ nhất kể từ thập niên 1990 đã sang ngày thứ 3.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho rằng từ Vardenis, quân đội Armenia đã nã pháo vào khu vực Dashkesan bên trong lãnh thổ Azerbaijan. Trong khi đó, Armenia đã bác bỏ cáo buộc này.

Trong một tin liên quan, ngày 29/9, trong khuôn khổ chuyến công du Hy Lạp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi chấm dứt cuộc giao tranh ở khu vực Nagorny-Karabakh và quay lại thương lượng “sớm nhất có thể”: “Cả hai bên (Armenia và Azerbaijan) phải chấm dứt tình trạng bạo lực và phối hợp với Nhóm Minsk... để nối lại cuộc thương lượng thực chất sớm nhất có thể”. Nhóm Minsk do Nga, Pháp và Mỹ đứng đầu và làm trung gian hòa giải giữa Armenia và Azerbaijan.

Ngày 29/9, Pháp tuyên bố sẽ kêu gọi tiến hành đàm phán trong khuôn khổ Nhóm Minsk. Một quan chức trong văn phòng tổng thống Pháp nói: “Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ khởi động sự hợp tác của Nhóm Minsk để giải quyết những gì đã xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm và tìm ra một giải pháp.”

Cùng ngày, Duma Quốc gia Nga đã thông qua một nghị quyết về tình hình ở Nagorny-Karabakh, trong đó kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán và bày tỏ sẵn sàng trở thành người hòa giải trong việc ổn định tình hình.

Nghị quyết có đoạn: “Duma Quốc gia Nga tuyên bố cần ngừng bắn ngay lập tức, ngăn chặn leo thang đối đầu trong khu vực, không thể có giải pháp khác ngoài việc giải quyết xung đột một cách hòa bình”.

Các đại biểu Duma Quốc gia Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại khu vực xảy ra xung đột Nagorny-Karabakh khiến nhiều người thương vong, đồng thời lên án mạnh mẽ việc các bên sử dụng vũ lực. Tuyên bố này sẽ được gửi tới Tổng thống và Chính phủ Nga cũng như quốc hội của hai nước Azerbaijan và Armenia và nhiều tổ chức quan trọng khác.

Trong khi đó, phát biểu với phóng viên ở Ankara sau chuyến thăm Đại sứ quán Azerbaijan ngày 29/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan cả trên bàn đàm phán và trên chiến trường: “Chúng tôi muốn vấn đề Nagorny-Karabakh được giải quyết một cách triệt để”.

Theo ông Cavusoglu, cộng đồng thế giới đã nhầm lẫn khi đặt Azerbaijan và Armenia trên cùng một bình diện trong cuộc xung đột của họ.

Ông nói: “Chúng tôi nói với cả thế giới rằng Azerbaijan và Armenia không giống nhau. Chúng ta đều ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Gruzia. Nhưng Azerbaijan bị đánh đồng với Armenia, quốc gia đã chiếm đóng các vùng đất của họ (Azerbaijan). Và điều này là không thể chấp nhận được”. (Reuters/AFP/Sputnik)

Tình hình Belarus Belarus đang chịu "sức ép chưa từng có từ bên ngoài"

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/9 nhận định, quốc gia láng giềng Belarus đang chịu sức ép chưa từng có từ bên ngoài, trong bối cảnh Belarus đối mặt cuộc khủng hoảng chính trị lịch sử liên quan cuộc bầu cử gây tranh cãi.

Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Belarus đang trong “tình hình khó khăn” và đối mặt với “sức ép chưa từng có từ bên ngoài”, sau một cuộc bầu cử tổng thống làm bùng phát hoạt động cuộc biểu tình đang diễn ra và không được các nước phương Tây công nhận. (Reuters)

Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ Mỹ ủng hộ đối thoại Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ

Trong chuyến công du 48 tiếng tới Hy Lạp, sau cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis trên đảo Crete ngày 29/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 29/9 tuyên bố, Washington ủng hộ mạnh mẽ cuộc đối thoại Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng tôi hy vọng rằng những cuộc đối thoại này có thể tiếp tục một cách nghiêm túc”.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bất đồng về một loạt vấn đề, đã nhất trí nối lại cuộc đàm phán thăm dò liên quan các tuyên bố chủ quyền trên biển sau nhiều tuần căng thẳng. (Reuters)

Bán đảo Triều Tiên Hàn Quốc tuyên bố dốc sức tìm kiếm sự thật về việc quan chức nước này bị bắn chết

Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 29/9 thông báo các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của nước này ngày 29/9 đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc về vụ việc quan chức chính quyền bị binh sĩ Triều Tiên bắn chết trên biển và nhất trí tiếp tục những nỗ lực để tìm hiểu chính xác chuyện gì đã xảy ra.

Trong cuộc họp hàng tuần của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), các quan chức này cũng quyết định duy trì hợp tác tình báo với các nước láng giềng trong vụ việc này. Theo Phủ Tổng thống, các thành viên NSC nhất trí rằng Seoul sẽ thực hiện một cuộc tìm kiếm “liên tục và triệt để” thi thể thanh tra ngư nghiệp cùng những vật dụng cá nhân của ông này.

Ngoài ra, các quan chức NSC cũng thảo luận các biện pháp để ngăn chặn tái diễn các vụ việc mất tích quanh biên giới liên Triều và phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn với các vụ việc như vậy. (Yonhap)

Mỹ-Trung Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc bảo vệ cách tiếp cận cứng rắn của Washington

Đại sứ sắp mãn nhiệm của Mỹ tại Trung Quốc, ông Terry Branstad ngày 29/9 đã lên tiếng bảo vệ cách tiếp cận cứng rắn, vốn làm rạn nứt quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, ông Terry Branstad nói: "Tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực thương mại, chúng tôi đã thu hút được sự chú ý của họ (Trung Quốc) và chúng tôi đang đạt được sự tiến bộ... Tôi hy vọng chúng tôi có thể (đạt được điều này) trong các lĩnh vực khác, như trong cách đối xử với giới truyền thông và các nhà ngoại giao của chúng ta".

Đại sứ Terry Branstad cho biết thêm rằng Tổng thống Mỹ đang tìm cách để các công ty và cá nhân Mỹ ở Trung Quốc được đối xử tương tự như những gì mà phía Trung Quốc đang có được ở Mỹ. (AP)

Nga-Nhật Lãnh đạo Nga-Nhật điện đàm, tranh chấp đảo nóng trở lại

Chính phủ Nhật Bản ngày 29/9 cho biết, nước này đã trao công hàm phản đối cuộc tập trận của Nga trên nhóm đảo tranh chấp giữa hai nước.

Phát biểu họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nêu rõ, Moscow hôm 24/9 đã gửi thông báo cho biết họ sẽ tổ chức hoạt động diễn tập bắn với sự tham gia của 1.500 quân nhân ở khu vực bờ biển của đảo Kunashiri từ ngày 29/9.

Ông nói: “Chúng tôi đã phản đối thông qua các kênh ngoại giao, nhấn mạnh những hành động như vậy là không thể chấp nhận được do chúng sẽ dẫn đến việc tăng cường hiện diện quân sự của Nga trên những đảo này và không phù hợp với quan điểm của Nhật Bản”.

Thủ tướng Suga Yoshihide ngày 29/9 đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ khi ông Suga nhậm chức hồi giữa tháng 9. Hai nhà lãnh đạo được cho là đã tái khẳng định cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình và nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế song phương. (Kyodo)

Iran-Saudi Arabia Iran bác bỏ cáo buộc của Saudi Arabia liên quan đến khủng bố

Truyền hình nhà nước Iran ngày 29/9 đưa tin nước này bác bỏ tuyên bố “vô giá trị” của Saudi Arabia về việc Tehran đã huấn luyện một cơ sở khủng bố vừa bị Riyadh gỡ bỏ trước đó trong tháng 9/2020.

Ngày 28/9, Saudi Arabia thông báo đập tan một cơ sở khủng bố được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đào tạo. Trong chiến dịch này, phía Saudi Arabia đã bắt giữ 10 người cũng như thu giữ vũ khí và chất nổ.

Đài truyền hình trên đã trích dẫn phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh rằng: “Những lời cáo buộc lặp đi lặp lại và vô giá trị từ giới cai trị Saudi Arabia không phải là cách để Riyadh đạt được các mục tiêu của họ, và khuyến nghị của chúng tôi là Saudi Arabia hãy chọn con đường trung thực và khôn ngoan thay vì những kịch bản vô giá trị”. (Reuters)

Liên minh châu Âu (EU) Thủ tướng Hungary đề nghị Phó Chủ tịch Ủy ban EU từ chức

Ngày 29/9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đề nghị Phó Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Vera Jourova từ chức vì bà này đã chỉ trích Budapest và tuyên bố chính phủ của ông sẽ tạm ngừng các liên lạc chính trị với bà.

Trong một bức thư gửi tới Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen, ông Orban nêu rõ: “Những tuyên bố của Phó Chủ tịch Vera Jourova không phù hợp với thẩm quyền hiện tại của bà, do đó sự từ chức của bà Jourova là cần thiết”.

Ngay sau đó, trả lời trong cuộc họp báo cùng ngày, Người phát ngôn của Ủy ban EU khẳng định Chủ tịch Ursula von der Leyen “hoàn toàn tin tưởng” vào phó tướng của bà, Cao ủy phụ trách về giá trị và minh bạch người Czech Vera Jourova: “Chủ tịch (Ủy ban) von der Leyen phối hợp chặt chẽ với Phó Chủ tịch Jourova về luật pháp. Phó Chủ tịch có được sự tin tưởng hoàn toàn của Chủ tịch. Những quan ngại của chúng tôi với luật pháp ở Hungary rất rõ. Chúng sẽ được nêu ra trong Báo cáo Luật pháp của chúng tôi mà chúng tôi sẽ trình bày vào ngày mai. Trong báo cáo này, chúng tôi sẽ đánh giá tình hình tại tất cả các nước thành viên”.

Lời xác nhận này được đưa ra sau khi Hungary kêu gọi bà Jourova từ chức vì những tranh cãi về luật pháp. (Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-299-armenia-azerbaijian-hung-huc-belarus-trieu-tien-chua-nguoi-124922.html