Tin thế giới 29/8: Ukraine quyết 'dứt tình' với Nga; Putin 'trảm' 15 tướng

Ukraine khẳng định sẽ sớm hủy bỏ hiệp ước hữu nghị với Nga, mang cho Moscow những 'bất ngờ rất khó chịu' tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Mỹ hành xử 'như trong phim cao bồi'; Ông Putin bất ngờ sa thải 15 tướng lĩnh.

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko

*Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ban hành hướng dẫn cho Bộ Ngoại giao nước này để nhanh chóng soạn thảo gói văn kiện về việc khởi động thủ tục hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác được ký kết giữa Ukraine và Nga vào năm 1997.

Ông Poroshenko tiết lộ thông tin trên hôm 28/8 tại buổi họp báo với thành viên các ngoại giao đoàn của Ukraine. Tổng thống Ukraine nói: “Cuối cùng, sau khi chuẩn bị và xây dựng đầy đủ về vấn đề bảo vệ pháp lý, chúng tôi đã tiến tới bước kế tiếp, đó là hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Liên bang Nga vốn đã lỗi thời từ lâu. Tôi mong Bộ Ngoại giao sớm đưa ra gói văn kiện cần thiết về việc nhanh chóng khởi động tiến trình này”.

*Trong một diễn biến khác, Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hợp Quốc Vladimir Yelchenko tiết lộ, Kiev đang chuẩn bị một số sáng kiến sẽ mang đến "bất ngờ khó chịu" cho phái đoàn Nga trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 27/9. Bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Poroshenko được lên kế hoạch vào ngày 26/9.

*Ria Novosti đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/8 đã bất ngờ bãi nhiệm 15 tướng lĩnh của Bộ Nội vụ, Bộ tình huống khẩn cấp, Cơ quan thi hành án Liên bang và Ủy ban Điều tra, sắc lệnh tương ứng được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức... Chi tiết đọc Tại đây.

*Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga sẽ cùng với Trung Quốc và Mông Cổ tiến hành cuộc tập trận được cho là có quy mô lớn nhất trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây. Cuộc tập trận này có tên Vostok-2018 (Phương Đông-2018) sẽ diễn ra tại các quân khu miền trung và miền đông nước Nga và sẽ có sự tham gia của gần 300.000 binh lính, hơn 1.000 máy bay quân sự và hai hạm đội tàu chiến cùng máy bay của Nga.

*Hôm 28/8, Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ sẽ nối lại các cuộc tập trận quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Điều này cho thấy, quan hệ Mỹ - Triều Tiên có dấu hiệu "tăng nhiệt" trở lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

*Theo hãng tin Sputnik, có ba nguồn tin thân cận với Tổng thống Mỹ nói rằng Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nhiều khả năng sẽ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải. Thượng nghị sĩ Bob Corker, một đồng minh trong quốc hội của ông Sessions, mới đây đã trả lời trên báo Washington Post rằng ông “có cảm giác một sự thay đổi nhân sự lớn sắp diễn ra”. Hiện tại các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ và Nhà Trắng đều từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào.

*Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu ngày 28/8 đã đáp trả lời kêu gọi của phía Mỹ về việc từ chối mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. "Chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ không phận của chúng tôi. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Họ phải hiểu điều này. Liệu Mỹ có thể đảm bảo bán cho chúng tôi các hệ thống tên lửa Patriot không?", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

*Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford ngày 28/8 cho biết Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch tiến hành tuần tra chung tại miền Bắc Syria để tăng cường an ninh ở khu vực này.

Phát biểu họp báo, ông Dunford nói rằng hai quốc gia đã bắt đầu làm việc với nhau khoảng 2 tháng trước về vấn đề an ninh ở miền Bắc Syria, tập trung vào khu vực Manbij, đồng thời xác nhận hoạt động tuần tra này sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn.

Đọc thêm tình hình Syria mới nhất Tại đây.

Cảnh hoang tàn tại Syria.

*Ngày 29/8, truyền thông Triều Tiên đã nhắc lại lời kêu gọi Hàn Quốc thực hiện một cách chân thành thỏa thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai nước trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng rơi vào thế bế tắc.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, cho rằng động thái này đi ngược lại các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ liên Triều và thống nhất 2 miền Triều Tiên.

Trong Tuyên bố Panmunjom, hai miền Triều Tiên đã nhất trí phối hợp với nhau hướng tới phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” Bán đảo Triều Tiên, ngừng các hành động thù địch chống lại nhau và thúc đẩy giao lưu liên Triều.

*Hãng thông tấn Séc (CTK) ngày 28/8 đưa tin, Thủ tướng Séc Andrej Babis tuyên bố tương lai đất nước sẽ bị đe dọa nếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Cũng theo nhà lãnh đạo này, châu Âu đã uổng phí 3 năm tranh cãi về hạn ngạch nhập cư và tái khẳng định CH Séc sẽ không nhận bất cứ một người tị nạn nào. Ông Andrej Babis tuyên bố: "Tôi kiên định lập trường sẽ không nhận từ Italy hay từ bất kỳ đâu một người di cư bất hợp pháp nào". Tuy nhiên, ông Babis cũng lưu ý rằng đó không phải là lập trường chống Italy, quốc gia có quan hệ hữu hảo với Séc.

Trí Đức (tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tin-the-gioi-298-ukraine-quyet-dut-tinh-voi-nga-putin-tram-15-tuong-post273110.info