Tin thế giới 27/11: Ông Trump vẫn chưa chịu khuất phục, Trung Quốc nỗ lực chối bỏ nguồn gốc Covid-19, Triều Tiên rục rịch bắn tên lửa?

Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Mỹ với Trung Quốc và Nga, tình hình Nagorno-Karabakh, bán đảo Triều Tiên... là những tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Bầu cử Mỹ 2020

Ông Trump khi nào mới rời Nhà Trắng?

Ngày 26/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ rời Nhà Trắng nếu Đại cử tri đoàn bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden. Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra tại Nhà Trắng sau khi trò chuyện qua đường truyền video với binh sĩ Mỹ đồn trú tại nước ngoài nhân dịp Lễ Tạ ơn truyền thống.

Ông cũng nói thêm rằng, nếu Đại cử tri đoàn bỏ phiếu cho ông Biden, đó sẽ là "một sai lầm". Ông cũng chỉ trích hệ thống bầu cử theo đại cử tri của Mỹ, cho rằng cơ chế này đã quá lỗi thời.

Dự kiến, Đại cử tri đoàn sẽ nhóm họp vào ngày 14/12. (Reuters)

Ông Biden được tiếp cận máy chủ bí mật Nhà Trắng

Ứng viên được dự đoán đắc cử tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ sớm được tiếp quản một máy chủ chứa các thông tin mật giữa Tổng thống Donald Trump và các lãnh đạo quốc tế. Thông tin này được một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ tiết lộ.

Được biết, máy chủ này chứa các thông tin nhạy cảm liên quan đến các cuộc điện đàm gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump với các lãnh đạo nước ngoài trên cơ sở "những điều cần biết". Chính quyền của ông Trump được cho là sẽ chia sẻ bất cứ thông tin nào mà họ cho là liên quan đến quá trình ra quyết định trong tương lai.

Nguồn tin thân cận với ông Joe Biden cho biết với CNN rằng hiện đội ngũ của ông Biden vẫn chưa quyết định cách thức xử lý các thông tin mật đó khi ông dự kiến nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau.

Nguồn tin cho biết thêm, nhiều khả năng đội ngũ của ông Biden sẽ duy trì cách thức xử lý của chính quyền ông Trump, ít nhất là trong giai đoạn đầu, cho đến khi ông Jake Sullivan, người được đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia, có thể đánh giá mức độ cần thiết bảo mật thông tin. (CNN/Reuters)

Mỹ-Trung Quốc-Nga

Mỹ coi Trung Quốc, Nga là mối đe dọa trong không gian

Tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ John Raymond tuyên bố Mỹ phải thắt chặt quan hệ với các đồng minh để đối phó với "mối đe dọa" từ Trung Quốc và Nga trong không gian.

Mặc dù giới quan sát nhận định Mỹ vẫn bỏ xa các nước trong các chương trình, hoạt động và công nghệ về không gian vũ trụ, nhưng giới chức Mỹ vẫn cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga đang có những động thái đáng lo ngại trong lĩnh vực này.

Tướng Raymond đề cập tới một vụ việc xảy ra vào năm 2007, khi Trung Quốc va chạm và phá hủy một vệ tinh của Mỹ. Ông Raymond nói rằng không gian vũ trụ từng là một "miền yên bình" vào năm 1991, nhưng bây giờ đã biến thành một lĩnh vực đầy cạnh tranh.

Theo Tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ, Nga và Trung Quốc có khả năng gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và các vệ tinh viễn thông. Tướng Raymond cho biết hai nước này cũng đang nghiên cứu cách thức để phá hủy các thiết bị không gian của Mỹ thông qua tên lửa. (SCMP)

Trung Quốc hy vọng Mỹ thỏa hiệp về vấn đề Đài Loan

Ngày 26/11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tuyên bố, nước này kiên quyết phản đối mọi hình thức trao đổi chính thức hay liên lạc quân sự giữa Mỹ và vùng lãnh thổ Đài Loan.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân hay lực lượng nào xâm phạm hay chia cắt vùng lãnh thổ bất khả xâm phạm của tổ quốc. Nếu một tình huống nghiêm trọng như vậy xảy ra, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chắc chắn sẽ chiến đấu nhằm kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc", ông Nhậm nêu rõ.

Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ thỏa hiệp với Bắc Kinh, giữ vững các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau, tránh hiểu nhầm và bất hòa, tiếp tục tập trung vào hợp tác, đồng thời quản lý và kiểm soát các nguy cơ và những bất đồng, ông Nhậm tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tái khẳng định Bắc Kinh kiên quyết phản đối chiến tranh lạnh và "trò chơi được mất" không mang lại lợi ích gì của phía Mỹ và kêu gọi Washington xem xét một cách sáng suốt, đi theo xu thế thời đại và nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hòa bình và sự phát triển của thế giới. (THX)

Nga nêu điều kiện chúc mừng tân Tổng thống Mỹ

Trong khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng tới đại diện đảng Dân chủ Joe Biden kể từ ngày 7/11 nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nay vẫn "im hơi lặng tiếng".

Theo đó, điện Kremlin ngày 26/11 nhấn mạnh ông Putin sẽ chỉ gửi lời chúc mừng tân Tổng thống Mỹ khi kết quả bầu cử chính thức được xác nhận.

Cụ thể, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov đã đưa ra tuyên bố trên và khẳng định, sự im lặng của ông Putin không đồng nghĩa với việc Nga phủ nhận kết quả bầu cử có lợi cho đại diện đảng Dân chủ Joe Biden.

Phát ngôn viên điện Kremlin khẳng định, quyết định của Tổng thống Nga không bị ảnh hưởng bởi những nhà lãnh đạo khác trên thế giới. (Sputnik)

Biển Hoa Đông

Nhật Bản chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Senkaku

Ngày 27/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã chỉ trích tuyên bố công khai gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku do Tokyo quản lý mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Tại một ủy ban quốc hội, sau khi nhiều nghị sỹ đảng cầm quyền chỉ trích ông Motegi không có hành động gì khi ông Vương Nghị đưa ra tuyên bố về lãnh thổ tại cuộc họp báo chung hôm 24/11 trong chuyến thăm tới Tokyo, ông Motegi nêu rõ: "Quần đảo Senkaku chắc chắn là lãnh thổ cố hữu của đất nước chúng ta về mặt lịch sử và theo luật pháp quốc tế".

Ông Motegi cho biết, trong cuộc hội đàm với ông Vương Nghị, ông đã "kiên quyết kêu gọi" Trung Quốc không thực hiện các hành động như đưa tàu vào lãnh hải Nhật Bản hoặc để các tàu đó tiếp cận các tàu Nhật Bản trong khu vực. (Kyodo)

Tình hình Nagorno-Karabakh

Azerbaijan phản đối nghị quyết của Pháp về Nagorno-Karabakh

Hôm 25/11, Thượng viện Pháp thông qua nghị quyết với đa số phiếu kêu gọi Chính phủ nước này công nhận Nagorno-Karabakh. Được biết, văn kiện này mang tính chất khuyến nghị.

Trước động thái đó, ngày 26/11, Quốc hội Azerbaijan đã thông qua một tuyên bố trong đó phản đối với nghị quyết của Pháp.

Ông Hikmet Hajiyev, phụ tá và là cố vấn cao cấp của tổng thống Azerbaijan nói rằng Azerbaijan sẽ không công nhận nghị quyết của Thượng viện Pháp, trong đó kêu gọi lãnh đạo Pháp công nhận nền độc lập của Nagorno-Karabakh.

Theo ông Hajiyev, nghị quyết này là “một tờ giấy bình thường” đối với Azerbaijan. Đồng thời, ông cho rằng quyết định này được đưa ra bởi các thượng nghị sĩ Pháp trước áp lực của cộng đồng người Armenia. (AFP)

Bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên bất ngờ phong tỏa Bình Nhưỡng, chuẩn bị phóng tên lửa?

Triều Tiên đang đứng trước sức ép về tác động của Covid-19 và khó khăn kinh tế trong khi đó, truyền thông nước này không hề nhắc đến hoặc phản ứng về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.

Dưới sức ép của đại dịch Covid-19 và những khó khăn về kinh tế, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thể hiện sự giận dữ bằng cách phạt nghiêm khắc ít nhất 2 người trong 3 tháng qua vì đã không tuân thủ các quy định về nhập khẩu nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào nước này, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết trong một cuộc họp báo ngày 27/11.

Trong khi đó, nghị sĩ đảng cầm quyền ở Hàn Quốc Kim Byung-kee cho hay, Triều Tiên không đề cập đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trên truyền thông. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đang lo ngại về chiến thắng của ông Biden.

"Triều Tiên đã quán triệt với các phái bộ nước ngoài không được thể hiện phản ứng về cuộc bầu cử hay các quan điểm cá nhân, đồng thời cảnh báo người đứng đầu các phái bộ phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh bất kỳ vấn đề liên quan nào", ông Kim Byung-kee cho hay.

Triều Tiên cũng lo ngại mối quan hệ tốt đẹp hơn dưới thời Tổng thống Trump sẽ bị hủy bỏ và Washington sẽ quay lại hướng tiếp cận "kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên như dưới thời Tổng thống Obama.

Một số chuyên gia lo ngại Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc thử vũ khí sau khi ông Biden lên nắm quyền nhằm thu hút sự chú ý từ chính sách ngoại giao của tổng thống mới. Tuy nhiên, những nhà quan sát khác nhận định Bình Nhưỡng có lẽ sẽ chỉ chờ và xem xét các dấu hiệu từ chính quyền sắp tới. (Washington Post)

Đại dịch Covid-19

Mỹ sẽ phân phối vaccine Covid-19 vào tuần tới

Trong đoạn video gửi quân đội Mỹ ở nước ngoài dịp Lễ tạ ơn ngày 26/11, Tổng thống Donald Trump cho biết chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu phân phối vaccine ngừa Covid-19 từ tuần sau và tuần sau nữa. Vaccine này sẽ ưu tiên sử dụng cho các nhân viên y tế, những người trong tuyến đầu chống dịch cũng như người cao tuổi.

Tướng Gustave Perna, người phụ trách chiến dịch "Thần tốc" của chính quyền Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển và phân phối vaccine Covid-19, cho biết ông tin rằng vaccine sẽ được phân phối chỉ 24 giờ sau khi được FDA phê chuẩn. (Reuters)

Trung Quốc nỗ lực chối bỏ nguồn gốc Covid-19

Các hãng truyền thông Trung Quốc được cho đang tích cực tuyên truyền các thông điệp rằng virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nước ngoài trước khi nó được phát hiện vào cuối năm ngoái ở Vũ Hán, như là một bằng chứng cho thấy Trung Quốc không phải là nguồn gốc của đại dịch.

"Chuyên gia nói Covid-19 có thể không bắt đầu ở Vũ Hán mà có thể có nguồn gốc từ thực phẩm đông lạnh và bao bì (nhập khẩu từ nước ngoài)", Nhân dân Nhật báo viết trên Facebook hôm 25/11.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu, lại tuyên truyền về một giả thuyết rằng Covid-19 có nguồn gốc ở bên ngoài Trung Quốc. "Virus bắt đầu phát tán từ khi nào và ở đâu? Truy vết virus không thể giải thích mọi câu hỏi, nhưng dường như virus đã tồn tại ở nhiều nơi trước khi bị phát hiện ở Vũ Hán", tờ báo trên dẫn lời chuyên gia Trung Quốc Zeng Guang, đưa tin hôm 24/11.

Truyền thông Trung Quốc trong thời gian qua tích cực đăng tải các thông tin từ các nhà nghiên cứu nước ngoài để đưa ra giả thuyết Covid-19 có thể xuất hiện ở Italy từ tháng 10/2019 hoặc nó được phát hiện trong nước cống ở Barcelona (Tây Ban Nha) vào tháng 3/2019.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên đều bị giới học giả phương Tây chỉ trích, cho rằng đó là những khẳng định quá chắc chắn và thiếu bằng chứng đầy đủ để kết luận. (Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-2711-ong-trump-van-chua-chiu-khuat-phuc-trung-quoc-no-luc-choi-bo-nguon-goc-covid-19-trieu-tien-ruc-rich-ban-ten-lua-130158.html