Tin thế giới 26/5: Phương Tây 'làm căng' với Belarus; Nga-Czech lại rơi vào căng thẳng ngoại giao; Trung Quốc bỏ đàm phán vì 'giận'

Vụ máy bay Ryanair; Thế giới lên án Belarus; căng thẳng Mỹ-Trung; Nga-phương Tây... là những sự kiện nổi bật 24h qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số tin thế giới nổi bật trong ngày:

Vụ máy bay Ryanair Mỹ xem xét trừng phạt Belarus

Mỹ đang xem xét các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan vụ máy bay Ryanair buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden không đưa ra chi tiết.

Tổng thống Joe Biden khẳng định: “Điều đó đã bắt đầu được xem xét tới. Tôi không muốn đưa ra suy đoán cho đến khi chúng tôi chính thức công bố”. (Reuters)

Thế giới chỉ trích Belarus

Ngày 26/5, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói với kênh truyền hình France 2 rằng, Nga không phản ứng trước việc Belarus buộc một máy bay dân sự hạ cánh để bắt giữ một nhà báo bất đồng chính kiến vào hôm 24/3, không khác gì "dung túng" cho những hành vi này.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 25/5 cho biết, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko "phải trả giá đắt" vì buộc một chuyến bay thương mại hạ cánh ở Minsk để bắt giữ nhà báo bất đồng chính kiến.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh: "Hành vi của Belarus là thái quá, bất hợp pháp và hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Đồng thời, ông Trudeau lưu ý Ottawa đang thực thi các biện pháp trừng phạt Belarus và sẽ xem xét thêm các lựa chọn khác.

Theo Đài phát thanh quốc tế Prague, Thủ tướng Czech Andrej Babis cho rằng, việc Belarus ép một máy bay dân sự hạ cánh xuống sân bay ở Minsk là hành động khủng bố, đồng thời đề nghị cần phải điều tra làm rõ vụ việc. (Reuters/AFP)

Tổng thống Belarus lên án ‘chiến tranh hỗn hợp’ của phương Tây

Tổng thống Alexander Lukashenko ngày 26/5 cho rằng, các thế lực bên ngoài đang phát động một cuộc “chiến tranh hỗn hợp” nhằm vào nước này, trong bối cảnh Minsk đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng liên quan đến vụ chuyển hướng một máy bay thương mại.

Trong một diễn biến liên quan, Belarus thông báo sẽ đóng cửa đại sứ quán nước này tại Canada sau khi Thủ tướng Justin Trudeau chỉ trích Minsk về vụ Ryanair.

Cụ thể, trên trang web, Đại sứ quán Belarus tại Canada nêu rõ sẽ đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao này vào ngày 1/9 tới sau 24 năm "hợp tác cùng có lợi" với Ottawa, đồng thời dừng các dịch vụ lãnh sự, bao gồm việc xin cấp thị thực, từ tháng 7 tới.

Đại biện lâm thời Belarus tại Canada Evgeny Russak nhấn mạnh quyết định này liên quan đến việc tối ưu hóa sự hiện diện ngoại giao của Belarus ở các vùng khác nhau. Ông nêu rõ quyết định này không phải là tự phát, mà dựa trên thực tế các cuộc tiếp xúc song phương hiện tại và Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko đã thông qua quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Canada vào ngày 22/5 vừa qua. (Reuters/AFP)

Đại sứ quán Czech ở Nga sa thải 79 nhân viên

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech Eva Davidova ngày 26/5 cho biết, Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Moscow sẽ sa thải 79 nhân viên người Nga vào cuối tháng 5 này.

Theo bà Eva Davidova, tính đến ngày 21/5, 71 nhân viên địa phương làm việc cho Đại sứ quán Czech tại Moscow đã nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động. Dự kiến đến cuối tháng 5, sẽ có thêm 8 nhân viên khác bị sa thải. Trong đó,có các nhân viên đang làm trong Trung tâm văn hóa Czech tại Nga. (TASS)

Nga trục xuất nhà ngoại giao Bulgaria để trả đũa

Ngày 26/5, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố một nhân viên của Đại sứ quán Bulgaria là người không được hoan nghênh, đáp trả động thái tương tự mà Sofia đã thực hiện đối với một nhà ngoại giao Nga vào tháng trước.

Tuyên bố nêu rõ: "Ngày 26/5, Đại sứ Bulgaria Atanas Krastin đã được mời đến Bộ Ngoại giao Nga và nhận công hàm của Bộ trưởng (ngoại giao) tuyên bố một nhân viên của Đại sứ quán Bulgaria tại Nga là người không được hoan nghênh". (Sputnik)

Nga phản ứng Latvia ‘gay gắt’

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, hành động tháo quốc kỳ Nga ở thủ đô Riga của Latvia là thiếu tôn trọng trắng trợn đối với các biểu tượng của nhà nước Nga.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, chính quyền Latvia đang cố gắng giành chỗ đứng trong hàng ngũ các quốc gia không thân thiện với Nga.

Trước đó, dịch vụ báo chí của Hội đồng thành phố Riga đã thông tin về quyết định tháo quốc kỳ Nga, được treo trên các quảng trường, đường phố của nhà chức trách Litva.

Trong khi đó, cờ của các nước khác cùng tham dự Giải vô địch khúc côn cầu trên băng thế giới vẫn được giữ nguyên. Thay thế các lá cờ Nga giờ chỉ còn các biểu ngữ của Ủy ban Olympic Nga. (TASS)

Nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny hầu tòa trực tuyến

Ngày 26/5, nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny đã xuất hiện tại phiên tòa xét xử ông dưới hình thức trực tuyến từ trại giam.

Ông Navalny cáo buộc nhà tù nơi giam giữ mình không tuân thủ luật pháp khi kiểm duyệt sách báo mà ông đọc. Tuy nhiên, ban quản lý trại giam khẳng định, đang hành động theo luật pháp Nga. (Reuters)

Mỹ-Trung Quốc: Trung Quốc chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Ngày 25/5, Tờ Financial Times dẫn lời một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết, văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã cố gắng liên hệ với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ba lần nhưng không nhận được lời đáp.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên, đồng thời khẳng định, chính Bắc Kinh đã liên lạc với Bộ trưởng Austin chỉ ít lâu sau khi ông nhậm chức và đề nghị sắp xếp một cuộc đối thoại trực tiếp với Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa.

Theo đó, văn phòng của Bộ trưởng Austin đến giờ vẫn chưa hồi đáp lời đề nghị trên mà thay vào đó lại chủ động liên hệ với một quan chức cấp cao khác của quân đội là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng.

“Đây là một hành động thiếu chuyên nghiệp và không thân thiện khi phớt lờ nghi thức ngoại giao và thông lệ quốc tế", Thời báo Hoàn cầu cho hay, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Washington về việc Bắc Kinh cố tình làm phức tạp quan hệ song phương. (Economic Times)

Bắc Kinh phản đối dự luật chống Trung Quốc của Mỹ

Ngày 26/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, nước này phản đối một dự luật của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích của mình. (Reuters)

Trung Quốc không hài lòng về tuyên bố chung sau thượng đỉnh Mỹ-Hàn

Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Xing Haiming ngày 26/5 nhắc lại sự khó chịu về tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn Quốc tuần trước, trong đó đề cập những vấn đề nhạy cảm như Eo biển Đài Loan.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình MBC, ông Xing Haiming nói: “Chúng tôi thấy nó hơi đáng ngại. Ví dụ như vấn đề Đài Loan được đưa ra… Tất nhiên, phía Hàn Quốc đã giải thích chuyện này với chúng tôi, nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì đây là công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Ông Xing Haiming nhấn mạnh, Hàn Quốc đã công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc khi Seoul và Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Đại sứ Trung Quốc cũng tỏ ra không hài lòng khi tuyên bố chung Mỹ-Hàn đề cập Biển Đông và nhấn mạnh không hề có vấn đề gì liên quan đến tự do đi lại ở vùng biển chiến lược này. (Yonhap)

Mỹ miễn trừng phạt cho Dòng chảy phương Bắc 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/5 cho biết, ông đã quyết định miễn trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG - công ty phụ trách dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, bởi dự án này gần như đã hoàn thành và các biện pháp trừng phạt có thể gây hại cho các mối quan hệ với châu Âu.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Biden - sắp thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới châu Âu và và cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong tháng tới - khẳng định ông đã phản đối dự án ngay từ khi bắt đầu, song quyết định đình chỉ các biện pháp trừng phạt bởi vì dự án này "gần như đã hoàn thành" vào thời điểm ông nhậm chức hồi tháng 1.

Khi được hỏi về lý do tạo điều kiện cho Đức và Nga hoàn thành dự án trên, Tổng thống Mỹ nêu rõ: "Bởi vì dự án này gần như đã hoàn thành… Tôi cho rằng, hiện nay, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ phản tác dụng đối với các mối quan hệ của chúng tôi với châu Âu". (Reuters)

Iran ít lạc quan về hồi sinh thỏa thuận hạt nhân

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi ngày 26/5 bày tỏ không tin tưởng, các cuộc thương thảo có thể kết thúc trong một vòng đàm phán mới nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), song cho rằng, vẫn còn khả năng xảy ra.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Press TV của Iran, Thứ trưởng kiêm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna (Áo), ông Araqchi nói: “Tôi không thể khẳng định rằng chúng tôi có thể kết thúc công việc tại vòng đàm phán này, nhưng vẫn còn khả năng. Điều này phụ thuộc vào liệu chúng tôi có thể đạt tiến triển trong các vấn đề then chốt như thế nào và mức độ chuẩn bị của các bên khác để đưa ra các quyết định khó khăn của mình”. (THX)

Tàu cá Nhật Bản va chạm với tàu Nga, 3 người thiệt mạng

Vụ tai nạn giữa tàu thương mại Nga Amur và tàu đánh cá Nhật Bản Daihachi Hokkoumaru xảy ra vào 6 giờ sáng 26/5 theo giờ địa phương, cách thành phố cảng Monbetsu, Hokkaido, Nhật Bản khoảng 23 km.

Con tàu 9,7 tấn của Nhật chở 5 người, đang đánh bắt cua thì va chạm với tàu thương mại lớn 662 tấn, chở 23 người của Nga.

Sau vụ va chạm, 5 người từ tàu Nhật đã được thuyền viên tàu Nga cứu nhưng 3 người trong số họ vẫn bất tỉnh. Cuối cùng, 3 người này được xác nhận tử vong.

Thông báo về vụ tai nạn, Tổng lãnh sự Nga tại thành phố Sapporo Sergei Marin cho rằng, vụ va chạm xảy ra khi hai tàu ở khoảng cách gần trong điều kiện sương mù dày đặc. Tàu Amur có lẽ đã không biết có tàu cá nhỏ xuất hiện. Đáng lẽ, tàu đánh cá này không thể ở đây vì vị trí này quá xa bờ.

Ông Marin cũng cho biết, thuyền trưởng tàu Amur đã hành động đúng đắn, tuân thủ mọi chỉ dẫn: Lập tức dừng tàu, thực hiện biện pháp cứu hộ, cứu người. (Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-265-phuong-tay-lam-cang-voi-belarus-nga-czech-lai-roi-vao-cang-thang-ngoai-giao-trung-quoc-bo-dam-phan-vi-gian-146434.html