Tin thế giới 26/3: Mỹ 'lớn tiếng' với Trung Quốc, Triều Tiên; Nga nói Ukraine 'không có cửa' tham gia NATO; Lối thoát nào cho EU-Thổ Nhĩ Kỳ?

Lối thoát nào cho quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ, căng thẳng Mỹ-Trung, Mỹ-Triều, EU-Trung Quốc, Nga-Ukraine... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

EU-Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách gỡ ‘nút thắt’ quan hệ

Ngày 25/3, tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra theo hình thức trực tuyến, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng muốn cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sẽ có những bước đi thận trọng, đồng thời kèm theo điều kiện.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp dụng cách tiếp cận “theo từng giai đoạn, cân đối và có thể đảo ngược” nhằm tăng cường hợp tác với Ankara trong những lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung.

Tuy nhiên, điều kiện mà EU đưa ra là Thổ Nhĩ Kỳ phải "giảm leo thang căng thằng”, nhất là giải quyết tranh chấp với Hy Lạp, Đảo Síp rút quân khỏi Libya và có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề trong nước.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được những yêu cầu trên, EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt thích đáng. Vào tháng 6 tới, EU sẽ đưa ra quyết định tiếp theo về quan hệ này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen khẳng định: “Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện thái độ tích cực hơn, bao gồm thúc đẩy mối quan hệ song phương với một số nước EU. Đây là những bước đi tích cực và đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, bước tiến này cũng đối mặt với nhiều điều không chắc chắn”.

Về phần mình, sau khi Hội nghị kết thúc, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, báo cáo của EU thể hiện quan điểm đơn phương cũng như thành kiến của một số nước thành viên, tuy vậy, Ankara khẳng định sẽ phản ứng một cách tích cực vì lợi ích chung của hai bên. (Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tổ chức họp báo

Ngày 26/3, Tổng thống Joe Biden đã tổ chức họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức và đề cập một loạt vấn đề trọng tâm của nước Mỹ. Họp báo kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.

Ông Biden đã trình bày những vấn đề như đặt mục tiêu tiêm chủng phòng Covid-19, tình trạng nhập cư, gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, kiểm soát súng đạn, cuộc chiến ở Afghanistan.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden khẳng định, chính quyền của ông không tìm kiếm một cuộc đối đầu nhưng sẽ cạnh tranh gay gắt với quốc gia châu Á.

Ông Biden cho biết, nhất định sẽ buộc nhà lãnh đạo Trung Quốc “tuân theo luật lệ quốc tế, cạnh tranh công bằng, thông lệ công bằng, thương mại công bằng”.

Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Joe Biden cảnh báo sẽ đưa ra các hành động đáp trả tương ứng nếu Triều Tiên leo thang các vụ thử tên lửa.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định đã chuẩn bị cho "một số hình thức ngoại giao" với Triều Tiên "nhưng nó phải có điều kiện dựa trên kết quả cuối cùng của việc phi hạt nhân hóa".

Tổng thống Biden cũng tiết lộ kế hoạch tái tranh cử vào năm 2024 và bày tỏ hy vọng phó Tổng thống Kamala Harris cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng ông trong chiến dịch tranh cử này. (Reuters/AP)

Mỹ-Trung Quốc: ‘Bắc Kinh không định thay thế Washington’

Ngày 25/3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải lý giải: "Mục tiêu của chúng tôi là đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mục tiêu của chúng tôi không phải là cạnh tranh hay thay thế bất kỳ nước nào khác".

"Điều đó chưa bao giờ là chiến lược quốc gia của chúng tôi", nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

Đại sứ Thôi Thiên Khải tuyên bố như trên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra một số bình luận trong cùng ngày, nói rằng Trung Quốc có "tham vọng trở thành nước dẫn đầu thế giới, nước giàu nhất thế giới và nước quyền lực nhất thế giới".

"Chúng tôi không nghĩ có bất kỳ nỗ lực nào chia thế giới thành các phe khác nhau hoặc thậm chí xây dựng phương pháp tiếp cận quân sự đối đầu, chúng tôi không nghĩ kiểu tiếp cận này là một giải pháp. Trên thực tế, bản thân nó đã là một vấn đề", vị Đại sứ lập luận. (CNN)

Triều Tiên xác nhận thử nghiệm tên lửa chiến thuật mới

Ngày 26/3, Triều Tiên xác nhận đã bắn thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới một ngày trước đó.

Học viện Khoa học Quân sự Triều Tiên đã phóng thử thành công hai tên lửa hành trình chiến thuật mới có thể bay theo những quỹ đạo bất thường ở độ cao thấp, "đánh chính xác mục tiêu đặt tại vùng biển cách bờ biển phía Đông Triều Tiên 600 km".

Trong khi đó, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên - cũng đăng tải những bức ảnh về một tên lửa được bắn đi từ một phương tiện phóng. (KCNA)

Nga-Ukraine: Nga nói kế hoạch tham gia NATO của Ukraine là ‘ảo tưởng’

Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện Nga) Yury Shvytkin mới đây cho hay, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky trong vô vọng đã tạo ra ảo tưởng về việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khi cuộc xung đột vũ trang tiếp tục diễn ra ở phía Đông đất nước.

“Ông Zelensky đang vô ích khi xây dựng ảo tưởng về việc đưa đất nước gia nhập khối NATO, bởi vì theo quan niệm của họ, nếu có bất kỳ xung đột nào trên lãnh thổ Ukraine, thì không thể nói về bất kỳ tư cách thành viên NATO nào”, ông Shvytkin nói.

Đồng thời, ông Shvytkin cũng kêu gọi Ukraine tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận Minsk, trao một vị thế đặc biệt cho hai nước cộng hòa tự xưng Donesk (DPR) và Lugansk (LPR), cũng như tổ chức các cuộc bầu cử có liên quan trên lãnh thổ của họ. (RIA)

Ukraine coi Nga là ‘đối thủ quân sự’

Ngày 25/3, Ukraine đã áp dụng một chiến lược an ninh quân sự mới, qua đó coi Nga là đối thử quân sự của mình.

Nga bị cáo buộc đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cản trở Kiev hội nhập vào EU và NATO, đồng thời cũng đang cố gắng khôi phục ảnh hưởng của mình trên lãnh thổ Ukraine.

“Ở cấp độ quốc gia, Liên bang Nga hiện đang là một đối thủ quân sự của Ukraine”, tài liệu viết.

Ngoài ra, chiến lược an ninh quân sự cũng đưa ra mục tiêu chấm dứt sự chiếm đóng của Nga, đặc biệt là giải phóng Crimea và Donbass.

Hiện phía Nga chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến thông tin trên. (Topwar)

Anh lên tiếng về Tân Cương, Bắc Kinh áp trừng phạt London

Ngày 26/3, Anh kêu gọi Bắc Kinh cho phép Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCHR) tiếp cận khu tự trị Tân Cương để xác thực về các vụ vi phạm nhân quyền tại vùng này. Bên cạnh đó, Anh còn cho biết Trung Quốc đang áp dụng trừng phạt những người chỉ trích vấn đề này.

Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: “Trong khi Anh cùng với cộng đồng quốc tế trừng phạt những người chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền thì chính phủ Trung Quốc lại trừng phạt những người chỉ trích”.

Ông Dominic Raab khẳng định: “Nếu Bắc Kinh muốn bác bỏ một cách thuyết phục các tuyên bố về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương thì họ nên cho phép UNHCHR tiếp cận đầy đủ để xác thực”.

Cùng ngày, Trung Quốc đã trừng phạt các tổ chức và cá nhân ở Vương quốc Anh vì những gì phía Trung Quốc gọi là "dối trá và thông tin sai lệch" về Tân Cương.

Lệnh trừng phạt của Bắc Kinh gồm 4 thực thể và 9 cá nhân, bao gồm cả cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith và Ủy ban Nhân quyền đảng Bảo thủ, vì đã "truyền bá thông tin dối trá và xuyên tạc một cách ác ý".

Bắc Kinh cho biết, các cá nhân bị trừng phạt và các thành viên gia đình của họ bị cấm vào lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời các công dân và tổ chức Trung Quốc sẽ bị cấm kinh doanh với họ.

Ngoài ra, trong một tuyên bố ngày 25/3, chính quyền Khu tự trị Tân Cương đã kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt đơn phương, phi lý do Mỹ, Anh và Canada áp đặt đối với một số cá nhân và thực thể ở Tân Cương. (Reuters/THX)

Pháp cáo buộc Nga dùng vaccine để gia tăng ảnh hưởng

Ngày 26/3, Pháp đã cáo buộc Nga sử dụng vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 như một công cụ để gia tăng ảnh hưởng và truyền bá thông điệp của Moscow chứ không phải cách để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Phát biểu với đài France Info, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Về cách thức (vaccine Sputnik V) được quản lý, đây giống như một phương tiện tuyên truyền và ngoại giao mạnh mẽ hơn là phương thức thể hiện sự đoàn kết và viện trợ y tế.

Phản ứng về cáo buộc trên, cùng ngày, Điện Kremlin đã bác cáo buộc cho rằng Nga đang dùng vaccine làm công cụ để giành ảnh hưởng địa chính trị.

Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chúng tôi hoàn toàn bất đồng với cáo buộc rằng cả Nga và Trung Quốc đang tiến hành một kiểu chiến tranh nào đó. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với cáo buộc Nga và Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch Covid-19 và vaccine làm công cụ gây ảnh hưởng". (AFP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-263-my-lon-tieng-voi-trung-quoc-trieu-tien-nga-noi-ukraine-khong-co-cua-tham-gia-nato-loi-thoat-nao-cho-eu-tho-nhi-ky-140455.html