Tin thế giới 25/9: Nga-Trung liên thủ, Mỹ nổi giận; Ông Pompeo nói về 'ổ gián điệp'; 'Tâm thư' về hạnh phúc từ ông Kim Jong-un

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an thành chảo lửa đối đầu Mỹ-Trung-Nga, Nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi 'tâm thư' tới Hàn Quốc, tình hình Belarus, bầu cử Mỹ 2020 và Vaccine covid-19 là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Mỹ-Trung Quốc

Cuộc họp HĐBA thành chảo lửa, Nga-Trung liên thủ đối đầu Mỹ, Đại sứ Mỹ nổi giận

Ngày 24/9, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) với chủ đề "Quản trị Toàn cầu hậu Covid-19", Nga và Trung Quốc đã thể hiện thái độ đối đầu Mỹ về trách nhiệm đối với đại dịch.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương lấy LHQ làm trung tâm và ám chỉ một số quốc gia, trong đó có Mỹ, đã không hỗ trợ để giúp phổ biến vaccine chống Covid-19 tới người dân trên toàn cầu.

Cũng ám chỉ Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng: "Một số quốc gia có xu hướng đổ trách nhiệm về những vấn đề nội bộ cho đối tượng nào đó ở nước ngoài. Chúng tôi thấy một số quốc gia riêng lẻ cố gắng sử dụng tình hình hiện tại để chống lại các chính phủ họ không thiện cảm hoặc các đối thủ địa chính trị nhằm đạt được lợi ích của mình”.

Bày tỏ tức giận về những phát ngôn của Nga và Trung Quốc, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft nói: “Thật đáng xẩu hổ. Tôi kinh ngạc và thấy sợ hãi vì nội dung của buổi họp ngày hôm nay. Đại diện các nước đã lợi dụng cơ hội ở LHQ cho các mục đích chính trị".

Bà Craft nhắc lại lời ông Trump rằng: "Chúng ta phải buộc quốc gia làm dịch bệnh lây lan ra khắp thế giới phải chịu trách nhiệm: đó là Trung Quốc. Quyết định của Trung Quốc về việc che giấu nguồn gốc Covid-19, giảm thiểu nguy hiểm của đại dịch và ngăn chặn sự hợp tác khoa học đã biến một dịch bệnh địa phương thành đại dịch toàn cầu”.

Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân phủ nhận mọi cáo buộc của bà Craft và tuyên bố: “Tôi buộc phải nói rằng quá đủ rồi! Mỹ đã tạo ra đủ rắc rối cho thế giới. Nếu có ai đó nên chịu trách nhiệm thì chính là một số chính trị gia Mỹ. Mỹ nên hiểu rằng một cường quốc nên hành xử như một cường quốc". (SCMP, Channel News Asisa)

Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Lãnh sự quán Trung Quốc là “ổ gián điệp"

Trả lời phỏng vấn New York Post hôm 23/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố New York là một điểm nóng về gián điệp.

"Họ tham gia vào các hoạt động vượt quá ranh giới ngoại giao thông thường và chuyển sang những việc giống với những gì các điệp viên đang làm", ông Pompeo cho hay.

Ngoại trưởng Pompeo cũng cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ các đặc vụ và có thể là nhà ngoại giao xảy ra trong thời gian tới.

Phát ngôn của ông Pompeo được đưa ra sau khi Mỹ bắt một sĩ quan cảnh sát New York hôm 21/9 với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Sĩ quan này bị cáo buộc đã cung cấp thông tin cho các quan chức tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York về hoạt động của người Tây Tạng và các cộng đồng khác ở New York.

Bắc Kinh bác bỏ động thái trên của Mỹ, gọi đây là thông tin “hoàn toàn thêu dệt”. (Sputnik)

Bầu cử Mỹ 2020

Phiếu bầu cho ông Trump bị vứt trong thùng rác, FBI mở cuộc điều tra

Ngày 24/9, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo, FBI đã mở cuộc điều tra về 9 lá phiếu bầu vắng mặt, trong đó có 7 phiếu bầu cho Tổng thống Trump, bị phát hiện trong thùng rác gần Scranton, bang Pennsylvania.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh ông Trump thường xuyên bày tỏ sự hoài nghi về mức độ tin cậy của hình thức bỏ phiếu qua thư. Nhiều bang tại Mỹ đã chọn phương án bỏ phiếu này để ứng phó với đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Ông Trump cùng ngày đã lên án vụ việc: "Chúng tôi muốn đảm bảo cuộc bầu cử này công bằng và tôi không dám chắc nó có thể như vậy không”.

Trước đó, ngày 23/9, Tổng thống Trump đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì đã nói nước đôi về việc có cam kết chấp nhận kết quả nếu ông thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không, do những hoài nghi về hình thức bỏ phiếu qua thư này.

Pennsylvania là một bang chiến trường quan trọng, nơi cử tri chưa chắc chắn sẽ nghiêng về ông Trump hay đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden. Kết quả của bang này sẽ tác động không nhỏ tới cục diện cuối cùng của cuộc bầu cử. (New York Post)

Bán đảo Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi lời xin lỗi Hàn Quốc, viết 'tâm thư' hy vọng về hạnh phúc

Ngày 25/9, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi lời xin lỗi đến người dân Hàn Quốc về việc quân đội nước này bắn chết một quan chức dân sự Hàn Quốc hồi đầu tuần này.

Trong một văn kiện chính thức gửi đến Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ “rất lấy làm tiếc” với sự thất vọng của Tổng thống Moon Jae-in và những người Hàn Quốc khác có liên quan tới vụ việc.

Ngoài ra, trong một bức thư cá nhân gửi tới Tổng thống Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ hy vọng về hạnh phúc cho tất cả người dân Hàn Quốc, vốn đang nỗ lực vượt qua khó khăn từ đại dịch Covid-19 cũng như những thiệt hại do bão gần đây.

Theo Giám đốc An ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon, bức thư đề ngày 12/9 này là sự hồi đáp bức thư ông Moon đã gửi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên hôm 8/9.

Trong bức thư, ông Kim cho biết, ông đã tự mình suy nghĩ về "gánh nặng" mà ông Moon đang phải mang và ông biết về những "khó khăn, áp lực và cả nỗ lực lớn nhất" của Tổng thống Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bày tỏ mong muốn được chia sẻ những khó khăn và đau khổ mà Hàn Quốc đang gặp phải.

Bức thư có đoạn: "Tôi một lần nữa bày tỏ mong muốn cầu chúc sức khỏe và hạnh phúc quý giá cho đồng bào Hàn Quốc. Tôi chân thành cầu chúc sức khỏe cho mọi người". (Yonhap)

Tình hình Belarus

Nga chỉ trích việc EU không công nhận Tổng thống Belarus

Ông Lukashenko, nắm quyền từ năm 1994, đã tuyên thệ nhậm chức hôm 23/9 trong một buổi lễ kín sau nhiều tuần biểu tình rầm rộ ở Belarus.

Ngày 24/9, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, EU không công nhận ông Alexander Lukashenko là Tổng thống Belarus.

Ông Josep Borrell nhấn mạnh: "EU không công nhận kết quả bầu cử gian lận của Belarus. Trên cơ sở này, cái gọi là 'lễ nhậm chức" hôm 23/9 và sứ mệnh mới do ông Aleksander Lukashenko tuyên bố đều thiếu mọi tính hợp pháp dân chủ".

Phản ứng với tuyên bố của EU, ngày 25/9, Nga cho rằng, đây là động thái trái với luật quốc tế và can thiệp gián tiếp vào vấn đề nội bộ của quốc gia này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời báo giới rằng, động thái không công nhận ông Lukashenko sẽ làm phức tạp cuộc đối thoại giữa EU với Belarus, nhưng không ảnh hưởng đến quan hệ của Belarus với Moscow. (Reuters, AFP)

Vaccine Covid-19

Iran, Nga thảo luận về hợp tác sản xuất vaccine, Trung Quốc công bố sản lượng

Ngày 25/9, các hãng thông tấn Nga dẫn lời Đại sứ Iran tại Moscow Kazem Jalali cho biết, Iran và Quỹ tài sản của Nga (RDIF) đang thảo luận về việc hợp tác sản xuất chung một loại vaccine phòng Covid-19.

"Chúng tôi đang đàm phán. Tôi đã nói chuyện với người đứng đầu RDIF Kirill Dmitriev. Hiện các quan chức đã tổ chức một số vòng tham vấn và chúng tôi sẽ hợp tác", ông Jalali cho hay.

Cho đến nay, Nga đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vaccine Covid-19 với Ấn Độ, vốn dự kiến sản xuất 300 triệu liều vaccine Sputnik-V trong nước. Moscow cũng đang thảo luận quan hệ đối tác tương tự với một số quốc gia khác, bao gồm cả Brazil.

Trong khi đó, cùng ngày, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, sản lượng vaccine ngừa Covid-19 của nước này dự kiến đạt 610 triệu liều vào cuối năm 2020.

Phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Y tế của Ủy ban trên Zheng Zhongwei cho biết, năng lực sản xuất vaccine được dự báo sẽ đạt 1 tỷ liều mỗi năm vào năm 2021.(Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-259-nga-trung-lien-thu-my-noi-gian-ong-pompeo-noi-ve-o-gian-diep-tam-thu-ve-hanh-phuc-tu-ong-kim-jong-un-124659.html