Tin thế giới 24/2: Nga tung luật 'thép' sau vụ Navalny; Động thái đối ngoại đầu tiên của Myanmar sau chính biến; Ukraine bị cảnh cáo 'đừng liều lĩnh'

Tổng thống Putin ban hành luật mới, quan hệ Nga-Ukraine, tình hình Myanmar, thỏa thuận hạt nhân Iran, quan hệ Mỹ-Trung Quốc... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện thế giới nổi bật trong ngày:

Nga: Sau các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối vụ Navalny, Nga tung luật 'thép'

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành Luật liên bang về sửa đổi Bộ luật xử phạt vi phạm hành chính của Liên bang Nga.

Văn bản luật đã được công bố trên Cổng thông tin pháp lý chính thức của Nga trong cùng ngày, một tháng sau các cuộc biểu tình lớn nổ ra nhằm phản đối việc Moscow bắt giữ và tuyên án nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny.

Luật mới quy định về các mức phạt đối với những hành vi không tuân theo yêu cầu của các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan thẩm quyền trong các cuộc biểu tình, cũng như đối với các vi phạm trong việc bảo trợ cho hoạt động công cộng.

Luật tăng mức tiền phạt đối với hành vi phạm tội như vậy từ 2.000-4.000 Ruble và trong trường hợp tái phạm nhiều lần, công dân sẽ bị phạt số tiền từ 10.000-20.000 Ruble.

Ngoài ra, một biện pháp thay thế hình thức phạt tiền đối với công dân là bị tạm giam trong 15 ngày hoặc làm việc bắt buộc trong khoảng thời gian từ 40 -120 giờ. (Reuters)

Nga-Ukraine

Ukraine tố cáo tin tặc Nga tấn công trang mạng của chính phủ

Ngày 24/12, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine cáo buộc một nhóm tin tặc chưa xác định cố gắng tán phát mã độc vào hệ thống trang mạng lưu hành các tài liệu của chính phủ, đồng thời ám chỉ, các phương pháp và phương tiện thực hiện cuộc tấn công này giống với một trong các nhóm tin tặc Nga.

Hội đồng này khẳng định cuộc tấn công không gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Đây là sự cố mạng thứ hai được chính quyền Ukraine thông báo trong tuần này.

Trước đó, ngày 22/2, Kiev cáo buộc tin tặc Nga đã tấn công các trang mạng an ninh và quốc phòng Ukraine. (Reuters)

Nga cảnh cáo Ukraine đừng liều lĩnh

Ngày 23/2, trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về Donbass, Phó Đại sứ thứ nhất của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky đã trích dẫn một tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, "thỏa thuận Minsk không cần thiết để giải quyết xung đột, mà là để duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga'".

Theo nhà ngoại giao Nga: "Chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần, trò chơi chính trị liều lĩnh như vậy sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Trước đây chính Kiev đã đẩy Crimea và Donbass ra xa nước này. Người Crimea đã lựa chọn và họ không thể quay trở lại".

Ông Polyansky cảnh báo "người dân Donetsk và Luhansk vẫn đang để ngỏ cánh cửa", ám chỉ việc Ukraine có nguy cơ mất Donbass.

Phó Đại sứ Nga tại LHQ nhấn mạnh, không còn cách nào khả quan hơn dành cho Ukraine ngoài việc chấm dứt các trò chơi địa chính trị càng sớm càng tốt và bắt đầu thực hiện thỏa thuận Minsk, nếu nước này muốn Donbass "trở về".

Theo đó, Phó Đại sứ Nga cho rằng, điều kiện tiên quyết để làm được điều này là giữa Kiev, Donetsk và Luhansk cần tổ chức đối thoại trực tiếp do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Nga làm trung gian. (Russian un)

Tình hình Myanmar: Nỗ lực hợp tác với ASEAN tháo gỡ bế tắc chính trị

Ngày 24/2, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin đã đến Thái Lan để tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao liên quan những biến cố chính trị gần đây ở nước này.

Theo một nguồn tin thuộc chính phủ Thái Lan, việc ông Wunna Maung Lwin tham gia đàm phán thể hiện nỗ lực hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm tìm ra giải pháp cho những bế tắc chính trị tại nước này.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat đã xác nhận cuộc gặp giữa ông Wunna Maung Lwin và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi tại thủ đô Bangkok. (Reuters)

Thỏa thuận hạt nhân Iran: 'Bóng' đang trên sân Mỹ

Ngày 24/2, phát biểu tại Hội nghị về giải trừ quân bị do LHQ tài trợ, Đại sứ Iran tại Geneva Esmaeil Baghaei Hamaneh nói rằng, hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ để có động thái đầu tiên trong việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi năm 2015.

Ông Hamaneh nhấn mạnh: "Bên vi phạm có trách nhiệm quay lại, tái khởi động và bồi thường thiệt hại cũng như cam kết rằng họ sẽ không từ bỏ một lần nữa. Có một lộ trình phía trước với một trình tự hợp lý như (Ngoại trưởng Iran) Mohammad Javad Zarif đã phác thảo gần đây".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định, những diễn biến xung quanh chương trình hạt nhân của Iran đang ở thời điểm quan trọng và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này là chìa khóa để phá vỡ thế bế tắc.

Trước đó, ngày 23/2, Iran tuyên bố đã tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). (Reuters, AP)

Mỹ-Trung Quốc: Washington soạn thảo các dự luật nhằm đối phó Bắc Kinh

Ngày 23/2, Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho hay, ông đã chỉ đạo các ủy ban soạn thảo một dự luật lưỡng đảng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, từ trí tuệ nhân tạo đến điện toán lượng tử và chất bán dẫn nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong khi đó, cùng ngày, Thượng Nghị sĩ Jeff Merkley cho biết, một nhóm thượng nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ khôi phục một dự luật vào ngày 24/2 nhằm ngăn chặn tình trạng kiểm duyệt của Trung Quốc tại Mỹ.

Dự luật chống kiểm duyệt mới sẽ cho phép Tổng thống Mỹ thành lập một lực lượng đặc nhiệm liên ngành dưới sự lãnh đạo của Hội đồng An ninh Quốc gia để giám sát và giải quyết tình trạng kiểm duyệt hoặc đe dọa của Trung Quốc đối với các công dân và doanh nghiệp Mỹ. (Reuters)

Vụ sát hại Đại sứ Italy: Ngoại trưởng Italy đề nghị LHQ điều tra

Ngày 24/2, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã đề nghị LHQ điều tra về vụ sát hại Đại sứ nước này tại CHDC Congo Luca Attanasio trong một vụ phục kích.

Phát biểu trước Quốc hội Italy, Ngoại trưởng Luigi Di Maio nói rõ: "Chúng tôi đã chính thức đề nghị Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và LHQ mở một cuộc điều tra để làm rõ những gì đã xảy ra, lý do đằng sau những thỏa thuận an ninh được sử dụng và ai chịu trách nhiệm về những quyết định này", đồng thời nhấn mạnh ông đang chờ đợi "câu trả lời rõ ràng và đầy đủ". (AFP)

Mỹ tìm cách quay trở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ

Ngày 24/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ sẽ tìm cách để quay lại Hội đồng Nhân quyền LHQ vào cuối năm nay và vẫn là một quan sát viên tích cực lên tiếng về các vụ vi phạm trên toàn thế giới.

Phát biểu trước hội đồng thông qua video ghi lại, ông Blinken nói rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ làm việc để loại bỏ những gì ông gọi là "sự tập trung không cân xứng" của diễn đàn quốc tế này đối với nước đồng minh Israel. (Reuters)

Mỹ-Iraq: Lãnh đạo Mỹ, Iraq thảo luận về các vụ tấn công phái bộ ngoại giao

Ngày 23/2, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm để thảo luận về các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các phái bộ ngoại giao ở Iraq và tầm quan trọng của việc bảo vệ các cơ quan này.

Hai bên đã thảo luận về quan hệ song phương và cách thức tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có họp tác an ninh và chống khủng bố.

Hai bên cũng "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các phái bộ ngoại giao ở Iraq, loại bỏ các mưu đồ hòng phá hoại an ninh và ổn định ở Iraq và khu vực". (THX)

Canada và Australia chung sức đấu tranh với 'những gã khổng lồ Internet'

Trong cuộc điện đàm ngày 23/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và người đồng cấp Australia Scott Morrison “đã nhất trí tiếp tục phối hợp các nỗ lực để đảm bảo doanh thu của những gã khổng lồ Internet được chia sẻ một cách công bằng hơn với các tác giả và phương tiện truyền thông”.

Hiện nay, Facebook và Google sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông Canada nhưng không trả phí và tình trạng này được cho là nguyên nhân chính dẫn đến “những cái chết hàng loạt” trong làng truyền thông của quốc gia Bắc Mỹ.

Trong 1 thập kỷ qua, hơn 250 tờ báo của Canada đã phải đóng cửa. Hiện nay, đại dịch Coivd-19 khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, buộc những tờ báo vốn đã phải vật lộn với khó khăn suốt một thời gian dài trước đó phải thu gọn bộ máy nhân lực. (Reuters)

Mỹ-Canada cam kết thực hiện lộ trình đầy tham vọng

Ngày 23/2, tại cuộc hội đàm song phương đầu tiên giữa Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo đã củng cố tình hữu nghị sâu sắc và bền vững giữa Canada và Mỹ bằng cam kết thực hiện một lộ trình đầy tham vọng nhằm phục hồi và mở rộng mối quan hệ lịch sử này.

Hai nhà lãnh đạo bàn thảo về việc hợp tác để chấm dứt đại dịch Covid-19 cũng như chia sẻ tầm nhìn về "xây dựng lại nền kinh tế tốt hơn" thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn và tạo việc làm tốt cho tầng lớp trung lưu, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên.

Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Biden cũng đề cập tầm quan trọng của việc giải quyết tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử và loại trừ có hệ thống, qua các phương pháp tiếp cận hiệu quả hơn đối với an ninh công cộng, tư pháp hình sự và thực thi pháp luật.

Hai nhà lãnh đạo cam kết chung tay hành động chống biến đổi khí hậu cũng như thảo luận các vấn đề quốc phòng và an ninh, bao gồm hiện đại hóa NORAD (Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ), cũng như các sứ mệnh của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), các mối đe dọa an ninh mạng và vũ khí.

Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Biden nhấn mạnh về nỗ lực giải quyết các thách thức quan trọng của khu vực, quốc gia và toàn cầu và những ưu tiên tại các diễn đàn đa phương, bao gồm Nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7), Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Liên hợp quốc. (CTV News)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-242-nga-tung-luat-thep-sau-vu-navalny-dong-thai-doi-ngoai-dau-tien-cua-myanmar-sau-chinh-bien-ukraine-bi-canh-cao-dung-lieu-linh-137596.html