Tin thế giới 22/12: Ông Biden thừa nhận công lao của ông Trump; Nga-Trung 'bừng lửa giận' vì Mỹ; Moscow tăng đòn với EU; Belarus hành động

Lời khen ngợi hiếm hoi của ông Biden dành cho đối thủ, căng thẳng Mỹ-Nga-Trung xung quanh lệnh trừng phạt mới nhất, quan hệ Nga-EU, Mỹ-Iran, tình hình Belarus... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Bầu cử Mỹ 2020

Tổng thống đắc cử Joe Biden dành 'lời có cánh' cho ông Trump

Chiều 21/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech tại bệnh viện ChristianaCare ở thành phố quê nhà Wilmington, Delaware và được truyền hình trực tiếp.

Trong dịp này, ông Biden đã dành lời khen ngợi hiếm hoi cho Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, ghi nhận "công lao chính quyền của ông" với chiến dịch Thần Tốc đã giúp người Mỹ sớm có vaccine Covid-19. "Điều đó đã mang lại cho chúng ta niềm hy vọng to lớn", ông Biden nói.

Chiến dịch Thần tốc mà ông Biden đề cập là chiến dịch được chính quyền Tổng thống Trump triển khai nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển và phân phối vaccine ngừa Covid-19.

Trong quá trình tranh cử, Tổng thống Trump từng nói rằng, chính quyền của ông chỉ mất vài tháng để giúp người Mỹ có được vaccine ngừa Covid-19, nếu ở một chính quyền khác thì quá trình đó có thể là vài năm. (CNBC)

Nga-EU

Nga mở rộng danh sách trừng phạt các quan chức EU

Ngày 22/12, trong thông báo mới, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trước những hành động "đối đầu" của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm đi lại với một số quan chức Nga liên quan vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc, Moscow quyết định mở rộng danh sách những đại diện của các quốc gia thành viên và tổ chức ở EU bị cấm nhập cảnh vào Nga.

Tuy nhiên, thông báo không nêu cụ thể tên của các quan chức EU sẽ bị đưa vào danh sách trên. Thông báo của bộ trên nêu rõ, Nga sẽ tiếp tục phản ứng một cách phù hợp với những động thái "không thân thiện" từ các quốc gia phương Tây.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu đại sứ một số nước EU tại quốc gia này để phản đối các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Moscow liên quan vụ việc trên.

Theo hãng thông tấn quốc gia Nga RIA Novosti, các Đại sứ của Đức, Thụy Điển và Pháp đã tới trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow vào sáng 22/12 (giờ Nga). (THX)

Tình báo Nga bác mọi thông tin giả mạo từ phía ông Navalny, tố nước ngoài chống lưng

Ngày 21/12, ông Navalny đăng lên blog và Twitter nội dung cuộc gọi mà ông này nói rằng, mục đích là "gài bẫy" để một nhân viên Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thừa nhận cơ quan này đã âm mưu vụ đầu độc mình hồi mùa Hè.

FSB đã bác bỏ những thông tin trên, gọi động thái này là "hành động khiêu khích" được thực hiện với sự trợ giúp từ các cơ quan an ninh nước ngoài.

Trong tuyên bố gửi tới các cơ quan báo chí của Nga, FSB mô tả cuộc gọi trên là "hành động khiêu khích có chủ tính nhằm hạ uy tín FSB".

FSB cho biết thêm, video mà chính trị gia Navalny ghi lại về diễn biễn cuộc điện thoại trên là "giả mạo”. (AFP)

Mỹ-Nga-Trung Quốc

Mỹ áp trừng phạt 103 công ty, Nga-Trung phản đối

Ngày 21/12, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách 103 thực thể Nga và Trung Quốc (gồm 58 công ty Trung quốc và 45 công ty Nga) mà Washington cáo buộc có liên quan đến quân đội. Các công ty này sẽ bị hạn chế nhập khẩu hàng hóa và công nghệ của Mỹ.

Trước động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã ra tuyên bố phản đối, nhấn mạnh, những hành động của Mỹ là sai lầm, đồng thời hối thúc Washington chấm dứt hành động này.

Ông Uông Văn Bân cho rằng, Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để chống lại các công ty nước ngoài.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng, các lệnh trừng phạt này là một hành động thù địch nữa của chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Donald Trump, có thể làm tồi tệ hơn đến mối quan hệ vốn đã nhiều căng thẳng giữa Moscow và Washington.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Mỗi một hành động như vậy sẽ đẩy Nga và Mỹ ra xa khỏi điểm bình thường hóa quan hệ và sẽ khiến việc đưa quan hệ giữa 2 nước thoát ra khỏi vòng xoáy trở nên cực kỳ khó khăn". (Reuters, THX)

Nga-Trung-Hàn

Máy bay quân sự Trung-Nga tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc

Ngày 22/12, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, 19 máy bay quân sự của Trung Quốc và Nga đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ).

4 máy bay của Trung Quốc tiến vào KADIZ trên biển Nhật Bản trước tiên, sau đó là 15 máy bay của Nga bay vào từ phía Bắc. JCS cho biết dường như Trung-Nga đã tiến hành một cuộc tập trận chung.

JSC ra tuyên bố: "Quân đội Hàn Quốc đã điều động các máy bay chiến đấu của Không quân trước khi họ tiến vào KADIZ".

Trước khi tiến vào KADIZ, quân đội Trung Quốc thông báo với Hàn Quốc rằng các máy bay của họ đang tiến hành huấn luyện bình thường. (Yonhap)

Bộ Tứ Quad

Tổng thống Mỹ trao tặng huân chương danh giá cho lãnh đạo nhóm Bộ Tứ

Ngày 21/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao tặng huân chương Legion of Merit, huân chương danh giá dành cho các quân nhân trong Lực lượng vũ trang Mỹ và các chính khách nước ngoài có thành tích đặc biệt xuất sắc, cho cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vì "sự lãnh đạo và tầm nhìn của ông cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

Theo trang Twitter chính thức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), huân chương Legion of Merit cũng đã được trao cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vì "nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn" và Thủ tướng Australia Scott Morrison vì "giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy an ninh tập thể".

Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản là các thành viên nhóm Bộ Tứ mà chính quyền Tổng thống Trump coi là hữu ích để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. (Hindustan Times)

Tình hình Belarus

Văn phòng Tổng công tố Belarus khởi tố các nhân vật đối lập

Ngày 21/12, Văn phòng Tổng công tố Belarus đăng tải thông báo trên trang web của cơ quan này quyết định khởi tố những thành viên Hội đồng Điều phối đối lập bao gồm Tikhanovskaya S.G., Kolesnikova M.A., Znak M.A., Latushko P.P., Kovalkova O.A., Dylevsky S.A. và một số cá nhân khác vì thành lập nhóm cực đoan.

Bên cạnh đó, một số công dân Belarus cũng bị khởi tố về tội tài trợ cho các hoạt động của nhóm cực đoan.

Thông báo cho biết thêm: “Theo lệnh của Văn phòng Tổng công tố, Ủy ban Điều tra cũng khởi tố hình sự các thành viên của cái gọi là Hội đồng Điều phối và những người khác theo Khoản 1, Điều 357 Bộ luật Hình sự về âm mưu chiếm đoạt quyền lực nhà nước bằng các biện pháp vi hiến”.

Hồi tháng 10, Bộ Nội vụ Belarus tuyên bố bà Tikhanovskaya bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế vì vụ kêu gọi phá vỡ trật tự hiến pháp. (TASS)

Mỹ-Iran

Iran bác cáo buộc tham gia vào cuộc tấn công Vùng Xanh' ở Iraq

Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc “lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn" đã thực hiện cuộc tấn công mới nhất vào Vùng Xanh, khu vực ngoại giao đoàn ở Baghdad, gây ra một số thiệt hại nhỏ về cơ sở vật chất của Đại sứ quán Mỹ.

Ngày 21/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh bác bỏ việc thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các cơ quan ngoại giao cũng như bác bỏ cáo buộc của Mỹ, cho rằng tuyên bố của ông Pompeo "nhằm mục đích làm leo thang căng thẳng". (Anadolu)

Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đi qua Eo biển Hormuz

Ngày 21/12, trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran, Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ thông báo, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường USS Georgia đã được hai tàu tuần dương USS Port Royal và USS Philippine Sea hộ tống và đi qua Eo biển Hormuz, tuyến hàng hải chiến lược nối Iran và Bán đảo Arab.

USS Georgia có thể mang 154 tên lửa hành trình Tomahawk và 66 lính đặc chủng.

Theo Hải quân Mỹ, tàu ngầm USS Georgia là một đơn vị cơ động linh hoạt, có khả năng hỗ trợ các hoạt động thường xuyên và dự phòng.

Sự hiện diện của tàu ngầm USS Georgia trong khu vực hoạt động của Hạm đội 5 chứng tỏ khả năng của Hải quân Mỹ trong việc đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, đồng thời phản ánh cam kết của Mỹ với các đối tác khu vực và an ninh hàng hải với đầy đủ các khả năng để luôn sẵn sàng phòng thủ trước mọi mối đe dọa vào mọi thời điểm. (America's Navy)

Brexit

Anh tuyên bố không cần thỏa thuận thương mại vẫn 'sống tốt'

Ngày 21/12, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố hiện vẫn còn nhiều vấn đề trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại Brexit, đồng thời nhấn mạnh, nước Anh sẽ phát triển mà không cần thỏa thuận.

Tại một buổi họp báo, khi được hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại, Thủ tướng Johnson nêu rõ: “Lập trường không thay đổi: vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Các điều khoản theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ thỏa đáng hơn đối với Vương quốc Anh. Chúng tôi chắc chắn có thể đối phó".

"Điều sống còn là mọi người hiểu rằng Vương quốc Anh phải có khả năng kiểm soát toàn diện hệ thống luật pháp của mình và chúng tôi cũng phải có khả năng kiểm soát các hoạt động ngư nghiệp của riêng mình”, ông Johnson nói.

Những rào cản chính trong quá trình đàm phán Brexit vẫn liên quan đến quyền đánh bắt cá và các đề xuất của Anh đến nay vẫn không được Paris chấp nhận. (Reuters)

Indonesia cải tổ Nội các, thay thế 6 bộ trưởng

Ngày 22/12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo thay thế 6 người đứng đầu các bộ: y tế, thương mại, du lịch, biển và nghề cá, các vấn đề xã hội và các vấn đề tôn giáo.

Đáng chú ý, Tổng thống Widodo cho biết, ông Budi Gunadi Sadikin - cựu nhân viên ngân hàng và là người đứng đầu nhóm đặc trách phục hồi kinh tế, sẽ thay thế Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto. Theo kế hoạch, 6 bộ trưởng mới của Indonesia sẽ nhậm chức trong ngày 23/12. (The Straits Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-2212-ong-biden-thua-nhan-cong-lao-cua-ong-trump-nga-trung-bung-lua-gian-vi-my-moscow-tang-don-voi-eu-belarus-hanh-dong-132172.html