Tin thế giới 21/1: Mỹ có tân Tổng thống; Trung Quốc trừng phạt các cựu quan chức Mỹ; Nga lo ngại về tương lai Dòng chảy phương Bắc 2

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Trung Quốc trừng phạt cựu quan chức Mỹ, Iraq bị đánh bom, đại dịch Covid-19... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 21/1: Ông Biden chính thức là Tổng thống Mỹ; Trung Quốc trừng phạt các cựu quan chức Mỹ; Nga lo ngại về tương lai Dòng chảy phương Bắc 2.

Tin thế giới 21/1: Ông Biden chính thức là Tổng thống Mỹ; Trung Quốc trừng phạt các cựu quan chức Mỹ; Nga lo ngại về tương lai Dòng chảy phương Bắc 2.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức nhậm chức

Trưa ngày 20/1 giờ địa phương, tại Đồi Capitol, Washington D.C., ông Joe Biden đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ.

Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Biden khẳng định: "Đây là ngày dân chủ, ngày của lịch sử và hy vọng, của sự đổi mới và quyết tâm", đồng thời cho rằng nước Mỹ đã bị thử thách một lần nữa và đã vươn lên để vượt qua thử thách.

Tân Tổng thống Mỹ cho rằng sự nghiệp dân chủ được tôn vinh và ý chí của người dân đã được lắng nghe và chú ý.

Ông Biden cũng nhấn mạnh những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt là mang tính lịch sử khi cảnh báo về mùa Đông hiểm họa bởi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và khiến số người Mỹ thiệt mạng còn nhiều hơn trong Thế chiến II.

Đồng thời, ông khẳng định Mỹ sẽ trở lại với vị trí lãnh đạo các cơ chế đa phương, khôi phục với các liên minh. (Reuters)

Ngày đầu tại Nhà Trắng, tân Tổng thống Biden đảo ngược hàng loạt di sản của người tiền nhiệm

Ngày 20/1, ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Joe Biden đã ký 17 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giữa các sắc tộc, đồng thời đảo ngược một số chính sách đã được người tiền nhiệm Donald Trump triển khai.

Trong đó, nổi bật là việc đưa Washington quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy bỏ giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. (Reuters)

Trung Quốc trừng phạt 28 quan chức của chính quyền Mỹ tiền nhiệm

Ngày 21/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ trừng phạt 28 quan chức của chính quyền Tổng thống Donald Trump vì hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các nhân vật này "đã lên kế hoạch, thúc đẩy và thực thi hàng loạt động thái điên cuồng, can thiệp nghiêm trọng vào các công việc nội bộ của Trung Quốc, làm xói mòn các lợi ích của Trung Quốc, xúc phạm nhân dân Trung Quốc và làm gián đoạn trầm trọng quan hệ Trung-Mỹ".

Những cá nhân trong danh sách trừng phạt bao gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn Thương mại Peter Navarro, Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien, Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell, Bộ trưởng Y tế Alex Azar và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng trừng phạt 2 cựu cố vấn khác của ông Trump - gồm cựu Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và cựu Cố vấn Stephen Bannon.

Phản ứng lại, chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích động thái của Trung Quốc. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) trong chính quyền mới cho rằng việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt vào ngày tân Tổng thống Biden nhậm chức dường như là nhằm "chia rẽ đảng phái" ở Mỹ. (Reuters)

Trung Quốc kêu gọi hợp tác với chính quyền mới của Mỹ

Ngày 21/1, Bắc Kinh đã kêu gọi xây dựng một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sau lễ nhậm chức Tổng thống của ông Joe Biden.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: "Với sự hợp tác từ cả hai phía, những khía cạnh tốt đẹp hơn trong quan hệ Trung-Mỹ sẽ chiến thắng những thế lực xấu".

Cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã chúc mừng ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Ông khẳng định, “phía Trung Quốc trông chờ triển khai hợp tác với chính quyền nhiệm kỳ mới của Mỹ, thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ phát triển lành mạnh ổn định, cùng đối phó với các thách thức toàn cầu, như y tế công cộng, biến đổi khí hậu và tăng trưởng.” (THX)

Twitter bất ngờ khóa tài khoản của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ

Ngày 21/1, mạng truyền thông xã hội Twitter cho biết đã khóa tài khoản của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vì phái bộ ngoại giao này đã đăng tải dòng trạng thái bảo vệ các chính sách của Bắc Kinh tại khu vực Tân Cương.

Twitter cho rằng hành động này đã vi phạm chính sách của công ty về "các hành vi phi nhân tính".

Phản ứng về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này quan ngại về động thái của Twitter. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết quyết định trên của Twitter đã khiến chính quyền Trung Quốc cảm thấy bối rối. (Reuters, THX)

Đánh bom tại thủ đô của Iraq

Ngày 21/1, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra ở một khu chợ đông đúc ở trung tâm thủ đô Baghdad, Iraq, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Con số này có thể tiếp tục tăng.

Đây là vụ đánh bom hiếm hoi xảy ra ở thủ đô của Iraq kể từ sau khi quân đội nước này tuyên bố đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng năm 2017. Vụ tấn công gần đây nhất là vào tháng 6/2019 khiến một số người thương vong.

Hiện chưa có nhóm nào thừa nhận tiến hành vụ tấn công nói trên. Lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra vụ việc. (DW)

Dòng chảy phương Bắc 2: Nga lo ngại về tương lai đầy chông gai

Công ty khí đốt nhà nước Nga Gazprom thừa nhận có nguy cơ đường ống dẫn nước dưới biển đến Đức của họ có thể bị đình chỉ hoặc hủy bỏ sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt vào hôm 19/1 đối với một tàu Nga tham gia xây dựng đường ống.

Trong một thư báo cho các nhà đầu tư liên quan đến vấn đề nợ, Gazprom đã lưu ý những rủi ro chính trị đối với Nord Stream 2. Công ty thừa nhận rằng Mỹ có thể khiến “việc thực hiện dự án này trở nên không thể hoặc không khả thi và dẫn đến việc đình chỉ hoặc hủy bỏ dự án”.

Trong một diễn biến khác, ngày 21/1, Nghị viện châu Âu (EP) muốn ngăn chặn hoạt động xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhằm phản ứng lại với việc Nga bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny.

Ngoài việc ngừng xây dựng dự án, EP cũng yêu cầu trừng phạt các thể chế và pháp nhân tham gia vào quyết định bắt giam ông Navalny. (TASS/Spielgel)

Mặc nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, Ấn Độ quyết cử quân nhân sang Nga học điều khiển S-400

Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo một nhóm quân nhân sẽ được cử tới Nga trong vài ngày tới. Đây là những quân nhân thuộc Lực lượng Phòng không sẽ được đào tạo về kỹ năng vận hành hệ thống tên lửa tầm xa S-400.

Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ nhận lô đầu tiên của S-400 vào cuối năm 2021 và hợp đồng đã được 2 bên ký kết vào năm 2018.

Đại sứ Nga tại Ấn Độ Nikolai Kudashev đã gặp và nói chuyện với đại diện các lực lượng vũ trang Ấn Độ trong cơ quan ngoại giao Nga.

Theo ông Kudashev, chương trình mua sắm S-400 là một trong những dự án quan trọng trong việc mở rộng hơn nữa hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa Nga và Ấn Độ dựa trên lợi ích chung và nhất quán. (Times of India, TASS)

Trung Quốc phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Covid-19

Theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đại dịch Covid-19 đang lây lan rất nhanh và mới xuất hiện tại 2 tỉnh mới là Sơn Đông và Thiểm Tây.

Đáng lo ngại, chủng virus SARS-CoV-2 biến thể tại Anh đã được phát hiện tại thủ đô Bắc Kinh, báo động nguy cơ về một đợt bùng phát mới, với tốc độ lây lan nhanh hơn.

Ngay lập tức, thành phố Bắc Kinh đã cho phong tỏa và quản lý nghiêm ngặt hơn 1,7 triệu dân tại quận Đại Hưng và đưa khu vực này thành vùng nguy cơ cao nhất. (THX)

Chính phủ Mông Cổ chịu sức ép do sơ suất quản lý bệnh nhân Covid-19

Thủ tướng Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh đã đề xuất toàn bộ chính phủ từ chức.

Động thái trên được đưa ra một ngày sau khi Phó Thủ tướng kiêm người đứng đầu Ủy ban phụ trách các vấn đề khẩn cấp quốc gia - ông Yangu Sodbaatar và Bộ trưởng Y tế Togtmol Munkhsaikhan tuyên bố rút khỏi các vị trí đang nắm giữ do sức ép dư luận và làn sóng biểu tình phản đối chính phủ ngày một lan rộng.

Quyết định của Thủ tướng Ukhnaa Khurelsukh dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của nhóm nghị sĩ quốc hội của đảng Nhân dân Mông Cổ cầm quyền và sau đó tiếp tục được bàn thảo tại một phiên họp của Quốc hội.

Làn sóng biểu tình phản đối đã bùng lên tại thủ đô Ulan Bator sau khi nhà chức trách nước này điều chuyển một sản phụ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cùng đứa con sơ sinh của cô từ bệnh viện phụ sản đến cơ sở cách ly dành riêng cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Điều khiến dư luận phản đối mạnh mẽ nhất chính là chi tiết người phụ nữ này được đưa tới cơ sở cách ly trong tình trạng đi dép lê và không mặc áo khoác, dù tiết trời lạnh giá. (AP)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-211-my-co-tan-tong-thong-trung-quoc-trung-phat-cac-cuu-quan-chuc-my-nga-lo-ngai-ve-tuong-lai-dong-chay-phuong-bac-2-134521.html