Tin thế giới 19/3: 'Khẩu chiến' căng thẳng trong hội đàm Mỹ-Trung; Triều Tiên cắt quan hệ với Malaysia; Ông Putin lên tiếng về phát ngôn 'sốc'

Đối thoại cấp cao Mỹ-Trung, Tổng thống Putin 'lên tiếng' sau phát ngôn của Mỹ, tình hình Myanmar, Triều Tiên... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Đối thoại Alaska: Mỹ-Trung hội đàm, không ai nhượng bộ ai

Ngày 19/3 (giờ Việt Nam), đã diễn ra cuộc gặp mặt và đối thoại giữa các quan chức cấp cao Mỹ-Trung tại thành phố Anchorage của tiểu bang Alaska.

Về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan. Về phía Trung Quốc gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị.

Trong ngày, hai bên đã trải qua 2 phiên của cuộc hội đàm trong không khí khá căng thẳng.

Theo một quan chức Mỹ, trước cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí đưa ra những phát biểu khai mạc công khai ngắn, chỉ dài 2 phút, song những phát biểu này đã kéo dài hơn 1 tiếng.

"Phái đoàn Trung Quốc dường như có chủ ý gây ấn tượng mạnh, tập trung vào nghệ thuật sân khấu công chúng và kịch tính hơn là thực chất. Các quan chức Trung Quốc rõ ràng là đã vi phạm nghi thức", quan chức này nêu rõ.

Ở phía ngược lại, trưởng phái đoàn Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cáo buộc Mỹ không tôn trọng nghi thức ngoại giao bằng cách tuyên bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc trước thềm cuộc hội đàm.

Ông Dương Khiết Trì cũng đe dọa đưa ra "hành động cứng rắn" nhằm chống lại "sự can thiệp của Mỹ", đồng thời kêu gọi chấm dứt "tâm lý Chiến tranh Lạnh" vốn gây hạn chế cho mối quan hệ giữa hai nước.

Bắc Kinh kiên quyết phản đối sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, cũng như sẽ tiếp tục đưa ra những phản ứng mạnh mẽ khi đề cập vấn đề Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương, "những phần không thể nhượng lại của Trung Quốc", ông Dương Khiết Trì tuyên bố.

Theo CCTV phiên thảo luận thứ 2 này đã bắt đầu từ 19h45 và kết thúc lúc 22h ngày 18/3 theo giờ địa phương (tức 10h45-13h ngày 19/3 giờ Hà Nội). (Reuters/THX)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Ấn Độ

Ngày 19/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 3 ngày. Ông Austin là bộ trưởng đầu tiên trong chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Ấn Độ. Dự kiến từ ngày 19-21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà Rajnath Singh, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval.

Những nội dung chính trong chương trình nghị sự của ông Austin dự kiến bao gồm các vấn đề hợp tác quân sự Ấn Độ-Mỹ và các thỏa thuận quốc phòng trong thời gian tới, tiến trình hòa bình Afghanistan.

Hai bên có thể sẽ thảo luận những biện pháp khuyến khích các công ty Mỹ thiết lập cơ sở sản xuất thiết bị quốc phòng tại Ấn Độ, trong đó bao gồm cả khả năng lập liên doanh với các đối tác nước sở tại.

Các cuộc họp cũng sẽ đề cập đến vấn đề nhận thức hàng hải, tập trận quân sự song phương và đa phương, cũng như tăng cường hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Reuters)

Tướng Mỹ: Trung Quốc và Nga là mối đe dọa lớn nhất

Phát biểu tại sự kiện “Tương lai của chiến tranh viễn chinh hiện đại” của The Hill diễn ra ngày 18/3, Tướng David Berger, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, nói rằng, trong khi các mối đe dọa quân sự và an ninh từ các quốc gia khác là vấn đề đáng kể, nhưng chúng không thể đạt đến mức độ như của Trung Quốc và Nga.

Hạ nghị sĩ Joe Courtney của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chọn khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương thay vì Trung Đông hay châu Âu, làm điểm đến trong chuyến công du đầu tiên, sau khi được phê chuẩn vào chính quyền ông Biden.

“Rõ ràng, về mặt ngoại giao và quân sự, mối đe dọa cấp bách hiện nay là ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương”, ông Joe Courtney nói trong sự kiện.

Hạ nghị sĩ Rob Wittman, một thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện cho biết, Trung Quốc đang sử dụng mọi biện pháp, kể cả việc đánh cắp công nghệ của Mỹ, để nâng cấp các tàu và nhà máy đóng tàu. (The Hill)

Ông Putin chúc sức khỏe người đồng cấp Mỹ

Ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra bình luận về phát ngôn gay gắt gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về ông.

Trong cuộc họp trực tuyến với người dân ở bán đảo Crimea, khi được hỏi về vấn đề này, ông Putin nêu rõ: "Chúng tôi có quan hệ cá nhân. Tôi sẽ phải trả lời ra sao? Tôi sẽ nói với ông ấy: Tôi chúc ông ấy khỏe mạnh. Tôi chỉ chúc ông ấy có sức khỏe tốt. Tôi nói điều này một cách nghiêm túc, đây không phải là một câu nói đùa".

Về quan hệ Nga-Mỹ, ông Putin cho rằng, có sự khác biệt trong quan điểm của người dân Mỹ và chính quyền.

Theo ông Putin, có "khá nhiều người trung thực, tử tế và có trái tim ấm áp" ở Mỹ muốn sống trong hòa bình và hữu nghị với Nga. "Chúng tôi nhận thức được điều đó, coi trọng điều đó và chúng tôi sẽ dựa vào họ trong tương lai", nhà lãnh đạo Nga khẳng định.

Ông Putin cũng cho hay, ông sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Mỹ, đồng thời đã chỉ đạo cho Bộ Ngoại giao Nga sắp xếp cuộc gặp này. (TASS)

Canada thất vọng khi Trung Quốc xét xử kín công dân

Một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Canada ở Trung Quốc vừa cho biết, ông không được phép tham dự phiên xét xử của một tòa án Trung Quốc diễn ra hôm nay (19/3) đối với công dân Canada Michael Spavor - người bị cáo buộc hoạt động gián điệp 2 năm về trước. Trong khi người còn lại, Michael Kovrig sẽ bị xét xử vào ngày 22/3.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh Jim Nickel cho biết, Canada bày tỏ sự "thất vọng vì sự thiếu minh bạch và khả năng tiếp cận".

Được biết, ông Michael Spavor bị phía Trung Quốc bắt giữ trước đó vì cáo buộc làm tổn hại đến an ninh quốc gia nước này, không lâu sau khi cảnh sát Canada bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của tập đoàn Huawei theo yêu cầu của Mỹ. Dù vậy, phía Trung Quốc vẫn luôn khẳng định 2 vụ việc không liên quan đến nhau.

Song Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng, việc Trung Quốc bắt giữ công dân Canada là vì "động cơ chính trị" để gây áp lực về vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu. (AFP)

Triều Tiên tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Malaysia

Ngày 19/3, Bộ Ngoại giao Triều Tiên thông báo rằng chính quyền Malaysia phạm tội không thể tha thứ khi giao công dân vô tội của Triều Tiên cho Mỹ. Do đó, phía Triều Tiên tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Malaysia.

Chính quyền Bình Nhưỡng cũng cảnh báo Washington sẽ “phải trả giá”.

Trước đó, ngày 3/3, tòa án Malaysia bác đơn kháng cáo của công dân Triều Tiên Mun Chol Myong, nhấn mạnh cáo buộc rửa tiền là "bịa đặt". Ngày 9/3, tòa ra phán quyết ông Mun có thể bị dẫn độ sang Mỹ. (Reuters)

Iran chỉ trích Mỹ, nói ‘nỗ lực phá hoại’ đã thất bại

Ngày 18/3, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định người dân nước này vẫn "phục hồi vững vàng" trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, và mọi nỗ lực phá hoại, áp bức của Washington đều thất bại hoàn toàn.

Theo ông Zarif, người Iran đã chứng tỏ được “khả năng phục hồi vững vàng” của họ trong một năm qua, khi đất nước phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt và tình hình căng thẳng gia tăng giữa hai nước dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh thêm về cách quốc gia này có thể đối đầu với “chủ nghĩa áp bức kinh tế nhắm vào nguồn cung thực phẩm và thuốc men” của Iran và “chống lại kẻ khủng bố nhà nước thời hiện đại, kẻ đã sát hại những người đứng đầu lĩnh vực quốc phòng và khoa học của Tehran".

Nhìn về tương lai gần, Ngoại trưởng Iran khẳng định: "Chúng tôi, những người Iran, không chỉ sống sót, mà sẽ còn mạnh mẽ hơn và quyết đoán hơn bao giờ hết, để quyết định vận mệnh của chính mình". (Sputnik)

Indonesia kêu gọi tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN về Myanmar

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm nay (19/3) kêu gọi khôi phục dân chủ tại Myanmar và chấm dứt bạo lực tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Tổng thống Indonesia, an toàn của người dân Myanmar là ưu tiên hàng đầu hiện nay và lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á cần tổ chức một cuộc thảo luận cấp cao về tình hình tại Myanmar.

“Indonesia hối thúc tiến hành đối thoại và hòa giải ngay lập tức để khôi phục dân chủ, hòa bình và sự ổn định cho Myanmar. Tôi sẽ sớm kêu gọi Brunei - Quốc gia chủ tịch ASEAN 2021 tổ chức cuộc họp cấp cao sớm nhất có thể để thảo luận về tình hình Myanmar”, ông Joko Widodo nói.

Đầu tháng 3/2021 đã diễn ra Hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar. Tuyên bố chung của các nước bày bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực.

ASEAN cũng kêu gọi các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng. (Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-193-khau-chien-cang-thang-trong-hoi-dam-my-trung-trieu-tien-cat-quan-he-voi-malaysia-ong-putin-len-tieng-ve-phat-ngon-soc-139770.html