Tin thế giới 17/7: Hội đàm Trump – Putin kết thúc 'thành công', phương Tây ngao ngán

TT Trump, Putin kết thúc hội đàm một cách 'thành công và hiệu quả', cùng nhau bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp Bầu cử Tổng thống Mỹ; Mỹ tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria; Nga rút máy bay chiến đấu về nước v.v...

Cuộc hội đàm Trump – Putin và những dư âm

*Trong cuộc họp báo diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận kín tại Helsinki (Phần Lan) ngày 16/7, nguyên thủ hai nước khẳng định rằng cuộc gặp mặt giữa hai người đã diễn ra “thành công và hiệu quả”. Ông Trump tuyên bố quan hệ giữa hai nước đã ngay lập tức được cải thiện ngay khi hai người bắt đầu thảo luận, và tái khẳng định cuộc điều tra vào “sự can thiệp của Nga” đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xấu đi trong quan hệ hai nước.

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm tại Helsinki (Phần Lan).

Ông Trump cũng bác bỏ bất kỳ mối liên hệ ngầm nào giữa ông và Nga, nói rằng chiến thắng của ông là nhờ “một chiến dịch vận động tranh cử tuyệt vời”. Ông Putin cũng khẳng định điều tương tự, rằng Nga "chưa bao giờ can thiệp và sẽ không can thiệp vấn đề nội bộ của Mỹ, trong đó có cả tiến trình bầu cử”, và ông muốn ông Trump đắc cử để cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Tổng thống hai nước cũng thảo luận về việc hợp tác tại Syria. Ông Putin bày tỏ mong muốn hỗ trợ phương Tây cung cấp hàng viện trợ nhân đạo, trong khi ông Trump tin rằng sự hợp tác của hai nước ở Syria có thể sẽ “cứu được hàng trăm sinh mạng ở quốc gia này”.

*Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Fox News, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại bởi giờ đây Nga “đã quá lớn để có thể bị cô lập”. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi Washington không nên “hủy hoại quan hệ giữa Nga và Mỹ chỉ vì bất đồng nội bộ” khi Mỹ khởi tố 12 người Nga được cho là đã xâm nhập hệ thống máy tính của đảng Dân chủ Mỹ. Ông cũng đồng ý tạo điều kiện để ông Mueller có thể thẩm vấn những người này ở Nga.

Tổng thống Nga cũng phủ nhận có được những thông tin không có lợi cho ông Trump, khi ông khẳng định rằng Nga “không chú ý” đến ông Trump trước khi ông tuyên bố tham gia tranh cử, và Nga “không có đủ vật lực và tài lực” để theo dõi ông.

Tổng thống Nga và Mỹ bắt tay thân mật với nhau.

*Những tuyên bố của ông Trump sau cuộc gặp mặt với ông Putin đã vấp phải sự chỉ trích từ rất nhiều chính trị gia và các chuyên gia ở Mỹ. Có người đã gọi tuyên bố của ông là một sự “phản quốc” và tiếp tục khẳng định Nga đang cản trở nền dân chủ thế giới, thậm chí còn gọi phát biểu của ông là “một trong những hành động nhục nhã của một Tổng thống Hoa Kỳ”. Cũng có người có những ý kiến ôn hòa hơn, khi tin rằng quan hệ Mỹ - Nga vẫn đang nguy hiểm mặc cho tuyên bố chung của ông Trump và ông Putin sau cuộc gặp mặt.

*Tổng thống Trump thừa nhận rằng Đức có quyền tham gia vào dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 với Nga, mặc dù ông tin rằng điều này khó thực hiện khi Đức đang là thành viên của NATO. Tuyên bố này khác với những chỉ trích mà ông từng đưa ra trong quá khứ, khi ông nói Đức đang là “con tin” của Nga khi họ tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt được cung cấp từ Nga.

Trung Đông

*Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã tuyên bố rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria cho đến khi không còn “hiểm họa Iran” tại quốc gia này. Điều này ngược hẳn với phát biểu mà Tổng thống Trump từng đưa ra khi ông nói Mỹ sẽ rút binh lính Mỹ ở Syria về nước “trong tương lai gần” và “để vấn đề Syria cho người khác lo”. Đây cũng là lần đầu tiên quan chức chính phủ Mỹ nhắc đến Iran như một lý do để tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự của mình tại Syria.

*Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng họ đã rút 35 máy bay chiến đấu của Nga về nước, đồng thời nói rằng Nga đang tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn ở cao nguyên Golan nhằm tiêu diệt các phiến quân khủng bố đang hoạt động tại khu vực này.

Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria.

*Mỹ được cho là đang thảo luận để tìm cách thuyết phục và bán hệ thống phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn nước này mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Các quan chức Mỹ lo sợ rằng S-400 có thể tiếp nhận những dữ liệu mật từ máy bay F-35, phi cơ chiến đấu tàng hình hiện đại nhất hiện nay, qua đó khiến Mỹ và các nước NATO gặp bất lợi nếu loại phi cơ này được sử dụng rộng rãi trong tương lai.

Châu Á

*Một máy bay ném bom Tu-95MS và Su-35S của Nga đã bất ngờ xuất hiện trong vùng nhận đạng phòng không của Nhât Bản và Hàn Quốc vào ngày 13/7, buộc hai nước phải điều động máy bay để theo dõi hoạt động. Tuy các máy bay Nga không xâm phạm không phận của Nhật Bản và Hàn Quốc, song chính phủ hai nước đã có những cảnh báo nhất định tới Nga.

Anh Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tin-the-gioi-177-hoi-dam-trump-putin-ket-thuc-thanh-cong-phuong-tay-ngao-ngan-post268619.info