Tin thế giới 17/11: Tin vui bất ngờ, ông Trump khoe 'thắng lớn'; Belarus nói về bạn bè trong hoạn nạn; Mỹ từng định 'chơi lớn' ở Iran?

Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Mỹ với Iran, Trung Quốc, tình hình tại Belarus, Peru, Ethiopia, quan hệ Australia-Nhật Bản và xung đột Armenia-Azerbaijan là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Bầu cử Mỹ 2020

Tổng thống Trump tuyên bố "thắng lợi lớn" ở Nevada

Ngày 16/11, hạt Clark thuộc Las Vegas, bang Nevada đã hủy kết quả bầu cử ủy viên hội đồng của hạt này và yêu cầu bỏ phiếu lại, do sự chênh lệch về số phiếu giữa hai ứng viên là không đáng kể: cụ thể là ứng viên Dân chủ Ross Miller chỉ dẫn trước ứng viên Cộng hòa Stavros Anthony 10 phiếu, sau khi hơn 153.000 phiếu bầu được kiểm đếm.

Giới chức hạt Clark cho biết, họ đã xác định được hơn 936 trường hợp "không nhất quán" trong các phiếu bầu trên toàn hạt - từ việc bỏ phiếu vô tình bị hủy bỏ, thẻ cử tri được kích hoạt lại và lỗi đăng ký tại các điểm bỏ phiếu. Do đó, hai ông Miller và Anthony sẽ phải bước vào vòng bỏ phiếu thứ 2 - lần này phiếu bầu sẽ không bao gồm các lựa chọn ứng viên tổng thống như trước.

Dù kết quả bầu cử ủy viên hội đồng hạt Clark vòng 2 sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả bầu cử tổng thống, nhưng kết quả điều tra về "sự không nhất quán" của các phiếu bầu có thể trở thành một bước đệm nữa cho cuộc chiến pháp lý của ông Trump.

Trên Twitter, Tổng thống Trump đã tuyên bố: "Vừa có thắng lợi lớn ở bang Nevada cách đây không lâu. Đến các quan chức hạt Clark còn chẳng tin tưởng vào kết quả bầu cử của chính họ. Tác động lớn!" (AP)

Phát hiện 2.600 phiếu bầu ở Georgia bị bỏ sót, ông Trump chiếm hơn 1.600 phiếu ủng hộ

Fox News đưa tin, trong khi tiến hành kiểm lại hơn 5 triệu phiếu bầu, bang Georgia đã phát hiện 2.600 lá phiếu ở hạt Floyd bị bỏ sót chưa được tính trong lần kiểm phiếu đầu tiên.

Theo trang tin AJC, trong 2.600 phiếu bầu trên, có hơn 1.600 phiếu ủng hộ ông Trump. Phát hiện này giúp ông Trump thu hẹp khoảng cách với ông Biden vài trăm phiếu, tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng tới cục diện cuộc đua ở bang này khi ông Biden hơn ông Trump tới 14.000 phiếu tại Georgia, tương đương 0,3 điểm phần trăm.

Georgia có 159 hạt và bang này đặt ra hạn chót 18/11 để các quan chức bầu cử hoàn tất việc kiểm đếm lại phiếu. (Fox News)

Nhật Bản-Australia

Nhật Bản-Australia tăng cường quan hệ quốc phòng

Ngày 17/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bắt đầu chuyến công du Nhật Bản và có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Suga Yoshihide nhằm củng cố quan hệ quốc phòng giữa hai nước đồng minh của Mỹ.

Hai nước dự kiến ký kết Thỏa thuận Tiếp cận qua lại, một khuôn khổ pháp lý cho phép quân đội hai bên đến thăm nhau để tiến hành huấn luyện và hoạt động chung.

Nếu được ký kết, thỏa thuận này sẽ là hiệp ước đầu tiên của Nhật Bản kể từ hiệp định về quy chế lực lượng năm 1960 với Mỹ, đặt cơ sở cho khoảng 50.000 lính Mỹ hoạt động tại và xung quanh Nhật Bản theo hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.

Trong cuộc hội đàm tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận thêm về thỏa thuận này mặc dù chưa rõ khả năng về việc sớm hoàn tất thỏa thuận này. Các quan chức Nhật Bản cho biết hai bên cũng dự kiến sẽ thảo luận về dịch Covid-19 và tình hình kinh tế. (AFP)

Mỹ-Trung Quốc

Máy bay chiến đấu Mỹ đi vào ADIZ của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông

Ngày 17/11, trên Twitter, công ty theo dõi máy bay Aircraft Spots cho biết, vào lúc 9h46 sáng, 2 chiếc B-1B của Không quân Mỹ được ghi nhận đã rời Căn cứ Không quân Andersen ở Guam trên đường đến Biển Hoa Đông.

Đường bay cho thấy vị trí những máy bay ném bom của Mỹ được ghi lại lần cuối là ngay bên trong ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Đường bay của 2 máy bay ném bom cũng rất gần góc Đông Bắc ADIZ của Đài Loan (Trung Quốc) và có thể đã lọt vào ADIZ của hòn đảo này nếu tiếp tục đi theo quỹ đạo đó.

Aircraft Spots cho biết, 2 chiếc Boeing KC-135R Stratotanker của Không quân Mỹ cũng đã được phát hiện cung cấp nhiên liệu trên không cho 2 máy bay ném bom B-1B này. (Taiwan News)

Tình hình Belarus

Tổng thống Lukashenko: Belarus nhận được sự hậu thuẫn to lớn của Nga và Trung Quốc

Ngày 17/11, trong cuộc họp thảo luận các vấn đề thời sự trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng, trong bối cảnh chịu "áp lực chưa từng có từ bên ngoài", Minsk đã nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ lớn của các đồng minh truyền thống như Nga và Trung Quốc.

Ông Lukashenko nói: "Trong thời điểm khó khăn này, chúng ta nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ lớn của Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác. Vì vậy, chúng ta một lần nữa tin rằng bạn bè có thể thấy rõ trong hoạn nạn".

Ông cũng đề cập những vấn đề mang tính thời sự cho các đại biểu tham dự cuộc họp như việc tiếp tục xây dựng mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, cách thức thực thi các thỏa thuận ở cấp cao nhất, cũng như sau chuyến thăm của lãnh đạo Belarus tới các khu vực của Nga trong năm nay.

Trước đó, ông Lukashenko từng cáo buộc phương Tây can thiệp trực tiếp vào tình hình nội bộ Belarus, lưu ý tình hình bất ổn là do Mỹ chỉ đạo và châu Âu "tham gia". Các quốc gia được ông nêu tên là Ba Lan, CH Czech, Lithuania và Ukraine. (TASS)

Tình hình Ethiopia

Chiến dịch quân sự tại Tigray bước vào giai đoạn cuối

Ngày 17/11, trong một bài đăng trên mạng xã hội, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết, đã hết thời hạn 3 ngày cho các lực lượng đặc nhiệm Tigray và lực lượng dân quân đồng minh đầu hàng, đồng thời khẳng định sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự "cuối cùng và mang tính quyết định" nhằm vào các lực lượng chống đối tại Tigray trong những ngày tới.

Trước đó cùng ngày, Lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp của chính phủ Ethiopia xác nhận tiến hành các chiến dịch không kích nhằm vào các vị trí ở bên ngoài thủ phủ Makelle của khu vực Tigray, đồng thời phủ nhận việc có dân thường thiệt mạng trong cuộc không kích.

Thủ tướng Abiy Ahmed tiếp tục bác lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về việc tiến hành đối thoại và xuống thang căng thẳng các cuộc xung đột tại khu vực Sừng châu Phi kéo dài 2 tuần qua. Cuộc xung đột đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hơn 25.000 người dân Ethiopia chạy trốn sang nước láng giềng Sudan. (AP, AFP)

Tình hình Peru

Peru bầu ra vị tổng thống thứ 3 trong hơn 1 tuần

Ngày 16/11, Quốc hội Peru đã bỏ phiếu bầu nghị sỹ Fracisco Sagasti giữ chức Tổng thống lâm thời nước này thay cho ông Manuel Merino vừa từ chức trước đó một ngày với hy vọng hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị đang lan rộng ở nước này.

Ông Sagasti, một kỹ sư theo đường lối trung hữu năm nay 76 tuổi, được chọn làm Chủ tịch Quốc hội và theo hiến pháp ông là người ngay lập tức sẽ tạm giữ chức người đứng đầu đất nước khi vị trí này bị bỏ trống. Với việc ông Sagasti được bầu làm Tổng thống lâm thời, Quốc hội Peru cũng đã bầu nghị sỹ cánh tả Mirtha Vasquez giữ chức người đứng đầu cơ quan lập pháp thay ông Sagasti.

Đây là vị nguyên thủ thứ 3 của Peru trong vòng hơn 1 tuần sau khi cựu Tổng thống Martin Vizcarra bị Quốc hội phế truất với cáo buộc tham nhũng và người kế tiếp là ông Merino cũng phải từ chức chỉ ít ngày sau khi lên nắm quyền trước sức ép từ các cuộc biểu tình phản đối của quân chúng nhân dân. (AFP)

Mỹ-Iran

Tổng thống Donald Trump từng lên kế hoạch tấn công cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran?

Ngày 16/11, tờ New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, trong cuộc họp ngày 12/11 vừa qua với các cố vấn an ninh hàng đầu, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các trợ lý cấp cao cân nhắc các phương án tấn công cơ sở hạt nhân chính của Iran, nhưng cuối cùng đã quyết định không thực hiện động thái này.

Theo quan chức trên, các cố vấn đã thuyết phục ông Trump không thực hiện vụ tấn công vì nguy cơ nổ ra xung đột lớn hơn.

Theo New York Times, nhiều khả năng mục tiêu mà ông Trump định nhắm đến là cơ sở hạt nhân Natanz, nơi mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhận định Iran dự trữ uranium với số lượng nhiều gấp 12 lần so với giới hạn quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tehran ký với các cường quốc thế giới.

Trước thông tin trên, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei cảnh báo, bất kỳ hành động tấn công nào của Mỹ nhằm vào Iran đều sẽ phải đối mặt với đòn đáp trả "trí mạng". (Reuters)

Xung đột Armenia-Azerbaijan

Ngoại trưởng Armenia từ chức, Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt đưa quân đến 'sát vách' Yerevan

Ngày 16/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Armenia cho biết, Ngoại trưởng Zohrab Mnatsakanyan đã nộp đơn từ chức lên Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và được chấp thuận, trong bối cảnh chính quyền Armenia đang chịu nhiều sức ép sau khi ký thỏa thuận đình chiến với Azerbaijan, chấm dứt sáu tuần xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh.

Cùng ngày, Avia.Pro dẫnmột số nguồn tin cho biết, các máy bay vận tải quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu ồ ạt đưa binh lính, trang thiết bị và nhiều loại vũ khí tới sát biên giới Armenia.

Hiện Ankara chưa đưa ra bình luận nào liên quan nhưng giới chuyên gia cho rằng, đó là một lời cảnh cáo, rằng nếu Armenia có bất cứ "hành động thiếu suy nghĩ" nào, họ có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, theo Reuters, Nga đã đưa các hệ thống pháo phản lực đặt trên xe tải tới hành lang Lachin mà họ đang kiểm soát nằm giữa Armenia và Nagorno-Karabakh trong bối cảnh lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang đảm nhận nhiệm vụ bỏa toàn cho vùng lãnh thổ mới theo thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký kết. (Reuters, Avia)

Nga sẽ xây dựng căn cứ hải quân tại Sudan

Financial Times (FT) đưa tin, ngày 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt việc thiết lập trung tâm hậu cần của Hải quân Nga tại Sudan bên Biển Đỏ, giữa tuyến đường biển nối châu Âu và châu Á. Đây sẽ là căn cứ đầu tiên ở châu Phi của Hải quân Nga, nơi các chiến hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân dự kiến có thể neo đậu tại đây.

Sau khi duyệt kế hoạch, Tổng thống Putin giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng Nga ký thỏa thuận thiết lập cơ sở hậu cần hải quân với Sudan, vốn được hai nước thảo luận trước đó.

Căn cứ theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, Hải quân Nga được chỉ đạo tiến hành các kế hoạch xây dựng một căn cứ cho 300 nhân viên và không gian cho tối đa 4 tàu chiến, bao gồm cả các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong một dự thảo vào đầu tháng 11, chính phủ Nga cho biết căn cứ hải quân mới có thể đón 4 chiến hạm trong cùng một thời điểm. Mục đích chính của cơ sở này là sửa chữa, tiếp tế và là địa điểm để thủy thủ Hải quân Nga nghỉ ngơi.

Căn cứ này sẽ là cơ sở hải quân thứ hai của Nga bên ngoài lãnh thổ của Liên Xô cũ, sau Tartus ở Syria. (FT)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-1711-tin-vui-bat-ngo-ong-trump-khoe-thang-lon-belarus-noi-ve-ban-be-trong-hoan-nan-my-tung-dinh-choi-lon-o-iran-129389.html