Tin thế giới 15/4: Ẩn ý của Mỹ ở Biển Đen; Ukraine 'ấm ức' tố cáo bị Nga công khai đe dọa 'chiến tranh và hủy diệt'; Mỹ 'chọc giận' Trung Quốc

Căng thẳng Nga-Ukraine, quan hệ Nga-Mỹ, vấn đề Đài Loan, Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ra biển, lực lượng nước ngoài rút quân khỏi Afghanistan, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine: Căng thẳng tiếp tục leo thang

Kiev tố cáo Nga công khai đe dọa chiến tranh và hủy diệt Ukraine

Ngày 15/4, phát biểu trong cuộc họp báo với những người đồng cấp đến từ 3 quốc gia Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng, các chuyên gia và quan chức Nga đang "công khai đe dọa chiến tranh và hủy diệt nước láng giềng Ukraine".

Ông Kuleba nhấn mạnh, cần phải cho Nga thấy nước này sẽ nhận lấy hậu quả "rất đau đớn" nếu leo thang căng thẳng ở khu vực Donbass.

Các ngoại trưởng 4 nước này đã lên án sự leo thang quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine, kêu gọi Moscow giảm căng thẳng tại khu vực này và quay trở lại các cuộc đàm phán.

Trước đó, ngoại trưởng hai nước Mỹ và Ba Lan cũng đã điện đàm nhấn mạnh quan ngại về sự tăng cường lực lượng của quân đội Nga ở khu vực Donbas và ở biên giới với Ukraine, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không chọn phe trong xung đột Nga-Ukraine. (AFP, Reuters)

OSCE cảnh báo về tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn ở Ukraine

Cuối ngày 14/4, nhóm quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chịu trách nhiệm giám sát cuộc xung đột ly khai ở Ukraine đã dẫn chứng tài liệu cho thấy, tình trạng gia tăng mạnh số vụ vi phạm các thỏa thuận hòa bình, giữa lúc các quốc gia phương Tây đưa ra cảnh báo về hoạt động tăng cường quân đội của Nga ở khu vực biên giới.

Tuyên bố viết: "Số lượng các vụ vi phạm được ghi nhận trong 2 tuần qua đã lên đến mức cao nhất trong năm nay và cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. 2 tuần vừa qua cũng chứng kiến tình trạng gia tăng đáng kể những quy định hạn chế và cản trở đối với hoạt động tự do di chuyển".

Cũng theo các quan sát viên OSCE, 9 trong số 10 chuyến bay không người lái tầm xa của nhóm này bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhiễu sóng. (AFP)

Nga-Mỹ:

Nga cảnh báo đáp trả tương xứng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào từ Mỹ

Hôm 14/4, các nguồn thạo tin nói với hãng Reuters rằng, Mỹ có thể công bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga ngay trong ngày 15/4 liên quan cáo buộc tấn công mạng gây hồi năm 2020.

Ngày 15/4, Điện Kremlin tuyên bố sẽ đáp trả một cách tương xứng bất kỳ lệnh trừng phạt mới "bất hợp pháp" nào của Mỹ nhằm vào Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow sẽ đợi để xem điều gì xảy ra trước khi đưa ra thông báo cụ thể và lưu ý rằng, bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào sẽ làm giảm cơ hội tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin. (Reuters)

Liệu Mỹ có ẩn ý sau hành động ở Biển Đen?

Ngày 14/4, giới chức và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Mỹ đã quyết định hủy kế hoạch dự kiến trong tuần này về việc triển khai hai tàu chiến ở Biển Đen.

Ngày 15/4, Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov nhận định, Tổng thống Biden đang gửi cho Nga một "tín hiệu hòa giải nhỏ" bằng động thái hủy bỏ việc cho hai tàu khu trục tiến vào Biển Đen.

Theo Pushkov, chí ít, ông Biden vẫn cần có sự tham gia của người đồng cấp Nga Putin trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu vào tuần sau bởi "ông Biden muốn khẳng định "vai trò đứng đầu thế giới" mới của Mỹ. Nếu không có cuộc gặp với ông Putin thì chuyện sẽ không thành”. (Sputnik)

Tấn công rocket dồn dập ở Iraq

Đêm 14/4, một thiết bị bay không người lái chứa đầy thuốc nổ TNT đã đâm xuống sân bay Arbil ở thủ phủ khu tự trị người Kurd ở miền Bắc nước này. Đây là lần đầu tiên các đối tượng sử dụng phương tiện trên để tấn công căn cứ của liên quân do Mỹ dẫn đầu, tại Iraq.

Vụ tấn công gây hư hại một tòa nhà trong khu vực quân sự của sân bay, song không gây thương vong.

Tổng thống Iraq Barham Saleh đã lên án vụ tấn công, đồng thời kêu gọi người dân Iraq đoàn kết chống lại các "phần tử khủng bố" đứng sau vụ tấn công này.

Ít phút sau, một loạt rocket nã vào căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Bashiqa, bên ngoài thành phố Mosul (Iraq), khiến 1 binh sĩ tử vong và 1 trẻ em bị thương. (Reuters, AFP)

Afghanistan: Nóng quanh chuyện Mỹ cùng NATO rút quân

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức thông báo, nước này sẽ bắt đầu giai đoạn cuối cùng của việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan từ ngày 1/5 và sẽ hoàn thành trước ngày 11/9.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau đó tuyên bố các đồng minh nhất trí phối hợp hành động cùng Mỹ.

Mới đây nhất, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố sẽ tiếp bước Mỹ, chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Afghanistan sau 20 năm đồn trú tại quốc gia Tây Nam Á này.

Nga và Ấn Độ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về các động thái trên. Trong khi Nga cho rằng kế hoạch rút quân này vi phạm một thỏa thuận với Taliban và có thể có dẫn đến leo thang tại quốc gia Nam Á, thì Ấn Độ lo ngại nguy cơ "những kẻ gây rối" sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống quyền lực ở Afghanistan.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu chuyến công du bất ngờ đến Afghanistan để thông báo cho các quan chức nước Tây Nam Á về kế hoạch rút quân. Dự kiến, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng như các quan chức cấp cao của Mỹ tại thủ đô Kabul. (Reuters)

Vấn đề Đài Loan:

Phái đoàn không chính thức Mỹ đến Đài Loan, "chọc giận" Trung Quốc

Ngày 15/4, phái đoàn không chính thức của Mỹ gồm 2 cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage và James Steinberg cùng cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd đã tới Đài Loan và gặp người đứng đầu hòn đảo này, bà Thái Anh Văn.

Theo Kyodo, trong các cuộc gặp, phái đoàn không chính thức của Mỹ đã bật tín hiệu sẵn sàng củng cố quan hệ với Đài Bắc.

Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Dodd cho biết, việc phái đoàn lưỡng đảng này được cử tới theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden có nghĩa là Washington tái khẳng định cam kết "làm sâu sắc sự hợp tác về vô số lợi ích mà chúng tôi cùng quan tâm".

Ông Dodd nêu rõ: "Chúng tôi mong đợi phối hợp với Đài Loan để thúc đẩy những giá trị chung, thịnh vượng và an ninh của chúng tôi".

Chuyến thăm của phái đoàn Mỹ tới Đài Loan từ ngày 14/4 đã "chọc giận" Trung Quốc, vốn coi đây là chuyến thăm chính thức, theo đó mở ra khả năng về việc Bắc Kinh có một số hành động để đối phó với chuyến thăm này.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, nước này phản đối chuyến thăm của phái đoàn này tới Đài Loan.

Ông Triệu nói: "Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc một Trung Quốc và 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, ngừng ngay lập tức bất kỳ hình thức liên lạc chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan, xử lý thận trọng các vấn đề liên quan đến Đài Loan và hạn chế phát đi bất kỳ tín hiệu sai lầm nào đối với lực lượng ly khai 'Đài Loan độc lập' để tránh gây tổn hại thêm cho quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan". (Kyodo, THX)

Thỏa thuận hạt nhân Iran:

Mỹ thông báo nối lại đàm phán gián tiếp với Iran, Tổng thống Rouhani xoa dịu phương Tây

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki thông báo, Mỹ và Iran sẽ thực hiện đàm phán gián tiếp nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015 trong ngày 15/4 tại Vienna, trong bối cảnh Iran tuyên bố làm giàu uranium lên 60% nhằm đáp trả Israel.

Quyết định làm giàu uranium của Iran đã vấp phải quan ngại và phản đối từ các quốc gia phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Mỹ.

Ngày 14/4, trong bài phát biểu được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, việc châu Âu và Mỹ bày tỏ những mối quan ngại rằng, động thái trên "đồng nghĩa với việc chúng ta ngay lập tức có thể nâng mức độ làm giàu uranium lên 90%" là "sai lầm".

Nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh: "Các hoạt động hạt nhân của chúng ta phục vụ mục đích hòa bình; chúng ta không tìm cách có được bom hạt nhân". (Reuters)

Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ra biển:

Hàn Quốc, Trung Quốc tích cực xác minh mức độ an toàn, đánh giá nguy cơ

Ngày 15/4, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tham gia tích cực vào các nỗ lực của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để xác minh sự an toàn của việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ ra biển.

Một quan chức Hàn Quốc nêu rõ: "Sẽ có những phần việc mà chúng tôi cần xem xét kỹ lưỡng và trung tâm của những hoạt động này sẽ là IAEA. Việc chúng tôi tích cực tham gia các nỗ lực do IAEA dẫn đầu để xác minh các kế hoạch xả thải nước nhiễm xạ trong 2 năm là đúng đắn".

Quan chức này cho biết IAEA "tích cực" yêu cầu Hàn Quốc cử các chuyên gia nước này tham gia các nỗ lực xác minh trên.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này sẽ đánh giá những nguy cơ tiềm tàng do việc Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ra biển từ nhà máy điện hạt nhân Fukushina đối với an ninh cũng như buôn bán thực phẩm và nông sản. (Reuters, Yonhap)

Thủ tướng Nhật Bản lên đường thăm Mỹ

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự kiến sẽ rời Tokyo trong tối 15/4 để tới Washington. Đây là chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Suga tới Mỹ và cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo 2 nước kể từ khi ông Suga nhậm chức.

UAE làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan

Ngày 14/4, trong cuộc thảo luận trực tuyến với Viện Hoover của Đại học Stanford, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Washington Yousef Al Otaiba xác nhận, quốc gia vùng Vịnh này đang làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan để giúp các đối thủ vũ trang hạt nhân này đạt được một mối quan hệ "lành mạnh và thiết thực".

Đại sứ Otaiba cho hay, UAE đã đóng một vai trò trong việc giảm leo thang ở khu vực Kashmir và thiết lập một lệnh ngừng bắn, hy vọng cuối cùng dẫn đến việc nối lại cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao và đưa mối quan hệ này trở lại cấp độ lành mạnh.

Ông nói: "Họ có thể không trở thành bạn tốt nhất nhưng ít nhất chúng tôi muốn đưa đến cấp độ mà họ nói sẽ chuyện được với nhau".

Trước đó, truyền thông đưa tin, các quan chức tình báo hàng đầu của Ấn Độ và Pakistan đã tổ chức cuộc đàm phán bí mật tại Dubai vào tháng 1 trong một nỗ lực mới nhằm xoa dịu căng thẳng quân sự ở khu vực tranh chấp Kashmir ở dãy Himalaya. (Reuters)

Mỹ xác nhận sẽ xúc tiến thương vụ bán máy bay chiến đấu F-35 cho UAE

Ngày 14/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ xúc tiến thương vụ bán máy bay chiến đấu F-35 trị giá 23 tỷ USD cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vốn được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng đã bị xem xét lại sau khi ông Biden lên nắm quyền.

Tuy nhiên Washington đang cân nhắc một số điều kiện và sẽ không sớm giao hàng.

Trong tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, nước này dự định sẽ triển khai thương vụ bán máy bay chiến đấu cho UAE, song song với việc xem xét lại các chi tiết, tham vấn các quan chức UAE để đảm bảo hai bên cùng nắm rõ những nghĩa vụ của UAE trước, trong và sau khi giao hàng. Thời hạn bàn giao sẽ là trong vài năm tới. (Defense News)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-154-an-y-cua-my-o-bien-den-ukraine-am-uc-to-cao-bi-nga-cong-khai-de-doa-chien-tranh-va-huy-diet-my-choc-gian-trung-quoc-142395.html