Tin thế giới 14/8: Mỹ 'đâm sau lưng' Thổ Nhĩ Kỳ, đóng băng Hiệp ước với Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói Mỹ 'đâm sau lưng' Ankara; Nga tố Mỹ 'đạo đức giả' trong việc loại bỏ vũ khí hóa học; Mỹ 'đóng băng' thực hiện Hiệp ước Bầu trời mở với Nga; TT Mỹ phê duyệt đạo luật chi tiêu quốc phòng 2019… là những tin thế giới 14/8.

Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Tình hình Syria/Trung Đông

*Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/8 đã lên tiếng chỉ trích Mỹ, cho rằng Washington đang tìm cách “đâm sau lưng” Ankara bằng các biện pháp trừng phạt. Trong một tuyên bố, ông Erdogan nhấn mạnh: "Một mặt, các bạn nói về liên minh chiến lược, còn mặt khác, các bạn đang đâm sau lưng đối tác. Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó".

*Trong một diễn biến khác, truyền thông Trung Đông dẫn tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nêu rõ Ankara đã hoàn tất công tác chuẩn bị để lập thêm các vùng an toàn bên trong lãnh thổ Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hoạt động này thông qua 2 chiến dịch quân sự tại khu vực phía Bắc Syria.

Đọc thêm tình hình chiến sự Syria mới nhất Tại đây.

*Giám đốc Trung tâm hòa giải các bên tham chiến ở Syria, Thiếu tướng Alexei Tsygankov cho biết Quân đội Nga bắn hạ 5 máy bay không người lái (UAV) của quân khủng bố tiếp cận gần căn cứ không quân Hmeymim.

Theo tướng Tsygankov, chiếc UAV đã bị bắn rơi ở khoảng cách xa với căn cứ không quân Hmeymim, do đó, vụ việc không gây ảnh hưởng cũng như thương vong cho lực lượng quân sự đang làm việc tại căn cứ không quân này.

*Giữa lúc căng thẳng với Mỹ không ngừng gia tăng, hôm 13/8, Iran đã cho ra mắt tên lửa đạn đạo tầm ngắn nội địa Fateh, có khả năng tránh né mọi hệ thống radar và tấn công mục tiêu vô cùng chính xác. Tên lửa mới của Iran mang tên Fateh (Người chinh phục) có tầm bắn từ 300 – 500 km.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un, Tổng thống Hàn Quốc Moon

Châu Á-Thái Bình Dương

*Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời giới phân tích cho hay, hoạt động phô trương sức mạnh của hải quân Trung Quốc hoàn toàn nằm trong chiến lược tăng cường khả năng linh hoạt và thực chiến cho các binh sĩ.

*Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, ngày 14/8 trong cuộc hội đàm với Tướng Christopher Deverell, Tư lệnh Bộ chỉ huy liên quân Quân đội Hoàng gia Anh đang ở thăm Seoul, Thứ trưởng Quốc phòng nước này Suh Choo-suk đã kêu gọi London ủng hộ các nỗ lực của Seoul nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Tướng Deverell đã cam kết sẽ có những nỗ lực tích cực để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập cơ chế hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

*Mạng Zee News đưa tin, ngày 13/8, giới chức Ấn Độ đã yêu cầu các lực lượng an ninh nước này tăng cường cảnh giác dọc các đường biên giới quốc tế với Bangladesh và Myanmar trước thềm Ngày Độc lập (15/8).

Theo ông Sreejesh, sĩ quan cảnh sát cấp cao của bang Tripura, cho hay an ninh đã được tăng cường tại tất cả các điểm ra vào ở Tripura với nhiều máy quay giám sát được lắp đặt. Trong khi đó, tại Aizawl - thủ phủ bang Mizoram, các binh sĩ đã được đặt trong tình trạng báo động cao do khu vực biên giới Ấn Độ và Myanmar không có hàng rào kiểm soát.

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Trump

Châu Âu, Quan hệ Nga – Mỹ

*Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành Đạo luật Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 tại căn cứ quân sự Fort Drum, bang New York.

NDAA quy định về các khoản chi tiêu cho Bộ Quốc phòng, trong đó có khoản 6,3 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Châu Âu (EDI). Bên cạnh đó, đạo luật trên cũng sẽ buộc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phải đệ trình một kế hoạch lên Quốc hội về việc ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu máy bay chiến đấu F-35, nếu Ankara mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.

*Trong khi đó, Mỹ đóng băng hợp tác với Nga trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở cho đến khi Moscow tuân thủ Hiệp ước này. Điều này được ghi trong đạo luật ngân sách quốc phòng 2019, vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành.

*Ngày 13/8, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích Mỹ vì nghi ngờ cam kết của Moscow trong vấn đề loại bỏ vũ khí hóa học, sau khi Washington công bố các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal.

Trong một tuyên bố, Bộ trên nhấn mạnh: “Mỹ muốn phớt lờ sự thật rằng chương trình hủy bỏ vũ khí hóa học của Nga, vốn được hoàn tất hồi năm ngoái, được thực hiện dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cộng đồng quốc tế và hoàn toàn tuân thủ Công ước về Vũ khí Hóa học (CWC)”.

Bộ Ngoại giao Nga coi những cáo buộc “vô căn cứ” của Mỹ là âm mưu khác nhằm mô tả Nga như một quốc gia vô trách nhiệm trên trường quốc tế. Theo Bộ trên, những lời cáo buộc này “vô cùng đạo đức giả” khi Mỹ không hề nhanh chóng phá hủy kho vũ khí hóa học của mình. Hiện Mỹ là nước thành viên CWC duy nhất sở hữu kho vũ khí hóa học đáng kể.

*Ngày 13/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này sẽ tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với Nga.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Cavusoglu cũng bày tỏ mong muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Theo ông Cavusoglu, mặc dù Ankara muốn bình thường hóa quan hệ với Washington, nhưng những áp lực từ phía Washington lên Thổ Nhĩ Kỳ là không thể chấp nhận được và sẽ không mang lại kết quả gì.

*Ngày 13/8, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “theo dõi chặt chẽ” tình hình tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đồng lira của nước này sụt giảm mạnh trong những ngày qua.

Trả lời kênh MSNBC, ông Hassett cho rằng việc Tổng thống Trump quyết định tăng gấp đôi mức thuế nhằm vào mặt hàng thép của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ảnh hưởng đến “một phần rất nhỏ” GDP của nước này. Chính vì vậy, việc đồng lira giảm đến 40% là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ về cơ bản đang gặp rất nhiều vấn đề.

Trí Đức (tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tin-the-gioi-148-my-dam-sau-lung-tho-nhi-ky-dong-bang-hiep-uoc-voi-nga-post271565.info