Tin thế giới 12/1: Ông Trump tìm được đối tượng đổ lỗi; Hé lộ nội dung cuộc gặp Trump-Pence; Trung Quốc lên tiếng về hành động của Mỹ với Cuba

Hậu bạo loạn ở Mỹ, lễ nhậm chức của ông Biden, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc, tình hình Trung Đông, vụ Iran bắt giữ tàu Hàn Quốc, thỏa thuận hạt nhân Iran.... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Chỉ còn 9 ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và phó tướng Kamala Harris, Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã hứa 'sẽ tiếp tục công việc đại diện đất nước trong phần còn lại của nhiệm kỳ'. (Nguồn: Getty Images)

Chỉ còn 9 ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và phó tướng Kamala Harris, Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã hứa 'sẽ tiếp tục công việc đại diện đất nước trong phần còn lại của nhiệm kỳ'. (Nguồn: Getty Images)

Bạo loạn ở Đồi Capitol

Ông Trump đổ lỗi cho 'Antifa' về vụ bạo loạn

Theo trang tin Axios, sáng 11/1, trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 30 phút với lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã cáo buộc phong trào Antifa là thủ phạm gây ra vụ bạo loạn tại Đồi Capitol hôm 6/1, mặc dù nhiều tài liệu và video cho thấy những người ủng hộ ông Trump chiếm đa số đám đông gây rối.

Trong khi đó, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy cho hay, Tổng thống Donald Trump đã "thừa nhận một số trách nhiệm" về cuộc tấn công.

Theo ông McCarthy, trong cuộc điện đàm với Tổng thống đương nhiệm, ông đã kêu gọi ông Trump gọi điện cho Tổng thống đắc cử Joe Biden “vì lợi ích quốc gia”. (Reuters)

Tổng thống Trump không có ý định từ chức

Ngày 11/1, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã gặp nhau vào tối cùng ngày tại Phòng Bầu dục. Đây là cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai ông kể từ vụ bạo loạn ở Đồi Capitol hồi tuần trước.

Người này khẳng định, ông Trump không có ý định từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1 và Phó Tổng thống Mike Pence không có ý định viện dẫn Tu chính án 25 của Hiến pháp để phế truất ông Trump như đòi hỏi của phe Dân chủ.

Ngoài ra, vị quan chức này cũng lưu ý, hai ông "tái khẳng định những người vi phạm pháp luật và xông vào Đồi Capitol tuần trước không đại diện cho phong trào 'nước Mỹ trên hết' vốn được 75 triệu người Mỹ ủng hộ", đồng thời "cam kết sẽ tiếp tục công việc đại diện đất nước trong phần còn lại của nhiệm kỳ". (AFP)

Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ

Hé lộ chủ đề lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden

Ngày 11/1, Ủy ban nhậm chức Tổng thống đã công bố chủ đề lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1 tới sẽ là “Nước Mỹ thống nhất”.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Ủy ban Tony Allen cho biết: “Lễ nhậm chức này sẽ đánh dấu một chương mới đối với người dân Mỹ về sự hàn gắn, sự thống nhất, sự xích lại gần nhau của một nước Mỹ đoàn kết”.

Ông Tony Allen cũng nhấn mạnh: “Đã đến lúc lật sang trang mới và vượt qua sự chia rẽ hiện nay. Các hoạt động khai mạc sẽ phản ánh các giá trị chung và là lời nhắc nhở rằng nước Mỹ sẽ cùng nhau bền chặt hơn là rời xa". (ANI)

Mỹ mời Nga đến dự lễ nhậm chức của ông Biden

Sputnik dẫn lời Đại sứ quán Nga tại Washington thông báo, Mỹ đã mời Nga tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

Đại diện Đại sứ quán Nga cho hay: “Chúng tôi đã nhận được lời mời và đang lên kế hoạch cho việc tham dự sự kiện này ở cấp đại sứ”. (Sputnik)

Thủ tướng Israel gỡ ảnh chụp chung với Tổng thống Trump trên tài khoản Twitter

Ngày 12/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gỡ ảnh bìa chụp chung với Tổng thống Trump khỏi tài khoản mạng xã hội Twitter và thay bằng bức ảnh chụp ông đang tiêm vaccine ngừa Covid-19 cùng khẩu hiệu của chiến dịch tiêm chủng ở Israel: "Các công dân Israel, chúng ta đang trở lại sống bình thường".

Bức ảnh chụp ông Netanyahu ngồi cạnh ông Trump trong một cuộc gặp ở Nhà Trắng từ lâu đã được đặt ở vị trí trang trọng trên tài khoản chính thức @netanyahu, một minh chứng cho quan hệ thân thiết giữa nhà lãnh đạo bảo thủ Israel với Tổng thống Mỹ đương nhiệm của đảng Cộng hòa cũng như tính đại chúng của ông Trump tại quốc gia Do Thái. (Reuters)

Trung Quốc rút 10.000 quân ở biên giới tranh chấp, Ấn Độ mong muốn đàm phán

Ngày 11/1, Hindustan Times dẫn các nguồn thạo tin trong chính quyền Ấn Độ cho hay, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã rút ít nhất 10.000 binh sĩ khỏi một số khu vực ở Ladakh về các vị trí hậu phương.

Tuy nhiên, một quan chức khẳng định, bất chấp động thái này, việc triển khai của PLA ở tiền tuyến vẫn không thay đổi. Một quan chức khác nhận định, biện pháp này dường như liên quan đến điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong khu vực.

Trong khi đó, Tư lệnh lục quân Ấn Độ, Tướng Manoj Mukund Naravane bày tỏ mong muốn tổ chức đàm phán nhằm tiến tới một giải pháp hòa giải cho cuộc khủng hoảng biên giới với Trung Quốc, vốn leo thang trong suốt năm vừa qua sau vụ đụng độ khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. (Hindustan Times, Reuters)

Trung Quốc phản đối Mỹ đưa Cuba trở lại danh sách “tài trợ khủng bố”

Ngày 11/1, chính quyền của Tổng thống Trump đã tuyên bố đưa Cuba trở lại danh sách đen "các quốc gia tài trợ khủng bố" sau khi cựu Tổng thống Barack Obama rút Havana ra khỏi danh sách này hồi năm 2015.

Ngày 12/1, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Trung Quốc "kiên quyết phản đối việc Mỹ gây áp lực chính trị và trừng phạt kinh tế đối với Cuba với cái cớ chống khủng bố".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh, chiến lược bình thường hóa quan hệ song phương giữa Mỹ và Cuba là lợi ích cốt lõi của cả hai nước và góp phần vào sự ổn định của khu vực Mỹ Latin. (Sputnik)

Iran chỉ trích hành động can dự vào vụ bắt giữ tàu Hàn Quốc

Ngày 11/1, Mỹ và Pháp đã kêu gọi Iran thả tàu chở dầu của Hàn Quốc mà Tehran bắt giữ tại eo biển Hormuz, cho rằng vụ bắt giữ “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Phản ứng lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh: “Chúng tôi liên tục nhắc nhở các bên can dự, dù là Mỹ hay Pháp, rằng vụ việc này không liên quan gì đến họ và họ không thể giúp giải quyết một vấn đề kỹ thuật nếu chính trị hóa nó”.

Trước đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun đã gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn lời ông Zarif tại cuộc gặp khẳng định “những hạn chế” đối với các khoản tiền của Iran là “rào cản lớn nhất” đối với quan hệ giữa Tehran và Seoul trong tình hình hiện nay.

Ngoại trưởng Iran kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc “triển khai những biện pháp cần thiết” nhằm xóa bỏ tình trạng đóng băng các khoản tiền này sớm nhất có thể. (AFP)

EU ủng hộ Mỹ trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 11/1, Ủy viên phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ncho biết, Liên minh này hoan nghênh những tuyên bố tích cực của Tổng thống đắc cử Biden về thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và "mong muốn làm việc với chính quyền sắp tới của Mỹ”.

Ông Borrell cũng khẳng định, EU ủng hộ “ngoại giao tập trung với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc Mỹ quay lại JCPOA và Iran trở lại thực thi đầy đủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân này".

Liên quan việc Iran làm giàu uranium tới 20%, cùng ngày, EU cũng ra tuyên bố nêu rõ Tehran phải thu hồi quyết định làm giàu uranium ở các cấp độ cao hơn và tạo cơ hội để cứu vãn JCPOA.

EU cũng khẳng định, động thái của Iran là một "diễn biến rất nghiêm trọng và là vấn đề gây quan ngại sâu sắc", "gây nguy hiểm cho các nỗ lực mang tính xây dựng dựa trên quá trình ngoại giao sẵn có". (Reuters)

Nghị viện châu Âu bắt đầu đánh giá thỏa thuận thương mại với Anh

Ngày 11/1, Nghị viện châu Âu (EP) đã bắt đầu tiến trình xem xét về thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh được ký hôm 24/12/2020.

EP cam kết sẽ thực hiện công việc một cách kỹ lưỡng, dự kiến kéo dài trong 2 tháng, dù gần như chắc chắn thỏa thuận sẽ được thông qua.

Nhiều ủy ban của EP, trong đó có các ủy ban về thủy sản và vận tải, từ ngày 11/1 đã bắt đầu tiến trình thảo luận về thỏa thuận. Họ phải thông báo ý kiến chính thức cho các ủy ban chủ chốt là thương mại và đối ngoại vào trước ngày 1/2 rằng thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh vẫn tốt hơn một phương án thay thế gây thiệt hại. (European Paliarment)

Các thỏa thuận bình thường hóa ở Trung Đông

Israel-Morocco sắp mở lại các văn phòng liên lạc

Ngày 11/1, một quan chức Bộ Ngoại giao Israel tiết lộ, nước này đã lựa chọn ông David Govrin, cựu Đại sứ Israel tại Ai Cập nhiệm kỳ 2016-2020, làm Đại biện lâm thời của Israel tại Rabat và chính thức nhận trách nhiệm trong “vài ngày tới”.

Trong khi đó, Morocco cũng đã cử một phái đoàn kỹ thuật tới Israel 2 tuần trước nhằm mục đích đặt nền móng cho kế hoạch mở lại văn phòng này liên lạc tại Israel.

Morocco quyết định đóng cửa văn phòng liên lạc tại Tel Aviv hồi năm 2000, thời điểm bắt đầu xảy ra phong trào nổi dậy Intifada lần thứ 2. (aawsat)

Thủ tướng Israel dự kiến thăm UAE, Bahrain

Ngày 11/1, Thủ tướng Netanyahu thông báo kế hoạch tới thăm UAE và Bahrain sớm nhất có thể sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba hiện nay kết thúc, có khả năng vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2/2021.

Đây là thời điểm phù hợp để ông Benjamin Netanyahu thực hiện chuyến thăm tới hai quốc gia đầu tiên tham gia Thỏa thuận Abraham, trước khi Israel tổ chức bầu cử ngày 13/3. (Jerusalem Post)

Thổ Nhĩ Kỳ-EU

Thổ Nhĩ Kỳ muốn cải thiện quan hệ với EU trong lĩnh vực di cư và thuế quan

Politico đưa tin, mới đây, trong một động thái nhằm đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoganđã kêu gọi xây dựng lại “sự tin tưởng lẫn nhau” và Ankara muốn “chuyển sang trang mới" trong quan hệ với EU trong Năm mới.

Tuyên bố dẫn lời ông Erdogan nhấn mạnh, “năm 2021 sẽ mang lại một bầu không khí hợp tác hiệu quả mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, đặc biệt là trong lĩnh vực di cư”, ngụ ý rằng, thỏa thuận di cư song phương ký năm 2016 - nhằm kiểm soát tình trạng vượt biên của những người tị nạn và di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp - có thể được cập nhật.

Tổng thống Erdogan cũng cho rằng: “Liên minh thuế quan nên được nâng cấp, tự do hóa thị thực cần được áp dụng cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ và cần thực hiện các bước liên quan đến đàm phán tư cách thành viên”. (Politico)

Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận thời gian và địa điểm đàm phán với Hy Lạp

Ngày 11/1, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, Ankara và Athens sẽ nối lại tiến trình đàm phán về biên giới và tranh chấp quyền khai thác khí đốt tự nhiên ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

Tuyên bố trên được đưa ra vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngỏ ý mời Hy Lạp tham gia đàm phán nhằm mục đích giải quyết tranh chấp dai dẳng về các nguồn dự trữ năng lượng ở khu vực này.

Theo đó, vòng đàm phán thăm dò lần thứ 61 sẽ diễn ra ở thành phố Istanbul vào ngày 25/1/2021. (AFP)

Armenia-Azerbaijan

Tổng thống Nga chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Armenia và Azerbaijan

Ngày 11/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp đầu tiên với các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở khu vực Nagorno-Karabakh, trong một nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề có nguy cơ phá hoại thỏa thuận chấm dứt xung đột.

Trong cuộc gặp ba bên tại thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev cùng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký một tuyên bố chung về việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mới tại khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.

Các bên cũng nhất trí thành lập nhóm làm việc ba bên nhằm giám sát việc thực hiện các dự án này. (Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-121-ong-trump-tim-duoc-doi-tuong-do-loi-he-lo-noi-dung-cuoc-gap-trump-pence-trung-quoc-len-tieng-ve-hanh-dong-cua-my-voi-cuba-133758.html