Tin Tây Nguyên: Đưa mắc ca thành cây trồng thế mạnh ở Lâm Đồng

Phát triển mắc ca như một cây công nghiệp lâu năm, quy mô lớn ở Lâm Đồng, khoảng 1.000 ha.

Thực tế, cây mắc ca ở Đam Rông (Lâm Đồng) không phải là cây trồng mới, nhưng hướng phát triển và coi mắc ca như một cây công nghiệp lâu năm được trồng quy mô lớn, đã được đặt ra khoảng 2 năm trở lại đây.

Anh Phan Văn Hội hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca cho bà con DTTS

Anh Phan Văn Hội hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca cho bà con DTTS

Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 ở tiểu vùng Phi Liêng, Đạ K’Nàng, ngoài diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, còn phát triển thêm mắc ca, trồng thuần hoặc trồng xen, với diện tích khoảng 1.000 ha.

Hiện, theo thống kê của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông, diện tích mắc ca trên địa bàn toàn huyện khoảng 600 ha, riêng khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng chiếm 550 ha, trong đó có khoảng 30 ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 45 tấn.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Đam Rông đã trồng mới hơn 110 ha.

Ông Nguyễn Văn Sáng - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện, cho biết, từ nay đến hết năm 2020, Trung tâm sẽ hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật cho người dân khoảng 50 ha.

Loại cây lâm nghiệp này hiện đang được đánh giá là đem lại hiệu quả kinh tế cao, vào giai đoạn kinh doanh từ năm thứ 7 có thể cho giá trị khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha.

Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 cơ sở thu mua và chế biến hạt mắc ca, nhưng mới dừng lại ở sản phẩm sấy khô đóng gói.

“Cây mắc ca cũng phù hợp phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi nó không đòi hỏi nhiều kỹ thuật mà chất lượng hạt vẫn đạt yêu cầu, dễ chăm sóc, phù hợp với trình độ canh tác của bà con” - ông Sáng cho biết thêm.

Là một trong những người đầu tiên đưa cây mắc ca về bén rễ tại thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng, ông Nguyễn Văn Lương nay mạnh dạn thay thế diện tích cà phê già cỗi, đưa vào trồng thuần toàn bộ 5 ha mắc ca.

Với kinh nghiệm gần 10 năm, cộng với việc tìm tòi, thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác nhau, ông Lương cho rằng, mắc ca là cây cho giá trị cao gấp nhiều lần các loại cây công nghiệp khác. Trong khi đó, quá trình trồng, chăm sóc đơn giản, chi phí đầu tư không nhiều, thu hoạch cũng không tốn nhiều nhân công.

Tương tự, anh Phan Văn Hội (thôn Trung Tâm, xã Phi Liêng) hiện đã trồng 4 ha, trong đó có 1,5 ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Theo anh Hội, lợi thế của cây mắc ca ở Đam Rông là có thể cho thu hoạch 1 năm 2 vụ, năng suất đạt từ 15 - 20 kg/cây.

Cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phát triển nhanh và chất lượng cũng đạt rất cao. Ngoài trồng, anh Hội còn có cơ sở thu mua và chế biến mắc ca.

Tuy nhiên, cơ sở chế biến hiện nay vẫn đang sử dụng phương pháp thủ công, dẫn đến việc sản phẩm đưa ra thị trường tuy chất lượng được đánh giá khá cao, hạt to đều, nhưng vẫn còn thiếu sự “bắt mắt”.

Ước tính năm nay, anh Hội bán ra thị trường 5 tấn hạt tươi, và khoảng 3 tấn sản phẩm đã qua chế biến, tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, sản lượng mắc ca tại khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng sẽ tăng lên đáng kể. Việc nắm bắt, tìm hiểu thị trường giúp anh Hội hiểu được những giai đoạn thăng trầm, khó khăn mà cây mắc ca tại các địa phương khác ở Lâm Đồng mắc phải như Lâm Hà, Đức Trọng… Nhưng anh cũng xác định, đây là bài toán chỉ cá nhân anh thì rất khó để tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết, việc phát triển mắc ca trên địa bàn đang có những tín hiệu hết sức lạc quan. Vì vậy, việc đưa cây mắc ca trồng xen trong cà phê, sẽ mở ra hướng phát triển bền vững, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường.

Ngoài việc mở rộng diện tích, trong tương lai, còn có thể đa dạng các sản phẩm chế biến từ hạt và nhân mắc ca như: sữa, tinh dầu, mỹ phẩm… để tăng giá trị hạt mắc ca. Khó khăn nhất hiện nay được xác định là việc tìm thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, từ đó thu hút đầu tư của các doanh nghiệp.

Trong tương lai, phải gắn phát triển nông nghiệp với chế biến các mặt hàng nông sản, mở rộng liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp, để hình thành chuỗi giá trị nông sản, xây dựng vùng sản xuất tập trung, tiến đến xây dựng thương hiệu cho cây mắc ca.

Gia Lai: Yêu cầu người dân ngừng việc khai thác gỗ hương trong vườn

Sáng 19/8, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku (Gia Lai) cho biết, UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo UBND xã Gào làm việc với ông Rchâm Bor (trú tại làng D, xã Gào) và yêu cầu ông này ngừng ngay việc khai thác gỗ hương trong vườn.

Gốc hương bị đốn hạ nhưng chưa vận chuyển ra khỏi vườn. ảnh: Văn Ngọc

Trước đó, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 18-8, qua nguồn tin của báo chí phản ánh tại khu vực vườn nhà ông Bor có việc khai thác cây hương, UBND xã Gào đã kiểm tra thực tế.

Qua đó xác định, trong vườn điều của ông Bor có 4 cây gỗ hương đã bị đốn hạ và vận chuyển ra khỏi vườn; 2 cây đã bị chặt, nhưng chưa vận chuyển khỏi vườn. Hiện trong vườn còn 13 cây gỗ hương có đường kính trung bình 40 cm.

Vị trí khai thác gỗ hương thuộc đất rẫy trồng điều đã hơn 20 năm, không thuộc đất rừng và đất lâm nghiệp. Qua làm việc, ông Bor cho biết đây là số cây gỗ hương do gia đình trồng. Gia đình ông khai thác một số cây để làm vật dụng trong nhà.

Tại buổi làm việc, UBND xã Gào đã yêu cầu ông Bor ngừng việc khai thác số cây gỗ hương còn lại nhằm bảo tồn nguồn gen các cây gỗ rừng quý hiếm. Đồng thời, UBND xã giao cho gia đình ông Bor bảo quản 2 cây gỗ hương đã chặt hạ, và cam kết không mua bán 2 cây gỗ hương trên.

Đơn Dương: Làm kinh tế từ trồng cây lấy lá

Giữa vùng hồng D’Ran Đơn Dương, có một nông hộ chuyên cung cấp cây lấy lá làm phụ kiện trang trí, cắm bông, từ những cây: tùng đuôi chồn, tùng nho, dương xỉ, đảm bảo nguồn thu ổn định cho gia đình.

Ông Thái Văn Bình trong vườn dương xỉ

Thăm hộ gia đình ông Thái Văn Bình, thôn Hòa Bình, thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, mới khâm phục bàn tay cần cù của người nông dân. Ông Bình giới thiệu, ông có 6 sào nhà kính chuyên trồng các loại cây lấy lá phục vụ các vựa hoa dưới T.p Hồ Chí Minh.

Các loại lá như tùng đuôi chồn, tùng nho, dương xỉ, lá chanh, bạch đàn guini được chăm sóc trong nhà kính và tưới phun sương tự động, mang lại cho gia đình thu nhập ổn định nhiều năm nay.

Ông Bình cho biết, năm 2008, ông tìm hướng đổi mới vườn cây bằng cách làm nhà kính, trồng thử nghiệm lá kiểng để trang trí bó bông, chậu bông.

Ông cho biết, với giá giống khoảng 20 ngàn/gốc tùng đuôi chồn, 40 ngàn/gốc tùng nho, 8 ngàn/gốc dương xỉ, cộng cả phân bón, một sào chi phí đầu tư khoảng 100 triệu.

Vừa gầy giống, vừa tìm mối thu mua, sau 2 năm ông Bình mới tìm được vựa hoa chấp nhận lấy hàng ổn định. Vừa làm vừa mở rộng diện tích, từ 1 sào ban đầu, hiện ông đã có 6 sào chuyên trồng lá trang trí cung cấp cho thị trường.

Ông Bình đánh giá, trồng lá cảnh không khó. Như nhà ông chủ yếu canh tác dương xỉ, tùng các loại qua nhiều năm, cây lấy lá thường rất ít bệnh tật.

Thời gian thu hoạch khá lâu 4-5 năm mới phải thay cây mẹ. Quan trọng là khi canh tác, cần cung cấp dưỡng chất một cách bền lâu, đất yêu cầu tơi xốp. Vì vậy, khi làm đất xuống giống, ông sử dụng lượng lớn phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ làm phân bón lót.

Cây lấy lá hợp đất xốp, hợp phân hữu cơ và gần như không phải sử dụng phân hóa học, cũng như các loại thuốc BVTV. Hệ thống nước tưới được lắp ống, kéo từ thác Hòa Bình về tận vườn, sử dụng van để chia các khu tưới riêng. Cây lấy lá yêu cầu nhà kính mái kín, nhà lưới không đảm bảo vì gặp trời mưa nhiều, cây sẽ hư lá, năng suất rất thấp.

Hiện, ông Bình đang thu hoạch các loại lá với giá 20 ngàn đồng/bó dương xỉ 20 cây, 5 ngàn đồng/cành tùng nho, 3 ngàn đồng/cành tùng đuôi chồn.

Ông Bình cho biết thêm, đây là “giá chết” theo hợp đồng, không thay đổi theo giá thị trường bên ngoài.

Ông chia sẻ: “Trồng cây lấy lá, thực ra không thu nhập cao bằng trồng hoa, nhất là gặp các ngày lễ. Nhưng trồng cây lấy lá rất ổn định, trồng theo hợp đồng, giá có trước nên sản xuất bao nhiêu tôi biết là thu hoạch được chừng nào tiền. Trồng cây lấy lá ít sử dụng phân hóa học, không thuốc bệnh nên khỏe cho nông dân”.

Ông Thái Văn Bình chia sẻ, trồng cây lấy lá không khó, đầu tư vừa phải, chăm sóc nhàn, thu nhập ổn định nhưng cũng đòi hỏi một số điều kiện như diện tích đất phải rộng, đủ để trồng gối đầu.

Vì cây phát triển khá chậm, như dương xỉ trồng 1 năm mới có lá thu hoạch. Vì vậy, khi cây gần tàn, năng suất thấp, phải có đất để trồng thế lứa mới, không được đứt nguồn hàng.

Khác với hoa, số lượng vựa thu lá kiểng cũng ít, chủ yếu là thu sỉ sau đó bỏ lẻ cho các shop hoa khác nên phải đảm bảo lượng cung lá lớn, hàng trăm bó/lần cắt.

Nếu diện tích đất nhỏ quá, thì khó đảm bảo nguồn cung đều đặn. Tìm được đầu ra ổn định và đáp ứng đúng hợp đồng là yếu tố quan trọng nhất để trồng cây lấy lá.

Bà Phạm Thị Bích Tới, khuyến nông viên thị trấn D’Ran nhận xét, hộ ông Thái Văn Bình làm ăn giỏi, có nhiều ý tưởng sáng tạo, rất dễ áp dụng cho nông dân xung quanh.

Diện tích trồng cây lấy lá của ông Bình cũng là mô hình sản xuất hiệu quả, trồng nông sản theo hợp đồng ổn định, góp phần giúp nông dân địa phương tìm hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

An Như (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-tay-nguyen-dua-mac-ca-thanh-cay-trong-the-manh-o-lam-dong-post37276.html