Tin ở du lịch mới

Cuộc sống sẽ luôn có lời giải cho những 'bài toán' thách thức. Đại dịch COVID-19 đã tạo ra muôn vàn khó khăn cho con người nhưng có lẽ, thách thức khó vượt qua nhất của loài người lại từ những đôi chân. Bởi, đi là một nhu cầu thiết yếu, đi để thấu hiểu và chia sẻ. Đi, cũng không chỉ để thăm thú, 'đổi gió', học hỏi, đi còn để hiểu chính mình.

Còn nhớ, cách đây một năm, đã có một đoạn phim mở màn du lịch Việt Nam năm 2021 với tên gọi: “Việt Nam: Đi Để Yêu!” . Ở thời điểm ấy, chúng ta bắt đầu chuyển hướng kích cầu du lịch nội địa nhằm khắc phục tình trạng “đóng băng” của các tour du lịch quốc tế. Nhưng, giờ đây du lịch nội địa không chỉ là giải pháp tình thế nữa. Biết đâu nó chính là mảnh đất màu mỡ mà chúng ta từng bỏ quên?

Tôi còn nhớ, trong truyện ngắn “Bến quê”, nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: "Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình". Cũng như không ít người trong số chúng ta, vào những ngày tuân thủ quy định giãn cách và chủ động ở nhà phòng dịch đã thấm thía cảm giác thèm được đi đến những điểm trên chính quê hương mình, rất gần nơi mình sống. Nếu chỉ vội vã, hăm hở đến với nền văn hóa khác, không gian sống khác khi chưa thật hiểu mảnh đất mà mình sinh ra, “bầu không khí” văn hóa mà mình đang sống thì sẽ mãi chới với và nông nổi.

Trải nghiệm du lịch chậm, làm nông nghiệp tại làng rau Thanh Đông (Quảng Nam).

Dường như, nguồn cảm hứng du lịch để khám phá chính mình không chỉ còn là mong muốn riêng của mỗi người.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nói: “Ðến Quảng Nam không chỉ có Hội An, Mỹ Sơn, các bờ biển đẹp…, chúng tôi còn muốn đưa du khách tới các điểm du lịch sinh thái, cùng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm tái chế…”. Nếu bạn đến xứ Quảng để “hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm tái chế” thì đó không còn là một tour xả hơi đơn thuần. Bạn đang thực sự được sống với một thực tại khác. Một thực tại xanh mà du lịch đang mở ra cho chúng ta”.

Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thêm một lần nữa, vấn đề giữ gìn các di sản văn hóa (nói riêng) lại được nhấn mạnh. Qua thực tế chúng ta càng thấm thía, chỉ có phát huy giá trị văn hóa mới là hướng đi hiệu quả nhất để bảo tồn di sản.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: "Bảo tồn động" di sản văn hóa tức là cho di sản "sống" cùng đời sống xã hội, đặc biệt là gắn di sản với hoạt động kinh tế du lịch. Hoạt động này nhằm tận dụng và phát huy tốt nhất các sức mạnh nội và ngoại lực của các di sản văn hóa; đem lại những lợi ích khác nhau cho các đối tượng công chúng trong vai trò của du khách tham gia hoạt động trong môi trường di sản, cũng như cho cộng đồng và tổ chức quản lý di sản”. Rõ ràng, thị hiếu du lịch của khách hàng hôm nay không còn dừng ở nhu cầu thưởng lãm như một khách thể. Người đi du lịch cần được trải nghiệm, thấu hiểu giá trị của di sản để có ý thức tự nguyện bảo vệ giá trị văn hóa đó, phải hiểu mới tự hào và thấy quý giá…

Thiết nghĩ, du lịch trong xu thế mới đâu chỉ có du lịch xanh ở những người trẻ; chuyện những người khách được thu gom rác thải, được trồng cây xanh... mà còn hướng đến các đối tượng khác. Khái niệm “du lịch chậm” đã được biết đến với nội hàm “những chuyến tham quan, trải nghiệm thong thả, thiên về nghỉ dưỡng dành cho những người ở độ tuổi từ 60 trở lên”. Người già, người trung niên có thể trải nghiệm những gì trước đây do bận rộn kiếm sống, tích lũy, học tập… ít có cơ hội tìm hiểu. Người viết từng nhớ đến kỉ niệm về một anh bạn từng đưa cả gia đình lên Điện Biên du lịch chậm để cảm nhận về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ một thời. Anh nói rằng, nhờ thế mà các con anh nắm được kiến thức lịch sử khá vững, thay vì vò đầu bứt tai trong các lớp luyện thi lịch sử…

Trải nghiệm du lịch chậm, làm nông nghiệp tại làng rau Thanh Đông (Quảng Nam).

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch cũng như nhiều lĩnh vực khác. Nhưng, ở một góc độ nào đó, nó lại giúp chúng ta vượt qua được “FOMO - Fear of Missing Out” (Hội chứng sợ bỏ lỡ) - một hiện tượng thường thấy. Chúng ta từng đi du lịch theo kiểu chạy sô. Chúng ta phải bỏ ra những ngày nghỉ và tiền bạc, thành quả thu về là một serics ảnh tạp nham, hiểu biết hời hợt.

Nói về điều này, tác giả Lý Nam chia sẻ: “Bạn cũng sẽ khám phá ra nhiều niềm vui mà không tốn nhiều tiền. Chẳng hạn như những nhà hàng mà dân địa phương thường lui tới, nơi bạn có thể ăn một bữa ngon với ít tiền hơn. Hay một khung cảnh đẹp, không đông đúc, lại miễn phí mà họ thường không chia sẻ thông tin với du khách. Bạn lưu trú lại lâu hơn cũng thường được giảm giá và ưu đãi nhiều hơn. Các bảo tàng, điểm tham quan cũng có thể cung cấp vé vào cửa miễn phí hoặc giảm giá vào khung giờ thấp điểm; vì vậy khi không vội vàng, bạn có thể tính toán tốt hơn cho việc chi tiêu trong chuyến đi”. Từ những vấn đề nêu trên, người viết tự rút ra những suy nghĩ cho bản thân mình:

Sống chậm là một trong những triết lí được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội nhưng liệu chúng ta có dám sống chậm với nghĩa là suy ngẫm, phản tỉnh là nhìn nhận lại những thói quen của mình thì lại là câu chuyện khác. Ở một phương diện nào đó, “du lịch chậm” chính là sự đánh thức những giá trị nhân văn trong bản thân mình. Bạn đã thực sự giàu có về hiểu biết, phong phú về tâm hồn chưa? Có lẽ đó mới là tiêu chí đánh giá và xếp hạng trên bảng giá trị sống của con người ngày hôm nay.

Du lịch sẽ không còn là sứ mệnh của một ngành, không còn là việc chúng ta phó mặc cho những tour cố định. Sau đại dịch COVID-19, xu hướng “du lịch không tiếp xúc” cũng đang là cơ hội cho các hãng kinh doanh. Để nắm bắt cơ hội, cần có nền tảng công nghệ đồng bộ, giám sát và quản lý thích hợp, đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Hay nói đúng hơn, du lịch sẽ được hưởng thành quả từ chuyển đổi số. Tác giả Việt Anh nhận định: “Du lịch không tiếp xúc “lên ngôi” trong đại dịch đã tiếp tục chứng minh chuyển đổi số chính là tương lai của du lịch. Muốn bắt kịp xu hướng và không đánh mất lợi thế cạnh tranh du lịch, các doanh nghiệp cần có sự quan tâm đúng mức và đầu tư thích đáng cho công nghệ”. Du lịch cần số hóa chứ không chỉ cần sự đơn giản, tự nhiên của cảnh vật, nhà cửa.

Du lịch mới sẽ là cơ hội để đón đầu xu thế. Chính sự tác động từ đại dịch đã thúc đẩy nhận thức của khách hàng, họ tự “chọn món”, họ sẽ cất lên tiếng nói cho du lịch thay vì thụ động đón nhận những sản phẩm mà chúng ta cung cấp. Một sự đổi vai mau lẹ sẽ phần nào giúp ngành công nghiệp không khói hồi sinh.

Du lịch mới sẽ là xu hướng của không chỉ Việt Nam. Đi và cảm nhận sẽ nói lên con người chưa bao giờ thất bại trước bất kì thử thách nào trong lịch sử của nhân loại. Phải chăng, mỗi chúng ta hãy cùng nghĩ về du lịch, sáng tạo ra những phương thức mới để Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn cả với những chủ nhân của mảnh đất này…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tin-o-du-lich-moi-i646416/