Tin nóng thế giới hôm nay - 4/1

Trung Quốc đã bắt giữ 13 công dân Canada kể từ vụ Huawei. Mỹ khuyến cáo công dân tăng cường cảnh giác khi tới Trung Quốc. Điều tra âm mưu tấn công mạng núp danh diễn văn của ông Kim Jong-un.

Cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig (phải) và doanh nhân Michael Spavor (trái) - hai trong số các công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc. (Ảnh: BBC/TTXVN)

1. Trung Quốc đã bắt giữ 13 công dân Canada kể từ vụ Huawei

AFP đưa tin, Canada hôm 3/1 cho biết, đã có tổng cộng 13 công dân nước này bị bắt giữ ở Trung Quốc kể từ sau khi Ottawa bắt giữ Phó Chủ tịch tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei hồi tháng 12/2018, nhưng sau đó có 8 người đã được thả. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada Guillaume Berube đã xác nhận với báo chí về những vụ bắt giữ trên. Trong số 13 công dân Canada, có cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và cố vấn Michael Spavor, đã bị bắt giữ hôm 10/12/2018 vì các hành động được cho là đe dọa an ninh quốc gia và Sarah McIver, người sau đó đã được trả tự do và trở về Canada.

Các nhà quan sát tin rằng vụ bắt giữ ông Kovrig và ông Spavor là nhằm trả đũa vụ bắt giữ Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu ở Vancouver của Canada, người đang phải đối mặt với lệnh dẫn độ sang Mỹ. Được sự hậu thuẫn của Mỹ và một số nước liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã liên tiếp kêu gọi Trung Quốc thả ngay lập tức hai công dân này.

2. Mỹ khuyến cáo công dân tăng cường cảnh giác khi tới Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành khuyến cáo đi lại mới, theo đó cảnh báo các công dân nước này tới Trung Quốc cần tăng cường cảnh giác trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng sau vụ bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu tại Canada ngày 1/12/2018. Trong khuyến cáo đi lại cập nhật ngày 3/1, Bộ Ngoại giao Mỹ duy trì mức cảnh báo “cấp 2” trước đó, đồng thời lưu ý các công dân về khả năng nhà chức trách Trung Quốc bổ sung các biện pháp an ninh. Khuyến cáo này cũng cảnh báo nguy cơ lực lượng chức năng Trung Quốc áp dụng các lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại, hoặc không cho phép các công dân Mỹ xuất cảnh. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra khuyến cáo trên sau khi Bắc Kinh hồi tháng 12/2018 bắt giữ hai công dân Canada là cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor nghi đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc. Các vụ bắt giữ trên xảy ra sau khi Trung Quốc cảnh báo Canada sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” khi tiến hành bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.

3. Điều tra âm mưu tấn công mạng núp danh diễn văn của ông Kim Jong-un

Theo Yonhap, ngày 4/1, một quan chức Bộ Thống nhất (Hàn Quốc) cho biết, một cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm xác định kẻ đứng sau việc gửi thư điện tử lừa đảo đính kèm một văn bản giả danh đánh giá của bộ này về bài diễn văn chào mừng Năm Mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trước đó, RFA cũng đăng tải thông tin về âm mưu tấn công mạng sử dụng công cụ đánh lừa để cài mã độc vào máy vi tính khi mở thư điện tử. Thư điện tử này được đính kèm một văn bản trông giống như được Bộ Thống nhất soạn thảo với nội dung phân tích về bài diễn văn chào mừng Năm Mới 2019 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong buổi họp báo thường kỳ, ông Baik Tae-hyun - Phát ngôn viên Bộ Thống nhất đã phát biểu: "Chúng tôi xác nhận (vụ tấn công mạng) hôm 3/1" và "một cuộc điều tra đang được tiến hành với sự hợp tác của các cơ quan liên quan". Tuy nhiên, ông Baik không trả lời câu hỏi liệu có phải vụ tấn công có thể khởi phát từ Triều Tiên hay không, cũng như không đề cập đến việc ai là mục tiêu của vụ tấn công mạng này.

4. Hàn Quốc công bố video vụ chạm trán trên biển với Nhật Bản

Kyodo đưa in, Hàn Quốc ngày 4/1 đã công bố đoạn video được cho là vụ "khóa" mục tiêu radar liên quan một máy bay Nhật Bản và một tàu chiến Hàn Quốc, đồng thời nhắc lại yêu cầu Tokyo phải ngừng "bóp méo" sự thật về vụ này và xin lỗi về hành động bay ở tầm thấp của một trong những máy bay Nhật Bản. Động thái trên của Hàn Quốc càng làm phức tạp cuộc tranh cãi giữa hai nước đồng minh của Mỹ nhằm vào nhau và diễn ra đúng một tuần sau khi Nhật Bản công bố đoạn video riêng khi cáo buộc một tàu Hải quân Hàn Quốc đã khóa mục tiêu radar vào một máy bay tuần tra của Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản ở Biển Nhật Bản. Hàn Quốc kiên quyết bác bỏ cáo buộc của Nhật Bản, cho rằng tàu khu trục này hôm 20/12/2018 đang trong tình huống khẩn cấp để cứu hộ một tàu cá Triều Tiên trôi giạt trên Biển Nhật Bản. Theo Seoul, tàu này đã sử dụng camera quang học và không điều khiển radar.

5. Thổ Nhĩ Kỳ truy bắt gần 150 người liên quan đến phong trào Gulen.

AFP đưa tin, ngày 4/1, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một chiến dịch truy quét trên toàn quốc để bắt giữ gần 150 người, trong đó có nhiều quân nhân. Những người bị bắt được cho là có liên quan tới phong trào ủng hộ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị nghi đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành năm 2016.

Theo hãng thông tấn Anadolu và đài truyền hình NTV, cơ quan công tố tại các thành phố Istanbul, Konya và Ankara đã phát lệnh bắt giữ đối với 137 người trong nhiều cuộc điều tra khác nhau liên quan đến phong trào của giáo sỹ Gulen. Chiến dịch truy bắt diễn ra trong 30 tỉnh thành trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ.

Lâm Anh (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-nong-the-gioi-hom-nay-41-525401.html