Tin nóng thế giới hôm nay - 28/2

Lý do thượng đỉnh Mỹ-Triều không đạt được thỏa thuận. Phe đối lập yêu cầu Thủ tướng Canada từ chức. Israel tuyên bố tiếp tục tấn công các mục tiêu của Iran tại Syria.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tại cuộc họp mở rộng với các quan chức hai nước trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tại cuộc họp mở rộng với các quan chức hai nước trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

1. Lý do thượng đỉnh Mỹ-Triều không đạt được thỏa thuận

Theo Yonhap, trong cuộc họp báo riêng ngày 28/2 với Ngoại trưởng Mike Pompeo, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lý do chủ yếu của việc Mỹ-Triều không đạt được thỏa thuận là vì "Họ (Triều Tiên) muốn dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt. Chúng tôi chưa thể đáp ứng điều đó".

Tổng thống Mỹ tái khẳng định Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa song giờ chưa phải lúc lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Theo ông Trump, hai bên đã có thời gian thảo luận rất hiệu quả và tích cực, tuy nhiên đây không phải thời gian thích hợp để ký thỏa thuận. Mặc dù vậy, ông khẳng định Mỹ vẫn muốn duy trì quan hệ với Triều Tiên và hòa bình chắc chắn sẽ diễn ra.

Khi được hỏi làm thế nào thu hẹp khoảng cách giữa khái niệm phi hạt nhân hóa mà hai nước đưa ra, Tổng thống Mỹ nói điều này cần nhiều thời gian, song "chúng tôi hiểu rõ mọi thứ về nước này". Tổng thống Mỹ vẫn nói rằng ông vẫn tin tưởng ông Kim và ít nhất hiện giờ không có vụ thử tên lửa nào diễn ra.

2. Phe đối lập yêu cầu Thủ tướng Canada từ chức

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập Andrew Scheer vừa yêu cầu Thủ tướng Justin Trudeau từ chức sau khi cựu Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould lên tiếng cáo buộc nhiều nhân vật trong chính phủ đã gây sức ép liên tục với bà trong thời gian từ tháng 9-12/2018 để can thiệp vào vụ truy tố SNC-Lavalin.

Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin có trụ sở tại Montreal này bị buộc tội hối lộ các quan chức Libya trong thời gian từ năm 2001-2011 để đổi lấy các hợp đồng.

Trong buổi điều trần chiều 27/2 tại Ủy ban Pháp lý Hạ viện, bà Jody Wilson-Raybould khẳng định giới chức chính phủ đã gây sức ép một cách “không thích hợp” với bà nhằm hỗ trợ SNC-Lavalin không phải ra tòa với cáo buộc hối lộ. SNC-Lavalin muốn được nộp phạt để tránh phải hầu tòa. Những cáo buộc của cựu Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould đã khiến cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Trudeau thêm trầm trọng.

3. Israel tuyên bố tiếp tục tấn công các mục tiêu của Iran tại Syria

Báo Times of Israel ngày 27/2 đưa tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang có chuyến thăm Nga, đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Israel sẽ tiếp tục hành động chống Iran tại Syria. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Israel và Nga sau sự kiện máy bay trinh sát của Nga bị phòng không Syria bắn nhầm vào năm ngoái.

Thủ tướng Netanyahu cho biết "đe dọa lớn nhất đối với an ninh và ổn định tại khu vực đến từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn. Chúng tôi tiếp tục các hoạt động chống lại Iran và ngăn chặn Iran thiết lập căn cứ quân sự tại Syria".

Quan hệ giữa Israel và Nga rơi vào căng thẳng kể từ tháng 9/2018 sau sự kiện phòng không Syria bắn hạ một máy bay do thám của Nga trùng với thời điểm máy bay chiến đấu của Israel được cho là tiến hành tấn công vào mục tiêu của Iran tại Syria.

4. Hạ viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt kiểm soát mua bán súng đạn

Ngày 27/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật an toàn súng đạn quy mô lớn, cho phép mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng, bao gồm cả các vụ mua vũ khí tại các cuộc trưng bày vũ khí, thậm chí qua mạng Internet.

Đây là dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn đầu tiên được Hạ viện Mỹ thông qua trong vòng 1/4 thế kỷ, được coi là bước đột phá trong việc kiểm soát súng đạn tại quốc gia mà việc mua bán và sử dụng vũ khí đang gây nhiều tranh cãi này.

Dự luật kiểm tra lý lịch được thông qua với 240 phiếu thuận, 190 phiếu chống, là biện pháp kiểm soát súng đạn đầu tiên được phe Dân chủ đưa ra kể từ khi giành được quyền kiểm soát tại hạ viện trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2018.

Trước đó, các quy định kiểm soát súng đạn chỉ yêu cầu kiểm tra lý lịch đối với các vụ mua bán vũ khí mà người bán là những nhà bán súng được cấp phép liên bang, trong khi không áp dụng đối với những trường hợp cá nhân bán hoặc chuyển giao súng cho người khác.

5. Nga tăng cường quân sự gần biên giới để đáp trả hành động của NATO

Theo Tân hoa xã, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 27/2 tuyên bố, Nga buộc phải đáp trả hành động tăng cường quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu gần biên giới nước này. "Chúng ta buộc phải đáp trả một cách tương xứng, kết hợp các biện pháp ngăn chặn chiến lược với việc tăng cường theo kế hoạch khả năng chiến đấu của các đội hình và đơn vị quân sự" - Bộ trưởng Shoigu nêu rõ.

Ông Shoigu cho biết sự cạnh tranh giữa các thế lực trên thế giới đã khiến cho sự thiếu chắc chắn, bất ổn cũng như bạo lực gia tăng tại nhiều khu vực, bao gồm "các khu vực thuộc lợi ích truyền thống của Nga". Theo Bộ trưởng Shoigu, Mỹ đang tìm cách duy trì vị thế của một siêu cường quốc, thao túng luật quốc tế và thay đổi các cơ chế kiểm soát vũ khí thông thường hiện hành tại châu Âu theo hướng có lợi cho Washington.

Lâm Anh (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-nong-the-gioi-hom-nay-282-528882.html