Tin NN: Trái cây Việt Nam cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc

Các nước lân cận đang tăng cường thực hiện xúc tiến thương mại nhiều loại trái cây sang thị trường lớn Trung Quốc, do đó Việt Nam đang đứng trước những cạnh tranh gay gắt về thị trường các loại trái cây này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: IT)

Ảnh minh họa. (Nguồn: IT)

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam với gần 80% thị phần. Nhưng, với việc Cơ quan Hải quan Trung Quốc vừa cấp phép cho thanh long tươi của Indonesia nhập khẩu vào thị trường này sẽ khiến cho trái thanh long Việt Nam không còn ưu thế “một mình một chợ” nữa.

Trước đây, thanh long tươi cung cấp cho thị trường Trung Quốc chủ yếu đến từ nội địa do Trung Quốc tự trồng và nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng từ nay có thêm nguồn cung thứ 3 là từ Indonesia.

Theo Hải quan Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu quả thanh long tươi là 523,3 nghìn tấn, với tổng kim ngạch là 381,1 triệu USD, trong đó đa số là nhập khẩu từ Việt Nam với kim ngạch và giá trị chiếm tới 99% (một lượng nhỏ nhập khẩu từ Đài Loan).

Theo Produce Report, ngoài việc nhập khẩu thanh long từ Việt Nam thì vào ngày 23/5/2020, Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã thông báo một số loại thanh long tươi từ Indonesia được phép nhập khẩu vào Trung Quốc do đáp ứng các yêu cầu vệ sinh kiểm dịch tăng cường. Các loại trái cây được phê duyệt lần này là thanh long ruột tím, thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng.

Theo thông báo, việc phân loại, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển thanh long tới Trung Quốc phải được kiểm tra bởi Cơ quan Kiểm dịch Thực phẩm Indonesia hoặc các cá nhân được tổ chức này ủy quyền.

Mặc dù thanh long không phải là loại trái cây bản địa của Indonesia, nhưng diện tích trồng thanh long tại nước này từ năm 2000 đến nay đang ngày càng tăng. Sản xuất thanh long hiện bao phủ gần như toàn bộ các vùng trên cả nước, trong đó Jember, Pasuruan, Malang, Lumajang và Banyuwangi tại East Java là các vùng sản xuất chính.

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, bên cạnh Indonesia thì việc Campuchia đang nỗ lực đẩy mạnh tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một số sản phẩm nông nghiệp như: xoài, nhãn, thanh long, dừa, ớt và yến sào trong lúc nước này đang bị dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu. Đây cũng là điều đáng để các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam quan tâm.

Song hiện nay mới chỉ có trái chuối của Campuchia được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu. Năm 2019, Campuchia đã xuất khẩu 157.800 tấn chuối sang Trung Quốc, chiếm 99% lượng xuất khẩu chuối của cả nước và tăng 647% so với năm 2018. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia dự báo thanh long và xoài có thể nhận được sự chấp thuận nhập khẩu của Trung Quốc sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

Việt Nam với diện tích khoảng 49.000 hecta, được cho là đứng đầu khu vực châu Á với sản lượng hơn 1 triệu tấn trái với kim ngạch trên dưới 1 tỷ USD/năm, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu trái cây tươi của cả nước.

Thị trường nội địa hiện chỉ tiêu thụ khoảng trên dưới 15% sản lượng thanh long, còn lại khoảng 85% sản lượng được xuất khẩu và thanh long Việt Nam đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 81,2% sản lượng nhưng có trên 70% là xuất khẩu tiểu ngạch còn lại 10% xuất khẩu chính ngạch.

Từ năm 2019, Trung Quốc siết chặt về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và ưu tiên nhập khẩu chính ngạch, như vậy sẽ khiến thanh long Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thanh long Indonesia.

Theo nhóm chuyên gia tư vấn gồm TS. Nguyễn Bảo Thoa (Trưởng nhóm), TS. Nguyễn Hồng Minh và Th.s Nguyễn Thị Minh Thúy, xuất khẩu chính ngạch có giá trị gia tăng cao, ít gặp rủi ro trong quan hệ thương mại, nhưng do thương nhân Trung Quốc phải chịu chi phí cho nhập chính ngạch (thuế VAT, phí kiểm soát kỹ thuật khác) cao hơn so với chi phí nhập khẩu tiểu ngạch (không thuế VAT, không chịu phí kiểm soát kỹ thuật khác) nên đối tác thường chọn nhập tiểu ngạch.

Tuy nhiên, xuất khẩu tiểu ngạch có đặc điểm cơ bản là chất lượng sản phẩm không cao, giá bán thấp, quan hệ thương mại lỏng lẻo và chứa đựng nhiều rủi ro.

Để không bị lép vế trước thanh long Indonesia tại thị trường Trung Quốc theo chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

Mặt hàng thanh long xuất khẩu chính ngạch sẽ được kiểm duyệt kỹ lưỡng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... bởi các cơ quan chức năng chuyên ngành và phải hoàn thành mọi thủ tục cũng như phải đóng thuế đầy đủ trước khi thông quan, như vậy sẽ được người tiêu dùng tin tưởng và có lợi thế cạnh tranh “sòng phẳng” với thanh long Indonesia tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, xuất khẩu chính ngạch giúp doanh nghiệp giảm rủi ro, nâng cao năng lực và vị thế, xây dựng quan hệ đối tác bền vững với khách hàng Trung Quốc và được hưởng thuế ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

Dự kiến nhập khẩu 1,9 triệu lợn thịt Thái Lan

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin hiện có 8 doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện nhập khẩu heo thịt từ Thái Lan với số lượng dự kiến nhập khẩu hơn 1,9 triệu con.

Tiêu độc khử trùng heo sống nhập khẩu từ Thái Lan. (Ảnh: Văn Giang)

Tính đến ngày 17/6, lô lợn thịt 500 con do Công ty TNHH Thành Đô Nghệ An nhập khẩu đã về đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và được thông quan để chuyển đến trại cách ly kiểm dịch đã đăng ký tại Nghệ An.

Dù thịt lợn Thái Lan vẫn chưa có mặt trên thị trường do lợn sống cách ly kiểm dịch 5 ngày trước khi giết mổ nhưng thị trường đã có những phản ứng tích cực. Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (DN có thị phần lớn trên thị trường) thông báo giảm giá bán thịt lợn mảnh 2.000 đồng/kg, từ 106.500 đồng/kg xuống còn 104.500 đồng/kg, áp dụng từ ngày 17-6. Đồng thời, công ty cũng không tăng giá một số mặt hàng pha lóc từ ngày 17-6 như đã thông báo trước đó mà vẫn áp dụng giá cũ. Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam giải thích nguyên nhân của quyết định trên là do giá heo hơi trên thị trường sụt giảm, chợ bán chậm.

Trong khi đó, chợ sỉ thịt heo lớn nhất TP HCM lại diễn biến ngược. Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (TP HCM) ghi nhận giá sỉ thịt lợn mảnh tại chợ ngày 17-6 đã tăng 5.000 đồng/kg so với ngày 15-6, lên mức 110.000 đồng/kg (loại 1) và 100.000 đồng/kg (loại 2). Tuy nhiên, giá sỉ thịt lợn pha lóc lại ổn định ở 4 mặt hàng chính là: cốt lết 100.000 đồng/kg, nạc 130.000 đồng/kg, sườn non 150.000 đồng/kg, giò trước 85.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do lượng lợn về chợ chỉ đạt 3.734 con, giảm 288 con so với ngày 15-6 nên thương nhân kỳ vọng giá tăng trở lại nhưng thực tế là sức mua vẫn yếu nên các mặt hàng pha lóc không thể tăng giá.

EU sẽ miễn thuế cho 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp

Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Cụ thể, đối với các sản phẩm thăn, philê cá ngừ đông lạnh mã HS030487, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%, ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Với các sản phẩm thăn, philê cá ngừ hấp, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%.

Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp, như: cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp… EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.

Chế biến cá ngừ

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đang giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang EU tăng 2,7% so với cùng kỳ.

Hiệp định EVFTA được ký kết dự báo mang đến nhiều cơ hội cho ngành cá ngừ Việt Nam trong việc mở rộng và tiếp cận các thị trường. Bởi Hiệp định này giúp mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế về thuế hơn so với các nước: Thái Lan, Trung Quốc, đây là đối thủ lớn của Việt Nam đang nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn tại EU nhưng chưa ký kết FTA với EU.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam, tình hình dịch Covid-19 tại các thị trường xuất khẩu lớn vẫn diễn biến phức tạp, khiến cho thị trường cá ngừ thế giới tiếp tục biến động mạnh. Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của người dân các nước bị ảnh hưởng, nên xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thay thế giá rẻ như các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp hay đóng túi sẽ được ưa chuộng hơn. Điều này sẽ tác động tới xu hướng nhập khẩu cá ngừ tại các thị trường trong thời gian tới. Vì vậy, doanh nghiệp cần theo sát thị trường để có những điều chỉnh thích hợp.

Thanh Tâm (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-trai-cay-viet-nam-canh-tranh-tai-thi-truong-trung-quoc-post36066.html