Tin NN Tây Bắc: Yên Bái khẩn trương khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Đợt mưa lũ vừa qua, Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, trên 2.100ha lúa, hoa màu bị thiệt hại.

Vùng sản xuất rau an toàn ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái cũng bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tại. Những giàn mướp, ruộng đỗ, luống rau muống ở đây đã không còn sức chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Vùng rau mất trắng khiến nhiều hộ nông dân mất đi nguồn thu nhập chính. Chính quyền địa phương đã thành lập các tổ công tác nhanh chóng kiểm tra, thống kê diện tích bị thiệt hại để đề xuất các giải pháp giúp người dân sớm ổn định sản xuất.

Cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân vùng thâm canh, ngành chức năng và các địa phương cần rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân khắc phục các diện tích bị ảnh hưởng, đồng thời có phương án tái sản xuất sau mưa lũ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Tập trung khắc phục các công trình thủy lợi

Song song với việc khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương vùng lũ, ngành nông nghiệp cũng đang khẩn trương chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, đơn vị thủy nông tập trung nhân lực, máy móc nhanh chóng khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Công trình thủy lợi Nà La phục vụ tưới tiêu cho 30ha lúa của xã Sơn Lương. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, lượng nước lớn cùng với đất đá đổ về khiến đập đầu mối bị bồi lấp hoàn toàn và gãy hỏng 300 mét kênh dẫn nước xuống các cánh đồng. Để kịp thời đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, sau khi rà soát hiện trạng thiệt hại và hư hỏng, Công ty TNHH Nghĩa Văn, huyện Văn Chấn đã cử cán bộ ở các cụm thủy nông cùng với máy móc tổ chức khắc phục, nạo vét toàn bộ khối lượng đất vùi lấp để nhanh chóng lấy nước cho đồng ruộng.

Cùng với công trình thủy lợi Nà La, 198 công trình trong tổng số 1.750 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho 4 huyện, thị phía Tây của tỉnh Yên Bái cũng bị hư hỏng nặng nề, trong đó huyện Văn Chấn thiệt hại nặng nhất với 85 công trình. Không chỉ khó khăn trong việc vận hành khai thác, một số công trình thủy lợi còn bị biến đổi dòng chảy, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Vì vậy, nhiều hộ dân rất lo lắng nếu không khắc phục kịp thời thì sẽ không có nước tưới tiêu vì diện tích lúa mùa hiện nay đang chuẩn bị bước vào giai đoạn trỗ đòng.

Sau khi kiểm tra, rà soát số công trình thủy lợi bị hư hỏng, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, đơn vị chức năng đang quản lý, vận hành khai thác các công trình thủy lợi tập trung nhân lực tổ chức khắc phục bằng mọi biện pháp. Với những công trình bị ảnh hưởng ít thì huy động cán bộ tập trung nạo vét bùn đất để khơi thông dòng chảy. Công trình bị vùi lấp với khối lượng lớn thì huy động phương tiện, máy móc hỗ trợ.

Hiện tại, Công ty TNHH Nghĩa Văn tổ chức tự khắc phục 158 công trình với giá trị ước tính trên 18 tỷ đồng, đồng thời đề nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng 40 công trình với giá trị trên 34 tỷ đồng. Trong đó có 6 công trình cần phải hỗ trợ, khắc phục ngay vì đã bị bồi lấp thượng lưu đập đầu mối, nhiều đoạn kênh bị vùi sâu, vỡ hỏng, sạt lấp và cuốn trôi gồm công trình thủy lợi Nà La, Khe Lo, Đá Đen, Huổi Thu, đập Bản Mười, đập Cốc Thủ.

Những thiệt hại này vẫn chưa phải con số cuối cùng do một số thôn vẫn chưa tiếp cận được bởi diện tích sạt lở quá lớn. Tuy nhiên, với công tác khắc phục khẩn trương, huy động tối đa nhân lực, máy móc để nạo vét kênh mương, sửa chữa những đường dẫn nước, ngành nông nghiệp và các địa phương quyết tâm phấn đấu đảm bảo nước tưới tạm thời cho bà con nhân dân trong vụ hè thu này.

Xã Kim Sơn: Diện tích trồng sắn giảm 60%

Từ năm 2016 đến nay, diện tích trồng sắn trên địa bàn xã Kim Sơn (Bảo Yên-Lào Cai) đã giảm từ 450ha xuống còn 180ha, tương đương 60%. Diện tích trồng sắn hiện nay chủ yếu đang được bà con trồng xen ở một số diện tích trồng rừng khi cây còn nhỏ, trong những năm tới, diện tích sắn sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Ông Tạ Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, xã luôn có chủ trương không khuyến khích người dân trồng sắn do loại cây này gây bạc màu đất rất nhanh, cùng với đó giá cả bấp bênh khiến thu nhập của người dân không ổn định. Tuy nhiên, trước đây người dân vẫn muốn trồng loại cây này do chu kỳ canh tác ngắn, một số thời điểm giá lên cao. Những năm gần đây kinh tế rừng ngày càng được người dân chú trọng, nhiều hộ vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng, đặc biệt là từ cây quế. Từ đó, nhiều diện tích trồng sắn đã được người dân chuyển đổi dần sang trồng cây lâm nghiệp.

Dứa được mùa, tiêu thụ khó

Dù năm nay dứa được mùa, nhưng đây không phải một vụ dứa thành công đối với người trồng dứa, bởi giá bán thấp, tiêu thụ khó.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng diện tích dứa toàn tỉnh Lào Cai năm 2018 là 1.180 ha, trong đó hơn 1.000 ha cho thu hoạch. Dứa được trồng tập trung chủ yếu tại các xã: Bản Lầu (Mường Khương), Bản Phiệt, Bản Cầm (Bảo Thắng) và một số diện tích nhỏ, rải rác tại thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát. Hiện dứa đã vào cuối vụ thu hoạch, riêng huyện Bát Xát đang thu hoạch rộ. Năm nay, cây dứa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 34 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 30.000 tấn, nhưng giá bán đạt thấp. Vào chính vụ, có những thời điểm giá dứa chỉ đạt 1.000 đồng/kg, thậm chí không có tiểu thương hay doanh nghiệp đến thu mua.

Xã Bản Lầu (Mường Khương) được coi là “thủ phủ” của cây dứa, với tổng diện tích trên 700 ha. Dứa năm nay được mùa, quả to, mọng, mẫu mã đẹp, nhưng có thể coi là một vụ dứa thất bại nặng nề đối với người trồng dứa tại Bản Lầu, bởi “được mùa nhưng mất giá”. Khi dứa bước vào vụ thu hoạch, hàng trăm ha dứa bị thối lõi, ủng, nhũn do ảnh hưởng bởi hiện tượng lắng đọng axit và quặng đồng. Một số nương dứa dù đã được ký hợp đồng, thương lái đặt tiền từ trước đó nhưng người dân đành trả lại tiền do dứa thối. Tại những nương dứa không bị ảnh hưởng, dứa vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, nhưng chỉ một số ít diện tích cho thu hoạch sớm (từ tháng 1/2018) là được giá.

Giá bán thấp, nhiều hộ có nương dứa ở gần đường, không mất nhiều chi phí vận chuyển đành chấp nhận chịu lỗ, bẻ dứa về bán lẻ với mong muốn “vớt vát” được phần nào chi phí đã đầu tư. Ông Vương Văn Thắng, thôn Na Nhung cho biết: Dù không có lãi nhưng tôi vẫn cố gắng bẻ dứa đem ra bán bên đường, bởi đằng nào cũng mất công bẻ dứa quả đi để cây dứa nuôi cây con, làm giống cho vụ sau. Nếu không bẻ đi thì vụ sau lại mất thêm tiền mua giống.

Người dân tại Bản Lầu giải thích nguyên nhân giá dứa xuống thấp là do phía Trung Quốc (thị trường tiêu thụ chính) ngừng thu mua, các tiểu thương, doanh nghiệp cũng thận trọng trong việc mua dứa. Nhiều hộ cho rằng, nguyên nhân của việc tiêu thụ khó khăn một phần do tâm lý lo ngại dứa bị thối lõi, chất lượng không đảm bảo, nhiều thương lái cũng lấy đó ép giá dứa giảm sâu. Ông Thắng phân trần: “Nhiều diện tích dứa hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi mưa axit hay lắng đọng kim loại, nhưng do tâm lý lo ngại bởi một vài đơn hàng bị hủy trước đó, nên thương lái dừng mua.

Do ảnh hưởng chung từ những địa phương có diện tích dứa lớn nên giá dứa tại các địa phương khác như Bảo Thắng, Bát Xát, thành phố Lào Cai cũng giảm đáng kể. Mọi năm, giá dứa đạt khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ đạt 2.000 đồng/kg.

Trung tuần tháng 7, thời gian thu hoạch dứa gần như đã kết thúc, chỉ còn một sản lượng nhỏ dứa cuối vụ đang được người thu hoạch nốt thì giá dứa bất ngờ tăng do thương lái mua trở lại. Tại Bản Lầu, dứa cuối vụ, loại quả nhỏ, mẫu mã kém hơn dứa chính vụ (hay còn gọi là dứa bi) cũng được mua với 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng người dân không còn dứa để bán (trước đó loại dứa này hoàn toàn không được thu mua). Tại huyện Bát Xát, dứa đang vào vụ thu hoạch rộ, giá dứa tăng nhẹ so với tháng 6, đạt 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Trước tình trạng giá dứa thiếu ổn định, tiêu thụ bấp bênh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định các vùng trồng dứa có lợi thế để điều chỉnh quy hoạch sản xuất, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang mục đích khác. Đồng thời, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân sản xuất dứa theo quy trình an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để điều khiển việc ra hoa, rải vụ quanh năm, tránh tình trạng dư thừa cục bộ khi dứa vào chính vụ thu hoạch.

Tam Đường: Ngăn chặn sâu, bệnh hại lúa lan ra diện rộng

Đến thời điểm hiện tại, huyện Tam Đường (Lai Châu) có 104ha lúa mùa nhiễm sâu, bệnh, rải rác trên khắp các cánh đồng. Cơ quan chuyên môn, nông dân đang tích cực theo dõi, phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Trên cánh đồng của xã Bản Bo xuất hiện nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại trên lúa mùa. Dự báo chính xác thời điểm xuất hiện, độ tuổi hoặc cấp bệnh phổ biến, cán bộ các cơ quan chuyên môn của huyện được phân công kiểm soát chặt chẽ các cánh đồng; phối hợp với công chức nông nghiệp xã, khuyến nông viên bản tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về từng giai đoạn phát triển, mức độ gây hại của sâu, bệnh, giúp người dân chủ động trong việc phun phòng ngừa.

Đồng chí Đỗ Trọng Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: “Vụ mùa năm nay, nông dân trong xã gieo cấy hơn 300ha lúa mùa. Hiện, trên lúa đang xuất hiện sâu bệnh gây hại, trong đó 4ha lúa nhiễm sâu năn ở mức độ nặng. Diện tích phun thuốc phòng trừ của người dân đạt 8ha. Nhằm hạn chế sâu bệnh lây lan trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa, chúng tôi tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn giám sát, kiểm tra thường xuyên và gửi thông báo tới người dân về chu kỳ phát triển tiếp theo của các đối tượng sâu bệnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con mua thuốc bảo vệ thực vật tương ứng với các loại sâu bệnh và cách phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách)”.

Vụ lúa mùa năm 2018, nông dân huyện Tam Đường gieo cấy trên 4.300ha lúa, tăng 40ha so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, diện tích cấy trên 2.600ha, gieo thẳng 805ha. Hiện, lúa trà sớm giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái, trà muộn ở giai đoạn 3 - 4 lá, đẻ nhánh. Thời tiết từ đầu vụ lúa mùa đến nay được đánh giá là có mưa nhiều thuận lợi cho cây phát triển, sinh trưởng. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để cho các đối tượng sâu, bệnh gây hại trên cây trồng nói chung, lúa mùa nói riêng phát sinh gây hại.

Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, sâu, bệnh hại lúa mùa đã xuất hiện ở giai đoạn lá - đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ - đứng cái. Diện tích nhiễm sâu, bệnh thuộc lúa 1 vụ tập trung ở Tả Lèng, Hồ Thầu, Bình Lư, Bản Bo và thị trấn Tam Đường. Các giống lúa có xuất hiện sâu bệnh gồm: bắc thơm, séng cù, nghi hương, thục hưng; giống địa phương xuất hiện rầy lưng trắng (có nơi mật độ cao là 300 con/m2); bệnh đạo ôn (mật độ cục bộ có nơi lên đến 10%/m2); đốm sọc vi khuẩn (mật độ cục bộ có nơi lên đến 15%/m2,), sâu cuốn lá nhỏ (có nơi mật độ cục bộ lên đến 15 con/m2); OBV (với mật độ có nơi cục bộ 20 con/m2). Đặc biệt sâu năn đang xuất hiện khá mạnh ở độ tuổi C1 ở xã Bản Bo, Sơn Bình với mật độ trung bình 18 - 22% con/m2, cao là 30 - 35,3% con/m2 và cục bộ có ruộng xuất hiện từ 48 - 53,3% con/m2. Trong số 13ha diện tích lúa toàn huyện bị nhiễm sâu, bệnh nặng thì 2 xã Bản Bo, Sơn Bình chiếm 11,5ha.

Qua đánh giá sơ bộ của cơ quan chuyên môn, vụ mùa năm nay có nhiều biến động bởi các nguyên nhân từ thời tiết - đầu vụ có mưa lớn, lũ quét gây ngập úng, cuốn trôi một phần diện tích lúa vừa gieo cấy dẫn đến phải gieo cấy lại. Việc tiến hành phun thuốc của nông dân chưa đồng đều/cùng cánh đồng, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh không cao. Hiện tượng nắng - mưa đan xen liên tục trong các ngày càng làm tăng nguy cơ phát sinh sâu, bệnh.

Vân Nhi (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-tay-bac-yen-bai-khan-truong-khoi-phuc-san-xuat-sau-mua-lu-post21056.html