Tin NN Tây Bắc: Lào Cai thận trọng khi mở rộng diện tích trồng chuối

Do chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp Mường Khương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hiện có.

Mặc dù năm 2018 và đầu năm 2019 là giai đoạn đáng buồn với người trồng dứa tại Mường Khương vì “được mùa, mất giá”, nhưng cây chuối lại mang lại niềm vui cho nông dân bởi không chỉ được mùa mà giá bán còn tăng. Có thời điểm, giá chuối được các thương lái đến tận vườn thu mua từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg. Đây là mức khá cao so với những năm trước, gấp 6 - 7 lần so với vụ chuối năm 2017 (có thời điểm giá chuối chỉ đạt 2.000 đồng/kg).

Nông dân xã Bản Lầu thu hoạch chuối. Ảnh: Báo Lào Cai

Nông dân xã Bản Lầu thu hoạch chuối. Ảnh: Báo Lào Cai

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Mường Khương, tổng diện tích chuối trên địa bàn năm 2019 đạt 1.340 ha, dù đây không phải loại cây trồng có trong quy hoạch và cũng không được khuyến khích mở rộng. Thế nhưng, chuối được đánh giá là loại cây trồng “dễ tính”, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cũng như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nên được nhiều hộ đầu tư, chuyển đổi.

Ban đầu, cây chuối được người dân các thôn biên giới xã Bản Lầu và xã Nậm Chảy học hỏi kinh nghiệm từ việc lao động tại Trung Quốc và trồng tự phát. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên người dân các thôn, xã lân cận ồ ạt mở rộng diện tích. Đến nay, cây chuối được trồng nhiều tại các xã: Bản Lầu, Nậm Chảy, Bản Xen, Lùng Vai, Thanh Bình. Những năm đầu giá chuối khá cao, có thời điểm người trồng chuối “thắng đậm” khi chuối được thu mua với giá lên đến 7 nhân dân tệ/kg (hơn 20.000 đồng/kg).

Ngay sau đó, “cơn sốt” trồng chuối bắt đầu, thế rồi sau đó giá chuối xuống thấp, thậm chí không có thương lái thu mua nên người dân đành đổ bỏ, ôm lỗ lớn. Vì thị trường thiếu ổn định nên cây chuối không được khuyến khích mở rộng diện tích nhưng diện tích chuối vẫn liên tục tăng. Chỉ tính riêng năm 2019, diện tích chuối toàn huyện đã tăng gần 300 ha so với năm 2018.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Về chủ trương, huyện không khuyến khích mở rộng diện tích chuối mà tập trung vào việc đẩy mạnh liên kết, sản xuất theo đơn đặt hàng. Nhu cầu về sản phẩm từ chuối ở thị trường nước ngoài là rất lớn, đặc biệt là các nước xứ lạnh.

Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu chuối sang nước ngoài, sản phẩm chuối phải được sản xuất theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, được cấp mã số vùng trồng. Ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất cũng như tiêu thụ, xuất khẩu chuối để hướng tới sản xuất ổn định và bền vững.

Bắc Hà: Mở rộng diện tích trồng lạc đỏ địa phương theo hướng hàng hóa

Từ thành công của mô hình trồng 10 ha lạc đỏ địa phương tại xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) năm 2018, vụ hè thu năm 2019, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình lên 16 ha.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân chọn lạc giống. Ảnh Báo Lào Cai

Mô hình được thực hiện tại 2 xã Nậm Mòn và Bản Phố, với hơn 50 hộ dân tham gia.

Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ lạc giống, phân bón, vôi bột, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản lạc đỏ địa phương và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Hộ dân đối ứng bằng phân chuồng, thực hiện trồng và chăm sóc lạc theo đúng quy trình kỹ thuật của mô hình đưa ra và chấp nhận sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn.

Mô hình được triển khai nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, thâm canh giống lạc đỏ địa phương theo hướng VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời thay đổi phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị nông sản gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2019, góp phần duy trì và mở rộng diện tích trồng lạc đỏ, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập từ phát triển nguồn hàng hóa đặc sản truyền thống.

Theo kết quả đánh giá mô hình đã thực hiện năm 2018 tại xã Hoàng Thu Phố, nhờ được chuyển giao kỹ thuật, người dân tham gia mô hình trồng lạc đảm bảo mật độ, khoảng cách, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý giúp cây trồng sinh trưởng tốt, sản lượng củ đạt 20,8 tạ/ha sau 5 tháng canh tác, tăng gấp đôi về sản lượng so với hình thức canh tác truyền thống của bà con là 10 - 11 tạ/ha, người dân có lãi ít nhất 24 triệu đồng/ha/vụ.

Phú Thọ: Nuôi ốc nhồi cho hiệu quả kinh tế cao

Nuôi ốc nhồi đang là một hướng phát triển kinh tế mới ở huyện Hạ Hòa, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi này.

Ốc nhồi dễ nuôi, ít bệnh dịch, chỉ sau 3-4 tháng có thể thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo Phú Thọ

Anh Lưu Bá Linh là người đầu tiên nuôi thành công ốc nhồi-1 mô hình làm kinh tế đơn giản mà hiệu quả. Anh Linh cho biết: Anh đã từng thử nghiệm nuôi cá giống và cá thịt, tuy nhiên cá khó nuôi, dễ mắc nhiều bệnh dịch, giá cả không ổn định nên mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, nhận thấy ốc nhồi ngày càng khan hiếm trong tự nhiên và có giá trị kinh tế cao, anh Linh nung nấu ý định nuôi ốc nhồi. Tháng 5-2017, anh cho thả 1 vạn con ốc nhồi giống với giá 900 đồng/con, vệ sinh ao, nuôi bèo để thả ốc. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên số ốc giống mua về chết gần hết.

Với tính chịu chịu khó của mình, anh Linh quyết tâm không bỏ cuộc, tiếp tục mày mò học hỏi kinh nghiệm từ những đợt nuôi trước, anh quyết định thay đổi phương thức nuôi. Số ốc còn lại, anh Linh tiếp tục gây giống, đến năm 2018 đã có ốc thương phẩm để bán, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2019 anh tiếp tục nuôi và nhân giống, đến nay thì số lượng ốc khoảng 3 vạn con. Cứ 30 con - kg, giá bán 100 nghìn đồng/kg, bên cạnh đó anh kết hợp bán cả ốc giống khoảng 500-700 đồng/con. Dự tính đến cuối năm 2019, sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng.

Với những thành công bước đầu, anh Linh đã được nhiều gia đình trong xã cũng như trên địa bàn huyện tìm đến học tập mô hình nuôi ốc nhồi. Anh Đoàn Văn Thư ở khu 8, xã Xuân Áng, sau khi đầu tư 300 triệu xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thì bị mất trắng do dịch tả lợn Châu Phi vừa qua. Để không bỏ phí chuồng trại, anh đã cải tạo thành bể nuôi ốc và mua giống về thử nghiệm. Đợt đầu, anh mua 100 con về nuôi thử, thấy ốc nhanh lớn mà dễ nuôi, ít bệnh tật, chi phí bỏ ra không nhiều nên anh tiếp tục đầu tư thêm con giống về nuôi.

Kỹ thuật nuôi ốc nhồi khá đơn giản, cách chăm sóc không quá phức tạp, chi phí thấp. Đặc biệt, đầu ra của mặt hàng này thường ổn định, đem lại lợi nhuận cao.

Đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng cây dược liệu ở Mèo Vạc

Trong thời gian qua, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã tập trung phát triển được 3 mô hình trồng cây dược liệu (DL) gồm: Mô hình trồng cây Xọm đen, cây Đương quy và cây Sả Java. Qua đó nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân.

Lãnh đạo xã Sủng Trà kiểm tra mô hình cây Đương quy tại thôn Sủng Cáng. Ảnh: Báo Hà Giang

Nhận thấy cây Sả Java phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và có nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy tháng 6/2018, huyện Mèo Vạc đã giao cho chị Hoàng Ngọc Trang, trú tại thị trấn Mèo Vạc là chủ đầu tư liên kết với người dân xã Khâu Vai trồng 1 ha Sả Java, đến nay mô hình đã được nhân rộng lên 12 ha. Được biết, giá bán 1 kg tinh dầu Sả Java giao động từ 380 – 450 nghìn đồng và có thị trường ổn định trong và ngoài nước.

Năm 2018, huyện Mèo Vạc đã trồng thử nghiệm 2 ha cây Xọm đen tại thôn Lũng Làn, xã Sơn Vĩ. Hiện, diện tích cây Xọm đen trên địa bàn đã và đang phát triển tốt. Còn đối với mô hình trồng cây Đương quy tại thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà. Do áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, cách trồng, phòng trừ sâu bệnh nên hiện nay cây đang phát triển tốt và sẽ cho thu hoạch đầu năm 2020.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường, cho biết: Để các mô hình trồng cây DL được thành công hơn nữa, huyện đã có những chính sách hỗ trợ về kinh phí chuyển đổi diện tích cây trồng, hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình; chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao tiêu sản phẩm; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc giao thương các sản phẩm DL; thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp các quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc đến khâu sản xuất; tổ chức cho người trực tiếp thực hiện mô hình đi học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương có mô hình dược DL quả…

V.N (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-tay-bac-lao-cai-than-trong-khi-mo-rong-dien-tich-trong-chuoi-post30201.html