Tin NN miền Trung: Nhiều cách làm giàu bằng nghề nông

Những tưởng làm nông nghiệp rất vất vả, tiền thu được không đủ bù cho chi phí, tuy nhiên nhiều địa phương nông dân đã biết làm giàu cho chính bản thân của mình bằng kinh nghiệm và sự lựa chọn đúng đắn sản phẩm nông nghiệp.

Nghệ An: Nông dân thuê đất Thanh Hóa trồng dưa hấu

Giá thuê đất năm nay khá cao so với năm 2019 nhưng hàng chục hộ nông dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) vẫn sang xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) để thuê đất trồng vụ dưa hấu xuân hè năm 2020.

Nông dân Nghĩa Đàn thuê đất trồng dưa ở Thanh hóa (ảnh Báo NA)

Điển hình như gia đình anh Võ Thế Hùng, xóm Đoàn Bắc, xã Nghĩa Sơn có 11 năm thuê đất tại khu vực xã Xuân Hòa, Như Xuân (Thanh Hóa) để trồng dưa hấu.

Theo anh Hùng, giá thuê năm 2019 là khoảng 10 triệu đồng/ha trong vòng 3 tháng thì, năm 2020 này giá thuê đất tăng gấp đôi nhưng gia đình anh Hùng vẫn thuê bởi cây dưa vẫn cho giá trị kinh tế cao, với diện tích 2ha, trừ chi phí cho thu nhập 300 triệu đồng vào năm 2019.

Trồng dưa tại đây chất đất và khí hậu ở đây phù hợp nên dưa ngon. Ở đây cũng thuận đường nên thương lái thu mua dễ. Cây dưa cũng cho thu nhập cao hơn so với cây trồng khác. Anh Hùng cho biết

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá ít, nên ở xã Nghĩa Sơn có gần 40 hộ nông dân cùng thuê đất với diện tích khoảng 70 ha ở các vùng khác nhau của huyện Như Xuân, Thanh Hóa để trồng dưa hấu xuân hè.

Để giúp nông dân phát huy được hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân xã hướng dẫn bà con nông dân về giống, áp dụng KHKT từ khâu làm đất đến quá trình thu hoạch. Đặc biệt cây dưa hấu là loại cây khó tính cần đòi hỏi người nông dân phải chăm sóc cẩn thận, theo dõi diễn biến sâu bệnh thì mới đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trong khi rất nhiều địa phương khác trồng dưa hấu, hiện tượng “được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa” diễn ra thường xuyên, thậm chí còn cả những “chiến dịch”giải cứu cho người trồng dưa, nhưng ở Nghĩa Sơn này, người nông dân đã biết tìm cách để có thu nhập cao từ cây dưa hấu này.

Hà Tĩnh xem nông dân “bới đất” kiếm tiền

Thời điểm cao điểm vụ thu hoạch củ hành tăm, nông dân các xã: Vượng Lộc, Thuần Thiện, Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) rủ nhau “phơi nắng” cả ngày trên đồng. Công việc vất vả nhưng bù lại thu nhập bình quân mỗi hộ từ 1-2 triệu đồng/ngày.

Người dân làng Ngùi đang bới hành tăm (ảnh Báo HT)

Một trong những hộ có diện tích trồng hành tăm khá lớn ở thôn Làng Ngùi (Vượng Lộc, Can Lộc), ông Tôn Văn Trường cho biết: Trong thời điểm này, gia đình chúng tôi huy động hết nhân lực, 4 người đều ra đồng. Mỗi ngày, chúng tôi “bới” được khoảng 60 kg hành củ, thu về hơn 2 triệu đồng.

Với 5 sào trồng hành lấy củ, năng suất đạt 5 tạ/sào, giá bán tại nhà ở thời điểm hiện tại là 35 ngàn đồng/kg cho người nông dân thu nhập gần 90 triệu đồng.

Cánh đồng trồng hành tăm của thôn Làng Ngùi có diện tích khoảng 15 ha. Trước đây, người dân trồng lúa hoặc các loại rau màu khác hiệu quả kinh tế rất thấp. 5 năm trở lại đây, từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con đã tiến hành trồng cây hành tăm. Những năm qua, cây hành tăm đã thay đổi cuộc sống của người dân.

Bố Trạch: Nông dân đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Bố Trạch tận dụng lợi thế của địa phương về địa hình, diện tích tự nhiên, đã và đang phát triển khá mạnh nghề nuôi ong lấy mật. Đây là nghề đầu tư không cao nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

Nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế, ít rủi ro và không tốn nhiều công chăm sóc nên nhiều gia đình ở Bố Trạch đã tận dụng lợi thế đất sẵn có, nuôi ong lấy mật theo quy mô hộ gia đình.

Hiện nay, trên toàn huyện có trên 700 hộ nuôi ong lấy mật với tổng số trên 1100 đàn. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các xã: Tây Trạch, Liên Trạch, Phú Định, Nông Trường Việt Trung.

“Mỗi năm sản lượng mật đạt từ 10-12 lít/đàn. Tùy theo giá cả thị trường, trung bình mỗi năm toàn huyện với số lượng 1100 đàn cũng cho thu nhập ước khoảng hơn 3 tỷ đồng, từ đó tăng thêm nguồn thu nhập trong đời sống của người dân nơi đây”, ông Nguyễn Văn Lam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bố Trạch cho biết.

Ngô được mùa, nông dân bớt nỗi lo

Khoảng 5 năm trước, nông dân miền sơn cước xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) mạnh dạn đưa giống ngô lai vào canh tác. Trước đó, người dân vùng cao này có thời gian dài gắn bó với giống ngô thuần chủng. Và từ khi xuất hiện ngô lai, đời sống người dân từng bước thay đổi rõ nét.

Nông dân bán ngô ở xã Quảng lợi

Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Bùi Việt Dũng cho biết, khi Nhà nước vận động định canh định cư, áp dụng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì đời sống của người dân cải thiện rõ nét. Đối với xã Hồng Thủy, một trong những cây trồng mang lại thu nhập cao là ngô lai. “Tính trung bình hàng năm, cây ngô mang lại lãi cho mỗi hộ dân khoảng 7-8 triệu đồng/vụ. Với bà con vùng cao, đây là số tiền không phải là nhỏ. Nhờ cây ngô lai, nhiều hộ dân thoát nghèo”

Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện A Lưới, vụ ngô năm nay, hơn 100 ha ngô ở Hồng Thủy bị sâu keo tấn công. Chúng tôi đã cắt cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu nên ít thiệt hại. Do vậy, đợt thu hoạch vừa rồi, nông dân được mùa ngô với sản lượng 50 tạ/ha. Giá bán ngô từ 7.000-8.000 ngàn đồng/kg.

Huyện Quảng Điền hiện có 28 ha ngô chủ yếu tập trung ở các xã Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thọ. Dọc các con đường khắp các địa phương này, nhiều hộ dân bày biện lán trại, bán ngô tươi lẫn ngô nấu chín cho người đi đường. Hiện, bên cạnh những diện tích đã thu hoạch vẫn còn một số diện tích đang đậu quả.

Nông dân Quảng Điền chủ yếu đưa vào gieo trồng giống ngô nếp. Nếu như một sào lúa cho lãi khoảng 500-600 nghìn đồng thì ngô cho lãi xấp xỉ 2 triệu đồng. Những năm gần đây, tại vùng Thạnh Lợi (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), cây ngô mang lại hiệu quả cao khi nông dân vừa xuất bán ngay tại ruộng vừa bán lẻ dọc đường”, ông Trần Đình Nam, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết.

Mặc dù đang được mùa và mang lại hiệu quả cao, song, cùng với nhiều loại nông sản khác trên địa bàn tỉnh, ngô vẫn chưa có những đơn vị bao tiêu sản phẩm. Do vậy, ngoài phương án rải vụ, trồng đồng thời với các loại cây trồng khác để bổ trợ cho nhau, giải quyết bài toán đầu ra bền vững trong tương lai là điều mà nông dân và chính quyền các địa phương cần tính đến.

Ngọc Thủy (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-mien-trung-nhieu-cach-lam-giau-bang-nghe-nong-post33852.html