Tin NN ĐBSH: Hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn.

Bắc Ninh: Nhiều tiến bộ kỹ thuật mang hiệu quả cao trong sản xuất

Thời gian qua, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và điều kiện canh tác từng địa phương luôn được các cấp trong tỉnh quan tâm. Nhiều tiến bộ KHKT mới đã được áp dụng, giúp nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi.

Ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nông dân (HND) tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Trên cơ sở Chương trình phối hợp hoạt động giữa HND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ, các cấp Hội triển khai nội dung phối hợp cụ thể theo từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại thị trấn Gia Bình do Hội Nông dân huyện Gia Bình tổ chức triển khai.

Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại thị trấn Gia Bình do Hội Nông dân huyện Gia Bình tổ chức triển khai.

Các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền tới hội viên, nông dân về vai trò của KHCN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời đăng tải trên Cuốn Bản tin và Trang thông tin điện tử HND tỉnh các văn bản, chính sách có liên quan; xây dựng chuyên mục “Khoa học kỹ thuật” giới thiệu các kiến thức, phương pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh, các biện pháp tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng, vật nuôi…

Thực hiện “liên kết 4 nhà” trong sản xuất, HND tỉnh phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp đưa các tiến bộ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình công nghệ tiên tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nước tự động, công nghệ chuồng kín… vào sản xuất. Phối hợp tổ chức 4.209 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho hơn 333 nghìn lượt hội viên, nông dân; 317 cuộc hội thảo đầu bờ thu hút 21.448 lượt hội viên, nông dân tham gia.

Song song với đó, đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân. Trong đó, đã có những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng măng tây xanh, nghệ vàng, ớt xuất khẩu tại Gia Bình; trồng khoai tây thương phẩm tại Quế Võ; lúa nếp Phu thê, lúa tẻ Ngọc Nguyệt tại Gia Bình, Yên Phong, Từ Sơn; mô hình nuôi thỏ tại Lương Tài; mô hình ứng dụng chế phẩm phân bón hữu cơ vi sinh EMZ trong sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại Tiên Du; 20 mô hình sử dụng sản phẩm vi sinh BIOWiSH trong trồng trọt và chăn nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học Bio-Plant vào ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Nhằm khuyến khích hội viên, nông dân có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quá trình lao động sản xuất, HND tỉnh tổ chức Cuộc thi “Nhà nông sáng tạo”, thu hút 21 sáng kiến, ý tưởng sáng tạo của hội viên, nông dân trong sản xuất kinh doanh và lựa chọn những sáng kiến tiêu biểu tham gia dự thi cuộc thi do T.Ư tổ chức. Phối hợp với các sở, ngành xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với 3 sản phẩm là Gà Hồ Thuận Thành, Khoai tây Quế Võ, Mây tre đan Xuân Lai...

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ; nghiên cứu và tổng kết thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hội viên, nông dân, các cấp HND trong tỉnh chủ động phối hợp, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến cho hội viên, nông dân. Tổ chức và tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông”; tôn vinh, khích lệ, động viên nông dân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật; phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế điểm ở cơ sở; giúp hội viên, nông dân tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống của hội viên.

Hưng Yên: Phấn đấu đến năm 2025 có 30 sản phẩm OCOP đạt 5 sao

UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 30 sản phẩm đạt 5 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao OCOP.

Các sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sơ chế, chế biến, lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, nội thất. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu tiêu chuẩn hóa, nâng cấp 8 mô hình du lịch cộng đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 4 đến 5 sao.

Sản xuất tinh bột nghệ tại Công ty TNHH Hoàng Minh Châu (Khoái Châu)

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, mở rộng quy mô sản xuất, định hướng phát triển sản phẩm theo quy trình, đạt các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế…

Hà Nội: Ký kết 95 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, qua chương trình “Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”, Ban tổ chức mong muốn những sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương được kết nối, giao thương, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn cung và tìm kiếm phát triển thị trường, mang đến nhiều sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm, sử dụng.

Ảnh minh họa.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, đây là lần thứ ba trong năm 2020, đơn vị phối hợp với các sở, ngành của Hà Nội tổ chức các sự kiện kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Việc kết nối này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các bên tham gia, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.

Cũng tại hội thảo, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP và các nhà phân phối thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã bàn thảo, tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm và thị trường, đồng thời ký kết 95 biên bản ghi nhớ trong tiêu thụ sản phẩm.

Thanh Tâm (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-dbsh-ho-tro-nong-dan-tiep-can-tien-bo-ky-thuat-nang-cao-chat-luong-san-pham-ocop-post38223.html